Chân Hiền Tâm
Chuyển động biểu kiến của mặt trời
Mặt trời lên ở phương
Đông, giữa trưa ở tại đỉnh đầu rồi ngả dần về phương Tây và
mất bóng. Ngày nào cũng theo chu trình đó mà đi.
21/3 mỗi năm, mặt trời ở thiên đỉnh xích đạo. Những tia sáng mặt trời chiếu
vuông góc với tiếp tuyến bề mặt trái đất ở xích đạo. Sau đó nó di chuyển dần lên
chí tuyến Bắc và ở thiên đỉnh chí tuyến Bắc vào ngày 22/6. Ba tháng sau nó lại ở
thiên đỉnh xích đạo lần hai. Rồi sau đó chuyển dần về chí tuyến Nam và lên thiên
đỉnh ở chí tuyến Nam vào ngày 22/12. Và cứ thế tiếp tục chu trình của mình…
Khi chuyển động quanh mặt trời, trục của trái đất luôn nghiêng
với mặt phẳng quỹ đạo một góc 66033’, thành khi đứng ở bề mặt trái đất, ta thấy
mặt trời dịch chuyển từ xích đạo lên chí tuyến rồi trở về lại xích đạo v.v… mà
thật không hề có sự dịch chuyển.
Người ta gọi những chuyển động thấy bằng mắt mà không thực có đó
là chuyển động biểu kiến.
Sự dịch chuyển của
các hình toán học
Không có một chuyển động nào ở đó. Chỉ là những tấm hình rất
phẳng. Trên đó, một mặt phẳng tròn màu xanh được trang điểm bằng những hình thoi
màu đỏ nối tiếp nhau, xếp thành hình vòng tròn, nhỏ ở trung tâm và lớn dần lên ở
bìa phẳng hình tròn. Một hình chữ nhật màu vàng được trang điểm bằng những hình
oval xanh, lớn bé không đều, được xếp dọc tạo thành những hình trụ xoay vòng.
Rồi những vòng hoa văn như bánh xe được đặt sát nhau v.v….
Chúng được xắp xếp theo một cách mà khi nhìn vào, tất cả như đang dịch chuyển.
Mọi thứ đang chuyển dịch dù bản thân chúng không hề chuyển dịch. Chỉ nhờ sự kết
hợp khéo léo giữa các hình ảnh toán học, màu sắc và cách nhìn của người xem mà
thấy chúng dường như đang chuyển dịch không ngừng.
Tôi in những hình ảnh đó ra giấy. Trên một mảnh giấy bóng cũng có
mà in thành hình trắng đen cũng có. Tất cả những dịch chuyển đều biến mất. Chẳng
còn gì ngoài những hình ảnh phẳng lỳ, không có chuyển động.
Đó không phải là chuyện lạ.
Bởi nhân duyên tạo hình thay đổi thì cái quả nhận được cũng thay
đổi theo.
Trong thế giới này, có bao nhiêu chuyển động được nhìn thấy bằng
mắt mà thật không hề có chuyển động như những gì mình đã từng thấy?
“Không đến cũng
không đi” của Trung Luận
Trong phẩm Phá đến đi, Bồ-tát Long Thọ nói kệ:
Đã đi không có đi
Chưa đi cũng không
đi
Lìa đã đi chưa đi
Đang đi cũng không
đi.
Diễn tả sự chuyển dịch trong ba thời một cách rất mộc mạc. Đã, là
những gì thuộc về quá khứ. Chưa, là chuyện chưa tới ở vị lai. Đang, muốn nói đến
việc xảy ra trong hiện tại. Cả ba thời đều không có đi. Tức không tìm thấy sự
chuyển dịch trong cả ba thời.
Hì…
Chỗ động ắt có đi
Trong ấy có đang đi
Không đã đi chưa đi
Nhưng đang đi có đi.
Ít ai chịu chấp nhận những thứ đang hoạt động ì xèo trước mắt là
không. Chuyển động trong quá khứ và vị lai có thể nói không, vì một thì chưa có
và một thì không còn hiện diện. Nhưng hiện tại, không thể phủ nhận những gì đang
diễn ra trước mắt. Đang đi nhất định có đi vì ở đó đang có sự chuyển động. Song
Bồ-tát Long Thọ nói không. Ắt phải có vấn đề để bàn luận.
Làm sao nói đang đi
Mà có sự kiện đi
Nếu lìa sự kiện đi
Đang đi không thể
được.
Nếu nói đang đi đi
Người ấy ắt có sai
Lìa đi có đang đi
Đang đi đi một mình.
Á à… Nói không
đi, không phải là phá bỏ cái anh đang thấy là không. Những gì anh đang thấy
không phải không, nhưng đó chỉ là cái thấy trong mộng. Vì là mộng, nên tuy thấy
có đi có đến mà thực thì không đi không đến. Ngay khi mộng đã không. Tỉnh mộng
đương nhiên hết. Nói không, là muốn nói những chuyển động, tuy thấy có đó mà chỉ
như huyễn như hóa, không có chất thực, không có thực tánh.
Vì không pháp
nào có thực tánh, nên hiện tại, vật lý không thể tìm thấy ở chuyển động một giá
trị mang tính phổ quát. Trạng thái đứng yên hay chuyển động của một vật chỉ mang
tính tương đối. Nó lệ thuộc vào vị trí của người quan sát.
Người ngồi trên
xe đạp sẽ thấy đường đi của đầu van là một chuyển động tròn đều quay quanh trục
bánh xe. Người đứng bên vệ đường sẽ thấy đầu van chuyển
động theo dạng hình cong lúc lên cao, lúc xuống thấp. Quỹ đạo của chuyển động
mang tính tương đối.
Một xe lửa đang
chạy với vận tốc 40km/h. Người ngồi yên trên xe lửa sẽ có vận tốc là 0 đối với
xe lửa, nhưng với người đang đứng ở vệ đường, người ngồi yên đó đang có vận tốc
là 40km/giờ. Nghĩa là vận tốc trong chuyển động cũng mang tính tương đối.
Cho nên, muốn
khảo sát một chuyển động không thể khảo sát chung chung mà phải dựa vào một thứ
gọi là hệ quy chiếu. Nói theo ngôn ngữ nhà Phật là phải khảo sát trong một duyên
nhất định nào đó. Tức chuyển động là pháp nhân duyên. Nhân duyên thì “Pháp do nhân duyên sinh/ Ta nói tức là không”.
Đó là lý do vì sao Bồ-tát Long Thọ nói đang đi cũng không đi. Là muốn nói mọi
chuyển động tuy thấy có mà không có tự tánh.
Bài kệ, không
nói đến hệ quy chiếu cũng không nói đến vận tốc, chỉ lý luận đơn giản rằng: Làm
sao nói đang đi mà có đi? Nếu nói đang đi có đi, tức cho nó có tự tánh, thì nó
phải đáp ứng đủ ba điều kiện là tự có, độc lập và thường trụ.
Nhưng mọi chuyển động không có thứ nào tự có hay độc lập. Vì đều là pháp nhân
duyên. Đều phải nương vào pháp khác mới hiện tướng được. Như “đang đi”, phải nương vào sự kiện đi mới có “đang đi”. Không thể không có sự kiện đi mà nói
có đang đi. “Đang đứng” cũng phải
nương vào sự kiện đứng mới nói “đang
đứng”. Không có sự
kiện đứng mà nói có đang đứng, là trông gà hóa cuốc. Vì thế, kệ nói “Nếu lìa sự
kiện đi/ Đang đi không thể được”. Không có “sự kiện” đi thì “đang đi” không thể thành lập.
Như vậy, điều
kiện để một chuyển động được cho là có, là nó phải đang xảy ra. “Đang đi”. Nhưng cái đang xảy ra đó là pháp nhân duyên, vì
phải nương vào pháp khác mới hiện thành được. Pháp nhân duyên, “Ta nói tức là
không”.
Vật lý hiện đại đã nói đến cái gọi là không-thời gian liên thể. Giáo sư
Trịnh Xuân Thuận nói: “Thực tế, chúng tạo thành một cặp rất thống nhất mà sự vận
động của chúng luôn bổ sung cho nhau”. Thời gian và
không gian bây giờ không còn được xem là những thực thể độc lập như thời Newton.
Hãy chú ý đến
mấy từ “độc lập” mà các vị đã dùng để nói về thời gian. Nó giúp chúng ta hiểu
câu “Đang đi đi một mình”. Nếu bạn thấy có một chuyển động đang diễn ra và bạn
cho nó có, tức có thực tánh, là bạn đang dùng quan điểm của Newton để nhìn sự
vật, cho thời gian và không gian là những thực thể độc lập với nhau và độc lập
với vật.
Với cái nhìn
của những nhà vật lý hiện đại, thời gian không còn “đi một mình”, nó không tách
lìa không gian. Và vật là thứ quyết định sự co dãn của chúng.
Chúng là pháp nhân duyên. Pháp do nhân duyên sinh, “Ta nói tức là không”.
Vật lý hiện đại
đã nói đến tính không độc lập của thời gian và không gian (là mặt nhân duyên của
pháp), cũng nói đến tính không phổ quát của chúng (là mặt không có thực tánh của
pháp), nhưng chưa thể thấu được cái gọi là thực tánh của nhân duyên. Như hàng
Nhị thừa chưa nhận ra được thực tướng của Tứ đế, Thập nhị nhân duyên hay
Niết-bàn. Chưa thấu được cái lý tất cả đều từ tâm sinh, đều lấy tâm vô sinh làm
gốc. Đó là thứ mà nền vật lý hiện đại chưa thể hình dung, nhưng Trung luận đã bàn đến.
Mặt trời thấy
có chuyển dịch mà thật không có chuyển dịch, chỉ vì trái đất xoay quanh. Đến đi
vốn không đến đi mà thấy có đến đi, chỉ vì tâm động. Tâm động nên cảnh vật thấy đổi dời mà thật không có đổi dời. Lục
Tổ nói: “Không phải phướng động. Không phải gió động. Tâm nhân giả động”.
“Đi” lấy “Đi mà không đi” làm nghĩa
Văn Thù hỏi cô
Am Đề Già:
- Sinh lấy gì
làm nghĩa?
Am Đề Già đáp:
- Sinh lấy “Sinh mà không sinh” làm nghĩa.
Văn Thù hỏi:
- Sinh lấy
“Sinh mà không
sinh” làm nghĩa là
sao?
Am Đề Già thưa:
- Nếu hay rõ
biết bốn duyên đất, nước, gió, lửa chưa từng tự được, tuy có chỗ hợp mà chỉ tùy
chỗ ứng hợp. Đó là nghĩa sinh.
Hỏi tiếp:
- Tử lấy gì làm
nghĩa?
- Tử lấy
“Tử mà không tử” làm nghĩa.
- Là nghĩa lý
gì?
- Nếu hay rõ
biết bốn duyên đất, nước, gió, lửa chưa từng tự được, tuy có chỗ ly mà chỉ tùy
chỗ ứng hợp. Đó là nghĩa tử.
Rồi Am Đề Già hỏi Văn Thù:
- Đã rõ biết
cái lý sinh là không sinh thì sao vẫn cứ sinh tử xoay vần?
Văn Thù đáp:
- Vì lực chưa
đủ.
“Lực chưa đủ” là căn nguyên
khiến mọi cái thấy trở thành hạn cuộc, không còn nhìn pháp đúng như chính nó.
Cũng khiến cho kẻ dù đã thấu được cái lý “sinh mà không sinh”, “tử mà không tử”,
vẫn chưa thoát được cửa ải sinh tử.
Gốc là tâm, nên
đất, nước, gió, lửa chưa từng tự được.
Nói “tự” đó, là không do cái khác mà được.
Nhưng có thứ nào không từ tâm sinh.
“Tâm sinh thì tất cả pháp sinh. Tâm diệt thì tất cả pháp diệt”.
Đâu có chủ thể để tự quyết cho thân phận mình mà nói tự được. Chưa từng tự
được!.
Sinh tử như thế
thì đi đứng cũng không khác. Đều cùng một thể mà ra. “Đi” lấy “Đi mà không đi” làm nghĩa. “Đứng” lấy “Đứng mà không đứng” làm nghĩa.
Hiểu không?
Đừng nói là lực
chưa đủ…
Hóa nhân thì không có đến đi
Thời Phật còn
tại thế, có tín nữ tên Hằng Hà Thượng. Người ta gọi cô là Ưu-bà-di Hằng Hà
Thượng.
Một lần, cô đến
vườn Cấp Cô Độc trong thành Xá-vệ gặp Phật.
Phật hỏi:
- Cô từ đâu
đến?
Hằng Hà Thượng
thưa:
- Bạch Thế Tôn!
Nếu hỏi hóa nhân
“ngươi từ đâu đến” thì phải đáp ra sao?
Phật trả lời:
- Là hóa nhân
thì không có đến đi cũng không có sinh diệt, làm sao nói đến đi?
Hằng Hà Thượng
thưa:
- Bạch Thế Tôn!
Các pháp không phải đều là hóa nhân sao?
Phật đáp:
- Đúng vậy!
Đúng vậy! Như lời tín nữ đã nói.
Không có đến đi
vì tất cả đều là hóa nhân. Đều là sở hiện của tự tâm, như ngủ rồi mộng. Trong
mộng thấy có đến đi mà thật là không có đến đi. Cho nên, Hằng Hà Thượng trả lời:
- Nếu các pháp
đều như hóa nhân, sao Thế Tôn còn hỏi con từ đâu đến?
- Người huyễn
hóa thì không đến đường ác, không sinh lên trời, không chứng Niết-bàn. Hằng Hà
Thượng, cô cũng vậy sao?
- Bạch Thế Tôn!
Nếu con thấy thân khác với huyễn hóa mới có thể nói đến đường ác, sinh đường
thiện và chứng Niết-bàn. Con không thấy thân khác huyễn hóa, sao lại nói đến
đường ác và chứng Niết-bàn? Bạch Thế Tôn, như tánh Niết-bàn, rốt ráo không thể
sinh thiện ác đạo cùng bát Niết-bàn. Con thấy thân con cũng như vậy.
À, té ra… thấy
có tới lui dịch chuyển như hiện nay là tại chưa sống được với cái thật, chưa
nhận ra được cái gọi là thân huyễn hóa, tâm vọng tưởng. Cảnh trong mộng vẫn còn
thật khi người ngủ chưa hết mơ.
Bởi còn chấp
sắc thân và tâm vọng động này là thật nên chưa thể thoát được cái nhìn rơi vào
nhị biên phân biệt. Nhị biên không trừ thì chưa thể nhận ra sự huyễn hóa của
thân tâm. Cứ tưởng lầm những hình ảnh toán học kia thật có chuyển dịch mà không
thấy mặt nhân duyên kết hợp của chúng. Lìa nhân duyên ấy ra, chuyển dịch hoàn
không. Vì tánh nó vốn không.
- Không phải cô
đang hướng đến Niết-bàn giới đó sao?
- Bạch Thế Tôn!
Nếu đem lời hỏi này hỏi chỗ vô sinh thì thế nào?
- Vô sinh là
Niết-bàn.
- Bạch Thế Tôn!
Các pháp không phải đều đồng với Niết-bàn sao?
- Đúng vậy!
Đúng vậy!
Lần thứ hai, Đức Phật xác nhận lời nói của Hằng Hà
Thượng là đúng. Các pháp đều đồng với Niết-bàn. Bởi tánh các pháp chính là tâm
vô sinh. Tâm vô sinh và Niết-bàn không hai không khác. Nhập Niết-bàn, chính là
trở về thể nhập lại thể tánh vô sinh của chính mình, cũng là cội nguồn từ đó
phát sinh vạn pháp.
Cái gọi vô sinh
đó, chính là Tri kiến Phật nói trong Pháp hoa, là Tướng không nói trong
Bát-nhã, là Bát bất của Trung luận, là Chân như của luận
Đại thừa khởi tín v.v…
Tất cả pháp đều đồng cái cội gốc ấy, đều đang ở trong Niết-bàn.
- Bạch Thế Tôn!
Nếu tất cả pháp đã đồng với Niết-bàn, sao còn hỏi con “Cô không đang thú hướng
niết bàn giới sao?”.
Niết-bàn không
lìa tâm mà có thì sao còn hỏi con chuyện thú hướng. Ngay nơi cái tâm vọng động
phân biệt này mà dừng đi những chấp trước phân biệt thì Niết-bàn vô trụ xứ liền
đó. Niết -bàn này không đồng với Niết-bàn của Nhị thừa, thấy có sinh tử để ly,
Niết-bàn để vào. Niết-bàn này là tự thể vô sinh của tất cả pháp. Nhập Niết-bàn
chính là sống lại được với tánh thể vô sinh ấy. Sống được với tánh thể vô sinh
ấy thì thấy tất cả những gì có tướng đều là hư vọng. Tuy thấy đến đi mà thật
không có đến đi. Tuy thấy chuyển động mà thật không có chuyển động. Nói theo Trung luận thì “Không đi đến cũng không
phải không đi đến”. “Không đi đến” vì tự thể vốn không. “Không phải
không đi đến” vì mê tình chưa hết, đủ duyên liền hiện, không
thể nói không.