Vĩnh
Hảo
Không
đo không lường được tình thương, người ta thường lấy vẻ bao la của trời biển để
tạm so sánh. Nhưng kỳ thực, trời và biển có những giới hạn,
biên tế.
Trời, vẫn chỉ là một vòm không gian hữu hạn trong tầm mắt con
người; biển, là bốn đại dương trên mặt địa cầu; không thể nói là vô biên, vô
lượng.
Tình
thương của cha mẹ dành cho con cái, thì khác: không giới hạn.
Tình
thương vô hạn chỉ khi nào nó được biểu lộ một cách không điều kiện, không phân
biệt và so sánh đối tượng (hư hay nên; xấu hay đẹp; cãi lời hay vâng lời), và
quan trọng nhất: không đòi hỏi sự đền đáp.
Người
Á-đông có vẻ xem thường nền văn hóa thực dụng của tây phương, nhất là trong
tương quan tình cảm và ứng xử giữa cha mẹ và con cái; cho rằng con người ở đó
không biết, không sống với chữ Hiếu—đạo lý lâu đời của truyền thống đông phương;
và vì không có Hiếu đạo, gia đình và xã hội trở nên bất toàn, rối loạn. Quan
niệm này đúng trong nhiều trường hợp, nhất là đối với những người con: không
nhắc nhở, không gợi ý, thì đứa con có thể không nhớ và không cảm thấy mình có
bổn phận phải làm điều gì đó để gọi là đền đáp công ơn sinh dưỡng rất to lớn của
cha mẹ.
Cha
mẹ và con cái ở xã hội tây phương, do nếp suy nghĩ truyền thống và cũng do vì
phúc lợi và an sinh xã hội được cung cấp đầy đủ bởi guồng máy chính phủ,
thường không có ý niệm hay nhu cầu về sự đền đáp khi cha mẹ về già. Những đứa
con tây phương được sinh dưỡng tự nhiên trong gia đình, ăn học, lập thân, rồi trở thành những bậc cha mẹ nuôi dạy con
cái thế hệ kế tiếp, mà không hề bận tâm, lo nghĩ việc báo đền ân đức cha mẹ.
Điều mà con cái tây phương dành cho cha mẹ là lòng thương kính, biết ơn, chứ
không có bổn phận hay trách nhiệm “nuôi” lại cha mẹ lúc tuổi già.
Cha mẹ tây phương không vì con cái không chăm nom mình mà gán tội bất hiếu, bất
nghĩa; bởi vì họ vốn không đòi hỏi sự báo đáp nào ngay từ lúc ban đầu mới sinh
con, nuôi con. (Từ điểm này, có thể đặt dấu hỏi là cha mẹ tây phương có
“thực dụng” không, hay ngược lại!)
Trong
khi đó, cha mẹ và con cái ở xã hội đông phương, sống với đạo Hiếu cao đẹp lâu
đời, luôn được nhắc nhở về sự đền ơn, ngay từ lúc con cái còn ấu thơ. Còn nhỏ
chưa biết sinh kế thì phải ngoan ngoãn, biết nghe lời, chăm học, học giỏi (làm
ngược lại thì đều là bất hiếu); trưởng thành thì phải biết sinh nhai để tự lo
bản thân, lập gia đình, có con nối dõi, và “nuôi” lại cha mẹ lúc tuổi già không
người chăm sóc (không làm được điều sau cùng này thì bất hiếu; hoặc có làm mà kể
lể quá thì cũng bất hiếu, cho nên mới có câu than oán trong tục ngữ: “Cha mẹ
nuôi con biển hồ lai láng, con nuôi cha mẹ con tính tháng tính ngày”). Nói
chung, con cái đông phương được giáo dục phải nói, nghĩ và làm gì để đền
đáp công ơn cha mẹ, nên việc tri ân báo hiếu là điều tự nhiên.
Từ sự
khác biệt trên, có thể nói là đông hay tây phương đều có nét đẹp cần áp dụng
cũng như điểm không hay cần thay đổi. Có
thể đề nghị một hình ảnh lý tưởng như vầy chăng: làm con, nên sống như người con
phương đông; làm cha mẹ, nên sống như cha mẹ phương tây.
Yêu
thương, tận tụy nuôi dưỡng con cái mà không đặt điều kiện hay đòi hỏi bất kỳ sự
báo đáp nào, thì tình thương của cha mẹ, trời biển cũng không sánh bằng.
Tình
thương vô hạn ấy tất nhiên sẽ được cảm nhận từng ngày bởi con cái từ lúc thơ ấu
đến khi trưởng thành, để rồi với niềm thương kính tự nhiên và chân thành, con
cái tự biết cần làm gì để bày tỏ sự nhớ ơn và lòng thương của mình đối với cha
mẹ; không cần phải kêu gọi, nhắc nhở, trách móc hoặc gán những tội danh nào đó
cho con.
Làm
con, không phải tất cả đều sẽ làm cha mẹ khi trưởng thành; nhưng tất cả bậc cha
mẹ đều đã là những người con. Hãy nhìn những gì đang làm cho con cái ngày nay mà tưởng nhớ những
gì cha mẹ đã làm cho mình trong quá khứ; tự hỏi mình đã làm gì trong vai trò đứa
con đối với cha mẹ, đừng đặt vấn đề con cái sẽ làm gì cho mình ở tương lai. Có điều kiện, không điều kiện, vô hạn hay hữu hạn, đều bắt đầu từ vị
trí làm cha mẹ. Đừng đặt tình thương bao la của mình
dành cho con vào bất cứ cái khuôn nào, dù là cái khuôn được cho là truyền thống
cao đẹp; bởi vì có khuôn khổ là có điều kiện; có điều kiện thì không còn vô hạn,
vô biên.
Người
con Phật dấn thân vào đời có một câu nằm lòng: “Thi ân
đừng cầu đền đáp, vì cầu đền đáp là việc làm có mưu tính.” Bậc cha mẹ cần hành
xử như thế đối với con cái. Cũng có thể nói ngược lại rằng,
người con Phật khi cứu giúp chúng sanh, nên học tinh thần ấy từ nơi lòng thương
không điều kiện của cha mẹ dành cho con cái.
Không điều kiện là bước khởi đầu cho hành trình làm cha mẹ,
cũng là bước khởi đầu của bồ-đề tâm, của bồ-tát hạnh.
Và
hạnh phúc thay cho những người con khi gần gũi cha mẹ, như được tắm gội trong
đại dương yêu thương bất tuyệt; và khi xa, nhớ về cha mẹ như bầu trời êm ả, che
chở và bảo bọc lấy mình giữa cuộc đời đầy bất trắc, gian nan.
Trời
cao, biển rộng, không đủ lớn để hình dung hay so sánh tình thương cha mẹ; bởi vì
không phải lúc nào, ở đâu, cũng có thể nhìn thấy trời, biển. Nhưng cha mẹ thì luôn luôn,
bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, cũng ngự trị trong lòng con.