Không
gây hại
(ahiṃsā/ bất
hại) là một
nguyên tắc
sống quan trọng
trong ba tôn giáo lớn
ở Ấn
Độ, như
Ấn
giáo, Phật
giáo và Kỳ-na giáo. Thuật
ngữ
ahiṃsā, có nghĩa là không giết
hại hay làm tổn
thương những
chúng sanh khác (ahiṃsā
= a+hiṃsā.
Chữ “a” là một
tiền tố mang nghĩa phủ định;
“hiṃsā” có nghĩa là giết
hay làm tổn
thương. Như
vậy
ahiṃsā có nghĩa là không giết
hại hay làm tổn
thương). Nhưng ahiṃsā cũng được
hiểu là không sử dụng bạo
lực, không gây chiến
và tạo xung đột,
không làm hại
kẻ khác bằng
ngôn ngữ và hành vi của
mình; và cả không được
quyên sinh hay tự làm hại bản
thân mình. Trong niềm
tin chung của
một số tôn giáo lớn
Ấn Độ, những hành vi bạo
lực là không tốt
và sẽ tạo
nên nghiệp
(karma) xấu,
trong khi bất
hại và không bạo
lực sẽ tạo nên những
thiện nghiệp,
đưa
đến
những cảnh
giới tái sinh tốt
đẹp.
Tuy nhiên, vẫn
có những
sai khác về cách hiểu
và sự thực
hành trong ba tôn giáo về nguyên tắc
này.
Trong Phật giáo, không gây hại trước
hết liên hệ đến vấn đề sát hại. Vì sao không được sát hại? Kinh Pháp cú
viết: "Mọi người sợ hình phạt/ Mọi người sợ tử vong/ Lấy mình làm ví dụ/ Không
giết, không bảo giết" (PC 129). Nhưng sự giết hại không chỉ khu biệt vào con
người, mà cũng bao gồm những chúng sanh khác. Thực ra, nguyên tắc ahiṃsā trong Phật
giáo thời kỳ đầu chính yếu tập trung vào việc không sát hại thú vật. Vào thời
Đức Phật, việc tế lễ muông thú theo nghi lễ Bà-la-môn giáo là rất phổ biến.
Những tế lễ như thế này là những sinh hoạt tôn giáo nhằm mục đích làm hài lòng
thần linh với mong muốn nhận lấy những ân sủng hay sự che chở. Việc thần linh có
hài lòng với những loại tế lễ như thế này hay không thì thật khó biết, nhưng hẳn
nhiên nó là một loại sinh hoạt tôn giáo đem lại lợi ích kinh tế cho những người
tổ chức. Đức Phật nhận thấy không có giá trị hay lợi ích tinh thần nào ở nơi
những loại tế lễ như thế này, ngược lại thấy nó đem lại những tác hại cho người
thực hành tế lễ vì tạo nên ác nghiệp.
Trong năm giới căn bản của người Phật
tử, ahiṃsā thuộc về giới thứ nhất; nhưng nếu
hiểu theo nghĩa rộng, nó cũng bao hàm cả những giới khác. Nếu việc thực hành năm
giới là để bảo vệ mình và bảo vệ người, hay không làm hại mình và làm hại người,
thì “không gây hại” là nền tảng căn bản của năm giới. Bởi vì mọi người luôn mong
muốn được hạnh phúc và sợ khổ đau, nên họ không được phép xâm phạm hay làm hại
kẻ khác. Một bài kệ ở trong Udana nói rằng: “Tâm ta đi cùng khắp/ Tất cả
mọi phương trời/ Cũng không tìm thấy được/ Ai thân hơn tự ngã/ Tự ngã đối mọi
người/ Quá thân ái như vậy/ Vậy ai yêu tự ngã/ Chớ hại tự ngã người” (Udana
Varga, chương V). Giữ giới là một trong những cách thức giúp ta sống được như
vậy. Thêm nữa, không gây hại cũng bao gồm việc không làm hại bản thân mình. Theo
Phật giáo, đắm chìm trong dục lạc hay khổ hạnh ép xác đều được xem là đang làm
hại bản thân, bị tham-sân-si chi phối cũng là đang làm hại bản thân, tạo nghiệp
ác cũng đang làm hại bản thân, sử dụng những thực phẩm vật chất và tinh thần
không lành mạnh cũng là làm hại bản thân… Trong kinh Giáo giới La-hầu-la ở
rừng Ambala, không gây hại bao gồm việc kiểm soát thân-khẩu-ý, không để
những hành vi, lời nói, hay ý nghĩ của mình gây hại cho cho chính mình và cho
người khác: “Này Rahula, khi ông muốn làm một thân nghiệp gì, hãy phản tỉnh thân
nghiệp ấy như sau: ‘Thân nghiệp này của ta có thể đưa đến tự hại, có thể đưa đến
hại người, có thể đưa đến hại cả hai; thời thân nghiệp này là bất thiện, đưa đến
đau khổ, đem đến quả báo đau khổ. Này Rahula, nếu trong khi phản tỉnh, Ông biết:
"Thân nghiệp này, ta muốn làm. Thân nghiệp này của ta có thể đưa đến tự hại, có
thể đưa đến hại người, có thể đưa đến hại cả hai; thời thân nghiệp này là bất
thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ". Một thân nghiệp như vậy, này
Rahula, Ông nhất định chớ có làm…”. Cũng tương tự như vậy với khẩu và ý.
Ahiṃsā, ở khía cạnh tích cực, là thực hành
lòng từ bi và tạo dựng sự an bình cho bản thân và xã hội. Trong kinh điển Pāli,
một vị vua được xem là lý tưởng khi ông không gây chiến và sát hại thần dân, tức
ông cai trị thần dân bằng đạo đức và không tạo nên bạo lực. Tuy nhiên, trong
Phật giáo, không gây hại không phải là một nguyên tắc cứng nhắc áp dụng trong
mọi tình huống. Trong văn học Pāli, như ở trong các Jātaka (chuyện tiền thân),
ta thấy có những trường hợp tự hy sinh thân mạng, mà có thể được xem như một
hình thức bạo lực, vì lợi ích của kẻ khác. Tuy nhiên, trong văn học Pāli, chiến
tranh không được tán thành, cho dù với lý do gì. Trong nhiều trường hợp, Đức
Phật đã khuyên răn các vị vua về tác hại của chiến tranh và xung đột; và trong
một số câu chuyện tiền thân, ta thấy có những vị vua đã chấp nhận dâng hiến
vương quốc để chiến tranh không xảy ra, nhằm giữ lấy tính mạng của bách tính.
Tuy nhiên, trừ những người xuất gia, trong Phật giáo Theravāda, không có việc
ngăn cấm người cư sĩ tại gia tham gia vào những hoạt động quân sự, cho dù trong
kinh có khuyên rằng không nên làm nghề buôn bán vũ khí. Như vậy người cư sĩ vẫn
có thể tham gia vào quân đội, và hẳn nhiên là khi tham gia vào thì họ sẽ phải
thực hiện chức năng của họ ở trong vai trò này.
Trong văn học Đại thừa, trong một số
trường hợp, ta thấy bạo lực có thể được sử dụng vì lợi ích của số đông cũng như
sự an bình của xã hội. Trong kinh Phương tiện thiện xảo (Upāya-kauśalya
Sūtra), ta đọc thấy câu chuyện kể về vị trưởng đoàn thương nhân đã giết một
tên cướp để cứu lấy năm trăm vị thương nhân, và hành vi này được cho là cần
thiết và không tạo nên tội lỗi, và không sai về phương diện đạo đức. Trong kinh
Hoa nghiêm (Avataṃsaka Sūtra), ta thấy có vị vua đã xử phạt nặng
nề những kẻ phạm tội, nhằm ngăn chặn tội ác và vì lợi ích của vương quốc, và
việc làm đó được xem là cần thiết. Và ở một cấp độ khác, bạo lực được xem như
một phương tiện, mà nói theo kinh Duy Ma Cật là: “Thị hiện hành sân hận
thù nghịch mà không có thù hận ác ý đối với các chúng sinh”. Tuy nhiên, một vài
bản kinh Đại thừa khác, chẳng hạn như kinh Phạm võng Bồ-tát giới, đưa ra
những giới luật ngăn cấm điều này. Nhưng cũng cần lưu ý rằng, kinh
Phạm võng Bồ-tát giới là dành cho những người thông thường, và mang tính
đạo đức quy phạm. Còn vấn đề được đề cập trong kinh Phương tiện thiện xảo
hay kinh Hoa nghiêm, lại là những hành hoạt của chư Bồ-tát, người có đủ
bi-trí và phương tiện thiện xảo trong giáo hóa và cứu độ, và đã thực hiện những
việc làm này không bằng một tâm thức hận thù hay sân hận.
Ở góc độ nào đó, nguyên tắc ahiṃsā trong một
vài bản kinh Phật giáo Đại thừa là tương tự với Ấn giáo mà nó cho rằng nguyên
tắc ahiṃsā không áp dụng với những kẻ phạm tội,
những kẻ hành ác và trong chiến tranh, đặc biệt là chiến tranh phòng thủ. Trong
Ấn giáo, một vị vua hay người lãnh đạo phải trừng trị những kẻ tạo ác và không
được phép do dự, cho dù kẻ tạo ác đó là những người thân thích của mình. Ta có
thể tìm thấy điều này ở trong Bhagavad-Gita, qua những đối thoại giữa
Thần Krishna và hoàng tử Arjuna. Thánh điển này đã đặt ra những nguyên tắc mà
một người thuộc tầng lớp Chiến sĩ (Kshatriya) phải thực thi, trong đó bổn phận
chính là phải chiến đấu, ngay cho dù đối phương của mình là những người thân
thích. Và khi người ta thực hiện theo nghĩa vụ và bổn phận của mình, thì dù hành
vi được xem là bất nhẫn nhất như giết hại, không bị xem là sai về phương diện
đạo đức, và thậm chí không sai về phương diện tôn giáo trong sự liên hệ đến
nghiệp (karma).
Nhưng ta cũng cần nên biết rằng, khái
niệm ahiṃsā không được xem như một nguyên tắc
đạo đức ở trong những thánh điển sớm nhất của Bà-la-môn giáo, mặc dù trong
Rig-Veda có đề cập đến việc “không gây hại”; và khái niệm này cũng xuất hiện
trong một số thánh điển khác như Taittiriya Shakha của Yajur-Veda
và Shatapatha Brahmana. Nhưng không gây hại (ahiṃsā) ở trong
Yajur-Veda chỉ đề cập cụ thể đến việc không được làm hại người thực hành tế
lễ mà không mang tính phổ quát, và không mang một hàm nghĩa đạo đức nào.
Và, như đã nói, tế lễ muông thú là
một trong những sinh hoạt tôn giáo của Bà-la-môn giáo. Trong Mahabharata
và Manusmṛti, tế lễ thú vật và ngay cả việc săn bắn được coi là hợp pháp,
cả về phương diện xã hội lẫn tôn giáo, cho dù Mahabharata có nói rằng
“không bạo lực là bổn phận đạo đức tối thượng” (ahimsa paramo dharma). Như vậy,
trong Bà-la-môn giáo thời kỳ đầu, không gây hại chỉ khu biệt vào một vài nhóm
đối tượng, và chưa phải là một nguyên tắc đạo đức mang tính phổ quát. Dần dần,
khái niệm này được phát triển và được áp dụng một cách phổ quát hơn. Trong
Chāndogya Upaniṣad, việc không gây
hại đối với tất cả loài vật được xem như là một nguyên tắc cần phải thực hiện,
và việc tuân theo nguyên tắc này là một trong các điều kiện cho việc thoát ly
vòng luân hồi sanh tử. Về sau, người Ấn giáo xem ahiṃsā như một nguyên tắc đạo đức thật sự
cốt yếu; việc tôn trọng và tránh giết hay làm hại chúng sanh khác được xem như
một nguyên tắc căn bản trong việc thực hành đời sống tôn giáo, và đây cũng là lý
do tại sao nhiều người Hindu đã chọn chế độ ăn chay, hay ít nhất tránh giết hại
sinh vật một cách trực tiếp vì nhu cầu ăn uống của mình.
Có lẽ trong những tôn giáo Ấn Độ,
Kỳ-na (Jainism) là tôn giáo thực hiện nguyên tắc ahiṃsā một cách
nghiêm ngặt nhất, và nguyên tắc này đã trở thành một trong những thề nguyện của
người Kỳ-na, cả Tăng sĩ lẫn tín đồ tại gia. Biểu tượng của Kỳ-na giáo là bàn tay
có bánh xe ở giữa lòng; và biểu tượng này tượng trưng cho sự vô uý và không gây
hại. Bên dưới biểu tượng là câu kinh nỗi tiếng của tôn giáo này:
“Parasparopagraho Jīvānām” được rút ra từ
Tattvārthasūtra, mà nó có nghĩa là “sống và hãy để sống”; hay được dịch theo
cách khác là “mọi chúng sanh cần giúp đỡ lẫn nhau”, hay “tất cả mọi đời sống là
tương thuộc và hỗ trợ lẫn nhau”. Bởi vì mọi loài sống đều tương thuộc và hỗ trợ
nhau để tồn sinh, do đó ta không chỉ tôn trọng đời sống của mình mà cũng phải
tôn trọng đời sống của kẻ khác. Đây chính là nền tảng triết học để tín đồ Kỳ-na
thực hành nguyên tắc không gây hại. Ở điểm này ta thấy quan điểm của Kỳ-na giáo
về con người và thế giới rất gần với thuyết Duyên sinh của Phật giáo. Bên cạnh,
nguyên tắc không gây hại trong Kỳ-na giáo cũng được đặt trên học thuyết nghiệp
(karma) và tái sanh. Nghiệp sát rõ ràng là nghiệp ác, và sẽ không đưa người thực
hiện điều đó đến một sự tái sanh tốt. Và cũng chính từ đây, Kỳ-na giáo đề ra một
chế độ ăn chay trường nghiêm ngặt cho cả người xuất gia lẫn tại gia. Theo Kỳ-na
giáo, ăn mặn, cho dù không trực tiếp sát hại động vật, cũng đã gián tiếp tạo nên
sự sát. Ngay cả những sản phẩm liên quan đến động vật như sữa và mật ong, cũng
không được phép dùng, bởi vì được nghĩ rằng để có những thực phẩm đó người ta
phải tước đoạt công sức của chúng sanh khác.
Cũng giống như Phật giáo, Kỳ-na giáo
phê phán và tránh mọi loại tế lễ muông thú và những việc làm như săn bắn và
những nghề nghiệp liên quan đến giết hại súc vật; và thậm chí cố gắng tránh
những việc làm gây hại đến cây cỏ một cách không cần thiết như phóng hỏa đốt
rừng. Việc đốt rừng không chỉ làm tổn hại cây cỏ, mà qua đó cũng có thể giết hại
những loài vật sống ở trong đó.
Giống với Ấn giáo, Kỳ-na giáo cho
rằng bạo lực để phòng vệ là được chấp nhận. Người ta không được tạo nên chiến
tranh, không bức hại, đàn áp hay bóc lột kẻ khác, nhưng họ được phép chiến đấu
chống lại những vấn đề trên để bảo vệ bản thân, người thân, cộng đồng hay đất
nước của họ. Thêm nữa, mặc dù xem mọi chúng sanh đều bình đẳng và nương tựa vào
nhau để tồn sinh, nhưng Kỳ-na giáo vẫn xem có một sự phân loại cao thấp trong
những loài sống khác nhau; chẳng hạn như đời sống con người thì cao hơn đời sống
của thú vật; đời sống của một con khỉ thì cao hơn đời sống của những loài sâu bọ
côn trùng; và hẳn nhiên đời sống của loài sâu bọ côn trùng thì cao hơn các loài
cây cối. Do đó sự bất sát phải được ưu tiên theo thứ tự.
Ahiṃsā là một nguyên tắc đạo đức tạo nên
nhiều tranh luận ngày hôm nay, bởi nó không chỉ liên quan đến vấn đề sát sinh
thông thường mà còn liên quan đến những nan đề đạo đức hiện đại như phá thai, tự
tử, trợ từ, hành hình, trừng phạt, chiến tranh, môi sinh... Nhưng thực ra, một
số những nan đề này cũng đã có mặt trong quá khứ, chẳng hạn như hành hình, trừng
phạt và chiến tranh. Và trong quá khứ cũng như hiện tại, những Phật tử đã có
những cách nhìn khác nhau, hay sự giải thích khác nhau, về vấn đề này. Có người
cho rằng sử dụng vũ lực và bạo động không phải là giải pháp tối hậu. Nhưng một
số người, chẳng hạn như B.R. Ambedkar, biện minh rằng Đức Phật dạy nên yêu
thương tất cả, mà không bảo rằng tuyệt đối không được sát hại (trong ngữ cảnh
phòng vệ hay chiến tranh). Bên cạnh, một số người cho rằng bạo lực có thể được
sử dụng trong một số trường hợp cần thiết: sử dụng bạo lực để chấm dứt bạo lực.
Nhưng rõ ràng cách nghĩ này là trái ngược với những gì được đề cập trong kinh
Pháp cú: “Sự thật, hận thù không bao giờ chấm dứt được bằng hận thù ở trong
thế giới này. Chỉ có lòng từ bi mới chấm dứt được hận thù. Đây là định luật muôn
đời”. Chiến tranh hẳn nhiên là luôn gắn liền với thắng bại và hận thù. Những
người bị sát hại trong chiến tranh, bởi sự khổ đau và hận thù chi phối, sẽ không
có một sự tái sanh tốt.
Và trong nhiều trường hợp, nguyên tắc
ahiṃsā cũng đã gây nên những bối rối, và có
khi người ta từ chối nó vì những xung đột quan điểm, như trường hợp của Maung
Win: “Tôi không thể biện hộ việc ngồi thiền trong khi những anh chị em của tôi
đang bị giết hại. Những vị thầy của tôi dạy rằng phải yêu thương những người căm
ghét chúng tôi. Nhưng hay thử yêu thương với một khẩu súng chỉa thẳng vào đầu
bạn. Sau khi họ tra tấn người anh của tôi, tôi đã cởi áo cà-sa và tham gia vào
cuộc kháng chiến. Trái tim của tôi ở cùng với dân tộc của tôi, không ở cùng với
sự giác ngộ của tôi.” (Journal of Buddhist Ethics, Vol. 16, tr.41). Thêm nữa,
như được thấy nơi lịch sử một số nước Phật giáo, cả theo Phật giáo Theravāda và
Đại thừa, nguyên tắc bất hại trong nhiều trường hợp đã bị gác bỏ khi có sự lựa
chọn về các giá trị.
Nguyên tắc không gây hại, theo một số
người, phải được đặt trong những tình huống cụ thể. Nhưng như vậy sẽ nảy sinh
câu hỏi: Trong những tình huống nào thì người ta có thể phá vỡ nguyên tắc bất
hại? Câu trả lời thường là: bạo lực có thể được sử dụng khi điều đó giúp ngăn
chặn cái ác, vì lợi ích của số đông, và được thực hiện với lòng từ bi và trí
tuệ; và nguyên tắc không gây hại cần phải được nhìn theo cái nhìn duyên sinh của
các mối quan hệ trong xã hội. Một mặt, người ta phải nhận thức sự tuỳ thuộc và
tương tác của các mối liên hệ ở trong đời sống để kính trọng đời sống, và nói
theo cách của Kỳ-na giáo là sống và để kẻ khác cùng sống. Nhưng mặt khác người
ta cũng cần “phải bảo vệ mình và bảo vệ người” trước những hành vi gây hại và
lấn ép của kẻ khác.
Một nguyên tắc đạo đức-tâm linh, để
thực hiện, đòi hỏi phải có rất nhiều sự nỗ lực. Sự thực hành nguyên tắc bất hại
hay phát khởi lòng từ bi trong mọi tình huống không phải là sự dễ dàng, mà đòi
hỏi phải có sự kiên định và sức nhẫn nhục cao. Con đường tu đạo thường không
phải dễ đi. Và, cho dù một vài nơi trong kinh sách bạo lực đã được xem như là
“phương tiện thiện xảo” vì lợi ích của số đông, thì hầu hết kinh điển Phật giáo,
những nguyên tắc như từ bi, nhẫn nhục, không làm hại kẻ khác với nhiều phương
diện khác nhau... luôn được đề cao và bàng bạc khắp nơi, và là những nguyên tắc
không thể thiếu trong lộ trình tu đạo. Và một người, không thể trở nên cao quý
nếu không thực hành nguyên tắc ahiṃsā, và đây là một trong những tiêu chí
xác định nên phạm hạnh của họ: "Bỏ trượng, đối chúng sanh/ Yếu kém hay kiên
cường/ Không giết, không bảo giết/ Ta gọi Bà-la-môn" (PC 405).
Thích Nguyên Hiệp