Tờ gấp cổ động Vesak 2014

Minh Thạnh

Tờ gấp là gì?

Tờ gấp, tờ rơi, tờ bướm, theo từ cũ là truyền đơn, cũng đều là tên gọi cho dạng ấn phẩm nhẹ, mỏng, tóm tắt, súc tích, cô đọng, một phương thức truyền thông thông dụng, rẻ tiền và rất hiệu quả, được sử dụng trong rất nhiều trường hợp từ thông tin, chỉ dẫn, tuyên truyền, cổ động, phổ biến kiến thức, quảng cáo thương mại, phát đến người nhận bằng nhiều phương thức như gửi trực tiếp, thư tay, thư bưu chính, đặt để lấy tự do ở nơi công cộng… Trước đây, dạng truyền thông thủ công này lại được chuyển tới người nhận bằng một cách rất hiện đại: rải từ máy bay.

Ngày nay, tuy truyền hình, internet đã rất phổ biến, cung cấp những phương thức truyền thông ngắn, gọn, rất sinh động như email, video clip qua TV…, nhưng phương thức phát tờ gấp vẫn có những ưu thế nhất định và vẫn rất được chú ý khai thác. Những ưu thế đó là:

-         Là vật thể cầm được trên tay, tiếp nhận trực tiếp không cần phương tiện máy móc.

-         Có thể gây chú ý cao đối với người nhận khi phát trực tiếp, gửi thư.

-         Tương đối vẫn có chi phí thấp hơn so với báo chí.

-         Có thể tiếp tục duy trì sự chú ý có tác dụng nhắc nhở thường xuyên dù có thể trong tình trạng lưu giữ.

-         Có thể chuyển tải dung lượng truyền thông tương đối linh hoạt: một loạt hình ảnh, sơ đồ, biểu đồ, văn bản thông tin từ một bức thư ngắn, có thể gia tăng tối đa lên thành một cuốn sách nhỏ.

Truyền thông bằng tờ gấp có thích hợp với Phật giáo?

Nói đến tờ gấp, tờ rơi… nhiều người nghĩ ngay đến cảnh đứng phát quảng cáo ở đèn xanh đèn đỏ. Và như vậy, thì phải chăng viết bài thúc đẩy, chỉ dẫn Phật giáo sử dụng phương thức truyền thông khá thô thiển này là không thích hợp chút nào hết? Lẽ nào, truyền thông cho đạo Phật là đứng phát tờ rơi để thành rác vương vải khắp ngã tư đường?

Cần phải làm rõ rằng, tờ gấp không phải chỉ là giấy gấp làm ba hay từng tờ mỏng mà có thể có rất nhiều dạng: giấy mời trong bao thư, thiệp chúc bằng giấy cứng, sách mỏng khổ nhỏ, lịch, tranh, ảnh… Và cách phổ biến không phải chỉ là đứng phát ở ngã tư đường (đây chỉ là phương thức phổ biến nhanh, ít tốn công, ít tốn thời gian nhất).

Hiện nay, các tôn giáo không phải Phật giáo vẫn sử dụng hết sức phổ biến phương thức tờ rơi. Đó là những bản kinh đọc, các thông điệp, tông thư, tông huấn… dưới hình thức sách mỏng phát ở nhà thờ đạo Ca tô La Mã, hay sách mỏng, tạp chí truyền đạo in nhiều màu từ nước ngoài với số lượng nhiều triệu ấn bản của đạo Tin lành mà chúng tôi có dịp điểm qua. Thư mời dự truyền giảng Noel, gởi chương trình biểu diễn thánh nhạc đến tận nhà vào dịp Noel cũng thuộc loại tờ gấp, dù đã đóng cuốn hay in trên bìa cứng.

Phát tờ gấp là một phương thức tiếp xúc trực diện tạo được chú ý ở mức độ cao, nhưng không phải lúc nào cũng thô thiển như đứng ở ngã tư đèn xanh, đèn đỏ, khều từng người mà đưa. Những bản kinh, văn thư tôn giáo phát một cách cung kính ở nhà thờ đều được nhận bằng 2 tay. Các dạng kệ ghi lời biếu tặng bày ở tiền sảnh, cửa ra vào cũng là một cách phân phát lịch sự. Sử dụng dịch vụ phát thư bưu chính không địa chỉ của bưu điện cũng là một phương thức khéo léo…

Thực ra, Phật giáo Việt Nam cũng đã rất quen thuộc với hình thức tờ gấp qua dạng sách mỏng khổ nhỏ in kinh tụng (như kinh Khánh đản phát đến nhiều ngàn người dự lễ Phật đản tập trung trước 1975, kinh “Lễ bái Tam Bảo” của Phật giáo nguyên thủy phát không cho người đến chùa…), thần chú (như chú Đại Bi), sám văn các loại… Kinh sách mỏng ấn tống thực chất là một dạng tờ gấp. Do đó, bài viết này không giới thiệu một phương thức truyền thông mới, mà chỉ nhắc lại một cách làm truyền thông mà chính Phật giáo Việt Nam đã quen thuộc. Mục đích phân phát những bản kinh sách mỏng cũng khá rõ: khuyến tu!

Có cái mới là ngày nay, truyền thông lấy công chúng làm trung tâm. Kết quả của truyền thông được đánh giá trước hết bằng số lượng công chúng tiếp nhận truyền thông.

Theo lý luận đó, người ta tổ chức mỗi đợt phát tờ gấp quảng cáo có chỉ tiêu lên đến hàng trăm ngàn bản, vì vậy người ta phải đổ ra đứng đường mà phát cho đủ số theo kế hoạch.

Tờ gấp truyền thông về Đại lễ Vesak 2014

Truyền thông bằng tờ gấp có rất nhiều dạng. Loại không thời gian tính như kinh sách mỏng ấn tống có thể phát không ở chùa hàng năm này qua năm khác.

Loại có thời gian tính từ tổ chức đợt hoạt động truyền thông cao điểm, với mục tiêu truyền thông xác định, phát trong một thời gian giới hạn một số lượng bản in từ hàng chục ngàn lên đến cả trăm ngàn hay cả triệu bản ấn phẩm có nội dung thông tin, cổ động, thí dụ phổ biến chương trình Đại lễ Vesak 2014.

Đợt lễ hội đầu năm khách đến chùa đông đảo là một cơ hội vàng truyền thông đưa đến sẵn một số lượng rất lớn công chúng.

Thiệp chúc “Happy Vesak 2014” (Hoan hỷ Vesak 2014) với tranh ảnh phong phú về Đức Phật, chùa chiền, in chương trình lễ Vesak 2014 từng chùa, từng địa phương là một hình thức cổ động thích hợp cho ngày lễ.

Cũng không hẳn là phải giới thiệu chương trình chi tiết, mà có thể thông tin về tên miền của một trang web, một số điện thoại trả lời thường trực để được chỉ dẫn những thông tin mới nhất về ngày lễ.

Các văn bản quan trọng của ngày lễ như diễn văn, thông điệp Phật đản cũng có thể phổ biến rộng rãi bằng tờ gấp. Khi cần tăng phần trang trọng thì đặt văn bản cần phổ biến trong bao thư phân phát.

Thư mời dự văn nghệ, tiệc gây quỹ tổ chức Đại lễ Vesak 2014 cũng có thể phổ biến bằng tờ gấp. Lặp lại lưu ý này sẽ vẫn không thừa: tờ rơi có phổ công chúng truyền thông rộng hơn hết (bao gồm nhiều thành phần công chúng, chỉ cần biết chữ) so với những phương thức truyền thông khác (internet chỉ tập trung vào giới trẻ biết vận hành máy vi tính, truyền hình có nhiều công chúng ở thành phần nội trợ, người lớn tuổi về hưu nhiều thời gian…)

Truyền thông tờ gấp có thể mở rộng không gian hoạt động ra bên ngoài chùa và không có nghĩa là phải ra ngã tư phân phát ấn phẩm. Chỉ cần khéo léo một chút trong nội dung, như tại Hội sách sắp tới ở TPHCM, thường có đến hàng nhiều trăm ngàn lượt người đến dự, thì có thể đưa thông tin giới thiệu sách báo chào mừng Vesak 2014 lên trước các thông tin khác muốn phổ biến. Như thế rất dễ dàng phân phát ở hội sách, như một hình thức giới thiệu sách.

Một vấn đề có thể đặt ra ở đây phải chăng, sẽ là một vấn đề nhạy cảm khi phân phát nội dung cổ động tôn giáo bên ngoài cơ sở tôn giáo? Cách giải quyết là in tờ gấp thành dạng sách nhỏ, mỏng rồi tiến hành xin cấp phép liên kết xuất bản từ một trong nhiều nhà xuất bản tùy chọn lựa cuốn sách nhỏ đó. Đây là hình thức xin cấp phép đơn giản nhất và rất quen thuộc với Phật giáo.

Số giấy phép xuất bản, thông tin cấp phép được in rõ ở trang thủ tục ấn phẩm sẽ bảo đảm tính hợp pháp việc phổ biến ấn phẩm.

Khổ thích hợp nhất cho tờ gấp có hình thức sách mỏng là 1/3 chiều đứng tờ A4. Đây là khổ kinh tế nhất khi đưa in, cũng đặt vừa trong một bao thư khổ dài dùng đựng tờ A4 gấp 3 từ trên xuống dưới.

MT

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác