Phật giáo Tây Tạng dạy ta điều gì về hạnh phúc?

phat giao tay tang

Carolyn Gregoire – Minh Nguyên dịch

 

Tây Tạng là một trong những nền văn hóa bị cô lập về mặt địa lý nhất trên thế giới, ở đó có thể chứa đựng những bí mật về hạnh phúc mà tất cả chúng ta đang tìm kiếm. Có lẽ, một phần vì vị trí địa lý xa cách của đất nước, những người Tây Tạng đã trở thành người bảo vệ của một truyền thống trí tuệ sâu sắc và được bảo quản tốt mà khoa học hiện đại bây giờ chỉ mới nắm bắt được.

Nhưng với cuộc cách mạng chánh niệm đang lan truyền rộng rãi ở phương Tây, và ngày càng nhiều ngân quỹ đầu tư nghiên cứu được dành riêng cho các nghiên cứu về thực hành thiền định và khoa học về lòng từ bi và lòng vị tha, những bí mật của truyền thống cổ xưa này cuối cùng đã được công nhận trên toàn cầu.

Joe Loizzo, người sáng lập Viện khoa học thiền định Nalanda, đã nói với tạp chí The Huffington Post rằng, Tây Tạng có lẽ là kho tàng vĩ đại nhất về kiến thức, khoa học và trí tuệ uyên thâm về việc làm sao để tác động đến tâm trí từ trong ra ngoài. Những người Tây Tạng có một sự truyền thừa liên tục bằng hình thức truyền miệng về tri thức và kỹ thuật chuyên môn... cả trong y học và tâm lý học.

Nền văn hóa Ấn Độ cổ đại đã phát triển hệ thống đào tạo chánh niệm cho công chúng - bao gồm cả truyền thống Hatha Yoga và huấn luyện tâm trong Phật giáo Tây Tạng - để đảm bảo rằng các kỹ năng của việc thiền định và tính tích cực đã được giảng dạy cho mọi người, Loizzo giải thích.

Là một bác sĩ tâm thần học được đào tạo tại Đại học Harvard và là một học giả Phật giáo được đào tạo tại Đại học Columbia, ông Loizzo đã tạo dựng sự nghiệp của mình bằng cách kết hợp khoa học và tâm linh, đem những lời dạy cổ xưa về thực hành thiền định áp dụng vào trong tâm lý hiện đại của phương Tây và trong y tế dự phòng.

Mọi người ngày càng ý thức được rằng, chúng ta cần phải trở về với những truyền thống thiền định. Nền minh triết cổ xưa dạy mọi người nói chậm, tập trung chú ý, tử tế, bình an; trong khi đó, trí tuệ hiện đại của chúng ta thì bảo rằng, chúng ta cần phải hướng về phía trước và hướng tới tương lai. Chúng ta đang nhận ra rằng, điều đó không bền vững đối với chúng ta, dù là với một nền văn minh hay với tâm thức và trí não của cá nhân chúng ta. Nó đang phá hủy và xé nát chúng ta, giống như nó phá hủy và xé nát hành tinh này.

Loizzo đã dành nhiều năm nghiên cứu với các bậc thầy người Tây Tạng đang sống ở Ấn Độ và ở phương Tây, và ông ta tin rằng, truyền thống Phật giáo Tây Tạng - trong đó nhắm đến việc huấn luyện chánh niệm và lòng từ bi - có thể dạy cho tất cả chúng ta làm thế nào để sống một cuộc sống tốt hơn.

Dưới đây là bốn bài học cần thiết từ Phật giáo Tây Tạng có thể giúp mọi người trong việc theo đuổi hạnh phúc của riêng mình.

Trở nên thân thiết với tâm thức của chính bạn

Theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng, chúng ta cần hai điều chính yếu để được hạnh phúc, đó là: chánh niệm và lòng từ bi. Sự kết hợp của chánh niệm và lòng từ bi - cả hai đều có thể được phát triển thông qua việc thực hành thiền định - có thể đưa não bộ vào tràng thái có xu hướng trường thành và dễ uốn nắn nhất, đồng thời giúp phát triển trạng thái ý thức tốt nhất, Loizzo nói.

Theo ông Loizzo, thiền là một công việc khiêm tốn và thầm lặng được thực tập mỗi ngày, là nền tảng của khoa học thiền định của người Tây Tạng. Thông qua sự thực hành thiền định, chúng ta có thể bắt đầu vượt qua những suy nghĩ tiêu cực và sự phản ứng cảm xúc quen thuộc, bắt đầu sống một cuộc sống tập trung và tĩnh hơn.

Trong sách Tạng thư sống chết, một quyển sách hướng dẫn về thiền định và triết học Phật giáo Tây Tạng, ngài Sogyal Rinpoche khuyên rằng: "Trên tất cả, hãy ngồi thiền một cách thoải mái, hòa mình với thiên nhiên và không gian thoáng đãng càng nhiều càng tốt. Hãy lặng lẽ cởi bỏ cái tôi thường mệt mõi của bạn, buông xả tất cả những sự chấp chặt, và thả mình vào bản chất thật sự của bạn. Hãy xem những vọng tưởng và cảm xúc bình thường của bạn như là một tảng băng hoặc một miếng được đặt dưới ánh nắng mặt trời. Nếu bạn cảm thấy cứng và lạnh, hãy để sự khó chịu ấy tan chảy dưới ánh sáng mặt trời của sự thiền định của bạn”.

Các nghiên cứu về chánh niệm và lòng từ bi đã cho thấy những lợi ích từ thiền định đối với việc ổn định cảm xúc và thúc đẩy khả năng của bộ não trong việc tạo ra niềm vui. Các nghiên cứu còn cho thấy thiền định có thể có hiệu quả trong việc làm giảm lo âu và trầm cảm, giảm mức độ căng thẳng, giảm sự cô đơn và làm phát sinh hạnh phúc.

Thực tập hạnh từ bi ở mọi thời điểm

Hầu hết các truyền thống tâm linh phương Đông đều khuyên mọi người thể hiện tình thương yêu và lòng nhân ái đối với mọi người xung quanh. Trong Phật giáo có một phương pháp hành thiền để phát triển tâm từ bi, đó là “từ bi quán” (metta bhavana), trong đó bao gồm việc trải tâm từ bi đến với chính mình, đến với những người thân yêu của mình, đến các thành viên trong cộng đồng, cả đến với những người mà chúng ta có thể không thích, và cuối cùng là đến với tất cả chúng sinh. Trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng, chư Tăng thực tập Tonglen (cho và nhận), có nghĩa là khi thở vào thì hành giả quán tưởng là mình đang nhận vào tất cả những đau khổ của chúng sinh, khi thở ra hành giả quán tưởng là mình đang đem hạnh phúc đến cho tất cả chúng sanh, làm như thể để làm vơi đi những đau khổ và mang lại bình yên cho tất cả chúng sinh.

Những sự thực hành về tâm từ bi cho phép chúng ta biến cảm giác về sự sống của chúng ta trở thành một trận chiến, một cuộc đấu tranh cho sự sống còn của tất cả những người khác, trở thành một sự trải nghiệm chung về sự kết nối với bạn bè và thế giới lớn hơn. Đấy là vấn đề rất quan trọng đối với chất lượng sống của chúng ta và ý thức cá nhân của chúng ta về ý nghĩa trong cuộc sống.

Người Tây Tạng đã nghĩ ra những phương thức mạnh mẽ để giúp mọi người biết cách để trở nên từ bi hơn, và những phương thức này hiện đang được sử dụng ở thế giới phương Tây. Trong một nghiên cứu vào năm 2012 của Đại học Emory, cho thấy rằng việc trau dồi tâm từ bi bắt nguồn từ những phương pháp thực tập của người Tây Tạng cổ đại có thể thúc đẩy sự đồng cảm, và các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng, từ bi quán có thể làm tăng cảm xúc tích cực và dẫn đến mối quan hệ tích cực hơn theo thời gian.

Liên kết với những người có thể hỗ trợ cho hành trình của bạn

Ba ngôi báu trong truyền thống của Phật giáo gồm có Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo. Trong truyền thống này, Tăng bảo quan trọng như hai yếu tố kia để giúp chúng ta sống một cuộc sống có mục đích và hạnh phúc. Việc tạo dựng hạnh phúc và an lạc cho mình là một điều khó khăn nếu chúng ta làm một mình. Công việc này đòi hỏi phải có sự hỗ trợ và tình thương yêu của người khác, và cả cảm giác mình thuộc về cộng đồng.

Khoa học thần kinh hiện đại cho chúng ta thấy rằng, chúng ta thực sự được thiết lập để trở thành những sinh vật có tính xã hội, Loizzo nói. Chúng ta hạnh phúc và an lạc khi chúng ta làm điều đó với sự tận tụy. Chúng ta phải học cách kết nối với người khác bằng tâm cởi mở, tỉnh thức và tích cực, học cách đối trị với những phiền lụy, khổ đau hàng ngày, và duy trì một cảm giác kết nối mang tính tích cực. Đây là điều mà chúng ta thực hành trong những cộng đồng tâm linh.

Mạng lưới hỗ trợ mạnh mẽ của xã hội cũng liên quan đến một số lợi ích về sức khỏe, bao gồm cả việc làm giảm mức độ căng thẳng và tăng tuổi thọ.

Ôm lấy cái chết - không sợ nó

Trong nền văn hóa phương Tây, thái độ của mọi người đối cái chết được đặc trưng bởi sự sợ hãi và chối bỏ - và điều này có thể gây ra rất nhiều đau khổ trong suốt cuộc đời của chúng ta. Nhưng một khía cạnh trọng tâm của triết học Phật giáo Tây Tạng lại cho rằng, cái chết nên được ôm lấy, và chết có thể là đỉnh vinh quang của một cuộc sống thiện lành. Người Tây Tạng tin rằng thiền định có thể giúp chúng ta đối diện với bản chất của sự sống và cái chết.

Khi Loizzo chữa trị cho những bệnh nhân đang bị bệnh mãn tính hoặc bị những căn bệnh nặng vào giai đoạn cuối, ngoài việc hướng dẫn bệnh nhân thực hành thiền định và lòng nhân ái, ông còn vận dụng phương pháp truyền thống của Tây Tạng, đó là hỏi một số câu hỏi lớn về cuộc sống: Điều gì có ý nghĩa đối với bạn trong cuộc sống? Làm thế nào để bạn đối mặt với sự vô thường trong cuộc sống của bạn và đối diện với cái chết không thể nào tránh khỏi?.

Những truyền thống cổ xưa ấy đã cố gắng để hiểu về quá trình của sự chết và làm cho sự chết trở nên có ý nghĩa. Cách tiếp cận bằng cách đối mặt với thực tế này, ngay cả những phần làm cho chúng ta sợ, có tiềm năng lớn trong việc chữa trị.

Hỏi những câu hỏi như ông Loizzo đã hỏi các bệnh nhân có thể góp phần thúc đẩy sự chấp nhận những điều mà không thể thay đổi hoặc không thể kiểm soát được, và những vấn đề đó từ lâu giáo lý Phật giáo đã xem như là một chìa khóa để làm vơi bớt đau khổ. Một nghiên cứu gần đây của các nhà nghiên cứu Australia cho thấy, trong những thay đổi khó khăn của cuộc sống sau này, khi mà chúng ta mất sự độc lập thì việc chấp nhận những gì không thể thay đổi có thể là một tín hiệu quan trọng về sự hài lòng trong cuộc sống.

(Theo Huffington Post)

Chia sẻ: facebooktwittergoogle