Tại sao xã hội trong hai triều đại Lý -Trần lại đạt được sự thịnh vượng?

tai sao

Thời kỳ cầm quyền của nhà Lý (1009-1225) và nhà Trần (1226-1400) là hai triều đại thịnh vượng nhất trong lịch sử Việt Nam từ trước đến nay. Nhiều sách sử cho rằng triều đại nhà Lê mới là triều đại mạnh nhất, nhưng đa số người đọc đã bị nhầm lẫn giữa hai khái niệm: sự thịnh vượng và tập trung quyền lực. Triều đại nhà Lê là quãng thời gian quyền lực của vua đạt đến tối cao, tuy nhiên điều này không có nghĩa rằng đời sống của dân chúng đạt được sự thịnh vượng. Ngược lại trong giai đoạn Lý – Trần, mặc dù quyền lực của triều đình không bao trùm lên toàn bộ đời sống nhưng đời sống xã hội lại vô cùng phát triển. Và ở đây, tôi muốn bàn đến sự thịnh vượng chứ không phải sự tập quyền.

I. Những biểu hiện cho sự thịnh vượng của giai đoạn Lý – Trần

Thế nào là sự thịnh vượng? Hiểu một cách đơn giản đó là đời sống phong phú cả vật chất lẫn tinh thần của người dân. Đương nhiên thước đo cho sự thịnh vượng cách đây gần cả thế kỷ không thể giống với thế giới hiện đại. Vậy những biểu hiện nào thể hiện rằng giai đoạn Lý Trần là giai đoạn thịnh vượng nhất trong lịch sử? Nhiều người sẽ không hoàn toàn tin vào những ghi chép lịch sử trong “Đại Việt Sử ký Toàn thư” hay những lời ca ngợi trong thơ ca còn ghi lại. Bởi thế, xin phép được đưa ra đánh giá về sự thịnh vượng dựa trên các luận chứng sau:

1. Những di chỉ khảo cổ còn sót lại của giai đoạn Lý – Trần đã thể hiện khả năng cao trong việc chế tác trên các loại vật liệu, chứng tỏ kỹ nghệ và sự chuyên nghiệp của các phường nghề. Hai biểu hiện rõ nhất là trong nghệ thuật gốm và nghệ thuật điêu khắc. Từ năm 982, vào thời Tiền Lê, Lê Đại Hành đã mở những cuộc nam chinh đầu tiên, chiếm được kinh đô Indrapura của Chăm-pa. Trong cuộc Nam chinh này Lê Hoàn đã đưa về rất nhiều vũ công, nhạc sư, thợ thủ công Chăm-pa, nhờ đó những nghề này cũng theo đó mà vào Đại Việt. Đến thời Lý, quá trình học hỏi này đã được hoàn thiện. Nhiều mẫu vật được khai thác ở khu vực hoàng thành Thăng Long, những họa tiết trong các bức tượng Phật… thể hiện rõ điều này. Bên cạnh các nét khắc của người Chăm-pa, các nghệ nhân cổ đã thổi tinh thần Viêt vào tác phẩm của mình. Ví dụ như trong bức tượng Phật A Di Đà ở chùa Phật Tích (cao 2m77 bao gồm cả bệ). Trong bức tượng này, mặc dù phần nửa dưới và tư thế là học từ nghệ thuật của người Chăm, nhưng nét mặt của tượng không bị ảnh hưởng bởi nét mặt lãnh đạm của bậc khổ tu mà ngược lại là vẻ mặt hoan hỉ, vui tươi. Một phần vì đặc tính người Việt cổ ưa đùa giỡn, lạc quan; một phần vì Đại Việt thời Lý ảnh hưởng của Phật giáo Mật Tông, một trường phái tu luyện đặc sắc với khái niệm Phật Hoan Hỉ nổi tiếng.

Tượng A Di Đà chủa Phật Tích

Tuy nhiên, đỉnh cao của văn minh vật chất thời Lý lại nằm trong nghệ thuật gốm. Gốm Lý – Trần đã đạt đến mức trở thành một trường phái, một “thương hiệu” như trà đạo Nhật Bản. Không giống trong điêu khắc, nghệ thuật gốm giai đoạn này không bị ảnh hưởng bởi Chăm-pa. Vào thời Lý, nghệ thuật gốm còn bị ảnh hưởng bởi phong cách và kỹ thuật nhà Đường Trung Hoa, nhưng gốm thời Trần đã hình thành phong cách riêng với các đặc trưng kỹ thuật riêng. Gốm thời Trần có loại đặc trưng nhất là gốm hoa nâu. Từ thời Lý, gốm đã có 3 trung tâm làng nghề: Bát Tràng, Phù Lãng và Thổ Hà (trung tâm này hiện không còn làm gốm nữa). 3 trung tâm gốm này được xây dựng bởi 3 đại thần đi sứ Trung Quốc (Đào Tiến Trí, Hứa Vĩnh Kiều và Lưu Phong Tú), học nghề gốm rồi đưa về Đại Việt. Bát Tràng sản xuất gốm sắc trắng, Phù Lãng gốm sắc vàng, Thổ Hà gốm sắc đỏ. Các nghệ nhân Bát Tràng đã phát minh ra chất men xanh ngọc nổi tiếng, sản xuất chuyên nghiệp và xuất cảng sang Trung Hoa, Phù Tang lúc bấy giờ. “Men trắng gốm Lý – Trần được chế từ phù sa và tro củi; men nâu từ oxit sắt và sunfua thủy ngân; men ngọc từ oxit sắt và oxit đồng. Trên gốm hoa nâu, người ta thường gạt đi một số chỗ men trắng để bôi mầu nâu, có thể làm theo hai cách: nền trắng hoa văn nâu, hoặc ngược lại nền nâu hoa văn trắng. Mầu nâu chế tạo từ đá son, bản chất của mầu nâu đỏ và đen chế từ các oxit sắt và một thành phần nữa là sunfua thủy ngân, cái này nằm trong đá chu sa, thần sa. Mầu đen cũng chỉ là biến thể của mầu nâu. Mầu lục của gốm men ngọc do sự tham gia của oxit đồng, nhưng ít hơn nhiều so với sử dụng oxit sắt và oxit đồng tạo ra mầu xanh khi nung trong môi trường oxy, thực chất là oxit sắt được nung trong môi trường khử, tức là môi trường thiếu oxy, tạo ra lửa hoàn nguyên. Công thức thì đơn giản như vậy, nhưng gốm luôn luôn là bí ẩn, phụ thuộc vào nhiệt độ lò nung tạo ra các phản ứng hóa học cụ thể với cốt và men gốm, cùng kinh nghiệm của người thợ. Kết quả của sản xuất gốm thủ công không lần nào giống lần nào, chỉ có thể tạo ra các sản phẩm tương tự chứ không lặp lại chính xác như gốm sứ công nghiệp. Các sắc độ mầu trên đồ gốm Lý – Trần, ra rất phong phú, nhìn thoáng qua thì thấy giống nhau, nhưng đặt cạnh từng đồ, mầu sắc rất khác. Mầu men ngọc biến đổi từ xanh ngọc bích, xanh lục nhạt, lục sẫm, lục vàng, lục tím, tím xanh thẫm. Mầu trắng cũng biến đổi vô cùng, trắng, trắng nhờ nhờ, trắng ngả vàng, trắng ngả xanh nhạt, trắng vàng, vàng và vàng sẫm. Mầu nâu có từ nâu đỏ, nâu vàng, nâu nhạt, nâu đậm, mầu nâu bánh mật, nâu sẫm, nâu rất sẫm, nâu đen và đen.” (1) Cho đến nay công thức làm men xanh ngọc đã bị thất truyền, công nghệ hiện đại cũng không giúp khôi phục lại được việc sản xuất loại men này, điều đó chứng tỏ kỹ thuật sinh hóa thời kỳ này đã phát triển rất cao. Ngoài ra, chất lượng thẩm mỹ của những của cải vật chất thời Lý Trần rất tốt, đề cao tính cân xứng và sự thanh nhã, cho thấy một trình độ dân trí cao.

 

Gốm Bát Tràng men trắng

Nhiều người cho rằng vẻ đẹp thẩm mỹ và kỹ thuật tinh xảo từ những di vật còn sót lại trong điêu khắc và gốm thời Lý – Trần là bởi vì đó là đồ dùng cho vua chúa. Điều này đúng, nhưng không hoàn toàn. Đáng lưu ý rằng Đại Việt thời bấy giờ không theo chính sách quản lý phường hội thủ công của phương Bắc, không phân ra các xưởng “quan diêu” và “dân diêu”, mà sản xuất tại cùng một hệ thống xưởng. Các xưởng thủ công này sản xuất cả vật dụng của quan và của dân, những vật dụng nào đẹp nhất, tinh xảo nhất, đặc biệt nhất sẽ được cống nạp vào cung hoặc vào các công trình lớn như đền, chùa…

2. Hai triều đại Lý và Trần đều đề cao công thương nghiệp và bắt đầu thiết lập những tuyến giao thương từ nội địa đến lân bang Như đã nói ở trên, nền sản xuất vật chất thời Lý Trần đã đạt đến trình độ cao, hay nói một cách khác, chất lượng hàng hóa của xã hội trong giai đoạn này đã đạt đến bước chuẩn mực. Năm 1230, nhà Trần mở rộng Thăng Long, chia phần “thị” (vùng cho dân buôn bán) thành các phường nghề, đặt chức quan Bình bạc (tức kinh doãn) để quản lý. Đó chính là bước chuyên môn hóa trong phát triển công thương nghiệp.

Song song với sự phát triển của thủ công nghiệp là sự phát triển của thương nghiệp. Ở thời Lý, các tuyến giao thương nội địa đã được thiết lập và vận hành trơn tru từ miền xuôi đến miền ngược cả trên đường bộ và đường thủy. Nhà Lý bắt đầu thiết lập buôn bán trao đổi với Trung Hoa qua đường sông, Gia Va qua đường biển và Xiêm La qua đường bộ. Cửa biển Vân Đồn (Quảng Nnh) là trung tâm giao thương lớn nhất cả nước. Đến thời Trần, các tuyến đường giao thương gia tăng, thậm chí giao thương tới Tây Vực. (2) Minh chứng cho tuyến giao thương này là trong “Nguyên sử”, khi vua Mông Cổ đòi nhà Trần nộp những người lái buôn Hồi Hồi để hỏi thăm về tình hình Tây Vực.

3. Nhiều loại hình nghệ thuật mang đặc trưng tính cách Việt phát triển đồng đều và tạo thành chuẩn mực Nghệ thuật trình diễn đặc trưng của Đại Việt thời Lý Trần phải kể đến hát chèo. Hát chèo được sáng tạo từ thời Đinh (thế kỷ thứ 10) bởi bà Phạm Thị Trân, môt ca vũ tài ba trong hoàng cung. Lúc này các nghệ sĩ thường chỉ diễn xuất các khúc ngâm. Các kỹ thuật âm nhạc và vũ đạo dần dần được hoàn thiện khi có tiếp xúc văn hóa với Chăm-pa. Nhưng đến nhà Trần, một nghệ sĩ chèo đi lính và bị quân đội Nguyên Mông bắt làm tù binh, nhờ đó mà học được hát tuồng của người phương Bắc. Từ đó chèo bắt đầu mang tính kịch (drama), có cấu trúc và nhân vật. Song song với chèo, nghệ thuật Tuồng của Trung Hoa cũng được “Việt hóa”. Cả hai đều được diễn không những trong hoàng cung mà cả trong dân gian (các đình làng). Các vở thường ca ngợi những mẫu hình nhân vật lý tưởng như anh hùng, liệt nữ, các tấm gương trung hiếu; với kỹ thuật diễn xuất ước lệ kết hợp kỹ thuật âm nhạc phức tạp, đặc biệt là trong độ nhấn và luyến láy.

Nghệ thuật hội họa của Lý – Trần phát triển nhất trong điêu khắc. Có một sự tương đồng giữa hội họa Lý Trần với thời kỳ Tiền Phục Hưng Châu Âu: Đó là sự vô danh của các nghệ sĩ và cảm hứng tôn giáo. Các nghệ nhân Lý Trần hầu như không được lưu tên lại cùng các tác phẩm của họ, nhưng các tác phẩm này vẫn đầy cảm hứng và đạt đến chuẩn mực mỹ học cho cả một dân tộc. Hai biểu tượng được nhấn mạnh nhất là con rồng và hoa sen triều Lý. Rồng triều Lý không giống rồng Trung Hoa hay thể hiện uy quyền. Con rồng thời Lý dù trên bất cứ chất liệu nào cũng được chạm khắc không quá sâu, hoặc có thể hiểu là hình khối không nổi quá cao. Có lẽ thẩm mỹ thời Lý không thích hình khối mà quan tâm nhiều đến hình dáng. Con rồng thời Lý được bố cục theo nhiều dạng hình học khác nhau, ví dụ như: Bố cục trong hình Chữ nhật: như các bức chạm đá “Hình Rồng chầu lá đề, đăng đối hai bên là hình các Tiên nữ, nhạc công múa hát” (đế kê chân cột chùa Phật Tích- năm 1057). Các “Hình Rồng chầu lá Đề”, “ hình rồng trên bệ” (tượng Phật, chùa Phật Tích – năm 1066, xã Phật Tích-Tiên Sơn-Bắc Ninh). “Hình rồng trên vách đố” bằng đá (Tháp Chương Sơn – năm 1117), hoặc “Hình rồng trên đồ đất nung “ phát hiện ở khu vực thành Thăng Long. Hình Rồng trong bố cục hình tròn: như chạm đá “Hình Rồng và hoa dây” (Tháp Chương Sơn – năm 1118, Yên Lợi- ý Yên- Nam Định). Hình Rồng trong bố cục hình bán nguyệt: “Các hình Rồng chầu”, (chạm đá – năm 1118, trong trán bia Chùa Long Đội – Đọi Sơn -Duy Tiên – Hà Nam). Hình Rồng trong bố cục hình lá Đề: “Hình Rồng chầu dâng Ngọc”, Gốm (phát hiện ở khu vực thành Thăng Long Hà Nội); hình Rồng trong bố cục hình cánh hoa Sen: “Hình Rồng trong các cánh Liên hoa” bệ tượng (Tháp Chương Sơn – năm 1117), hoặc “Hình rồng trên các cánh hoa Sen” chạm ở mặt trụ đá kê chân cột ở một số công trình kiến trúc Lý mà Khảo cổ học phát hiện được ở khu Hoàng Thành Thăng Long… Mình rồng thời Lý kéo dài, thể hiện từ góc nhìn nghiêng; đầu và cổ thường ngước và chếch lên cao. Hình tượng rồng này gắn với nhiều biểu tượng Phật giáo, ví dụ như lông mày rồng tạo hình thành số 3 nằm ngửa, giống với nhãn vòng Kim Cô của nhà Phật, và phía trước trán rồng có hình chữ S đứng (ký hiệu của tia chớp, thể hiện uy lực của Phật Pháp Lôi – Pháp Điện trong Mật Tông) Khác với con rồng vần vũ của Trung Hoa, rồng thời Lý được vẽ theo hình sin, uốn lượn đều đặn biểu hiện tính nhịp điệu luân hồi trong tư duy của người Việt. Cách tạo hình này vẫn kéo dài đến thời Trần, chỉ bổ sung thêm một vài chi tiết ở chân và ở vẩy. Bắt đầu từ thời Lê trở đi thì tạo hình rồng bắt đầu bắt chước của Trung Hoa.


Điêu khắc thời nhà Lý có hình con rồng trên lá đề

Ở thời Lý Trần, văn xuôi chỉ phục vụ mục đích khoa cử, vậy nên thơ ca là không gian sáng tạo của các tác giả. Trong đời sống dân gian, lối hát giao duyên, hát đối như hát trống quân (có từ thời nhà Trần) khiến tâm hồn thơ ca của người dân được rộng mở, các hình tượng đơn giản của đời sống được gọt giũa và tượng trưng. Nhờ đó thẩm mỹ dân gian được nâng cao. Có một điều đáng lưu ý là các phường hội thời Lý Trần không có sự phân cấp quan – dân, nên những tác phẩm hay hoặc các tứ thơ hay của dân gian thông qua con đường trình diễn sân khấu có thể đến với tầng lớp vua quan. Nhờ đó nghệ thuật thơ bác học thời Lý Trần cũng không quá phô trương và rơi vào chủ nghĩa hình thức mà tiếp thu được vẻ đẹp bình dị của dân gian. Thơ Lý Trần đều là các tác phẩm thơ chữ Hán, ảnh hưởng nhiều của Thiền Tông. “Thiền Uyển Tập Anh ngữ lục” là bộ ghi chép đồ sộ nhất các tác phẩm Thiền ngữ (bao gồm luận giải, đối đáp, các bài kệ) của thời Lý. Đến thời Trần, thơ Thiền kết hợp với nghệ thuật ước lê của Đường thi, tạo thành một phong cách thơ tinh tế, sâu sắc và giàu tính thẩm mỹ, trong đó thơ của Trần Nhân Tông và Huyền Quang Thiền Sư đã đạt đến đỉnh cao. Bên cạnh thơ Thiền, các bài phú thể hiện sự cảm tác như “Bạch Đằng giang phú” (Trương Hán Siêu), “Ngọc Tỉnh Liên phú” (Mạc Đĩnh Chi), “Bạch Vân sơn phú” (Huyền Quang Thiền sư) đã làm phong phú thêm cho thể loại thơ ca Lý Trần.

4.Các luận thuyết về tư tưởng đều được ghi nhận, đời sống triết học tâm linh phong phú Dưới 2 triều đại Lý Trần, các tôn giáo và các dòng tư tưởng khác nhau được tự do phát triển, chúng ta đều được biết tới điều này qua khái niệm “Tam giáo đồng nguyên”. Vào thời kỳ đó, ở Đại Việt chịu ảnh hưởng của 3 luồng tư tưởng lớn: Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo. Nho giáo vào Việt Nam theo chữ Hán từ thời Bắc thuộc nhưng chưa được phát triển. Các trường phái Phật giáo vào Đại Việt theo hai đường: Phật giáo nguyên thủy từ Ấn Độ, qua Chăm-pa và vào nước ta. Phật giáo Tịnh Độ, Mật Tông và Thiền Tông vào từ phương Bắc qua con đường du hành của các bậc tăng sư. Đạo giáo tuy ẩn mình nhưng lại ảnh hưởng sâu sắc nhất.

Từ khi Thiền sư Vạn Hạnh hỗ trợ Lý Công Uẩn lên ngôi vua và được phong là Quốc sư thì Phật giáo đã giữ vai trò thống lĩnh ở Triều Lý. Tư tưởng Phật học còn ảnh hưởng cả đến Thái phi Ỷ Lan khi bà viết bài kệ “Sắc không”. Tuy nhiên, bên cạnh Thiền Tông, Mật Tông vẫn phát triển và có uy quyền nhất định với nhân vật nổi bật nhất là Sư Từ Đạo Hạnh với các quyền năng phi thường. Tịnh Độ Tông chưa phát triển nhiều như dưới thời Lê nhưng đã manh nha một số ngôi chùa và thường là dành cho dân thường. Đến thời Trần, khi Trần Nhân Tông đi tu ở Yên Tử và sáng lập ra trường phái Trúc Lâm thì Thiền Tông lên đến đỉnh cao trong lịch sử. Các Thiền sư của trường phái Trúc Lâm một mặt đề cao tính Thiền, một mặt đưa ra quan điểm Phật giáo nhập thế, tức là người đi tu cũng phải có trách nhiệm tạo phúc cho dân chúng.

Nho giáo được đưa vào nước Việt từ thời Bắc thuộc nhưng do dân trí còn thấp và chiến loạn liên miên nên không thể nào có sức ảnh hưởng được. Mặc dù nhà Lý ảnh hưởng của Phật giáo, nhưng mô hình thiết lập nhà nước lại dựa trên Nho giáo. Đến cuối thời Lý và thời Trần, ảnh hưởng này bắt đầu mạnh hơn với các nhân sĩ nổi tiếng như Tô Hiến Thành, Trương Hán Siêu, Chu Văn An… Nếu các vua thời Lý – Trần chịu ảnh hưởng của Phât giáo thì các quan và tướng lại chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo. Hưng Đạo Đại Vương là thể hiện rõ nhất cho tư tưởng trung quân ái quốc trong Nho giáo. Ngay trong “Hịch Tướng sĩ”, vận mệnh của bậc anh hùng Nho giáo đã được khẳng định: “Từ xưa các bậc trung thần nghĩa sĩ, bỏ mình vì nước, đời nào chẳng có ? Ví thử mấy người đó cứ khư khư theo thói nhi nữ thường tình Thì cũng đến chết hoài ở xó cửa, sao có thể lưu danh sử sách Cùng trời đất muôn đời bất hủ được ?” . Phụng sự dưới trướng Trần Hưng Đạo là Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu… đều thấm nhuần tư tưởng này. Vào đầu năm mới, các quan văn võ trong triều đều phải họp nhau làm lễ ở đền Đồng Cổ hay ở sân Long Trì mà phát lời thề rằng: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần minh giết chết”

Đạo giáo ý muốn nói đến học thuyết Lão – Trang, tuy nhiên tư tưởng Lão Trang thời này chưa thực sự có sức ảnh hưởng mạnh, mà ngược lại trường phái tu tiên lại phát triển hơn. Các đạo trưởng tu tiên đi du hành khắp nơi, triển khai quyền năng, chữa bệnh cứu người từ thời Bắc thuộc tạo nên các kì tích trong dân gian, ví dụ như đạo trưởng Yên Kì Sinh (3) hay Chử Đồng Tử… Nhờ thế, đến thời Lý – Trần, các đạo tràng, các đền thờ Tiên mọc lên ở các vùng sơn cước. Đó là cơ sở cho Đạo Mẫu phát triển ở thời Lê Sơ và là cơ sở cho nhiều truyện truyền kỳ được ghi chép trong “Truyền kỳ mạn lục” (Nguyễn Dữ) hay “Truyền kỳ tân phả” (Đoàn Thị Điểm) mãi sau này.

Mặc dù chế độ khoa cử là sản phẩm của phương Bắc, nhưng đã được nhà Lý và nhà Trần thay đổi về nội dung tư tưởng. Thay vì thi luận giải Tứ Thư Ngũ Kinh như nhà Tống, khoa cử ở Đại Việt yêu cầu sĩ tử phải tinh thông cả ba hệ thống Nho – Phật- Lão. Hơn thế nữa, nhìn lại suốt lịch sử tư tưởng thời Lý và thời Trần, không hề thấy dấu vết của các cuộc tranh biện hơn thua xem trường phái nào mới là trường phái dẫn con người đến Sự Thật cũng như sự đắc dụng của chúng trong đời sống.

5. Khả năng giữ gìn chủ quyền lãnh thổ và bảo vệ quyền lưc trung ương của hai triều đại này đến bây giờ vẫn không khỏi khiên nhiều nhà nghiên cứu chính trị phải kinh ngạc vì sự vận dụng cương – nhu trong các biến cố quốc gia. Các chiến tích của triều Lý và triều Trần (2 lần chiến thắng quân Tống, 3 lần đánh thắng quân Nguyên Mông) đã được nhiều công trình ghi chép lại. Có lẽ không cần thiết phải liệt kê cụ thể ở đây. Nhưng những chiến tích đó là minh chứng cho một hệ thống quân sự vững mạnh, đúng theo ngôn ngữ thời xưa là “binh hùng tướng mạnh”. Một nước nhỏ như Đại Việt có thể chiến thắng đại quân của đế quốc phương Bắc hơn gấp nhiều lần về binh lực và vũ khí, điều đó cho thấy các nhà quân sự của hai triều đại này đã biết cách dụng binh bằng chiến thuật và mưu kế thay vì diễu võ dương oai. Lý Thường Kiệt đã biết dùng kế sử dụng ngòi bút để làm lung lay sĩ khí của kẻ địch (bài “Phạt Tống lộ bố văn” được phân phát ở Châu Khâm, Châu Ung, Châu Liêm (4)) và khích lệ tinh thần quân đội (bài “Nam quốc sơn hà” (5)) Vua tôi triều Trần đứng trước thế vũ bão của quân đội Mông Cổ đã dám sử dụng kế ”vườn không nhà trống” và sử dụng kiểu đánh du kích tỉa dần lực lượng của địch cho đến khi nắm được lợi thế mới tổng tiến công. Nghệ thuật quân sự này được ghi chép trong “Binh Thư yếu lược” của Trần Hưng Đạo, là nền tảng cho hình thức “chiến tranh nhân dân” sau này.

Ngoài ra, ta có thể thấy sức mạnh quân sự chỉ có thể có được khi binh lương ổn định, có nghĩa là lương thực từ trong dân gian được cung cấp đầy đủ và đều đặn cho quân đội. Song song với điều này, ta có thể thấy rằng vào thời Lý và lúc thịnh trị của triều Trần, không hề có khởi nghĩa nông dân. Điều đó cho thấy nông nghiệp thời này phát triển, mang lại sự ổn định kinh tế, nhờ đó mà ổn định đươc trật tự xã hội.

Nội loạn trong giai đoạn này đa phần là loạn phiên bang (do các vương tử, các thủ lĩnh dân tộc thiểu số, hoặc quan lại muốn tiếm ngôi) gây ra. Tuy nhiên triều đình luôn tìm được cách giải quyết hỗn loạn bằng các phương pháp hòa giải sao cho ít tốn binh lực nhất. Nếu không thể hòa giải thì sử dụng phương pháp đe dọa gây áp chế, nếu không thể áp chế mới sử dụng đến chiến tranh. Đây là cách hành xử chính trị khôn ngoan và đầy nhân tính đã trở thành chuẩn mực trong cách thức đối phó với nội loạn của các vua Lý – Trần.

 

II – Tại sao xã hội trong hai triều đại Lý – Trần lại đạt được sự thịnh vượng?

1. Nguyên nhân khách quan: Sự ổn định lãnh thổ và cơ hội tách dần khỏi văn minh người Hán Trước triều đại Lý – Trần, lãnh thổ của nước ta luôn luôn giao động do chiến loạn liên miên với phương Bắc và nội loạn cát cứ. Nhưng đến cuối thời Tiền Lê, lãnh thổ đã được ổn định, kéo dài từ biên giới phía Bắc ngày nay cho đến vùng Quảng Bình, Quảng Trị (hồi đó gọi là Lâm Ấp). Lãnh thổ dần đi vào ổn định và bước qua giai đoạn xung đột văn hóa tộc người để chuẩn bị bước vào thời kỳ dung hòa văn hóa. Một khi lãnh thổ đã được xác lập rõ ràng thì triều đình cũng sẽ nắm rõ hơn về đặc tính các vùng miền để có thể đưa ra các chiến lược phát triển sao cho phù hợp với nhiều nhóm dân cư. Nếu chưa đạt được sự ổn định về lãnh thổ, dân di cư liên tục thì không thể hình thành phong tục tập quán, không có phong tục tập quán thì mọi chính sách đưa ra đều tạm bợ và dễ dàng bị nhóm dân cư mới làm cho thay đổi. Từ thời Hậu Lê cho đến thời Nguyễn, ta có thể thấy lãnh thổ mở rộng liên tục, kèm theo đó là các nhóm dân cư bị xáo trộn, chuẩn mực văn hóa các miền có sự xung đột lẫn nhau, vì thế cho đến nay vẫn chưa đúc kết được các đặc tính văn hóa chung giữa ba miền để tạo ra chiến lược phát triển bền vững cho quốc gia.

Giai đoạn lịch sử của nhà Lý và nhà Trần tương ứng với một trong hai giai đoạn yếu thế nhất của văn minh người Hán. Triều Lý cùng thời kỳ với triều Tống, triều Trần cùng thời kỳ với triều Nguyên. Triều Tống là một triều đại yếu kém về lãnh thổ nên triều đình của người Hán chỉ tập trung chủ yếu ở 2 đồng bằng lớn là lưu vực Hoàng Hà và lưu vực Trường Giang. Lãnh thổ Trung Hoa thời bấy giờ bị các đám “man di mọi rợ” (nam man, đông di, tây mọi, bắc rợ trong quan điểm của người Hán) chia nhau lập thành các quốc gia Khiết Đan, Đại Kim, Tây Hạ, Thổ Phồn, Đại Lý… Nhà Tống bị bao vây xung quanh bởi các nước có nền văn minh khác biệt này cho nên không có nhiều thời gian để củng cố quyền ảnh hưởng ở Đại Việt. Nhà Tống bị tiêu diệt, quân Mông Cổ dựng nên triều Nguyên. Triều Nguyên mới thành lập nên đặc tính vẫn còn được giữ nguyên, chưa bị Hán hóa. Bởi thế, chưa bao giờ tính dân tộc của người Việt lại được đề cao đến vậy trong suốt thời kỳ phong kiến. Tính dân tộc được thể hiện mạnh mẽ trong tinh thần quân đội, trong văn thơ yêu nước,trong tư tưởng dân tộc, trong sáng tạo thủ công nghiệp và thậm chí đến thế kỷ 12, các học giả yêu nước còn sáng tạo và hoàn thiện loại chữ Nôm được cách điệu từ chữ Hán. Theo sử sách ghi chép lại thì văn bản chữ Nôm đầu tiên còn được biết đến là “Thiền Tông bản hạnh” viết vào thời Trần. Tinh thần dân tộc đã trở thành sợi chỉ xuyên suốt trong mọi ứng xử chính trị của hai triều đại này.

Yên Tử – Trung tâm của Thiền phái Trúc Lâm từ thời Trần đến nay

2. Nguyên nhân chủ quan: Hai triều đại Lý – Trần đã biết vận dụng các đặc điểm tâm lý chung của dân tộc để đưa ra chiến lược phát triển dài hạn cho cả quốc gia. Thế nào là đặc điểm tâm lý chung của dân tộc, đây là vấn đề gây nhiều tranh luận trong học thuật. Khái niệm tâm lý dân tộc tôi xin được sử dụng học thuyết phân tâm học tộc người của Georges Devereux. Ông cho rằng những đặc điểm tâm lý chung của một dân tộc là do hưởng của đặc điểm địa lý và điều kiện tự nhiên khiến cộng đồng người nào đó có chung một cách hành xử, lâu ngày cách hành xử này tạo thành thói quen và những thế hệ sau cứ vô thức hành động mà không biết tại sao. Với đặc điểm tự nhiên của Đại Việt, ta có thể thấy có các đặc điểm sau: ý thức tập thể do phải đoàn kết để trị thủy và đánh giặc; tâm lý biến đổi do phải liên tục đối phó với thiên tai; đức tính nhẫn nhịn do một quá trình dài phải đương đầu với phương Bắc hùng mạnh; tâm lý tiểu nông do dải đồng bằng nhỏ hẹp; khả năng hòa nhập văn hóa do nằm trên tuyến giao thương nối liền miền Nam Ấn Độ và miền Nam Trung Hoa. Nhiều nhà phản biện xã hội Việt Nam hiện đại cho rằng đó là những điểm yếu kém của người Việt, đó là nhận định chủ quan và sùng bái phương Tây bởi không một tích cách nào tích cực hoàn toàn hay tiêu cực hoàn toàn. Trong lịch sử, triều đình nhà Lý và triều đình nhà Trần đã biết cách tận dụng lợi thế của những đặc điểm tâm lý này tạo nên chiến lược phát triển đúng đắn cho quốc gia.

Hệ thống tư tưởng “Tam giáo đồng nguyên” được đề xướng và áp dụng từ trên xuống dưới, bởi lẽ người Việt rất dễ tiếp thu các luồng tư tưởng và dễ dao động trong lối suy nghĩ. Nếu cứ khăng khăng cả dân tộc đi theo một hình mẫu tư duy và nhận thức, khó tránh khỏi sự chống đối, bất bình ở người dân. Ngay đến khoa cử để tuyển lựa hiền tài cho triều đình cũng phải dựa trên Tam giáo là một chính sách tránh được rất nhiều xung đột hệ tư tưởng thường thấy ở Trung Hoa, thậm chí cả ở Ấn Độ và Phương Tây. Như đã nói ở trên, ba tư tưởng đều có những ảnh hưởng khác nhau: Vua theo Phật giáo, Quan lại và các tướng theo Nho giáo, người dân vừa tôn sùng Phật giáo vừa tôn sùng Đạo giáo. Tổng kết lại, ta có thể rút ra một thế chân kiềng vững chắc : Vua dùng Đạo trị (Đạo ở đây có nghĩa là quy luật tự nhiên chứ không phải Đạo giáo), Quan dùng Pháp trị, Dân dùng Nhân trị. Tức là vua thì phải biết nắm bắt các quy luật tự nhiên để đưa ra quyết sách, quan phải biết tuân thủ pháp luât và đạo vua tôi, dân phải biết lấy nhân nghĩa để đối đãi với nhau không phân biệt. Tam giáo mỗi hệ một nhiệm vụ đi kèm với quyền ảnh hưởng, vừa bổ khuyết cho nhau để mang đến sự phát triển tâm thức của người dân, lại vừa hạn chế nhau để tạo thành thế cân bằng tránh sự độc tôn tư tưởng dễ dẫn đến tư duy một chiều. Nhờ thế mà giá trị nhân bản được đặt cao hơn các tư tưởng siêu hình hay các học thuyết áp đặt về phận vị. Khi con người được đề cao, sự phát triển của đời sống người dân quan trọng hơn quyền lực của triều đình và sự thịnh vượng quan trọng hơn sức mạnh quân đội. Cả hệ thống chính trị của triều đại Lý – Trần đã đi theo xu hướng đó và tạo ra thời kỳ rực rỡ nhất của văn minh Đại Việt.

Là một nước nông nghiệp trồng lúa nước, triều đình Lý – Trần nhận thức rõ tầm quan trọng của điền địa và nghề nông. Trong thời kỳ phong kiến, sở hữu đất đai là sở hữu cao nhất và quyền sở hữu tối thượng thuộc về nhà vua. Khi nhà Lý thay thế Tiền Lê, nhà Lý được thừa hưởng đất công từ triều đại trước, số đất này dùng làm ruộng quốc khố. Còn lại là để phân phối tùy theo cấp bậc xã hội để phân ruộng đất. Để gia tăng đất đai quốc khố một cách hợp lý, triều đình nhà Lý cho phép người dân được chuộc tội bằng cắt ruộng đất để nộp phạt. Nhưng quan trọng hơn là chính sách phong đất cho tăng lữ, quý tộc và công thần cát cứ ở khắp nơi. Chính sách này được giữ tới nửa đầu triều Trần. Các lãnh chúa sở hữu đất được hưởng hoa lợi từ mảnh đất của mình nên họ dốc sức thúc đẩy phát triển nông nghiệp và công thương nghiệp phát triển. Của cải vật chất làm ra càng nhiều và mạng lưới giao thương càng rộng lớn thì thuế thu về cho triều đình càng tăng.

Bên cạnh đó, nông nghiệp được đề cao. Bộ luật Hình Thư triều Lý quy định rõ xử phạt rất nặng nếu ăn trộm hay giết hại trâu bò. Thời Lý Nhân Tông còn ra lệnh bắt nhân dân cứ 10 nhà họp lại thành một “bảo” để kiểm soát nhau không giết trâu bò, trái phép cả bảo đều bị trừng trị theo pháp luật. Chính sách “ngụ binh ư nông” (6) được áp dụng từ triều Lý đến triều Trần giúp cho nhân lực được phân phối đều cho cả hai nhiệm vụ: canh tác nông nghiệp và nghĩa vụ quân sự. Chính sách cát cứ rất hợp lý với một vùng đất bị sông ngòi và núi cao chia cắt như Đại Việt thời Lý Trần, bởi các vua thời này hiểu rõ rằng khi quyền lực quân sự tập trung sẽ rất khó để truyền đạt lệnh để giải quyết các biến loạn trong cộng đồng. Chính sách “ngụ binh ư nông” là chính sách hợp lý với tình trạng dân số ít ỏi của Đại Việt. Cũng nhờ cách làm này mà mỗi trai tráng đều có khả năng của chiến binh khi có quân địch tấn công.

Ngay từ thời Lý, các chuẩn mực xã hội đã được thiết lập. Ngô Vương Quyền thiết lập nền tự chủ, triều đại Đinh – Lê đánh dẹp nội loạn thiết lập sự ổn định thì triều Lý thiết lập các trật tự và chuẩn mực. Năm 1097, Lý Nhân Tông sai thu thập các điển chương của triều đình, biên soạn thành sách để làm chuẩn mực cho chính trị, đó là bộ Hội điển đầu tiên. Bộ luật Hình Thư, bộ luật đầu tiên của nước Việt ta cũng được hoàn thiện dưới triều đại của ông vua này. Hình Thư quy định chỉ 10 điều ác (có từ thời Lý Thái Tông) mới bị trừng phạt nặng nề: “mưu phản, đại nghịch, mưu làm loạn theo giặc, ác nghịch, bất đạo, đại bất kính, bất hiếu, giết hại người thân thuộc, hãm hại cấp trên, thông dâm với họ hàng thân thiết hoặc tì thiếp của cha. Ngoài ra các tội khác đều có thể dùng tiền hoặc ruộng để nộp phạt. Chính sách này là chính sách răn đe không làm điều ác, còn những vi phạm lỗi lầm khác đều cho cơ hội để chuộc tội. Ngoài ra lại còn giúp gia tăng ngân khố quốc gia. Tuy nhiên, chính sách này không hạn chế được vấn đề tham nhũng vào lúc suy vi của triều đại. Hoặc có thể hiểu theo cách khác là chính tham nhũng đã khiến hai triều đại này không duy trì được quyền lực lâu dài hơn. Vua Lý Nhân Tông thậm chí còn đưa ra chuẩn đo lường cho công thương nghiệp . Cũng trong triều Lý, chuẩn mực thẩm mỹ được xác lập khi biểu tượng con rồng thời Lý được lặp đi lặp lại trong mọi họa tiết. Bên cạnh chế độ nhiệm tử truyền thống của chính quyền phong kiến, người tài được tuyển lựa qua tiến cử của các quý tộc và các công thần; và sau đó là chế độ khoa cử. Những người tài này được tuyển chọn kỹ lưỡng cho cả hai bền văn võ, nên các quyết sách của vua được đảm bảo có sự tham mưu khôn khéo của quan lại và khả năng quản lý hành chính ít khi bị sai lệch. Trước khi có sự phát triển tự do của triều Trần thì phải trải qua giai đoạn tạo dựng chuẩn mực cao làm nền móng vững chắc.

