Vài suy nghĩ về Phật giáo tín ngưỡng ở Việt Nam

vai suy nghi

Thích Hạnh Chơn

 

Phật giáo vào thời Đức Thế Tôn còn tại thế được gọi là gì? Có lẽ đây là một câu hỏi ngớ ngẩn vào lúc ấy nhưng nếu đặt nó trong bối cảnh từ thời kỳ phân chia bộ phái về sau thì nó lại có ý nghĩa nghiên cứu[1]. Hiện nay theo các nhà nghiên cứu Phật học và các hành giả Phật giáo, đạo Phật vào thời Đức Phật tại thế được gọi là Phật giáo nguyên thủy hay Phật giáo nguyên chất. Sở dĩ nó được gọi như vậy là để phân biệt nó với các loại hình Phật giáo khác như Phật giáo Theravāda, Đại thừa, Kim cang thừa... Người ta chứng minh rằng trong quá trình phát triển khắp nước Ấn Độ và truyền đến các nước xa xôi khác bao gồm Việt Nam, Phật giáo có tính thích nghi rất cao. Tùy lãnh thổ và điều kiện xã hội khác nhau, Phật giáo đã thích ứng và dung hòa với các tập tục, các truyền thống văn hóa bản địa. Từ đó, Phật giáo ở mỗi quốc độ khác nhau tạo nên một diện mạo khác nhau. Nó không hoàn toàn giống Phật giáo ban đầu nhưng cũng không phải là biến chất hoàn toàn so với Phật giáo nguyên thủy. Nói đúng hơn, nó là loại hình Phật giáo pha trộn giữa giáo lý Phật giáo và các tín ngưỡng khác. Bài viết này sẽ đề cập sơ lược hai hình thức sinh hoạt Phật giáo chính và trình bày về khái niệm Phật giáo tín ngưỡng và Phật giáo tín ngưỡng ở Việt Nam.

Hai hình thức Phật giáo

Theo học giả Gombrich, lịch sử Phật giáo có thể phân thành hai loại hình sinh hoạt tôn giáo là sự cứu cánh (soteriology) và tôn giáo cộng đồng (communal religion)[2]. Ông cho rằng Đức Phật truyền dạy giáo lý cứu cánh và không quan tâm nhiều đến tôn giáo cộng đồng vì nó không liên quan đến sự giải thoát. Một người tìm cầu giải thoát thường phải bỏ nó lại sau lưng. Đối với Phật giáo Theravāda nghiêng về bảo thủ, họ cố tuân theo thái độ không chú trọng đến sinh hoạt tôn giáo cộng đồng của Đức Phật. Trái lại, Phật giáo Đại thừa tìm cách tạo ra những lễ hội trong sinh hoạt cộng đồng như là một thế mạnh để thu hút quần chúng. Tuy nhiên, cả hai truyền thống Phật giáo đều cung cấp cho người cư sĩ những nhu cầu tín ngưỡng của họ.

Tôn giáo cộng đồng thường có nghi lễ bắt buộc phải theo như lễ cưới, thờ cúng, tế lễ…. Xét về mặt lễ nghi bắt buộc trong sinh hoạt tôn giáo cộng đồng như lễ cưới trong đạo Cơ Đốc và đạo Hindu thì Phật giáo hầu như không có quy định. Tuy nhiên, xét về khía cạnh lễ hội trong sinh hoạt cộng đồng thì Phật giáo Đại thừa không thiếu. Một trong những mục đích của tôn giáo cộng đồng là nỗ lực cải thiện số phận con người trong đời này bằng cách dựa vào pháp thuật và sự can thiệp của các thần linh. Với Phật giáo, sự cải thiện nghiệp xấu của con người không phải bằng pháp thuật hay thần linh mà dựa trên quy luật nhân quả. Dù vậy, thực tế niềm tin vào đấng quyền năng mà đại diện là Phật, Bồ-tát và thần thánh vẫn chiếm tỷ lệ vượt trội trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng cư sĩ. Do đó, từ Phật giáo tín ngưỡng có lẽ thích hợp hơn là Phật giáo cộng đồng trong trường hợp Phật giáo.

Về khái niệm Phật giáo tín ngưỡng

Tín ngưỡng là hệ thống các niềm tin mà con người tin vào để giải thích thế giới và để mang lại sự bình an cho cá nhân và cộng đồng[3]. Tín ngưỡng mang tính dân tộc, dân gian, huyền thoại, hay truyền thuyết. Cơ sở của tín ngưỡng là niềm tin vào siêu nhiên, vào sự xuất thế (trái với trần tục), vào cái linh thiêng và vào những điều mầu nhiệm.

Phật giáo tín ngưỡng là tin vào những lời dạy được ghi lại trong các kinh điển của Phật giáo[4]. Đa số tín đồ Phật giáo đang thực hành hình thức Phật giáo tín ngưỡng bởi họ không phải chỉ thuần túy áp dụng lời Phật dạy như thời kỳ Phật giáo nguyên thủy mà cùng lúc kính tin Tam bảo như đấng quyền năng và tham gia các tín ngưỡng khác như cầu xin ở Bà, Ông… Học giả Edward Conze cho rằng bất cứ nơi nào Phật giáo trở thành một thực tại xã hội sống động, lý thuyết Phật giáo cũng pha trộn một thứ siêu hình cao siêu, tin tưởng pháp thuật và thần thoại. Do vậy, ông khẳng định Phật giáo phải đảm nhận cung cấp ba cấp: tâm linh, thần thoại và pháp thuật[5].

Người Phật tử tất nhiên phải tin và nương vào Phật – Pháp – Tăng để học hỏi và hành trì. Tuy nhiên, họ không chỉ dừng lại ở mức độ chánh tín như vậy mà còn tin rằng Tam bảo sẽ tế độ cho họ. Cho nên, họ sùng bái ảnh/tượng Phật, xá-lợi hay những dấu vết có liên hệ đến Đức Phật và các vị Bồ-tát. Họ thờ phụng và tất nhiên phải cúng dâng các loại thực phẩm, hương hoa và bảy tỏ lòng kính ngưỡng qua các lễ nghi. Nhờ đức tin mãnh liệt, lòng thành kính thờ phụng của tín đồ và (sự tin rằng) hồng ân của chư Phật gia bị mà những phép mầu đã xảy ra. Vì “đức tin là của cải tốt lành nhất cho con người ở trần gian”[6], các nhà truyền giáo hay hoằng pháp đã vận dụng nó để thu hút tín đồ.

Sự thật, Phật giáo tín ngưỡng đáp ứng phần nào nhu cầu của các tín đồ. Ai cũng phải thừa nhận rằng của cải vật chất là mối quan tâm hàng đầu của người cư sĩ. Do đó, rất nhiều tín đồ trông đợi ở Phật giáo một sức mạnh vô hình có thể bảo đảm hay trợ thủ cho họ được bình yên để tạo ra và giữ gìn của cải. Họ tìm đến Tam bảo phần lớn là vì lý do này. Phật giáo tín ngưỡng giúp cho họ sự an tâm, đồng thời hứa hẹn một tương lai tốt đẹp dựa trên hành động phát tâm của họ.

Edward Conze cho rằng tôn giáo phát triển luôn gồm hai yếu tố tâm linh và pháp thuật. Pháp thuật là yếu tố cần thiết để hỗ trợ cho lĩnh vực tâm linh của con người đi đến trưởng thành. Vì rằng phụng thờ và cầu nguyện chư Phật và các vị Bồ-tát luôn dễ dàng hơn là thực hành theo những điều Phật dạy nên tín đồ có xu hướng thực hành tín ngưỡng nhiều hơn. Và do đó, chư Tăng Ni thường luôn phải khuyên nhắc hàng cư sĩ tôn kính Đức Phật bằng cách thực hành bổn phận người cư sĩ hơn là chỉ lễ bái và cầu nguyện Ngài.

Phật giáo tín ngưỡng ở Việt Nam

Hiện nay, Việt Nam có hình thức Phật giáo Đại thừa, Theravāda, Khất sĩ và các hình thức Phật giáo nhỏ khác. Trong số đó, Phật giáo Đại thừa phổ biến rộng nhất và cũng tạo ra nhiều hình thức sinh hoạt lễ hội mang tính tín ngưỡng nhiều nhất. Tiếp thu hầu hết tư tưởng Phật giáo từ nền Phật giáo Trung Quốc, Phật giáo Việt Nam phải thừa nhận là hầu như giống Phật giáo Trung Quốc. Mặc dù từ khi có phong trào Chấn hưng Phật giáo với sự nổi bật là sử dụng tiếng Việt (chữ Quốc Ngữ) và đến nay hầu như kinh điển cốt yếu của Phật giáo đã chuyển sang tiếng Việt, thì các cung cách sinh hoạt lễ nghi…vẫn mang đậm chất ngoại lai. Điều này được đề cập chỉ với mục đích là để xác định rằng Phật giáo tín ngưỡng ở Việt Nam phần lớn cũng mang dáng dấp tương tự như nền Phật giáo mà Việt Nam bị ảnh hưởng.

Về lễ hội, các lễ hội Phật giáo tín ngưỡng thường quy mô và có số lượng tín đồ tham dự đông đảo hơn lễ hội Phật giáo thuần túy. Nói về đại lễ chính của Phật giáo phải nói đến đại lễ Phật đản bởi đó là lễ kỷ niệm ngày đản sanh của Đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni – người khai sáng đạo Phật. Tuy nhiên, lễ Tết truyền thống và lễ Vu lan tín đồ thường về chùa tham dự nhiều hơn. Lý do có thể nhìn thấy là đại lễ Phật đản chỉ thuần túy kỷ niệm ngày sanh của Đức Phật mà không có thêm yếu tố tín ngưỡng khác. Ngược lại, lễ Tết truyền thống (bao gồm vía Đức Phật Di Lặc và thiết đàn Dược Sư) và lễ Vu lan bao giờ cũng đông đảo bởi trong đó có yếu tố tín ngưỡng cầu nguyện bình an cho gia đình, sự nghiệp, cầu tiêu tai giải ách… và cầu siêu cho ông bà tổ tiên nhiều đời. Yếu tố tín ngưỡng (cầu nguyện – gia hộ, phép mầu…) luôn hấp dẫn con người đang sống trong cõi đời này như trên đã đề cập. Ngoài ra, lễ hội vía Đức Bồ-tát Quán Thế Âm, vía Đức Phật A Di Đà tuy quy mô tổ chức không rộng khắp các chùa trên toàn quốc nhưng nếu chùa nào tổ chức thì số lượng tín đồ luôn đông đảo. Hai lễ hội này cũng mang đậm yếu tố tín ngưỡng Phật giáo – tín ngưỡng Tịnh độ.

Về sinh hoạt trong đời sống hằng ngày, Phật giáo tín ngưỡng chiếm ưu thế phục vụ các nhu cầu của tín đồ có liên quan đến tang chế, xem ngày giờ, cầu an, cầu siêu…. Các chùa hầu như chỉ bận rộn trong việc phục vụ những nhu cầu này hơn là phục vụ giảng dạy giáo lý, tổ chức khóa tu. Đặc biệt, lễ cưới cũng là nhu cầu không thể thiếu của tín đồ nhưng lễ cưới được tổ chức trong chùa vẫn còn là điều xa lạ với hầu hết Phật tử. Định hướng đức tin cho tín đồ là nhiệm vụ và cũng là một thách đố đối với Phật giáo nói chung và Tăng Ni – những nhà hoằng pháp nói riêng.

 Lời kết

Bài viết không đi sâu vào phân tích những khía cạnh của Phật giáo tín ngưỡng mà chỉ trình bày những nét cơ bản liên quan đến loại hình Phật giáo này. Như trên đã nói, pháp thuật cần thiết để bổ sung cho yếu tố tâm linh. Yếu tố tín ngưỡng không thể thiếu trong các tôn giáo cho dù tôn giáo đó phủ nhận và Phật giáo cũng không phải ngoại lệ. Phật giáo đã và đang vận dụng yếu tố tín ngưỡng để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của tín đồ và cao hơn là hướng họ tìm đến đời sống tâm linh theo giáo lý Phật Đà. Các bậc tiền nhân đã làm và hiện tại chư Tăng Ni vẫn đang thực hiện các phương tiện tín ngưỡng để đưa tín đồ về với tâm linh Phật giáo. Dù nhiều vị đã nỗ lực nhưng do thiếu sự hướng dẫn đồng bộ và cụ thể nên kết quả cũng chưa khả quan lắm. Mong rằng các học giả và hành giả Phật giáo nghiên cứu sâu vấn đề này để tìm giải pháp hữu hiệu nhằm chấn hưng Phật giáo tốt đẹp hơn.



[1] Về thời kỳ phân chia bộ phái, xem thêm bài Nguyên nhân phân phái đầu tiên trong Phật giáo Ấn Độ & Kỳ kiết tập thứ hai (http://giacngo.vn/nguyetsan/chuyende/2013/07/25/13C24B/ )

[2] Richard F. Gombrich, Theraveda Buddhism: A Social History from Ancient Benares to Modern Colombo, London and New York: Routledge, tr.28.

[4]http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/3365/Su_giong_nhau_va_khac_nhau_giua_ton_giao_voi_tin_nguong_giua_tin_nguong_voi_me_tin_di_doan_va_moi_quan

[5] Edward Conze, Tinh hoa và sự phát triển của đạo Phật, Nguyễn Hữu Hiệu dịch, Ban Tu thư Viện Đại học Vạn Hạnh, 1969, tr.59, 64.

[6] Ibid, tr.68.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle