Ajahn Sumedho
Ajahn Sumedho,
thế danh là Robert Kan Jackman. Ông sinh năm 1934 tại thành phố Seattle, tiểu bang Washington,
Mỹ và lớn lên trong một gia đình theo
đạo Tin Lành
cùng với một người chị. Từ năm 1951
đến 1953, ông học tiếng Trung Hoa và sử học
tại Đại học Washington. Sau đó ông làm cán bộ
y tế cho Hải quân Mỹ. Làm y tế được
bốn năm, ông quyết định đi học trở
lại và tốt nghiệp bằng cử nhân khoa Đông
phương học. Nhờ ngành học này, ông
được làm quen với đạo Phật qua sách
vở; và bốn năm làm y tế trong Bộ Hải quân
Mỹ đã cho ông cơ hội tiếp xúc với Giáo
hội Phật giáo Nhật Bản.
Năm 1966, ông đến
Thái Lan, tìm hiểu thêm về đạo Phật, tu
thiền và sau đó thọ giới Sa-di tại một ngôi chùa quê hẻo lánh, Wat Sri Saket,
thuộc tỉnh Nong Khai, miền Đông bắc Thái Lan. Sư tu học thiền Minh sát (Vipassana) với ngài Ajahn Chah
tại tu viện Wat Nong Pa Pong, thuộc tỉnh Ubon trong
hơn 10 năm.
***
Nếu
một bên vai cõng mẹ, này các Tỳ-kheo, nếu một bên vai
cõng cha, làm vậy suốt trăm năm, cho đến
trăm tuổi; . . . Hơn
nữa, này các Tỳ-kheo,
nếu có an trí cha mẹ vào quốc độ với
tối thượng uy lực, trên quả đất
lớn với bảy báu này, như vậy, này các Tỳ-kheo, cũng chưa làm
đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Vì cớ
sao? Vì rằng, này các Tỳ-kheo,
cha mẹ đã làm nhiều cho con cái, họ nuôi dưỡng chúng, cho chúng cơm
áo, sinh chúng ra đời.
Nhưng
này các Tỳ-kheo,
ai đối với cha mẹ không có lòng tin, khuyến khích,
hướng dẫn an trú các vị ấy vào lòng tin;
đối với mẹ cha theo ác giới, khuyến khích,
hướng dẫn, an trú các vị ấy vào thiện
giới; đối với mẹ cha xan tham, khuyến khích,
hướng dẫn, an trú các vị ấy vào bố thí;
đối với mẹ cha theo ác trí tuệ, khuyến
khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào trí tuệ.
Cho đến như vậy, này các Tỳ-kheo, là làm đủ và
trả ơn đủ mẹ và cha.
(Tăng chi bộ kinh, HT Thích
Minh Châu, Chương 2, phẩm Tâm thăng bằng)
***
Thiền viện Amravati – Một ngày đặc biệt. Buổi sáng nay nhiều
người đã tụ họp về đây dự
một buổi lễ theo truyền thống, để
hướng về cha mẹ - những người đã quá cố hay vẫn
còn hiện tiền. Vào ngày này, chúng ta nghĩ đến kataññu kataveti, trong tiếng Pali
có nghĩa là biết ơn. Biết ơn là một hành
động thiện trong cuộc sống; để phát
triển kataññu chúng ta
chủ tâm nghĩ đến những điều tốt
đẹp chúng ta có được trong cuộc
đời. Vì thế vào ngày này, chúng ta đặc biệt
nghĩ đến những hành động thiện của
cha mẹ và quán tưởng đến họ. Chúng ta không
nghĩ đến những sai lầm của họ; thay vào
đó, chúng ta cố ý chỉ nghĩ đến những
điều tốt đẹp. Và sự tử tế mà cha
mẹ đã dành cho ta – dầu trong một số trường hợp,
không phải lúc nào tâm rộng lượng cũng có
mặt. Đây là một ngày
trong năm mà chúng ta nghĩ đến cha mẹ với lòng
biết ơn và tưởng nhớ đến những
điều tốt đẹp mà cha mẹ đã dành cho ta.
Sống mà không có lòng biết
ơn là một cuộc sống vô nghĩa. Nếu cuộc
đời chỉ là một chuỗi của những
lời oán than về sự bất công, về những thua
thiệt mà ta đã gặp phải, nhưng lại không
nhớ đến những may mắn đã từng
đến với ta, thì chắc chắn là chúng ta sẽ
bị trầm cảm - một căn
bệnh thường gặp trong xã hội ngày nay. Khi rơi vào trạng thái trầm cảm, chúng ta
không thể nhớ có điều gì tốt đẹp
đã xảy ra cho ta. Điều đó đã ngưng
đọng trong trí não, và ta khó thể nghĩ là mình sẽ
lại cảm thấy hạnh phúc bao giờ: trái lại ta
nghĩ là sự khốn khổ này sẽ không bao giờ chấm
dứt.
Ở Tích Lan, cũng như toàn châu Á, kataññu kataveti là một nét
văn hóa; nó rất được coi trọng và dung
dưỡng. Có khả năng hỗ trợ và chăm sóc
cha mẹ được coi là phước lớn trong
đời. Điều này khá thú vị đối với
những ai đến từ nền văn hóa phương
Tây, vì những giá trị phương Tây hơi khác hơn
thế.
Nhiều người trong chúng ta được
có cuộc sống sung túc, nhưng dầu được
sinh ra trong hoàn cảnh may mắn, chúng ta thường coi
đó là lẽ đương nhiên. Chúng ta có nhiều
đặc quyền, nhiều bổng lộc, và một
cuộc sống tốt đẹp hơn rất nhiều
những gì mà nhiều dân tộc trên thế giới mong
ước có được. Có rất nhiều
điều để ta hàm ân, nhiều thứ để ta
cảm thấy biết ơn, khi ta được sống
ở một nơi như Anh quốc.
Tôi nhớ lại khoảng thời gian khi tôi còn
là đứa trẻ, và cách mà cha mẹ tôi đã cống
hiến cả cuộc đời họ để chăm
lo cho tôi và chị gái tôi. Lúc nhỏ, tôi chẳng hề quan
tâm về điều đó chút nào. Là một đứa
trẻ Mỹ, chúng tôi không hề nghĩ gì về
điều này, chúng tôi xem việc làm đó của cha
mẹ là đương nhiên.
Chúng tôi không hề nhận thức được
những gì họ đã hy sinh, những gì họ đã
chịu đựng để chăm lo cho chúng tôi. Chỉ
khi đã lớn khôn, đã phải hy sinh nhiều thứ
cho con cái hay cho người khác thì chúng tôi mới biết
hàm ơn và cảm thấy biết ơn (kataññu kataveti) cha mẹ.
Tôi lại nhớ về cha tôi. Trước thời kinh tế
khủng hoảng năm 1929, cha tôi là một nghệ sĩ
có nhiều triển vọng.
Rồi cuộc khủng
hoảng xảy ra năm 29 đã tước đi tất
cả mọi thứ mà cha mẹ tôi sở hữu. Cha tôi vì
thế phải đi bán giày để lo cho chúng tôi. Chị
gái và tôi sinh ra trong thời kỳ khủng hoảng,
nên ông phải lo cho chúng tôi rất nhiều. Rồi
chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, cha tôi
đã quá tuổi gia nhập quân đội, nhưng ông
rất muốn ủng hộ cuộc chiến đó, nên ông
trở thành một công nhân đóng tàu ở New Seattle. Ông làm
việc ở một bến tàu. Ông cũng không thích công
việc đó mấy, nhưng đó là công việc tốt
nhất mà ông có thể tìm được trong thời
kỳ thế chiến thứ hai. Sau thế chiến, ông
trở về với việc kinh doanh giày và trở thành quản
lý của một cửa hàng bán lẻ. Sau này lớn lên, khi
nói chuyện với ông, tôi mới biết ông cũng không
thật sự yêu thích công việc đó, nhưng ông cảm
thấy mình không còn trẻ để có thể tìm
được công việc nào khác. Việc ông phải hy
sinh những sở thích của mình chính là để chăm
lo cho mẹ tôi, chị tôi và tôi.
Ngược lại, tôi có nhiều lựa chọn
hơn, nhiều cơ hội tốt hơn. Thế hệ
những người trẻ chúng tôi sau này có quá nhiều
lựa chọn. Tuy nhiên cha mẹ tôi thì không có những
cơ hội như thế; thế hệ của họ
cực nhọc hơn và phải tự lo thân khi còn khá
trẻ. Cả cha và mẹ tôi
đều có khả năng nhưng họ không có cơ
hội để phát triển vượt lên cách kiếm
sống bình thường.
Khi tôi lên đại học, vào những năm
1950, môn học thời thượng lúc bấy giờ là
triết học. Lúc đó những người trẻ
tuổi đều có xu hướng đổ lỗi cho
người mẹ về tất cả những thất
bại, bất như ý trong cuộc đời của
họ. Người mẹ là đối tượng bị
nhắm vào, bị gán là nguyên nhân của mọi khổ
đau của con cái họ. Lúc đó tôi chưa nhận
thức được rằng khổ
là điều không thể tránh trong kiếp nhân sinh. Dĩ
nhiên mẹ tôi cũng không hoàn hảo. Bà đâu phải là
người đã giác ngộ khi sanh tôi ra, nên hiển nhiên
là có nhiều điều bà có thể làm tốt hơn. Nhưng
nói chung, sự hy sinh, tận tụy, tình thương yêu, lo
lắng luôn có mặt – tất cả chính là để làm
cho cuộc sống của cha tôi, chị tôi và tôi
được tốt đẹp, được hạnh
phúc trong khả năng mà bà có thể mang đến. Mẹ
tôi không đòi hỏi gì riêng cho bản thân. Vì thế, khi
nghĩ lại những điều như thế, thì lòng
biết ơn (kataññu)
đối với cha mẹ, phát khởi trong tôi. Giờ tôi
khó lòng nhớ lại bất cứ sai lầm nào của
họ; những sai lầm mà khi còn trẻ, chúng luôn ám
ảnh trong đầu tôi; giờ những lỗi lầm
đó quá nhỏ bé khiến tôi khó thể nhớ lại
điều gì.
Tuy nhiên, nếu chúng ta để mãnh lực
của thói quen và hoàn cảnh lôi kéo, chúng ta ít nhiều gì
cũng dính mắc với tất cả những thứ ta
đã khắc ghi trong long - với những thói quen mà ta đã huân tập
từ khi còn bé – những thứ này có thể chiếm lĩnh tâm
thức ta ở tuổi già.
Nhưng khi lớn lên, trưởng thành, ta nhận
thức là ta có thể phát triển sự thiện xảo
trong cách mà ta nghĩ về bản thân, và trong cách mà ta
nghĩ về người khác.
Đức Phật khuyên chúng ta nên nhớ nghĩ
đến những điều tốt đẹp mà cha
mẹ, các vị thầy, thân hữu, hay bất cứ ai,
đã làm cho ta; và phải chú tâm làm điều này - vun
trồng nó, chủ tâm đem nó vào tâm thức - hơn
là để nó xảy ra một cách tình cờ, ngẫu
nhiên.
Khi trở thành
một tu sĩ Phật giáo ở Thái Lan, tôi may mắn
được gặp vị thầy, Luang Por Chah (Ajahn Chah),
người đã trở thành chất xúc tác cho lòng biết
ơn (kataññu) trong tôi
trỗi dậy. Lúc đó tôi khoảng 33 hay 34 tuổi, và tôi
phải thú nhận rằng tôi chưa hề có lòng hàm ân
trong cuộc đời. Tôi
vẫn còn chấp ngã nặng nề, lúc nào cũng là tôi
muốn gì, tôi nghĩ gì. Tuy
nhiên, sau một thời gian tu tập, khoảng năm
thứ sáu trong cuộc đời tu của mình, tôi đã có
được một trải nghiệm sâu sắc, một
trải nghiệm được coi như là một
trải nghiệm của lòng biết ơn (katannu katavedia).
Tôi đã xuất gia
nhiều năm trước khi được gặp ngài
Luang Por Chah. Tôi bị Phật giáo cuốn hút năm 21
tuổi, nên tôi rất ngưỡng mộ và tin
tưởng vào Phật giáo, cũng như rất sốt
sắng để học và thực hành Phật pháp. Nhưng
tận cùng sâu thẳm vẫn là cái cảm giác của ngã
chấp, của tôi tu
học, tôi thực hành. Khi
xuất gia, trong đầu tôi vẫn còn cầu mong: “Tôi
muốn được giải thoát. Tôi muốn
được giác ngộ”. Tôi không quan tâm đến
người khác, đến cha mẹ, hay ngay cả
đến ngài Luang Por Chah, là người đang giúp tôi tu
học. Tôi cũng nghĩ là ngài rất tốt vì đã giúp
đỡ tôi (xin ‘cảm
ơn’), nhưng trong lòng tôi không có cảm giác hàm ân.
Thật là một ý
nghĩ rất lạ kỳ, một loại suy nghĩ không
tốt lành gì: Tôi nghĩ rằng đó là chuyện tự
nhiên, rằng cuộc đời phải mang đến cho
tôi những thứ đó - một
thứ ngã mạn khó chấp nhận. Khi lớn lên trong sự
đầy đủ của một gia đình thuộc giai
cấp trung lưu, chúng tôi đã coi mọi thứ là
chuyện đương nhiên.
Cha mẹ tôi đã phải làm việc cực khổ
để chúng tôi được sống thoải mái,
nhưng tôi luôn nghĩ là họ chưa làm đủ bổn
phận, và rằng đáng lý ra tôi phải được
đầy đủ hơn nữa. Dầu đó không
phải là những điều tôi nói ra, nhưng thái
độ tôi tỏ rõ điều đó, rằng tôi
xứng đáng được có tất cả mọi thứ:
người khác phải chu cấp cho tôi tất cả; cha
mẹ tôi phải mang đến cho tôi một cuộc
sống tốt nhất, vì tôi muốn được
như thế. Do đó, tôi
nghĩ bổn phận của Thiền sư Ajahn Chah là phải dạy dỗ, dìu
dắt tôi!
Đôi khi tôi có ý
nghĩ rằng sự có mặt của tôi là một
đại phước, một tài sản quý báu cho tu
viện. Tôi không thực sự ý thức về điều
đó, nhưng khi tôi bắt đầu quán tâm tôi có thể
thấy được ý nghĩ này, và bắt đầu ý
thức đến sự vô cảm này. Chúng ta có thể xem thường rất
nhiều thứ và than thở là cuộc đời không tốt,
không hoàn hảo, không nhiều lợi lộc như chúng ta
tưởng; tệ hơn ta luôn nghĩ là kẻ khác
được nhiều may mắn hơn ta.
Khi ở Thái Lan, tôi tu
hành tinh tấn và kiên định trong cuộc sống
xuất gia. Sau năm mùa an cư, vị Tăng sĩ không còn là Sa-di
nữa mà có thể tự đi con đường riêng. Dầu
tôi cảm thấy ở bên cạnh một vị thầy
cũng tốt thôi nhưng tôi cũng muốn đi con
đường riêng của mình, nên từ Đông bắc Thái tôi đến miền Trung Thái
Lan. Rồi sau một mùa an cư tôi hành hương
đến Ấn Độ. Đó là vào năm 1974, tôi
quyết định đi như một vị Tỳ-kheo – đó là đi bộ từ nơi này đến nơi
khác như một cách hành pháp của một vị tu
sĩ. Một thí chủ đã
cúng dường cho tôi vé bay từ Bangkok đến Calcutta,
và ở Calcutta tôi vấn y, đi khất thực với
bình bát – vì tôi không mang tiền
– không một đồng xu. Đi khất thực ở
Thái Lan thì dễ rồi, nhưng ở Ấn Độ,
dường như việc đi lang thang với bình bát và
không tiền bạc, có thể rất đáng sợ. Sự
việc xảy ra là năm tháng mà tôi ở Ấn Độ
quả là một cuộc phiêu lưu, và tôi có nhiều
kỷ niệm đáng nhớ về khoảng thời gian
đó. Cuộc sống của một tu sĩ khất
thực ở Ấn Độ rất suôn sẻ. Dĩ
nhiên phải như thế vì so với tất cả các
quốc gia khác, đây là nơi Đức Phật đã
từng sống và giáo huấn.
Trong khoảng
thời gian này tôi bắt đầu nghĩ đến Luang
Por Chah. Tâm tôi bắt đầu nhận thức về
sự tử tế mà ngài đã dành cho tôi. Ngài đã
nhận tôi làm đệ tử, chăm lo cho tôi, quan tâm
đến tôi, giáo huấn tôi và giúp đỡ tôi gần
như trong mọi hoàn cảnh. Ngài còn là tấm gương
để tôi soi. Nếu bạn muốn làm một tu sĩ,
hãy làm người tu sĩ như ngài. Ngài là một
người hoàn hảo, là người tôi muốn noi theo,
là người truyền cho tôi cảm hứng – và tôi phải thú nhận rằng không có bao
nhiêu người có thể khiến tôi suy nghĩ như
thế. Nhiều mẫu thần tượng ở Mỹ
không hấp dẫn tôi chút nào như tài tử John Wayne hay
Tổng thống Eisenhower hay Richard Nixon đều là
những người tôi không muốn noi theo. Các ngôi sao
điện ảnh hay thể thao đều
được coi là rất quan trọng, nhưng cũng không
có người nào có thể khiến tôi cảm phục.
Nhưng rồi tôi
được gặp vị tu sĩ ấy. Ông là người
nhỏ thó; tôi cao ngất ngưỡng đối với
ông. Khi chúng tôi ở cạnh nhau, điều này đôi khi
làm tôi ngạc nhiên, vì sự có mặt của ông thì quá
lớn. Không kể đến kích thước nhỏ bé
của mình, ông dường như luôn to lớn hơn tôi.
Uy lực, khí thế của người đàn ông nhỏ
bé này thật đáng nể - tôi thực sự không thể coi ông là người
nhỏ bé, tôi nghĩ ông là một đại nhân, và đó là
vì tâm từ bi của ông. Ông là người có tâm từ bi vô
lượng. Chính vì vậy mà người ta cảm
thấy quý mến ông. Ông
giống như một thỏi nam châm thu hút bạn
đến gần với ông. Do đó những khi có thể
tôi đều tìm đến thất của ông; tôi không
bỏ cơ hội nào để được gần
gủi, thân cận bên ông. Và
tôi nhận thấy đó cũng là việc đa số các
đệ tử thường làm đối với ông. Ông
có rất nhiều đệ tử ở Thái Lan, cả
người Thái và người Tây phương, do công
hạnh từ bi của ông. Có lần tôi hỏi
điều gì ở ông đã thu hút nhiều người tìm
đến tu học với ông, và ông bảo, “Tôi cho đó
là do thỏi nam châm của tôi”. Ông là người rất
dễ gần; ông có đặc tính sôi nổi, nhiệt
huyết, tỏa sáng, vì thế
các đệ tử theo ông rất đông. Ông đã dùng
‘thỏi nam châm’ của mình để thu hút người ta,
để ông có thể dạy cho họ Phật pháp. Đó
là cách ông sử dụng cá tính dễ gần của mình:
không phải cho bản ngã, mà là để cứu giúp
người.
Tôi cảm thấy vô
cùng hàm ân vì những việc làm như thế này – rằng ông đã bỏ thì giờ, công
sức để chăm lo cho cư sĩ và những Tăng sĩ đầy nghiệp
chướng như bản thân tôi, phải chịu
đựng những người không ngừng tạo rắc
rối như chúng tôi; chúng tôi luôn chấp ngã, luôn bám víu vào ái
dục, nghi hoặc, ý kiến, quan điểm của mình.
Cả ngày lẫn đêm bị vây chặt bởi những
người không dừng phiền não, sân hận,
người ta cần phải thực sự từ bi, và
ông đã làm được như thế. Ông có thể
đi đến một nơi thanh tịnh để
sống bình an. Đó là điều tôi cũng muốn làm lúc
đó. Tôi muốn được giác ngộ để có
thể sống một cuộc sống hạnh phúc, bình an
ở một nơi thanh bình, an vui. Tôi muốn tất
cả mọi người trong tu viện phải hòa
thuận, phải ăn ý và phải hòa nhịp với tôi
để không có mâu thuẫn hay xung đột gì. Nhưng
trong các tu viện Thái luôn có các vấn đề và
chướng ngại. Luật
tạng (Vinaya Pitaka – là bộ
giới luật do Đức Phật chế ra cho hàng
đệ tử xuất gia) bao gồm tất cả các
tích truyện về những gì các vị tu sĩ đã làm
khiến Đức Phật phải chế ra các
điều luật hướng dẫn này. Một số giới luật
về những điều rất tồi tệ mà các Tăng sĩ có thể phạm phải.
Một số các vị tu sĩ ở bên cạnh Phật
thật đáng trách.
Sau khi giác ngộ, lúc
đầu Đức Phật đã nghĩ là giáo Pháp
của Ngài quá vi tế, khó ai
có thể hiểu được, vì thế không ích lợi
gì đem chúng đi truyền dạy. Sau đó, theo
truyền thuyết, một trong các vị trời đã
đến trước Ngài
và nói, “Bạch Thế Tôn,
hãy vì lợi ích của những người có ít bụi
trong mắt mà dạy Pháp”. Đức Phật sau đó
với tâm trí tuệ đã quán xét xem những ai có thể
hiểu được Pháp mà Ngài sẽ dạy. Ngài nghĩ
đến các vị thầy trước kia của mình,
nhưng với thần lực của mình, Ngài biết
rằng cả hai đều đã qua đời. Rồi Ngài nhớ đến năm người
bạn đồng tu thuở xưa, những người
đã từ bỏ Ngài.
Với lòng từ bi, Ngài
tìm đến năm người bạn này và giảng
về Tứ diệu đế cho họ. Việc này
cũng khiến tôi đầy hàm ân đối với Đức
Phật. Thật tuyệt diệu: tôi đây – kẻ này, ở đây, trong thế kỷ
này – được có cơ
hội lắng nghe pháp,
được biết chân pháp
vẫn còn tồn tại.
Hơn nữa, có
được một vị thầy như ngài Ajahn Chah,
khiến tôi không phải chỉ tôn kính một vị tiên tri
sống cách đây hơn 2.500
năm, mà thực sự là tôi như được
thừa kế sự truyền thừa của chính
Đức Phật. Có thể
nhờ được viếng thăm các thánh địa
Phật giáo ở Ấn Độ mà lòng hàm ân (kataññu kataveti) trong
tôi càng trở nên rất mãnh liệt. Nhận ra điều
này và nghĩ đến Luang Por Chah ở Thái Lan, tôi nhớ
lại mình đã suy nghĩ như thế nào trước
đây: “Tôi đã hoàn tất năm năm tu học,
giờ tôi phải ra đi. Tôi sẽ thực hiện vài
cuộc phiêu lưu, làm tất cả những gì tôi muốn
làm, thoát khỏi tầm kiểm soát của ông lão kia”. Tôi nhận ra rằng mình thực
sự đã chạy trốn. Vào thời điểm đó
có rất nhiều người Tây phương tìm
đến tu viện của chúng tôi ở Thái Lan, nên tôi
không muốn bị phiền hà vì họ. Tôi không muốn
phải huấn luyện, thông dịch cho họ, tôi chỉ
muốn sống cuộc đời của mình, không bị
người khác quấy rầy. Do đó chuyện tôi ra
đi là vì động cơ ích kỷ; hơn thế
nữa, tôi đã bỏ Luang Por Chah lại với những
thiền sinh Tây phương không biết tiếng Thái này.
Lúc đó chỉ có tôi là có thể thông dịch cho họ vì
Luang Por Chah không nói được tiếng Anh.
Khi tôi cảm nhận trạng thái đầy
hàm ân (kataññu kataveti) này, tôi
chỉ muốn trở lại Thái Lan để phục
vụ Ajahn Chah hết mình. Làm sao tôi có thể trả ơn
một vị thầy như thế?… Tôi không có tiền, mà
ông cũng chẳng quan tâm gì đến thứ đó. Sau
đó tôi nghĩ cách duy nhất mà tôi có thể làm để
ông vui là trở thành một vị tu sĩ Phật giáo
lỗi lạc, rồi trở về giúp đỡ ông;
dầu ông muốn tôi làm gì, tôi cũng làm theo. Với dự
tính đó, sau năm tháng ở Ấn Độ, tôi trở
về lại Thái và dốc tâm phục vụ thầy. Đó
là một sự cúng dường đầy hoan hỷ, không
phải do ích kỷ, hẹp hòi, vì hành động đó phát
xuất từ lòng biết ơn (kataññu), biết ơn về những điều
tốt lành tôi đã thọ nhận từ thầy.
Từ đó trở đi, tôi nhận thấy
việc hành thiền của mình bắt đầu có
tiến bộ. Tâm ích kỷ sâu dày trong tôi bị vỡ nát:
cái tôi muốn điều này điều nọ, muốn
mọi người hòa thuận, cái tôi và tâm mong cầu tu
tập để được một cuộc sống
bình an, cái tôi không muốn có trách nhiệm với bất
cứ điều gì mà chỉ muốn lo việc của riêng
mình. Khi tôi buông được tất cả những
thứ đó, mọi thứ dường như ổn
định hơn. Những gì khi trước khó khăn,
như định tâm chẳng hạn, trở nên dễ dàng
hơn, và tôi cảm thấy cuộc sống vui tươi
hơn. Tôi bắt đầu thích
cuộc sống trong tu viện. Tôi không chỉ ngồi
đó than thở, “Tôi bị quấy
rầy, tôi không thích tu viện này – Tôi muốn chuyển
đi nơi khác”, như tôi vẫn thường làm
trước đây. Tôi cũng không thấy nhiều phiền
não như trước kia: “Ông Tăng này làm
phiền tôi quá, tôi không thể sống ở đây”, vân
vân. Tâm phiền não này thường là chướng ngại
trong việc tu tập của tôi, nhưng giờ bỗng
nhiên những điều này, và những gì xảy ra trong tu
viện không còn là những vấn đề quan trọng
đối với tôi nữa.
Thực sự tôi đã nghĩ là khi trở
về, tôi sẽ xin Ajahn Chah gửi tôi đến một tu
viện nơi không có vị sư nào muốn tới,
giống như một tu viện nhánh gần biên giới
Campuchia. Nơi đó được gọi là Chùa Bahn Suan
Kluey, “Chùa Làng Vườn Chuối”. Chùa ở trong rừng sâu, không có
đường xá, một vùng còn rất hoang sơ
của Thái Lan, dân chúng thì rất nghèo khổ. Khí hậu
nơi đó thường rất nóng, cây cối thì còi
cọc, tôi không thấy có nhiều chuối mọc quanh
đây! Tóm lại đến đó cũng giống như
bị đày qua Siberia. Nên khi trở về, tôi đã
đề nghị Ajahn Chah gửi tôi đến đó.
Ông không làm thế; nhưng ông khuyên tôi nên
đến Bahn Bung Wai, là một làng cách tu viện chính này
khoảng sáu cây số. Do
đó đến năm 1975 chúng tôi lập được
chùa Pah Nanachat, “Lâm Viên Viện Quốc Tế - The International
Forest Monastery” gần làng này.
Trước khi chúng tôi đến thì nơi đó
chỉ là một khu giữ cốt, nơi hỏa táng
của làng, và người ta tin là khu rừng đó toàn là
ma. Vì thế dân làng thường đến hỏi, “Có
ổn không?” Lúc đầu chúng tôi không thực sự
biết nơi này có ý nghĩa gì đối với dân
làng. Nhưng rồi tôi
nhận ra mình đang ở ngay tại chỗ mà những
con ma tinh quái nhất trong khu rừng đang sống, vì
thế vị trưởng làng thường đến
thăm hỏi, “Sư ngủ có yên không? Có thấy gì khác lạ?” Tôi thực
sự chẳng thấy gì cả, mấy con ma đó
chẳng quấy phá gì tôi. Nhưng kinh nghiệm sống
ở đó đã giúp tôi chứng tỏ rằng mình
thực sự sống cuộc đời của một Tăng
sĩ, và đó là nhờ vào lòng biết ơn (kataññu).
Điều đó cũng giống như khi
tôi đến Anh quốc năm 1977. Khi Luang Por Chah yêu
cầu tôi đến đây, tôi quyết định nghe
theo, chứ không chỉ làm theo cảm tính hay trạng thái
riêng tư nào của tôi – vì năm
đầu tiên ở đây tôi cảm thấy rất
bực bội, chỉ muốn quay trở lại Thái Lan
ngay. Nhưng vì tình cảm
biết ơn này mà tôi không hành động theo tánh bốc
đồng của mình. Tình cảm này khiến tôi cảm
thấy có trách nhiệm, phải phục vụ, nhưng
không quá nặng nề, áp lực. Kataññu có nghĩa là tôi ở lại đây không vì
cảm thấy trách nhiệm – là điều
khiến cuộc sống mất vui - mà do tâm nguyện
muốn phục vụ, muốn hy sinh. Đây là việc
thiện lành đáng làm. Nhờ thế chúng tôi có thể
cảm nhận được lòng biết ơn (kataññu) đối với
những vị thầy như Luang Por Chah.
Nói về lòng biết ơn khiến tôi
nhớ lại một câu chuyện khá lý thú. Vị Tăng
hướng dẫn tôi đến gặp Luang Por Chah cùng
tuổi với tôi; thầy đã từng ở trong Hải
quân Thái, còn tôi ở trong Hải quân Mỹ trong chiến tranh
Hàn quốc. Thầy có thể nói thứ tiếng Anh pha
tạp, đã từng tu theo tudong
(khổ hạnh) – đã lang thang từ tỉnh Ubon,
nơi Ajahn Chah từng sống, đến Nong Khai, nơi
tôi đang có mặt. Đó là
năm đầu tiên của tôi với tư cách là một Sa-di,
và thầy là vị sư Thái đầu tiên tôi gặp
biết nói tiếng Anh, nên tôi thật vui mừng khi có
người để trò chuyện. Thầy cũng rất
nghiêm trì giới luật, giữ kỹ mọi luật
lệ trong Luật tạng Vinaya. Thầy thọ thực
ngay trong bình bát khất thực, mặc y màu nâu đậm
của chốn núi rừng, trong khi ở tu viện nơi
tôi sống, quý tăng sĩ mặc y màu vàng cam; thầy
thực sự gây ấn tượng như là một vị
Tăng sĩ mẫu mực. Thầy khuyên tôi nên
đến sống nơi ngài Ajahn Chah, để sau khi
thọ giới Tỳ kheo, vị pháp chủ sẽ
cho phép tôi theo thầy đến ở với ngài Luang Por
Chah. Nhưng trên đường đi tôi bắt
đầu thấy bực bội với vị thầy này
– người
té ra rất khó chịu. Thầy không ngừng than phiền
về mọi thứ, chê trách các vị sư khác, cho
rằng Tăng chúng nơi thầy ở là
tốt hơn cả. Tôi không thể chịu
được tính cao ngạo, hống hách của thầy,
và cầu mong là ngài Ajahn Chah không giống như thế. Tôi
hoang mang không biết mình đang rước thứ gì vào thân.
Khi đến Wat Pah Pong, tôi thở phào khi
thấy ngài Ajahn Chah không giống như thế. Một
năm sau, vị thầy đó, tên là Sommai, đã hoàn tục
và trở thành một kẻ nát rượu. Chính cuộc
sống nơi tu viện đã giúp thầy xa rời
rượu chè, vì thế sau khi hoàn tục thầy quay
lại với rượu, trở nên một người
rất tệ hại, gây bao tai tiếng tại bang Ubon. Thầy
trở thành người vô gia cư, một hoàn cảnh
rất tệ hại, khiến tôi cảm thấy khinh
bỉ, chán ghét thầy. Một chiều kia khi trao
đổi với ngài Ajahn Chah về chuyện này, ngài
đã nói: “Con phải luôn có lòng biết ơn (kataññu) đối với
Sommai, vì chính thầy ấy đã mang con đến đây.
Dầu thầy ấy có hành động tệ hại
đến đâu, trở thành bệ rạc đến
thế nào, con cũng phải đối xử với
thầy ấy như là một minh sư, và phải tỏ
lòng biết ơn. Con có thể là một trong những điều
thực sự tốt lành đã xảy đến trong
cuộc đời thầy ấy, một điều mà
thầy ấy có thể tự hào; nếu con tiếp
tục nhắc nhở thầy ấy về điều này
- một
cách khéo léo, không phải với cách làm thầy ái ngại - thì rồi
thầy ấy dần dần có thể sửa đổi”. Vì thế Luang Por Chah khuyến
khích tôi đi tìm Sommai, chuyện trò thân mật với
thầy ấy, và bày tỏ lòng biết ơn với
thầy ấy vì đã mang tôi đến với ngài Ajahn
Chah. Đó đúng là một việc tốt đẹp nên
làm. Khinh bỉ người
đó và nói những lời như: “Thầy làm tôi
thất vọng quá. Thầy thường chê trách
người khác và nghĩ mình là tốt hơn cả,
vậy mà giờ nhìn thầy kìa”, thật là
việc dễ làm. Ta có thể tức giận và thất
vọng với một người nào đó vì họ đã
không sống đúng như chúng ta mong mỏi. Nhưng
điều mà Luang Por Chah muốn dạy ta là: “Đừng
làm như thế, chỉ tốn thời gian, gây thêm tổn
hại, mà hãy hành động thiện lành vì lòng từ bi”. Tôi
có gặp lại Sommai hồi đầu năm này, vẫn
thảm thương như bao giờ; tôi không thấy
thầy ấy có gì thay đổi. Tuy nhiên, bất cứ
khi nào thầy nhìn thấy tôi, dường như
điều đó tạo ảnh hưởng tốt cho
thầy. Có lẽ thầy nhớ lại rằng thầy là
người đã giúp tôi đến tu học với Luang
Por Chah – và đó là nguồn hạnh phúc hiếm hoi trong
cuộc đời thầy. Ta có thể cảm thấy
rất vui khi có thể đem lại chút hạnh phúc cho
một người rất bất hạnh.
Tương tự, tôi nghĩ tưởng
đến các vị thầy mà tôi không được biết
cụ thể, thí dụ như Alan Watts, tác giả của
quyển “The Way of Zen” (Phương cách thiền),
là một trong những quyển sách Phật giáo tôi
đọc sớm nhất. Quyển sách đã tạo
ấn tượng mạnh cho tôi. Vào thời gian đó, có
được cái gì về Phật giáo để
đọc là một niềm vui, và tôi thường
đọc đi, đọc lại quyển sách đó
nhiều lần. Nhưng sau đó, tôi được
biết ông cũng thay đổi. Tôi được
gặp ông, khi tôi tham dự một số buổi nói
chuyện của ông tại San Francisco, nhưng, dầu ông
là một nhà hùng biện, còn tôi, lúc đó đang ở trong
giai đoạn chuyên tu, ông cũng không thuyết phục
được tôi.
Vì thế, giờ nhìn lại, tôi cảm
thấy hàm ân (kataññu)
đối với những vị như Alan Watts, các tác
giả, quý thầy, những người đã khuyến
khích, giúp đỡ tôi khi tôi cần đến.
Họ đã làm gì sau đó, hoặc họ có sống như
tôi mong mỏi hay không lại là chuyện khác. Có lòng từ bi và
lòng biết ơn (kataññu) là
không được chỉ trích, hay kết tội, hoặc
chăm bẳm vào những điều không tốt
đẹp của người; mà đó là khả năng
chọn lọc và nhớ nghĩ đến những
điều thiện lành họ đã làm.
Có được một ngày như thế
này, khi chúng ta chủ tâm nghĩ đến cha mẹ với
lòng biết ơn, là một cách để mang niềm hoan
hỷ và những tình cảm tích cực đến trong
cuộc đời ta. Buổi sáng nay, quý vị nguyện
thọ Năm giới và dâng cúng thực phẩm cho
Tăng đoàn như một cách để nghĩ
đến cha mẹ với lòng biết ơn là một
cử chỉ đẹp. Ở những lúc như thế
này, ta cũng nên nghĩ đến việc biểu hiện
lòng biết ơn (kataññu)
đối với đất nước mà ta đang sinh
sống, vì ta thường xem đó là việc
đương nhiên. Chúng ta có thể nghĩ đến
những phúc lợi, những điều tốt
đẹp mà đất nước, xã hội tạo ra cho
chúng ta, hơn là chú trọng đến những cái chưa
tốt, những điều ta không thích… Chúng ta cần phát
triển lòng biết ơn (kataññu),
dầu tư tưởng hiện đại không khuyến
khích ta làm thế. Đó không phải là yêu nước mù
quáng hay có tính tự hào dân tộc quá đáng, nhưng đó
là sự hàm ân và biểu hiện của lòng biết ơn
về những cơ hội và những điều tốt
đẹp mà ta được hưởng khi sống trong
xã hội. Cách suy nghĩ như thế điểm thêm nét
vui tươi cho cuộc đời thay vi nghĩ là
đất nước này, xã hội này nợ tôi bao nhiêu
thứ: “Tôi đáng được hơn
thế nữa. Họ chưa đáp ứng cho tôi
đầy đủ”. Cách suy nghĩ
đó là của tâm lệ thuộc, đúng không?
Lần đầu tiên tôi để ý đến
điều đó khi tôi ở trong Hải quân Mỹ trên tàu
tiếp tế, thường đi lui tới giữa các
căn cứ quân sự Nhật và Phi. Tôi rất thích làm lính
biển, được ở ngoài biển khơi, nên tôi
không có chi để phàn nàn. Tôi cảm thấy Á châu thật
quyến rũ khi đến các nước Nhật, Hong
Kong và Phi. Tôi nhớ lần đầu tiên đến Hong
Kong vào năm 1955, tàu vào bến cảng, tôi rất hào
hứng về việc được đi thăm thành
phố này. Tôi cố rủ ai đó đi chung, nhưng
họ từ chối, “Ý, tôi không thích Hong
Kong đâu”. Tôi thì quá hứng thú nhưng không tìm
được ai để đi với mình. Những
người khác có xuống tàu thì cũng chỉ để
đi đến lầu xanh, quán bar – họ chỉ nhìn
thấy Hong Kong như thế. Đúng là một trạng
thái tâm tiêu cực phải không? Quân lính Mỹ
những ngày ấy không được sáng suốt lắm.
Nếu nơi nào không phải là Des Moines, Iowa, thì nơi
ấy không tốt. Họ không tìm thấy vẻ đẹp
ở những nơi xa lạ, họ chỉ thấy đó
không phải là Des Moines, Iowa hay Birmingham, Alabama.
Tôi phục vụ bốn năm trong Hải
quân, suốt khoảng thời gian đó tôi phải luôn nghe
những lời ta thán.
Những người lính trên tàu kêu ca đủ
thứ chuyện. Thực ra thời gian đó, ở trong
quân đội chúng tôi được biết bao quyền
lợi – thí dụ như những cơ hội về giáo
dục. Nhờ đã phục vụ trong quân đội, tôi
được học bổng trong bốn năm
đại học, cũng như rất nhiều thứ
khác mà giờ tôi cảm thấy rất hàm ân. Mặc
dầu vậy, thái độ của mọi người là
cố vơ vét càng nhiều càng tốt từ quân
đội, và sử dụng chúng cho mục đích riêng
tư; ta thán về tất cả mọi thứ và luồn
lách bằng mọi cách. Ngay cả điều họ
đang làm là phạm pháp, vô đạo đức, cũng
được – miễn là không bị bắt gặp
tại trận. Và thực tại đó là trong một xã
hội có thể cung ứng tất cả cho họ! Cuộc
sống được đảm bảo, nhưng thái
độ của họ là: “Cho tôi, cho tôi, cho
tôi. Tôi được lợi
gì trong đó?” Kết quả là nó trở thành
một xã hội đầy tiêu cực, trong đó mọi
người ta thán, kêu ca không dứt.
Nên hôm nay là ngày để ta phát khởi kataññu (lòng biết ơn).
Đừng nghĩ rằng đó chỉ là một ngày
để ta có thể sống tình cảm. Kataññu là một phương cách tu tập ta
phải phát triển trong cuộc sống hằng ngày, vì nó
mở rộng trái tim ta, đem hoan hỷ đến trong
cuộc sống của ta. Và chúng ta cần niềm hoan
hỷ đó. Nó nuôi
dưỡng ta, nó cần thiết cho sự phát triển tâm
linh của ta. Hỷ là một
trong những yếu tố giác ngộ. Cuộc sống không có niềm
hoan hỷ sẽ rất đáng sợ - u ám, tẻ nhạt
và buồn chán. Nên ngày hôm nay là ngày để dành cho những
hồi tưởng vui tươi.
Diệu Liên Lý Thu
Linh
(Chuyển ngữ từ Gratitude to Parents, www.amaravati.org)