Martine
Batchelor* - Diệu Liên Lý Thu Linh dịch
Mae Chi
Sansenee, người đã tạo dựng một ngôi chùa
trong công viên ở vùng ngoại ô Bangkok. Khu vườn của
bà đầy hoa sen, hồ nước, cầu nhỏ, và là
một ốc đảo yên tĩnh trong cái nóng bức của
vùng ngoại ô khô cằn của Bangkok.
*
Tôi trở thành tu nữ mười ba
năm trước vì tôi chán cuộc sống trần tục.
Tôi muốn dừng lại một thời gian. Để dừng
lại, quý vị phải chọn một phương
hướng mới, và tôi đã chọn Phật giáo. Tôi
không biết mình có là nữ tu suốt đời không,
nhưng hiện tại được làm người con
Phật là điều quan trọng nhất mà tôi có thể
làm. Tôi cố gắng làm tốt vai trò của một nữ
tu sĩ trong khả năng của mình. Tôi xuất gia ở
một ngôi chùa cách đây hai kí-lô-mét. Sư phụ của
tôi, vị trụ trì ngôi chùa đó, đề nghị tôi mua
mảnh đất lớn này. Sau khi sư phụ qua đời,
tôi quyết định trả ơn cho người bằng
cách đi theo bước chân của ngài. Sư thường
hay giúp đỡ rất nhiều người. Tôi nghĩ rằng
trên mảnh đất này tôi có thể xây dựng một
nơi để tiếp tục tinh thần từ bi của
sư.
Có bảy dự án tất cả. Ở ngôi
chùa chánh, tôi bắt đầu với trường mầm
non dành cho trẻ em khuyết tật. Dự án thứ hai là
trường trung học sơ cấp nơi chúng tôi huấn
luyện các học sinh học về cốt lõi của Phật
pháp, cũng như các môn học khác. Các em không phải hành
thiền nhiều như trong các khoá tu, nhưng các em phải
hiểu Phật giáo là gì. Không
ích kỷ nghĩa là gì? Lòng từ bi và thông cảm đối
với người khác nghĩa là gì?
Chúng tôi cũng giúp đỡ
một nhóm võ sĩ trẻ đến từ vùng quê, kiếm
sống bằng việc đấu võ. Làm võ sĩ không có
nghĩa là phải ác. Hiểu biết về Phật pháp có thể giúp ích cho
người võ sĩ. Tôi luôn ủng hộ họ để
họ có thể có được một cuộc sống
tâm linh. Những dự án khác là giúp cho các sinh viên đại
học đến đây hành thiền, và giúp các nữ
cư sĩ, các nữ tu, các bà mẹ trẻ không chồng
đến đây dự các khóa tu.
Tất cả các dự án này đều là
áp dụng giáo lý của Đức Phật. Nhưng người tham dự
không cần thiết phải là Phật tử - họ có thể
là người Cơ-đốc giáo.
Điều đó không quan trọng. Họ không cần phải
là Phật tử, bởi vì Phật pháp rất thông dụng.
Có rất nhiều thứ họ có thể tiếp thu và áp dụng
trong sinh hoạt hằng ngày của họ.
Tôi xem những công việc này là đối
tượng thiền định của mình. Trong khi làm việc
tôi theo dõi hơi thở. Tôi tập thở rất nhiều
và luôn luôn có chánh niệm trong công việc mà tôi đang làm.
Tâm thức và hơi thở của tôi tĩnh lặng.
Đây là lý do tại sao tôi có thể làm việc chăm chỉ.
Là một nữ tu sĩ, tôi phải chánh niệm về một
số công việc khác nữa. Thí dụ, tôi thức dậy
rất sớm vào buổi sáng và nghiêm chỉnh hành thiền
trước khi ra khỏi phòng, và tôi ngồi thiền rất
lâu trước khi đi ngủ. Khi công việc tạm lắng
động, tôi dành thời gian để nhập thất.
Lúc đó tôi ở một mình và hành thiền miên mật.
Khi không có việc gì, không có hoạt động
nào, tôi sống ở đây một mình, nhưng khi có tổ
chức các khóa tu dài hạn, nhiều người đến
làm công quả. Một số ít những người này là nữ
tu, nhưng đa số là các nữ cư sĩ. Phật giáo
Thái không có điều luật bắt buộc các nữ tu
phải sống chung với nhau - chúng tôi chỉ cần thuộc
về Ni viện Thái.
Tôi không cần phải sống trong một Ni viện
rộng lớn nếu tôi có thể độc lập về
mặt tài chính. Đa số các nữ tu không có khả
năng độc lập về mặt tài chính nên họ chọn
sống trong Ni viện. Lúc đầu tôi sống ở
chùa của sư phụ tôi vì tôi có nhu cầu học Phật
pháp, nhưng giờ tôi cảm thấy mình
đã sẵn sàng để sống độc lập và
giúp đỡ người khác. Tôi rất thoải mái, hạnh
phúc, và cảm thấy rằng tất cả công phu tu tập
của mình đã được đền bù xứng
đáng. Tôi muốn phụng sự nhiều, nhiều
hơn nữa. Tháng sau, tôi sẽ bước vào tuổi bốn
mươi.
Lúc đầu nguồn tài chính là từ gia
đình tôi. Trong quá khứ, gia đình tôi rất rộng rải
đối với các tu viện. Khi tôi đề nghị
xây dựng nơi này, tất cả mọi người thân
đóng góp, gộp chung lại thành một ngân quỹ gia
đình và ủng hộ mọi hoạt động ở
nơi này. Không một ai đến đây mà phải trả
bất cứ chi phí nào. Tuy nhiên, những người đã
đến đây tu tập và thấy được lợi
ích mà họ có thể mang đến cho người chung
quanh, một số đã quay lại và cúng dường cho
chùa, nhờ vậy mà các dự án được duy trì một
thời gian dài.
(Chuyển ngữ dựa theo Sansenee, do Martine Batchelor biên soạn, Women’s Buddhism, NXB.
Wisdom Publications)
* Martine Batchelor
sinh tại Pháp năm 1953.
Năm 1972, bà được thọ giới xuất
gia tại Đại Hàn. Bà đã nghiên cứu về Phật
giáo dưới sự hướng dẫn của Lão sư quá cố Kusan tại
tu viện Songgwang Sa cho đến năm 1984. Công phu tu tập
và hành thiền đã đưa bà đến các Ni viện ở Đài
Loan và Nhật Bản. Từ năm 1981, bà trở thành thông
dịch cho Sư Kusan và theo ngài đi hoằng pháp khắp
nước Mỹ và Pháp. Bà đã dịch quyển sách “Pháp hành thiền
Đại Hàn”
(The Way of Korean Zen) của
ngài. Sau khi lão sư Kusan mất, bà đã hoàn tục và rời
bỏ Đại Hàn.