Minh Thạnh
Trong các bài viết trước
đây chúng tôi có nhiều lần dùng đến thuật ngữ sức mạnh mềm, trong đó, có lúc
dùng để chỉ sức mạnh văn hóa của Phật giáo. Nay, với bài viết này, chúng tôi
phân biệt rõ giữa sức mạnh mềm và sức mạnh mềm văn hóa. Trong đó, sức mạnh mềm
của Phật giáo được xác định chính xác vừa là sức mạnh mềm văn hóa, vừa là sức
mạnh mềm của một tôn giáo.
Sức mạnh mềm quốc gia
Sức mạnh mềm là một
thuật ngữ trong khoa học quan hệ quốc tế. Hiểu chính xác theo nghĩa trong bộ môn
nói trên, thì sức mạnh mềm chỉ có ở sức mạnh quốc gia. Hiểu một cách chặt chẽ
như thế, thì trong tôn giáo chẳng hạn, không có sức mạnh mềm của đạo Ca tô La mã,
sức mạnh mềm của một cá nhân giáo hoàng nào đó, mà chỉ có sức mạnh mềm của quốc
gia Vatican.
Trong cách hiểu như vậy,
sức mạnh mềm gắn liền với lý luận của Joseph Nye, một giáo sư của Đại học Havard.
Tác phẩm đi sâu vào lý
luận về sức mạnh mềm là quyển “Bound to Lead: The Changing Nature of
American Power” (tạm dịch “Cột vào để
dắt dẫn: Sự biến đổi tự nhiên của sức mạnh Mỹ”). Trong tác phẩm này, chúng
ta có thể chú ý đến những điểm sau:
-
Sức mạnh mềm là sức mạnh của quốc gia.
-
Sức mạnh mềm là sức mạnh trái ngược với
cưỡng chế, đe dọa, ép buộc, áp đặt.
-
Sức mạnh mềm là sức mạnh thu hút, tự
nhiên.
-
Sức mạnh mềm có tính chất thừa nhận, sự
thừa nhận này giúp cho một quốc gia đạt được sự hợp pháp quốc tế.
Bối cảnh ra đời của tác
phẩm này là tình trạng nước Mỹ đang trên bờ vực suy giảm sức mạnh. Nghiên cứu về
sức mạnh mềm như vậy không những thu hẹp đối tượng là quốc gia, mà còn thu hẹp
hơn nữa trong mục tiêu phục vụ cho việc giữ gìn và khuếch trương sức mạnh nước
Mỹ.
Trong những năm sau, GS
Joseph Nye tiếp tục nghiên cứu về quyền lực mềm, trong đó, giới nghiên cứu
thường chú ý đến bài viết “Soft power The
Means to Success in World Polictics”, tạm dịch “Sức mạnh mềm: Công cụ để thành công trong thế
giới chính trị”. Theo đó, sức mạnh mềm được khẳng định lại chỉ là sức mạnh
quốc gia, nói rõ đó là việc quốc gia có được điều họ muốn trong chính trị quốc
tế do sự tự nguyện của các nước khác, xuất phát từ việc khâm phục, mong muốn
theo gương.
Tuy nhiên, sự diễn dịch
của J.Nye đã bắt đầu đưa đến những cách hiểu mở rộng về sức mạnh mềm, hình thành
cách hiểu về quyền lực làm cho thu hút, khâm phục nói chung. Quyền lực này trái
ngược với việc bắt buộc, cưỡng chế, gồm cả không dụ dỗ, không đặt điều kiện,
không tạo áp lực, dù vô hình. Sức mạnh mềm đã gắn với ví dụ về con người, như
năng lực làm cho đối tượng hoạt động có mong muốn thực hiện những gì bạn muốn,
là sức thu hút, không phải là bắt buộc.
Như vậy, lập luận của J.
Nye làm cho người ta đi đến 2 cách hiểu, quyền lực mềm như là quyền lực quốc gia
và quyền lực mềm nói chung.
Trong quyền lực mềm quốc
gia, đã bắt đầu có khái niệm về quyền có khái niệm về quyền lực mềm văn hóa
(trong 3 thành tố cấu thành quyền lực mềm quốc gia, gồm văn hóa, tư tưởng chính
trị đối nội và tư tưởng chính trị đối ngoại). Trong đó, vai trò văn hóa, trung
tâm của sức mạnh mềm đã được đề cao.
Như vậy, có nhiều khái
niệm liên hệ đến sức mạnh mềm. Chúng ta lưu ý đến 2 điểm chính:
-
Sức mạnh mềm nói chung (có thể giữa người
và người)
-
Sức mạnh mềm văn hóa (trong quyền lực mềm
quốc gia và có thể hiểu trong khía cạnh văn hóa nói chung).
Hai cách hiểu này có thể
sử dụng khi bàn luận về sức mạnh mềm Phật giáo, cũng như các tôn giáo.
Sức mạnh mềm nói chung
và sức mạnh mềm văn hóa
Mở rộng cách hiểu sức
mạnh mềm sẽ giúp chúng ta có công cụ lý giải rất thú vị nhiều vấn đề. Còn sức
mạnh mềm văn hóa thì nếu không giới hạn tìm hiểu trong sức mạnh mềm quốc gia, sẽ
mở ra cách tìm hiểu về văn hóa.
Sức mạnh mềm đối lập với
sức mạnh cứng, cho chúng ta những ý niệm rõ ràng. Sức mạnh ở đây có chung một
mục tiêu: đó là tác động đến đối tượng theo những yêu cầu của người dùng sức
mạnh.
Sức mạnh cứng không chỉ
có nghĩa là dùng vũ lực, mà gồm đe dọa, du dỗ, mua chuộc. Sức mạnh mềm là sức
mạnh không có những yếu tố đó, mà là sự thu hút, khâm phục, tự nguyện.
Văn hóa, nếu có những
giá trị tự thân, sẽ tạo nên sức mạnh mềm.
Sức mạnh cứng và sức
mạnh mềm không hoàn toàn tách biệt. Nó có thể được sử dụng cùng một lúc, sử dụng
luân phiên, sử dụng đan xen trong từng trường hợp cụ thể. Người ta gọi đó là sức
mạnh thông minh.
J. Nye và những nhà
nghiên cứu cho rằng sức mạnh cứng không có nghĩa là xấu và sức mạnh mềm không có
nghĩa là tốt. Nói tới sức mạnh là nói tới quyền lực, tự nó không tốt, không xấu.
Chỉ có mục đích là quyết định tính chất của từng trường hợp sức mạnh cụ thể. Tuy
nhiên, ở đây có thể thêm cách hiểu lành mạnh. Quyền lực mềm văn hóa như thế tự
thân nó là lành mạnh. Còn sự mua chuộc, dụ dỗ, ép buộc, gạt gẫm không thể coi là
lành mạnh.
Trong sức mạnh mềm văn
hóa, thì không nên đồng nhất sức mạnh mềm văn hóa nói chung với sức mạnh mềm văn
hóa trong sức mạnh mềm quốc gia (một khái niệm thuộc về sức mạnh mềm quốc gia).
Văn hóa tự thân có sức mạnh mềm, trong đó có sự khác biệt mức độ. Còn sức mạnh
mềm văn hóa trong quan hệ quốc tế thì chỉ đóng vai trò hình thành sức mạnh mềm
quốc gia.
Sức mạnh cứng và sức
mạnh mềm không có sự phân biệt rõ ràng, mà có thể có biên giới mờ nhạt. Sức mạnh
cứng và sức mạnh mềm có thể bổ sung cho nhau nhưng có thể loại trừ nhau. Quan hệ
này rất phức tạp. Sức mạnh cứng của một quốc gia (lực lượng vũ trang), nếu không
đem ra để dọa dẫm, răn đe, có thể tạo nên sự ngưỡng mộ, khâm phục, tức là đã có
yếu tố sức mạnh mềm. Nhưng khi sức mạnh vũ lực được đem ra để đe dọa, gây sợ
hãi, ác cảm thì nó lại loại trừ sức mạnh mềm, gây tổn thương cho sức mạnh mềm,
làm mất thiện cảm hay sự khâm phục.
Sức mạnh của truyền
thông là một ví dụ sự mờ nhạt về ranh giới. Truyền thông có khi là một hoạt động
văn hóa thuần túy, có khi được dùng để đe dọa, khủng bố tinh thần.
Do vậy, lý luận về quyền
lực mềm chỉ mới ở mức độ sơ khởi, cần bổ sung hoàn thiện. Khi ứng dụng vào những
trường hợp cụ thể, như đối với Phật giáo trong trường hợp bài viết này, thì cần
thiết đầu tư nghiên cứu hơn nữa.
Sức mạnh mềm Phật giáo
Trường hợp các quốc gia
sử dụng Phật giáo trong sức mạnh mềm văn hóa, như trong một bài trước đây nói về
việc Trung Quốc và Ấn Độ tranh giành ảnh hưởng và sử dụng thánh địa Lâm Tỳ Ni,
chạy đua trong việc tổ chức các hội nghị Phật giáo, là việc vận dụng sức mạnh
mềm văn hóa trong sức mạnh mềm quốc gia.
Tuy nhiên, như đã phân
tích ở trên, ngoài sức mạnh mềm quốc gia, có thể vận dụng lý luận sức mạnh mềm
nói chung vào những trường hợp cụ thể và sức mạnh mềm văn hóa.
Việc có những quốc gia
sử dụng Phật giáo làm sức mạnh mềm văn hóa trong sức mạnh mềm quốc gia cần được
xem xét, nghiên cứu từ lợi ích Phật giáo.
Nhìn chung, Phật giáo
như một đại lượng văn hóa, có thể đóng góp vào sức mạnh quốc gia. Nghiên cứu về
lý luận sức mạnh mềm của J. Nye, chúng ta có thể thấy được điều này. Trên góc
nhìn quyền lợi dân tộc Việt Nam, đây là điều có thể nhận thức, xúc tiến với
những trường hợp cụ thể, huy động sức mạnh
mềm Phật giáo góp phần vào sức mạnh mềm quốc gia.
Theo chiều vận động
ngược lại, quốc gia khi đẩy mạnh đầu tư cho sức mạnh mềm Phật giáo thì chính là
đầu tư cho sức mạnh mềm quốc gia. Phật giáo với sức mạnh mềm sẽ góp phần vào sức
mạnh mềm quốc gia. Một điểm cần chú ý, là trong Phật giáo có những yếu tố hạn
chế sức mạnh cứng.
Tuy là có thể xem sức
mạnh cứng hay sức mạnh mềm không xấu, không tốt, chỉ tùy vào mục tiêu mà xét
đánh giá trong từng trường hợp cụ thể, nhưng cũng phải thấy rằng, trong đạo
Phật, việc dùng bạo lực, đe dọa bạo lực, dụ dỗ, mua chuộc, cưỡng bức… cơ bản đều
không được chấp nhận. Tuy nhiên, Phật giáo đặt vấn đề từ tâm ý, nên việc lấy mục
đích lý giải tính chất sức mạnh cũng đáng lưu ý. Từ đó, vận dụng lý luận sức
mạnh mềm vào trường hợp Phật giáo phát sinh nhiều vấn đề cần nghiên cứu. Tuy
nhiên, việc vận dụng là điều tất yếu, khi muốn đưa Phật giáo tiến kịp bước tiến
thời đại. Hơn nữa, Phật giáo tự thân đã có sức mạnh mềm và rõ ràng thiên về sức
mạnh mềm.
Ý thức về sức mạnh mềm
Phật giáo là người theo đạo Phật ý thức về sức mạnh chính mình.
Nghiên cứu về lý luân
sức mạnh mềm còn có tác dụng giúp Phật giáo đối phó với các loại sức mạnh ảnh
hưởng tiêu cực đến sự phát triển của Phật giáo.
Nghiên cứu, ứng dụng lý
luận về sức mạnh mềm vào Phật giáo là ứng dụng những thành quả của khoa học hiện
đại, phục vụ cho việc phát triển Phật giáo, mà ở đây là một bộ môn khoa học xã
hội. Tuyệt nhiên không phải là đưa chuyện chính trị vào Phật giáo.
Nếu người theo đạo Phật
không ý thức về những vấn đề liên quan đến quyền lực mềm đối với Phật giáo, thì
sự vận hành các thứ sức mạnh vẫn diễn ra và vẫn tác động vào Phật giáo. Người
Phật tử như thế sẽ trở nên thụ động.
MT