Tượng hộ pháp trong chùa Bắc Bộ

Chu Minh Khôi

 

Phật giáo trên thế giới xuất hiện rất nhiều vị thần chuyên bảo vệ cõi Phật, ngăn không cho ma quỷ xâm phạm tới đất chùa như: Thiện Thần, chư Thiên, Thần Kim Cang, Tứ Thiên vương, Thủ hộ Già lam…  Nhưng hệ thống tượng Pháp trong chùa ở miền Bắc Việt Nam chỉ phổ biến hai loại tượng hộ trì Phật pháp là Bát bộ Kim cương và Nhị vị Hộ pháp. Các tượng này xuất hiện làm nhiệm vụ hộ Pháp ở hai thời kỳ khác nhau, có hình thái nghệ thuật riêng biệt so với nghệ thuật tạo tượng ở mọi quốc gia khác.

Kim Cương bảo vệ Phật pháp

Tượng Phật có niên đại sớm nhất hiện còn lưu giữ được ở Bắc Bộ là 12 pho tượng đá đã xác định được niên đại thời Lý, gồm 5 pho A Di Đà và 7 pho tượng Kim Cương bảo vệ Phật pháp khai quật ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh) và chùa Long Đọi (Hà Nam). Tượng Kim Cương chùa Phật Tích được các nhà khảo cổ học phát hiện khi khai quật khuôn viên chùa này vào những năm 1949-1951, và đã đưa về trưng bày trong Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã hơn 60 năm qua. Pho tượng không còn nguyên vẹn, đã bị mất đầu và chân, được tác tạo trong tư thế đứng, khoác áo long cổn, hai tay để trước ngực. Khai quật chùa Long Đọi (tức Diện Linh tự) ở Hà Nam, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy 6 pho tượng Kim Cương, hầu hết đều đã bị mất nhiều bộ phận đầu, tay, chân. Trong đó một pho còn nguyên vẹn nhất, cao 1,57m, cách thức tạo tác có nhiều nét giống với tượng Kim Cương của chùa Phật Tích, trong tư thế đứng, mặc võ phục.

Nghiên cứu hệ tượng trong các ngôi chùa cổ Bắc Bộ xây dựng từ thời Trần trở về trước, không thấy sự hiện diện của hai pho tượng Hộ pháp (Trừng Ác và Khuyến Thiện) to lớn như các thời đại sau này, nhưng lại thấy nhiều tư liệu đề cập đến các vị Kim Cương làm nhiệm vụ “hộ pháp” trong chùa. Diên Linh tự tọa lạc trên núi Đọi Sơn thuộc huyện Duy Tiên, Hà Nam, do vua Lý Thánh Tông và Vương phi Ỷ Lan chủ trì xây dựng từ năm 1054 (tể tướng Dương Đại Gia và thiền sư Đàm Cứu Chỉ được mời đến trụ trì và tham gia xây dựng). Đến đời Lý Nhân Tông, nhà vua này tiếp tục xây dựng phát triển và xây tháp Sùng Thiện Diên Linh từ năm 1118 đến năm 1121. Tuy nhiên tháp và chùa bị phá hủy từ cách đây gần 600 năm, ngày nay chỉ còn sót lại tấm bia Sùng Thiện Diên Linh, nội dung chủ yếu ca ngợi công lao tài trí của Lý Nhân Tông trong việc xây dựng, kiến thiết và đánh giặc giữ nước và việc xây dựng tháp Sùng Thiện Diên Linh. Hình ảnh của ngôi bảo tháp đư­ợc mô tả khá chi tiết: “ Lấy đá Mân làm đấu, dùng đá Vũ dựng hiên. Xây 13 tầng chọc trời, mở 40 cửa hóng gió. Vách trạm ổ rồng; xà treo chuông đồng. Tầng trên đặt hộp vàng xá-lỵ toả tường quang cho đời thịnh sau này, đỉnh nóc xây tiên khách b­ưng mâm, hứng móc ngọc d­ưới bầu trời tạnh ráo. Tầng d­ưới chia tám t­ướng khôi ngô, đứng hộ vệ có thần nhân cầm kiếm. Chính giữa đặt tượng Đa Bảo Như­ Lai; sức thề nguyền sâu rộng, đành hiến cả thân mình”. Nội dung văn bia đã cho thấy trong Phật thời Lý, hộ vệ xung quanh tượng Đa Bảo Như Lai có 8 vị thần hộ pháp cầm kiếm đứng ở tám hướng.

Hệ tượng trong chùa ở Bắc Bộ thời Lê - Mạc phổ biến Bộ tượng Bát bộ Kim Cương. Các tượng này không bài trí ở Tiền Đường mà gần bàn thờ Phật vì đây là các vị thần linh có trách nhiệm bảo vệ Phật. Các tượng đều mặc áo giáp trụ, mũ kim khôi, đi hia, cầm binh khí song dáng đứng theo các thế tấn, thế tay khác nhau thể hiện tinh thần dũng mãnh và cương quyết. Trong tám vị thì ba vị tô mặt trắng nét mặt nhân hậu, năm vị tô mặt đỏ dữ tợn, để kết hợp hai chức năng "khuyến thiện" và "trừng ác" của thần linh. Ở chùa Việt Bắc Bộ, tượng Kim Cương hộ pháp luôn thể hiện dưới hình dạng võ tướng, có lẽ để thể hiện tinh thần dũng mãnh hay ẩn chứa lòng tôn kính các vị anh hùng dân tộc. Bộ tượng này ở chùa Tây Phương (Hà Nội) khá mực thước, cách thể hiện khéo léo, dáng hoạt, tư thế sinh động; bộ tượng ở chùa Mía (Hà Nội) lại có vẻ dân gian, khuôn mặt giống người thực, có cảm xúc… Ở chùa Dâu (Bắc Ninh), hai bên tường của tiền đường có hai hàng tượng Bát bộ Kim Cương, mỗi bên 4 pho với nghệ thuật tạo tác tinh xảo giống như tượng Hpháp, mặc võ phục trong tư thế đứng.

 Theo nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền: “Kim cương biểu hiện cho tâm trong sáng, không hủy hoại, kiên định trong tu hành hay hộ trì Phật pháp nên gọi là Kim Cương Hộ pháp, y phục này là áo nhẫn nhục hay còn gọi là áo tùy hình chống lại ba mũi tên độc tham, sân, si (tham lam, nóng giận và ngu tối)”. GS Hà Văn Tấn trong cuốn sách “Đến với lịch sử văn hóa Việt Nam” cho hay, văn bia chùa Diên Phúc thôn Cổ Việt cũng nói tới 8 vị Kim Cương đặt trong hai dãy hành lang. Trên một ngọn núi ở Hoa Lư có dấu tích của một ngôi chùa cổ mang tên Kim Cương. Chúng ta không thể biết trong chùa có thờ tượng Kim Cương hay không nhưng rõ ràng tên gọi Kim Cương tự đã có từ rất sớm. Vì vậy, việc thờ tượng Kim Cương có thể đã xuất hiện ở trong chùa nước ta từ trước thời nhà Đinh.

Kim Cương (Sanskrit: Vajrapāṇi) là vị B-tát có công bảo vệ Phật. Theo kinh Phóng quang Bát-nvà kinh Đạo hạnh Bát-n, thì bất cứ ai tu thiền thành Bồ-tát trên đường thành Phật sẽ được thần Kim Cương gìn giữ bảo vệ. Chứng dẫn từ các kinh Phật, bộ Phật học Đại tự điển đề cập đến 8 vị Kim Cương hộ trì Phật Pháp, là các vị Hpháp hóa thân mà thành. Đó là: Kim Cương Thủ Bồ-tát hiện ra thành vị Giáng Tam Thế Kim Cương, Đại Cát Tường Bồ-tát hiện ra thành vị Đại Uy Đức Kim Cương, Hư Không Tạng Bồ-tát hiện ra thành vị Đại Tiếu Kim Cương, Từ Thị Bồ-tát hiện ra thành vị Đại Luân Kim Cương, Quán Tự Tại Bồ-tát hiện ra thành vị Mã Đầu Kim Cương, Địa Tạng Bồ-tát hiện ra thành vị Vô Năng Thắng Kim Cương, Hàng Nhất Thiết Cái Chướng Bồ-tát hiện ra thành vị Bất Động Kim Cương, Phổ Hiền Bồ-tát hiện ra thành vị Bộ Trích Kim Cương. Vì là hiện thân Bồ-tát nên các vị Kim Cương ở trong các kinh được mô tả không cầm binh khí, mà mang kim cương chử.

Thế nhưng, Bát bộ Kim Cương trong chùa Việt được tạo tác không giống như kinh Phật đề cập. Đặc điểm nhận thấy của tất cả các tượng Kim Cương ở các chùa Việt còn thấy đến nay như tượng Kim Cương ở chùa Mía, chùa Tây Phương, chùa Dâu... là không một vị nào cầm kim cương chử, mà cầm các binh khí khác như gươm, chùy, việt phủ...  Danh hiệu của các vị Kim Cương trong chùa Việt ở Bắc Bộ cũng rất khác. Tám vị thần có tên riêng là: Thanh Trừ Tai, Tích Độc Thần, Hoàng Tùy Cầu, Bạch Tịnh Thủy, Xích Thanh Hỏa, Định Trừ Tai, Tử Hiền Thần, Đại Thần Lực. Trong Mật tông - Kim Cương thừa, Hpháp là hóa thân của Đức Bồ-tát Quán Thế Âm trong hình tướng của vị Đại lực sỹ. Mật tông là tông phái phát triển ở Tây Tạng, có ảnh hưởng sâu đậm đến Phật giáo Việt Nam đã nghìn năm nay. Tông phái này trên các bức thang-ka thường xuất hiện hình ảnh Kim Cương, thế nhưng trong chùa cổ Bắc Bộ không thấy có tượng Kim Cương nào theo phong cách n Tạng.

Khuyến Thiện và Trừng Ác

Ngày nay hầu như mọi ngôi chùa ở miền Bắc đều có 2 vị Hpháp được bài trí ở Tiền Đường, gọi là tượng: Khuyến Thiện và Trừng Ác. Tượng Hpháp thường có niên đại từ thế kỷ XVI trở về sau. Tượng với thân hình vô cùng to lớn, trang phục như võ tướng, đầu đội mũ trụ, mặc áo giáp, thân thể vạm vỡ, ngồi trên sư tử, có sẵn khí giới để bảo vệ đạo pháp. Tượng Khuyến Thiện, dân gian vẫn gọi là "ông Thiện" thường tô mặt trắng, nét mặt thanh thản, đặt bên tay trái bàn thờ Phật (từ trong nhìn ra), tay cầm viên ngọc thiện tâm, là báu vật của Phật tử, khích lệ mọi người noi theo. Tượng Trừng Ác, dân gian quen gọi “ông Ác” thì tô mặt đỏ, đặt bên tay phải bàn thờ Phật; nét mặt thần giận dữ, lăm lăm vũ khí để trừng trị kẻ ác tâm như răn đe mọi người lánh xa con đường dẫn đến sa ngã.

Theo Phật thoại Ấn Độ, xưa kia nước Ca-bỉ-na có hai anh em hoàng tử tính cách trái ngược nhau. Ông em là Ma Pha La tính rất độc ác, ham chơi, tham của. Trong khi ông anh là La Đắc lại rất hiền lành, luôn thương xót chúng sinh, đem hết ngân khố phát chẩn đến nỗi kho tàng rỗng tuếch, công quỹ quốc gia khánh kiệt. Khi vua cha biết, không nỡ trách mắng mà chỉ bảo: “Muốn nước hưng thịnh, các con hãy xuống Long cung xin ngọc Ma-ni bảo châu, ước gì được nấy”. Nghe lời vua cha, La Đắc ra biển, tìm xuống Long cung, xin được ngọc lên bờ. Ông em là Ma Pha La nổi tính tham, đóng giả cướp, đâm anh mù mắt, đoạt ngọc đem về dâng vua. Nhưng từ đó Ma-ni bảo Châu trở thành một hòn đá bình thường, không tỏa hào quang, mất hết phép màu. Mù mắt, La Đắc lần mò dọc theo bờ biển tới nước Ba-la-lật xin trong coi vườn thượng uyển. Vốn thương muôn loài, La Đắc để cho chim thú tha hồ ăn quả trong vườn cấm. Chuyện tới tai vua, vua đòi La Đắc lên xử tội. Trước lúc bị hành hình, La Đắc đã kể lại cuộc đời mình. Vua nghi ngờ, hỏi: “Ngươi lấy gì để làm bằng?” La Đắc tự tin thưa: “Nếu đúng, mắt tôi sẽ sáng lại”. Dứt lời, hai mắt La Đắc bừng sáng, cùng lúc ấy, ở nước Ca-bỉ-na ngọc Ma-ni cũng rực rỡ sắc màu. Sau đó La Đắc về nước, tha tội cho em, cả hai tu thành chính quả, được cưỡi sư tử - con vật tượng trưng cho trí tuệ và sức mạnh, mặc áo lộc thù ngăn mọi sân, si, ái ố. Hai ông được tạc tượng thờ ở trong chùa, chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ Phật pháp.

Các pho tượng Hộ pháp trong chùa ở Bắc Bộ bao giờ cũng có kích thước lớn tới 3-4 m, đầu cao chạm nóc nhà. Những pho tượng Hpháp đẹp phải kể đến ở trong các ngôi cổ tự: chùa Bút Tháp, chùa Dâu, chùa Keo, chùa Thầy, chùa Mía… Chùa Mía ở Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) có tượng Khuyến Thiện và Trừng Ác, cao 1,7 m đến 3m với những họa tiết trang trí mũ áo, vũ khí, tinh xảo, dáng vẻ oai phong. Bộ tượng Hộ pháp bằng đất được coi là đẹp nhất là tượng ở chùa Bút Tháp. Nhưng kỷ lục về độ lớn của tượng Hộ pháp là hai pho ở chùa Thầy, với chiều cao đến gần 4m, lượng đất ước lượng vài tấn, bộ tượng này được đắp cách đây khoảng 400 năm. Tượng làm bằng đất nếu gặp mưa gió, bão lụt thì sẽ hỏng, do đó tượng Hộ pháp đắp bằng đất bắt buộc phải để trong chùa, sát vách tường để được che chắn. Nhờ vậy, có những pho tượng đã tồn tại hơn 400 năm mà vẫn đẹp.

Nếu như phần lớn tượng trong các ngôi chùa cổ được tác tạo bằng chất liệu gỗ, thì hầu hết tượng Hộ pháp được làm từ chất liệu đất. Nguyên do, nếu sử dụng gỗ cần phải loại gỗ có đường kính 2-3 m, rất khó tìm. Vì vậy, sử dụng đất sét để đắp tượng Hộ pháp là giải pháp tối ưu, thích đắp tượng lớn cỡ nào cũng được, chứ không bị hạn chế bởi chiều cao và đường kính lớn, khối lớn của nguyên liệu như tượng gỗ, tượng đá. Tượng Hộ pháp thường được đắp bằng đất sét, trộn với giấy bản giã nhỏ, mật mía, vôi. Khung cốt tượng được làm bằng tre, đan kĩ, sau khi đắp xong được sơn kra bên ngoài bằng sơn ta.

Việc bày đối xứng hai tượng Hpháp to lớn ở hai bên tiền đường chùa nhằm tạo ấn tượng mạnh tới bất cứ ai khi vào chùa, thể hiện oai lực thần nghi hộ trì Tam bảo. Đồng thời, những nghệ nhân dân gian xưa cũng  nói lên sự tồn tại biện chứng của hai bản nguyên Thiện-Ác trong tính cách của con người. Đây là hình thức giáo dục sâu sắc, nhằm nhắc nhở con người nên ăn hiền ở lành, không nên có ác tâm, làm người khác đau khổ; làm lành thì được các vị Thiện Thần ủng hộ, làm ác thì bị các vị Ác Thần trừng phạt, khiển trách.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác