Những Tăng sĩ tu trong
rừng ở Đông Nam Á, cũng còn được gọi là những Tăng sĩ khổ hạnh hay những Tăng sĩ
tu thiền bởi vì họ thực hành những pháp tu khổ hạnh, đã làm hồi sinh lại truyền
thống Phật giáo Theravāda có sự nối kết trực tiếp với Đức Phật lịch sử Gautama.
Truyền thống Thudong này nhấn mạnh vào
hành thiền và thực hành khổ hạnh chứ không phải vào việc theo
đuổi học thuật và văn chương. Nó ca ngợi những vị ẩn sĩ sống
rừng như là những người tương phản với những tu sĩ thành thị được tổ chức hóa
thuộc những Tăng đoàn nhà nước tập trung.
Truyền thống tu sĩ tu
trong rừng, có nguồn gốc từ Ấn Độ, đã được truyền sang Thái
Lan, Miến Điện, Lào và Tích Lan. Tuy nhiên, sự hồi sinh
của nó là một phong trào cải cách vào thế kỷ XIX liên quan đến môi trường rừng
của nó. Truyền thống này ngày nay về cơ bản đã không còn tồn tại do vì
môi trường tự nhiên của nó bị huỷ diệt. Tuy vậy, truyền thống
Thudong tiêu biểu cho một sự thừa kế tốt đẹp về đời sống ẩn sĩ.
Nguồn gốc
Nguồn gốc của truyền
thống tu sĩ ở rừng được truy nguyên từ vua Ashoka, thế kỷ III tr.TL, vị hoàng đế
Phật tử của Ấn Độ, mà luật lệ bảo hộ nhà nước của ông đối với Phật giáo và sự
bảo trợ những giáo đoàn truyền đạo đến những lân bang đã tiếp sinh lực cho Phật
giáo phát triển bên ngoài mảnh đất khai sinh ra nó.
Nguồn văn học chính liên
quan đến sự thực hành khổ hạnh trong rừng của các Tăng sĩ, tuy nhiên, là luận Thanh tịnh đạo (Visuddhimagga) vào thế kỷ
V TL của Phật Âm (Buddhaghosa), mà nó đã giới thiệu vinaya hay nguyên tắc khổ hạnh, nền tảng của một phương pháp thiền
bên trong ngữ cảnh của một bản trích yếu về giáo pháp. Tài liệu hàm súc này trở thành điều mà một người tinh thông gọi là
“tiêu chuẩn bất khả phân của giáo pháp chính thống dành cho những hành giả
Theravāda”.
Nhưng trải qua nhiều thế
kỷ, sự ảnh hưởng của nó đã suy yếu và tan chảy. Sự hồi sinh
của vinaya vào thế kỷ XIX đã cứu lấy
một nguồn tài liệu quan trọng mà nó đã mang lại lực đẩy cho việc phục hồi sự
thực hành ẩn dật.
Những nguồn gốc tu tập
trong rừng của Tăng sĩ có thể nhận biết được phần nào ở nơi thuật ngữ được sử
dụng. Như một học giả đã nói:
Những Tăng sĩ khổ hạnh và tu thiền có thể được kể đến theo những trường hợp khác
nhau như là những Tăng sĩ ẩn cư trong rừng, những Tăng sĩ khổ hạnh, hay những
hành giả tu thiền, tùy thuộc vào phương diện đời sống được nhấn mạnh. Đáng nói
là, những hành giả cư trú trong rừng đôi khi được đề cập đến như là tapassi…
Thuật ngữ này thường được áp dụng cho những ẩn sĩ không thuộc Phật giáo, những
người thực hành sự hành xác, và cho thấy mức độ mà việc tu khổ hạnh của Phật
giáo có được sự hấp dẫn của riêng mình nằm ở nơi những truyền thống Ấn Độ khác.
Sự giống nhau bên ngoài
của những Tăng sĩ sống ở trong rừng với những Sadhu của Ấn giáo và Kỳ-na giáo
cho thấy một nền văn hóa tu khổ hạnh đầy sinh động ở Ấn Độ cổ và trung đại. Ở Ceylon (Sri Lanka)
vào thế kỷ XII, Mahakassapa của xứ Dimbulaga đã làm hồi sinh pháp tu khổ hạnh
Phật giáo trong việc công bố cuốn
Mahavamsa của mình, một cẩm nang tu thiền, thêm vào một bộ những giới luật
hay katikavatu để kiểm soát sự thực
hành Tăng-già. Mahakassapa xa hơn đã đề nghị vua Sri Lanca
thành lập một Tăng đoàn quốc gia. Mối liên hệ ít thực chất giữa người cai
trị thế tục, thẩm quyền giáo hội và sự thực hành khổ hạnh, tuy nhiên, quấy rầy
truyền thống khổ hạnh khắp Đông Nam Á theo một cách thức mà nó không ảnh hưởng
đến những vị sadhu không thuộc Phật giáo của Ấn Độ.
Nguồn tài liệu khác của
việc tu khổ hạnh trong rừng của Tăng sĩ được dựa trên những miêu tả truyền thống
về Đức Phật ở trong những tiền kiếp được tìm thấy trong những câu chuyện
Jātaka (tiền thân). Những
câu chuyện Jātaka là một nguồn cảm
hứng trực tiếp đối với Pannananda vào cuối thế kỷ IX ở Sri Lanka. Đây là nguồn tài liệu có tính chất văn học và dân gian hơn cả
Visuddhimagga
và những kinh luận chính thức khác.
Sự tu khổ hạnh trong
Jātaka được tiếp tục ở Sri Lanka bởi người đệ tử của Pannananda là
Subodnanda, người đã phát triển sự tu khổ hạnh ở trong làng nơi mà một nguyên
tắc dành cho người thế tục là không được nương tựa vào những hình thức học thuật
hay tu viện. Subodnanda cũng đã giới thiệu khái niệm “tự thọ giới” khi những
Tăng đoàn của thành thị đã khước từ
thẩm quyền của họ. Từ việc tu khổ hạnh được đặt cơ sở nơi làng mạc ở Sri Lanka dẫn đến
sự tuyệt giao sau đó với việc hình thành nên những cộng đồng tu sĩ nhỏ được đặt
cơ sở trên việc cư trú ở trong những khu rừng. Những cộng đồng Tăng sĩ
nhỏ này (hầu như là tự thọ giới) được hiểu như là một Tăng đoàn nguyên thuỷ
theo một kiểu thức mà Đức Phật Gautama lịch sử đã chấp nhận, theo anh
hùng Ratanapala Asmandale của Sri Lanka, người đã sống đến giữa thế kỷ XX.
Thực hành
Luận Thanh tịnh đạo trình bày ba thành phần
cốt tuỷ của pháp tu khổ hạnh: giới (sila), định (samadhi) và tuệ (panna). Ba
phương pháp này được thực hiện vừa theo thứ bậc và vừa cùng một lúc.
Mục đích tối hậu của con
đường là sự thanh tịnh (visuddhi). Thanh tịnh là phép ẩn dụ cốt yếu của sự thực
hành: thanh tịnh thân và tâm. Đồng thời, con đường khổ hạnh được giới thiệu ở
đây được biểu thị bằng một sự thực dụng tâm lý mà nó nhấn mạnh những kết quả cụ
thể vượt qua những sự suy đoán và siêu hình.
Sự nhấn mạnh vào việc đạt
lấy thanh tịnh thông qua thực hành hơn là qua học thuật và tiếp thu kiến thức
này dường như phù hợp với mục đích của Đức Phật Gautama lịch sử, nhưng cũng cho
thấy một sự thoát ly khỏi việc thể chế hóa tu viện và Tăng sĩ, điều thúc đẩy cho
những gì được gọi một cách khéo léo bằng tiếng Thái là pariyat, hay “những tu sĩ
học giả”.
Ngoài ra, luận Thanh tịnh đạo thấy môi trường vật lý tối ưu nhất cho con đường
thanh tịnh là sự độc cư, hay ẩn dật (viveka). Như Suttanipiti nói:
Được tự do, như hươu ở trong rừng
Gặm chồi non ở nơi đâu nó muốn
Bậc trí nhân để tâm vào giải thoát
Một mình đi như tê giác một sừng.
Luận Thanh tịnh đạo
giới thiệu 13 pháp tu khổ hạnh (dhutanga). Đây không phải là những phương pháp
thực hành của Phật giáo từ khởi đầu mà là một sự phát triển tư tưởng về sau,
được miêu tả ở trong những tài liệu được gán cho là những bản kinh của Đức Phật.
Sự thực hành trở thành biểu tượng của việc tu khổ hạnh Phật giáo vào thời điểm
cuốn Những câu hỏi của vua Milinda
(Milindapanho)
có ảnh hưởng (thế kỷ XII). 13 dhutanga là:
1. Mặc y phục làm bằng giẻ
rách.
2. Sử dụng chỉ ba y.
3. Sống bằng khất thực.
4. Không bỏ qua bất kỳ nhà
nào khi đi khất thực.
5. Chỉ ăn ngày một bữa.
6. Chỉ ăn từ nơi bình bát
của mình.
7. Không ăn suất ăn thứ
hai.
8. Ăn ở trong rừng.
9. Ăn dưới gốc cây.
10. Sống ở ngoài trời.
11. Sống ở trong nghĩa địa.
12. Bằng lòng với chỗ ở mà
mình có được.
13. Ngủ ngồi và không bao
giờ nằm.
Tăng sĩ sống rừng phải lấy
áo vải bị vứt bỏ làm y phục của họ, tiếp đến chỉ nhận áo vải được đặt tại nơi cư
trú của mình hay dọc con đường đi hàng ngày. Nói chung, một vị Tăng chỉ có ba y.
Tăng sĩ không dự trữ hay
nấu thức ăn mà hàng ngày đi vào ngôi làng gần đó (có thể cách một vài dặm) để
khất thực. Điều này buộc họ phải tuần tự đến từng nhà một để khất thực. Họ không
đi đến những nhà giàu nhất hay vị gia chủ tốt bụng nhất trước mà phải đến mỗi
nhà theo thứ tự. Họ đưa bình bát ra trong im lặng. Các Tăng sĩ Sri Lanka che một
cây quạt trước mặt, giống như những thiền sư Nhật mà chiến nón rộng vành có thể
che phủ khuôn mặt của họ. Thức ăn phải từ phần dư của gia chủ, không phải dành
riêng cho việc đến khách thực của vị Tăng hay được chuẩn bị trước cho họ. Những
quy định này là tương tự với việc thực hành của những vị sadhu Hindu và Kỳ-na.
Công việc hàng ngày của các
tu sĩ là đi khất thức vào giữa buổi sáng, sau đó quay trở về nơi cư trú vào lúc
giữa ngày. Nếu họ thành lập nên một một tu viện có tổ chức, những Tăng sĩ tu
trong rừng sẽ tụ họp ở một phòng riêng hay nhà ăn (sala), phân phối thực phẩm
theo nhu cầu, và ăn bằng bình bát của họ trong sự im lặng, không có đồ dùng và
không ăn khẩu phần ăn thứ hai. Nếu thức ăn của họ quá nhiều thì phải cho đi.
Thức ăn điển hình của Thái là cơm, thường với nước sốt ớt, và một số rau quả, và
đôi khi có trái cây. Các Tăng sĩ thường sử dụng giếng hay một con suối làm nguồn
nước. Bữa ăn giữa ngày là bữa ăn duy nhất, nhưng trà vào buổi chiều từ thảo mọc
là có thể được chấp nhận.
Nơi vị Tăng tu khổ hạnh
sống thể hiện sự thực hành của họ. Những nơi ở ẩn dật phát triển hơn đã theo
khuôn mẫu của những tu sĩ Thiên chúa giáo dòng tu khổ hạnh ở phương Tây: những
nơi ở riêng nằm kề với nhau. Ở Thái Lan, thất riêng cho mỗi người được gọi là
một kuti, làm bằng tre, lá cọ, hay những cây gỗ đã bị ngã đổ. Ở Sri Lanka, am
thất thường làm bằng bê-tông và gỗ, với sàn bằng bê tông. Khi một vị thầy và đệ
tử cư trú cùng nhau, thì nó là một nơi ở duy nhất. Khi một vị Tăng là ẩn sĩ, vị
ấy có thể sống ở trong một cái thất đã được sử dụng trước đó nhưng có khả năng
hơn là một hang động nếu vị ấy không di chuyển. Trong mọi trường hợp, việc cư
trú phải ở trong một khu rừng với không có làng mạc hay nơi sinh sống khác có
thể nhìn thấy hay có thể đến được dễ dàng.
Những hành giả sống một
mình sẽ tìm kiếm những môi trường nghiêm ngặt hơn. Ở Thái Lan, những du tăng
mang theo một klot (một lều vải nhỏ) và một chiếc màn ngăn muỗi, mà nó có thể
dựng ở ngoài trời, trong một hang động, bên dưới một gốc cây, hay ở tại một
nghĩa địa. Vị du tăng không than phiền về bất kỳ môi trường gì mà vị ấy đến.
Việc không bao giờ nằm ngủ mà chỉ ngồi là thực hành khổ hạnh phổ biến suốt khắp
truyền thống Phật giáo vào những thế kỷ sau. Chỉ một vị Tăng bị bệnh mới được
nằm.
Thời khóa điển hình dành
cho một Tăng sĩ sống rừng là ngủ từ 10 giờ tối đến 2 giờ sáng, hành thiền từ 2
giờ đến 6 giờ sáng, tắm rửa vệ sinh và quét dọn cho đến khi đi khất thực, sau đó
quay về thọ thực, nghỉ ngơi, làm một số việc, và trải qua bốn giờ hành thiền
khác, thường từ 6 giờ đến 10 tối.
Một trong những việc mà
những vị Tăng sống ở làng – những người sống ở ngoài trời cận những ngôi làng
cũng như những người sống ở trong những tu viện – phải làm là lao động chân tay
để giúp đỡ những người dân làng vào lúc cần thiết chẳng hạn như đào giếng, xây
nhà hay thu hoạch vụ mùa. Những vị Tăng không tránh tiếp xúc với dân chúng khi
mục đích được xác định rõ và là phương tiện hữu ích thể hiện lòng từ bi.
Ngoài ra, những du tăng
trưởng lão với một hoặc hai đệ tử hay những Tăng sĩ trẻ tuổi, có thể thực hiện
một chuyến đi dài vài tháng, đôi khi không có một kế hoạch hành trình rõ ràng,
đi theo những con sông, rừng núi, thung lũng, và men theo đường nhỏ của những
ngôi làng biệt lập để khất thực, mặc dù có khi những vị du tăng đi mà không có
thức ăn trong nhiều ngày khi họ bị lạc đường. Những vị Tăng như vậy có thể sẵn
sàng chấp nhận việc thực hành ngủ dưới gốc cây ngoài trời, ở trong những hang
động hay ở nghĩa địa, trong khi tuyệt đối trung thành với nguyên tắc thiền định
ở nơi hoang vu.
Và thiền định thật sự là
điều cốt tuỷ đối với sự thực thực hành của họ, trong một sự tương phản mạnh mẽ
với những Tăng sĩ học thuật. Một người quan sát tóm tắt động cơ của những Tăng
sĩ khổ hạnh như sau:
Họ biết rằng nếu họ nghiên
cứu Pháp (Dhamma) mà không thực hành nó, họ vẫn không biết về ý nghĩa thâm sâu
của nó. Họ nhận ra rằng giá trị của Pháp không được tìm thấy trong việc đọc và
nghiên cứu mà ở nơi việc tu luyện tâm thức thông qua đời sống Thudong. Sau cùng, họ hiểu rằng nơi chốn
tốt nhất để học hỏi giáo pháp của Đức Phật không phải ở trong một ngôi tự viện
tiện nghi, mà ở nơi ngôi trường của chính họ, nơi đại học của chính họ: giữa
rừng, một khu rừng nhỏ, bóng mát của một cái cây, nghĩa địa, ngoài trời, triền
núi, chân núi, một thung lũng. Họ tin rằng những nơi như vậy được Đức Phật giới
thiệu như là trường đại học tối cao.
Rừng được xem là môi trường
thiên nhiên có giá trị cho sự độc cư và ẩn dật, và nhiều Tăng sĩ
Thudong trở thành những ẩn sĩ vào những chu kỳ thời gian được chọn lựa, cư
trú sâu trong khung cảnh biệt lập của những động núi và nơi ở trong rừng vắng.
Trong khi kỳ an cư mùa mưa ba tháng thường thu hút những Tăng sĩ và thiền giả
tạm thời, tính nghiêm ngặt của thời kỳ này là rất mực cao đối với những tăng sĩ
chuyên tu. Những lợi ích của môi trường rừng dành cho thiền định, cho niềm tin
được minh chứng nơi những huấn thị của một vị thầy, và dành cho hạnh phúc của
cộng đồng tu sĩ sống rừng và những muông thú là những nguồn tích cực.
Ba nỗi sợ hãi
Nỗi sợ hãi đi cùng với
nhiều người mới đến nơi hoang dã, do vì tình trạng không an toàn của đời sống và
sự tồn tại hàng ngày mà đặc biệt là sợ hãi thú hoang, bệnh tật và sự xâm hại, và
ma quỷ-do truyền thuyết văn hóa mang lại.
Nhiều Tăng sĩ sống trong
rừng thuật lại việc họ đối mặt với những con thú hoang, cụ thể là cọp, voi và
rắn. Cọp thường ẩn núp quanh những vị ẩn sĩ nơi những lều trại (klot) của họ vào
ban đêm, và các Tăng sĩ học đối mặt nỗi sợ hãi một cách trực tiếp. Trong khi ở
với một vị thầy, vị tu sĩ học lắng nghe và tuân theo không chỉ những lễ nghi và
chuẩn tắc mà những gì làm và không làm với những con cọp xung quanh, nhờ đó chế
ngự nỗi sợ hãi. Một vài vị thầy đi thiền hành vào lúc hoàng hôn hay ngũ trên
đường mòn để rèn luyện tâm chống lại nỗi sợ hãi thú hoang, đặc biệt vì họ muốn
những đệ tử của mình trải nghiệm cuộc sống ẩn sĩ, để du hành một mình, và để
sống ở trong hang động hay dưới gốc cây.
Trong khi cọp và voi là
điển hình ở những khu rừng Thái Lan, thì rắn là phổ biến ở Sri Lanka. Có một câu
chuyện rằng, có một vị Tăng ngồi thuyết giảng một tiếng rưỡi trong khi một con
rắn độc bò đến và nằm bất động sát một bên ông. Con rắn chỉ rời khi buổi giảng
kết thúc. Câu chuyện này thuyết phục người nghe về năng lực chân thật của Pháp.
Trong những môi trường như
vậy, việc tu luyện tâm là vô giá. Như một vị thầy, Ajan Man, đưa ra: Từ một tâm thức như vậy, một kẻ tấn công sẽ rút lui, dù đó là một con
cọp, rắn hay một con voi. Vị hành giả thậm chí có thể đi thẳng đến nó. Thái độ
của ông đối với loài thú được đặt trên lòng từ (metta), mà nó có một sự ảnh
hưởng huyền bí, nhưng chân thực và thẳm sâu…
Nỗi sợ thứ hai mà những
vị thầy đặt ra cho những đệ tử của họ vượt qua là nỗi sợ về tử thi và ma quỷ.
Thanh tịnh đạo luận dạy thiền quán tử thi như một cách thức ghi nhớ về sự vô
thường nhưng cũng là một cách thực hành thực tế để chế ngự sự cám dỗ nhục dục,
và nỗi sợ hãi về bệnh tật. Nhưng trải qua ban đêm ở trong một nghĩa địa,
cho dù ở trong một lều trại (klot) hay ở ngoài trời, có thể là nguồn của nỗi
kinh sợ.
Nghĩa địa của (một số nước)
Đông Nam Á không phải là những khu bia mộ và những bãi cỏ rộng rãi như thế giới
phương Tây. Xác chết được mang đến và được đặt trong những tấm vãi liệm ở trên
mặt đất. Sự hỏa thiêu sơ sài để lại những thứ chưa thiêu hết khi trời sẫm tối.
Một vị Tăng ở lại trong một nghĩa địa vào lúc hoàng hôn khi dân làng mang một
xác người được khâm liệm và để xác chết đang cháy âm ỉ trên bãi đất nơi vị Tăng
có thể nhìn thấy nó từ cái lều (klot) của mình. Hầu như trong mọi trường hợp,
mùi thịt bị thiêu cháy bủa khắp và kích thích sự tưởng tượng của vị Tăng. Vị
Tăng được dạy nhận thức và quán sát nỗi sợ hãi, để kiểm soát nó với chánh niệm,
và cuối cùng vượt qua nó. Nhưng điều đó hiếm khi xảy ra nếu không có sự trải
nghiệm sâu sắc.
Nỗi sợ thứ ba là sợ khổ đau
về thân xác. Sự đau đớn phổ biến của bệnh sốt rét đòi hỏi những người ở trong
rừng phải có sức kiên trì, đặc biệt khi thuốc giảm đau không có ở những khu vực
heo hút biệt lập. Bất chấp sự đau đớn của bệnh sốt rét, một số Tăng sĩ không
thay đổi nguyên tắc của họ, vẫn bước đi trong đau đớn hay ngồi thản nhiên ở
ngoài trời trong cơn mưa. Niềm tin rằng khổ đau có nguồn gốc ở trong tâm là một
động lực mạnh mẽ để tu luyện.
Ở phạm vi thử thách thân
thể, những Tăng sĩ sống trong rừng làm tương phản hoàn cảnh hoang vu của họ với
môi trường ấm cúng của tu viện. Đối với những vị Tăng và ẩn sĩ sống trong rừng,
nghiên cứu sách vỡ không thể chiến thắng được khổ đau thân thể. Một tri thức
vững vàng có thể che đậy sư yếu đuối cảm xúc, suy yếu chánh niệm. Ajan Man,
người đã trải qua một kỳ an cư mùa mưa trong khi bị những cơn đau dạ dày hành hạ
khốc liệt, đôi khi đi vào thành thị và làng xóm để thử thách bản thân trước
những cám dỗ của thực phẩm và tham muốn nhục dục.
Lịch sử
Về lịch sử, những Tăng sĩ
và ẩn sĩ sống trong rừng ở Đông Nam Á là không bị kiểm soát và tuân theo nguyên
tắc truyền thống. Đạo luật Tăng-già vào năm 1902 là nỗ lực chính thức đầu tiên
mà nhà nước và Tăng đoàn Thái Lan muốn tập trung hóa việc tu hành ở trong tu
viện. Đạo luật đã chỉ định nhà vua như là “người bảo trợ Tăng-già”, giám sát một
vị Tăng thống trong việc trông coi những vụ việc tôn giáo.
Ảnh hưởng thực tế của Đạo
luật, tuy nhiên, là để kiềm chế những Tăng sĩ sống trong rừng bằng việc tước đi
quyền hạn của những vị thầy tổ của họ là truyền giới cho những Tăng sĩ mới hay
thiết lập những tu viện. Những đặc quyền mà Đạo luật tập trung vào là những tu
viện thành thị chủ chốt và những vị sư trưởng ở đó. Ở Sri Lanka, việc xây dựng
luật tương tự đưa đến một phong trào “tự thọ giới”, với nhiều vị sư trụ trì các
chùa làng khác nhau và những người có uy tín phá vỡ chính quyền tập trung và
việc thiết lập giáo hội với sự ủng hộ của giới cư sĩ then chốt. Nhưng ở đây,
phong trào cũng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.
Một điều luật Tăng-già thứ
hai vào năm 1962 dẫn đến điều mà một nhà chức trách gọi là “Thời kỳ xâm chiếm
rừng” ở Thái Lan, có hiệu lực suốt cuối thập niên 80 thế kỷ XX. Một chế độ độc
tài quân sự vào đầu những năm 60 đã đẩy mạnh phát triển kinh tế ở miền quê, điều
đó có nghĩa là sự tập trung những nguồn đất nông nghiệp và nông thôn. Công
nghiệp hóa và nạn phá rừng đã huỷ diệt nơi ở của những vị Tăng sống rừng (cũng
như những loài thú hoang), chấm dứt những gì mà Tăng đoàn Phật giáo ở Bangkok
không thể đạt được thông qua những luật lệ và sức ép.
Những vị Tăng sống trong
rừng bị chính quyền gán ghép là cộng sản nhà nghề, và những khu rừng được xem
như là những nơi ẩn náu dành cho những người nổi dậy, một quan điểm mà chính
quyền Thái đã thể hiện trong suốt Chiến tranh Việt Nam. Những mục tiêu cụ thể
của việc trấn áp là những du tăng và những Tăng sĩ sống làm việc ở làng. Hầu hết
những Tăng sĩ ẩn dật miễn cưỡng dời đến những tu viện tập trung. Tất cả những
Tăng sĩ bị sỉ nhục như là “những thầy tu nhắm mắt” bởi họ thực hành thiền định
tương phản với những Tăng sĩ thành thị.
Nhưng chính việc đánh mất
những khu rừng mới là kết quả rõ ràng nhất của thời kỳ này. Một vị học giả tóm
tắt như sau: Bị ép buộc bởi tình trạng hỗn độn của những năm thập niên 60-70 (thế kỷ
XX) buộc ra khỏi những nơi ẩn tu hẻo lánh của mình, những Tăng sĩ Thudong đã cố
gắng dạy người khác về sự nối kết thắt chặt giữa con người và thế giới tự nhiên.
Tuy nhiên, họ đã không thể chống lại những lực đẩy kinh khủng của hiện đại hóa.
Con người trong những xã hội hiện đại nói chung dường như không nhận thấy được ý
nghĩa và giá trị lớn lao của môi trường.
Đối với những Tăng sĩ
Thudong, nơi hoang dã xa xôi là một nơi thiêng liêng mà ở đó họ có thể tu
luyện tâm thức. Khi họ chọn lựa, họ có thể rút sâu vào trong rừng rậm nơi không
ai sẽ có thể tìm thấy họ. Rừng là nhà của những vị du tăng: nó chính là trường
của họ, mảnh đất tu luyện của họ, là nơi thiêng liêng của họ, và đời sống ở đó
chính là nơi an toàn đem lại cho các vị Tăng sự chánh niệm.
Thế hệ cuối cùng của những
Tăng sĩ sống rừng được đưa vào trong những môi trường tu viện được kiểm soát,
nơi họ nhận lấy “sự hỗ trợ vật chất dồi dào, địa vị cao, và sự tán dương thường
xuyên” nhưng đã đánh mất đi sự độc lập và môi trường hoang vắng của họ vì những
điều kiện giống như sở thú. Những cư dân và khách viếng thăm thị thành trông đợi
các vị Tăng cầu an và bán bùa hộ mệnh cho họ. Những du khách không thể hiện sự
quan tâm vào những lời dạy hay sự thực hành của họ. Người cuối cùng của thế hệ
những Tăng sĩ Thái trứ danh sống trong rừng đầu tiên là Ajan Chah, mất vào năm
1994. Ông đã thuật lại cách ông cảm thấy như một con khỉ ở trên một sợi dây.
Người ta đi đến trố mắt nhìn ông, thọc vào ông, xem ông nhảy. Ông từng nhận xét
“Khi tôi bị mệt có thể họ ném cho tôi một trái chuối”.
Kết luận
Mối quan hệ giữa thực
hành và môi trường là cần thiết đối với vị Tăng tu rừng. Như một học giả nhận
xét: Truyền thống Tăng sĩ du hành trong
rừng được phát triển bên trong một hệ sinh thái xã hội và tự nhiên đặc thù.
Khi hệ sinh thái thay đổi – khi những khu rừng biến mất và những cộng đồng sống
trong rừng biến mất hay thay đổi – truyền thống không thể tồn tại.
Bất chấp sự khẩn cầu của
những Tăng sĩ Thudong, những khu rừng của Thái
Lan đã hầu như bị đốn sạch. Và với sự mất mát này,
truyền thống quý giá của Tăng sĩ và ẩn sĩ sống rừng hầu như bị tiêu diệt từ môi
trường tự nhiên của nó. Nhưng những nguyên tắc của
Thanh tịnh đạo luận tiếp tục tạo cảm
hứng cho Phật giáo Theravāda và những người may mắn gặp được di sản Vipassana và
truyền thống thiền định được lưu truyền đến thế giới hiện đại bởi truyền thống Thudong.
Nghiệp Đức dịch (nguồn: hermitary.com)