Tập kích truyền thông vào Phật giáo: người chân tu ở đâu?

tap kich

Minh Thạnh

Bây giờ, nếu chúng ta tìm kiếm trên internet bằng công cụ hỗ trợ Google, với từ khóa là “nhà sư”, thì những kết quả tìm được đại đa số sẽ là những nội dung rất tiêu cực, bất lợi cho Phật giáo Việt Nam.

Nào là nhà sư ở… biệt thự, nhà sư đi… xe hơi, nhà sư đi… chuyên cơ, nhà sư dùng… ma túy, nhà sư tạc tượng giống mình, nhà sư bị tố cáo, nhà sư hoàn tục…

Hầu như tất cả các kết quả phía sau từ nhà sư đều rất bất lợi cho Phật giáo Việt Nam, phủ một bức màn ảm đạm lên người tu sĩ Phật giáo, tạo một bức tranh thảm hại cho Phật giáo Việt Nam trên mạng internet.

Trong Phật giáo, người tu sĩ xuất gia có vai trò quan trọng. Đó là một trong Tam Bảo, ba ngôi tôn quý. