Thích Hạnh Chơn
Phật giáo vào thời Đức Phật còn tại thế được duy trì
và phát triển bởi bốn chúng gồm hai chúng xuất gia và hai chúng cư sĩ. Vai trò
của mỗi chúng được phân định rõ ràng theo lời dạy của Đức Phật được ghi lại
trong tạng Luật. Người xuất gia sống từ bỏ gia đình, chuyên tâm học pháp, hành
thiền nhằm đạt quả
Thánh giải thoát và để giáo
hóa chúng sanh tùy năng lực mỗi người. Trong khi đó, người cư sĩ được hướng dẫn
hỗ trợ hàng xuất gia thông qua việc thực hành hạnh bố thí cúng dường và được
khuyến khích thực hành các điều đạo đức nhằm đạt phước báu nhân thiên. Việc trợ
duyên của hàng cư sĩ cho hàng Thánh chúng nói chung được gọi là hộ pháp. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ
ta thấy rằng hàng cư sĩ thời Đức Phật không chỉ hộ pháp bằng cách bố thí cúng
dường mà còn hộ pháp bằng cách đóng góp ý kiến hay đề nghị thực hành những điều
có ích cho Tăng đoàn và đạo
Phật. Ngày nay, sự hộ pháp của hàng cư sĩ càng đa dạng hơn với nhiều hình thức
khác nhau từ bố thí cúng dường vật thực cho đến thực hành pháp và phổ biến,
giảng dạy Phật pháp. Vì chủ đề này khá rộng nên bài viết chỉ thảo luận việc hộ
pháp của hàng cư sĩ vào thời Đức Phật và thời nay tại Việt Nam. Những thử thách
và giải pháp cũng được đề cập để trao đổi.
Khái niệm hộ pháp
Từ hộ pháp vừa có nghĩa là người ủng hộ Phật pháp,
vừa có nghĩa là sự che chở bảo vệ chính pháp. Theo
Từ điển Phật học Hán Việt, hộ pháp là ủng hộ chính pháp của Phật, Bồ-tát. Nhờ sự ủng hộ của các bậc có lực lượng lớn nên đạo không bị
diệt. Từ Phạm thiên, Đế-thích, Bát bộ quỷ thần cho đến vua chúa và các đàn việt
ở thế gian là người bảo hộ Phật pháp đều được gọi là Hộ pháp.
Theo huyền thoại Phật giáo,
“Có
những loài trời và loài quỷ thần, có duyên lành, được nghe pháp Phật và giác ngộ,
quy y theo Phật pháp và nguyện bảo vệ chính pháp. Người ta gọi họ là những ông
Thần Hộ pháp”.
Trong bài Mẫu hình người
cư
sĩ
lý
tưởng,
tác giả
Chúc Phú phân tích ba cách hộ pháp của người cư sĩ.
Thứ nhất là hỗ trợ các phương tiện và điều kiện sống cho Tăng đoàn. Thứ hai là
hỗ trợ về không gian tu. Thứ ba là giữ gìn những phương tiện có liên quan đến
Tam bảo như kinh điển, chùa chiền, thanh danh đạo Phật, v.v….
Hộ pháp còn gọi là hộ trì Chánh pháp hay hộ trì Phật pháp. Phân tích sâu hơn về hộ pháp,
Hòa thượng Thích Trí Quảng cho rằng: “Phật và Thánh chúng mới có Phật
pháp. Còn chúng phàm phu chỉ đóng vai hộ trì Phật pháp”. Từ đó, Hòa
thượng giải thích: “Không làm mất lòng người, không làm não phiền người, gieo
vào lòng người sự tôn kính là hộ trì Phật pháp. Tu hành mỗi ngày
tâm hành giả được hoan hỷ, an lạc là đã hộ trì Chánh pháp.
Niệm Phật, nhớ Phật, niệm kinh nhớ
lời dạy của Phật là hộ trì Phật pháp. Hộ trì Phật pháp là hộ trì
trong lòng mình và trong lòng mình có Phật thì Phật sẽ chỉ đạo cho lời nói, suy
nghĩ và hành động của mình trở thành Chánh pháp”.
Như vậy, việc hộ pháp được biểu hiện qua sự việc cụ
thể cho đến biểu hiện qua ý niệm trong tâm. Ở đây, bài viết sẽ dựa trên ba cách
hộ pháp của người cư sĩ vừa nêu để phân tích và thảo luận.
Hộ pháp thời Đức Phật
Theo truyền thống Phật giáo nguyên thủy, Đức Phật và Tăng đoàn sống nhờ vào sự cúng dường
của hàng cư sĩ. Đó là truyền thống của các Đức Phật do chính Đức Phật Thích Ca
xác nhận với vua Tịnh Phạn nhằm giải thích sự than phiền của vua. Sự kiện này
xảy ra trong chuyến thăm quê nhà đầu tiên của Đức Phật. Khi vua cha thấy Thái tử Tất Đạt Đa (Sidhartha) – lúc ấy đã thành Phật ôm
bình bát đi khất thực trong thành, vua than phiền và cho rằng Phật đã làm ô danh
dòng họ Thích Ca (Sakya). Theo Luật tạng, Đức Phật chỉ cho phép hàng xuất gia sở
hữu ba y, một bình bát và một vài vật dùng cá nhân khác. Trong sinh hoạt hằng
ngày, họ được phép dùng bốn thứ cần thiết là thức ăn, y áo, thuốc men và chỗ ở.
Với truyền thống sống bằng cách khất thực, hàng xuất
gia không tự túc sản xuất ra vật chất để sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày mà
phải nhờ vào sự hiến cúng của hàng cư sĩ. Họ cần sự hộ pháp của hàng cư sĩ từ
thức ăn, vật dụng cho đến chỗ ở. Hằng ngày họ khất thực để được thức ăn duy trì
xác thân. Họ nhận y áo cúng dường từ hàng cư sĩ vừa đủ để che thân khi trời nắng
mưa, nóng lạnh. Họ trú tại các tinh xá lớn như Trúc Lâm, Kỳ Hoàn…do vua và các
cư sĩ giàu có hiến cúng để cùng tu học và hoằng pháp. Ngược lại, họ chế tác ra
niềm an lạc hạnh phúc cho tự thân và hướng dẫn tha nhân cách thức để đạt được
như họ. Quả vị giải thoát mà các vị xuất gia chứng đắc là món quà họ đáp lại
công sức hộ pháp của hàng cư sĩ. Nhờ đó, họ có thể hướng dẫn hàng cư sĩ tu tập
đúng Chánh pháp và hiệu quả hơn.
Tóm lại, hàng xuất gia thời Phật không được phép
chất chứa thức ăn hay của cải vật chất, không bận tâm việc xây cất chùa tháp hay
tinh xá. Công việc của họ là tu tập để chứng quả Thánh và truyền bá Phật pháp.
Tuy nhiên, không phải tất cả những vị xuất gia thời
Phật đều là những người thật tâm xuất gia. Với những người vì mục đích lánh đời
xuất gia, việc tạo tác các hành vi phi pháp của họ có thể đoán trước được. Trước
thực trạng này, chính hàng cư sĩ có những đóng góp trong việc ngăn ngừa và góp ý
tưởng (duyên cớ) để Phật chế giới. Luật tạng ghi lại nhiều trường hợp xuất gia
vì mục đích trốn nợ, trốn lính, trốn hình phạt, hay để được ăn no mặc đẹp…. Vì mục đích
phi pháp, các nhóm Tỳ-kheo này không giữ được oai nghi
của người xuất gia nên bị ngoại đạo chê cười và hàng cư sĩ phàn nàn. Trong một
số trường hợp, vua Bimbisara đã gặp Đức Thế Tôn và yêu cầu chọn lựa khi độ người
xuất gia. Tương tự, nữ cư sĩ Visakha cũng đóng góp hòa giải bất đồng trong chúng
Tỳ-kheo-ni hay thỉnh Phật chế một số giới
cho hàng Ni chúng. Đây thuộc về
cách hộ pháp bảo vệ thanh danh Phật giáo.
Cư sĩ hộ pháp bằng cách giảng dạy hay phổ biến Phật
pháp hiếm thấy đề cập trong kinh điển Phật giáo. Có lẽ thời ấy trách vụ cúng
dường cho hàng xuất gia cần thiết hơn là hoằng pháp bởi trách vụ phổ biến Phật
pháp đã có Đức Phật và Thánh
chúng đảm trách.
Hộ pháp ở Việt Nam hiện nay
Sự hộ pháp ở Việt Nam có nhiều thay đổi so với thời
Phật nhằm thích ứng với điều kiện môi trường mới. Hình thức Phật giáo truyền vào
Việt Nam không còn là Phật giáo nguyên thủy thuần túy mà là Phật giáo Theraveda
và Phật giáo phát triển, trong đó hình thức Phật giáo sau thịnh hành và phổ biến
rộng hơn. Sử liệu Phật giáo cho thấy các thương nhân Phật tử đã mang hình thức
Phật giáo tín ngưỡng thờ cúng Phật và Bồ-tát vào Việt Nam trong giai đoạn du nhập
đầu tiên. Về sau, các thiền sư người Ấn và Hoa truyền Phật pháp vào Việt Nam và
cũng nhờ hàng cư sĩ bao gồm nhiều tầng lớp chung tay góp sức xây dựng nên các
ngôi chùa lớn nhỏ khắp đất nước – tạo không gian sinh hoạt, tu tập và truyền bá
Chánh pháp cho tứ chúng. Nổi bật trong hàng cư sĩ đóng góp xây dựng chùa chiền với quy mô rộng lớn
là tầng lớp lãnh đạo bao gồm các triều đại vua chúa và các quan. Điều đáng lưu ý
là bắt đầu từ giai đoạn này về sau, hàng xuất gia đóng vai trò quan trọng trong
việc kiến lập tự viện, cụ thể là các sư trụ trì.
Ngày nay, hầu hết nếu không muốn nói là tất cả chùa
chiền đều do sư trụ trì đứng ra xây dựng dựa trên sự cúng dường của hàng cư sĩ.
Theo pháp luật hiện hành, người cư sĩ không đủ pháp nhân để đứng ra xin phép xây
dựng chùa trừ các ban hộ tự được Giáo hội và nhà nước công nhận. Tuy nhiên, rất hiếm ban hộ tự đủ khả
năng vận động tài chánh để xây dựng hay trùng tu các ngôi chùa. Do vậy, hàng cư
sĩ vẫn tiếp tục hộ pháp bằng cách hỗ trợ không gian tu nhưng thường là gián tiếp
thay vì trực tiếp như thời Đức Phật.
Theo truyền thống Phật giáo
Đại thừa, đời sống của hàng xuất gia không dựa trên pháp khất thực mà
phải tự túc sinh hoạt dựa trên sự cúng dường của hàng cư sĩ. Chùa chiền bắt đầu
phải tích trữ của cải vật chất để phục vụ đời sống Tăng Ni và nhiều chùa còn chia sẻ của ấy cho đồng
bào còn khó khăn. Cư sĩ không phải cúng thức ăn hằng ngày mà thường hộ pháp qua
việc cúng dường tài vật để chùa tự lo liệu theo nhu cầu sinh hoạt ở mỗi nơi. Nói
chung, sự hộ pháp theo cách thức thứ nhất vẫn tiếp tục duy trì dù có sự thay đổi
cho thích hợp.
Sự hộ pháp theo cách thứ ba có nhiều thay đổi quan
trọng thích ứng với điều kiện và nhu cầu hiện đại. Người cư sĩ suốt nhiều năm
qua đã đóng góp phiên dịch nhiều kinh điển, tham gia giảng dạy Phật pháp, nghiên
cứu và xuất bản nhiều tài liệu về Phật giáo nhằm phổ biến lời dạy của Đức Phật
đến mọi người, và đặc biệt là tham gia công tác hành chính của Giáo hội. Nhiều
cư sĩ đã hy sinh công sức và cả thân mạng để cùng với Tăng Ni bảo vệ Phật giáo trong thời kỳ Phật giáo
gặp khó khăn. Có thể kể đến những vị có công lớn trong cách hộ pháp này như cư
sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, cư sĩ Minh Chi, các
thánh tử đạo…
Những thử thách và giải pháp tham khảo
Sự hộ pháp của hàng cư sĩ ngày nay có nhiều hình
thức nên cũng gặp nhiều thử thách khác nhau. Thứ nhất, hộ pháp về đời sống sinh
hoạt của Tăng Ni thường phụ thuộc vào mối quan hệ giữa
chùa và cư sĩ hơn là nhu cầu thực tế của chùa ấy. Ở chùa nào sư trụ trì có năng
lực và biết cách thu hút Phật tử thì chùa ấy sung túc hơn. Sự cúng dường theo
cách này thường dựa trên xúc cảm. Thứ hai, hộ pháp thông qua sự cúng dường xây
dựng chùa tháp cũng rơi vào tình trạng tương tự. Có nhiều chùa được xây dựng quy
mô hoành tráng đến mức xa xỉ vì nhận được nhiều tịnh tài từ cư sĩ trong khi
nhiều chùa trải qua nhiều năm xây dựng không thể hoàn thành. Tất nhiên, hạn chế
này không phải lỗi của người cư sĩ mà phần lớn thuộc về người quản lý và sử dụng
tịnh tài. Thứ ba, hộ pháp bằng cách truyền bá lời Phật dạy thông qua dịch kinh,
giảng dạy, xuất bản sách… trên thực tế
chưa tương xứng với tiềm năng của cư sĩ. Vai trò của cư sĩ Việt Nam trong lĩnh
vực này còn mờ nhạt bởi phần lớn họ đóng góp một cách tự phát, tự nguyện, thiếu tổ chức
bài bản, và thiếu “đất dụng võ”.
Hạn chế này phần lớn là do tổ chức Giáo hội chưa có kế hoạch cụ thể để tận dụng
nhân tài cư sĩ.
Có thể nói khó có giải pháp cụ thể nào để giải quyết
vấn đề hạn chế trên. Đặc trưng của Phật giáo là không có giáo quyền cho nên mọi
hình thức dùng quyền lực để điều hành đều thất bại. Ta biết rằng hình phạt cao
nhất đối với hàng xuất gia là tẩn xuất (khai trừ) trong khi không có hình thức
kỷ luật nào đối với cư sĩ. Đạo Phật cũng có đặc trưng nữa là dùng đức trị, tức nhờ công đức tu tập mà hóa độ được
quần chúng, đưa họ về với con đường chánh đạo. Tăng
Ni gương mẫu, Giáo hội
trang nghiêm thì sẽ tìm ra giải pháp khả dĩ để khắc phục hạn chế. Nghĩa là, các
chùa điều tiết sinh hoạt phù hợp với nhu cầu cần thiết để có thể đóng góp vào
nguồn dự trữ của Giáo hội.
Ngược lại, Giáo hội phải sử dụng nguồn dự trữ để đầu tư hợp lý và có hiệu quả
thiết thực. Nếu thực hiện được vai trò này, sự hạn chế của cách thức hộ pháp thứ
nhất và thứ hai phần lớn được khắc phục. Xem ra giải pháp này khó thành hiện
thực ít nhất trong hiện tại.
Nhu cầu nghiên cứu Phật học thời nay rất phổ biến.
Quần chúng không chỉ đến với đạo Phật để thực hành tín ngưỡng tâm linh mà còn
nghiên cứu, học hỏi giáo pháp vi diệu của Đức Phật. Các phân khoa Phật học được
mở ra tại nhiều trường đại học lớn trên thế giới, các hội thảo về Phật giáo có
nhiều cư sĩ tham dự với nhiều bài tham luận có chất lượng cao. Nhiều tạp chí
nghiên cứu Phật giáo do cư sĩ không phải Phật tử đảm trách. Trước nhu cầu tìm
hiểu Phật học của đông đảo quần chúng, sự hộ pháp bằng cách phổ biến, giải thích
Phật pháp đang gặp thử thách bởi thiếu nhân sự và thiếu điều kiện nghiên cứu. Do
đó, tổ chức Giáo hội cần có một chính sách chiến lược để
quy tụ những người có năng lực tham gia nghiên cứu các vấn đề liên quan đến đời
sống tu tập của đồng bào Phật tử nhằm tạo chương trình trợ duyên cho họ và cũng
để bảo vệ đạo pháp. Xa hơn là nghiên cứu phương cách đưa đạo Phật đến các vùng
xa xôi của đất nước.
Lời kết
Sự hộ pháp của hàng cư sĩ thời Đức Phật đơn giản trong khi hiện tại đa dạng và phức tạp. Ngày xưa,
cư sĩ chỉ hộ pháp bằng cách cúng dường thức ăn hay không gian tu tập nhỏ nào đó
thì ngày nay họ phải cúng dường nhiều thứ theo nhu cầu thực tế. Thời xưa hàng cư
sĩ không phải nghĩ đến việc hoằng pháp vì uy đức của Đức Phật và Tăng đoàn quá lớn và nếu có thì họ
chỉ làm việc giới thiệu tín chúng đến gặp Phật hay Thánh chúng. Thời nay việc hoằng pháp rất
cần sự tham gia của cư sĩ thông qua sự giảng dạy, xuất bản hay giới thiệu Phật
pháp và sự tu tập bản thân.
Riêng về hộ trì Phật pháp bằng chính sự tu tập của
bản thân, còn nhiều điều chúng ta cần suy nghĩ. Sinh hoạt ở nhiều chùa vẫn chưa
đẹp như tình trạng tranh giành hơn thua ngay trong chùa, nhiều tín đồ còn thiếu
ý thức nên chia phe nhóm rồi gây buồn phiền nhau, nhiều cư sĩ còn thiếu oai nghi
trong khi đi đứng nói năng trong thánh địa chùa chiền… Đây là những thử thách
trong vấn đề hộ pháp.
Hội đồng
Liên hợp quốc tôn vinh đạo
Phật và công nhận ngày đản sanh của Đức Phật là ngày lễ quốc tế bởi sự đóng góp
to lớn của Đức Phật và giáo pháp nhân bản của Ngài. Hộ pháp đúng nghĩa thì phải
giữ gìn tinh thần cao đẹp của Chánh pháp. Nó biểu hiện qua hành vi của
từng hành giả tu tập. Do đó, mỗi người con Phật nói chung và mỗi cư sĩ nói riêng
nếu thể hiện được nét đẹp của
Chánh pháp qua cách đi đứng
trang nghiêm, lời ăn tiếng nói nhẹ nhàng dễ nghe, và suy nghĩ tích cực xây dựng
thì đã đóng góp rất lớn trong sự hộ pháp.