Tận dụng lợi thế thương mại và khả năng học hỏi nhanh của dân Việt, triều đình Lý Trần đưa ra chính sách tự do cho thủ công nghiệp và giao thương. Như đã nói ở trên, nhà Lý và nhà Trần đều không áp dụng chính sách quan diêu và dân diêu với các xưởng thủ công, nhờ không có loại sản phẩm quá thấp, đồng thời lại nâng cao được tay nghề liên tục cho các xưởng vì việc tiến cống cho triều đình và chùa như một loại “nhãn mác” để khẳng định “thương hiệu”. Các mỏ khai thác đồng, kẽm hay các nguyên liệu quý đều được triều đình giao cho các tù trưởng miền núi đẻ khai thác và thu thuế bằng sản vật. Các phường nghề đều được phát triển tự do. Nhà nước chỉ quản lý xưởng đúc tiền và xưởng đúc vũ khí, những vật dụng tối quan trọng với quốc gia. Triều đình đánh thuế mọi mặt hàng và thuế giao dịch, nhờ thế, ngân quỹ rất mạnh mà đời sống người dân cũng đầy đủ không đến nỗi chật vật. Ngoài ra, để nâng cao tay nghề, các thợ thủ công đề xướng việc “ăn cắp kiến thức” hay “học trộm kiến thức” từ Trung Hoa và Chăm Pa. Nhờ vậy, chất lượng sản phẩm được nâng cao.

3. Liệu có thể tạo dựng một giai đoạn thịnh vượng hơn trong tương lai? Sau thời Lý là triều Lê, dù quyền lực phong kiến tập trung và uy quyền nhà nước bao trùm nhưng đời sống người dân không đạt được sự thịnh vượng, sở dĩ bởi chính sách tập quyền sở hữu và độc tôn Nho giáo. Cuối thời Hậu Lê kéo dài cho đến triều Nguyễn, lãnh thổ mở rộng hơn gây ra nhiều xung đột và chiến loạn liên miên kéo dài cho tới tận ngày nay. Nhiều người đã tự hỏi, không biết đến bao giờ Việt Nam mới đạt được sự phát triển đồng đều của các lĩnh vực đời sống, hay nói ngắn gọn hơn là sự thịnh vượng xã hội tương tự như dưới triều đại Lý Trần.

Điều này không khó! Nếu nhìn một cách tổng thể tiến trình lịch sử, ta có thể thấy Việt Nam hiện nay đã đi qua giai đoạn ổn định lãnh thổ nhưng vẫn ở trong giai đoạn xung đột văn hóa. Tuy nhiên phát triển phương tiện truyền thông đang dần dần giải quyết vấn đề này để đi đến sự dung hòa văn với. Một khi văn hóa đã được dung hòa thì cơ hội để phát triển đã bắt đầu. Bên cạnh đó, rõ ràng sự ảnh hưởng của Trung Quốc đến Việt Nam đang ngày một giảm do tình trạng hội nhập toàn cầu. Bởi thế, đây là lúc để chúng ta bắt đầu khuếch trương tính nhân văn, tính dân tộc và sự học hỏi tri thức nhân loại để kiến tạo một nền văn minh tương lai thịnh vượng hơn.

Chú thích:

(1) Trích “Gốm Lý Trần của Đại Việt” – Tác giả Phan Cẩm Thượng. Nguồn Tạp chí Tia Sáng http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=115&News=6433&CategoryID=41

(2) Ám chỉ khu vực từ Tân Cương (Trung Quốc) đến các vùng Trung Á. Tham khảo: http://vi.wikipedia.org/wiki/T%C3%A2y_V%E1%BB%B1c

(3) Yên Kì Sinh là vị đạo trưởng sống từ thời Tần, đi vân du và tu luyện tại Yên Tử. Yên Tử từ xa xưa có tên là Bạch Vân Sơn. Tên Yên Tử là dựa trên tên của Yên Kì Sinh.

(4) “Phạt Tống lộ bố văn” do Lý Thường Kiệt viết sau khi chiếm hai vùng Quảng Đông, Quảng Tây (Trung Quốc), và phân phát cho quan viên, dân chúng ba Châu nằm ở biên giới Trung – Việt này. Sau đó, Lý Thường Kiệt rút quân khỏi ba châu vì đã đạt mục đích đánh phủ đầu, đập tan sĩ khí của quân Tống.

(5) Bài thơ “Nam quốc sơn hà” là bài thơ nổi tiếng vang lên giữa trận chiến sông Như Nguyệt. Bài thơ này được lan truyền bởi chính các tướng sĩ và ngâm ngay giữa chiến trận, như sự khẳng định tính chính danh của triều đình nhà Lý là hợp với lòng trời: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận tại sách trời/Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời” (bản dịch)

(6) Chính sách “ngụ binh ư nông”: chính sách luân phiên đưa quân lính về làm ruộng và đưa đinh nam vào quân ngũ. Chính sách này được áp dụng tới thời Hậu Lê.

 Nguồn tham khảo:

1. Dụ chư tỳ tướng hịch văn - Trần Hưng Đạo

2. Binh Thư yếu lược – Trần Hưng Đạo

3. Đại Việt Sử ký Toàn thư – Ngô Sỹ Liên

4. Việt Nam Sử lược – Trần Trọng Kim

5. Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ 19 – Đào Duy Anh

6. Bản sắc Văn hóa Việt Nam – Phan Ngọc

7. Phân tâm học và tính cách dân tộc – Đỗ Lai Thúy

8. Văn minh vật chất người Việt – Phan Cẩm Thượng

9. Sử Trung Quốc – Nguyễn Hiến Lê

 Nguồn: BHC

link: PSN

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác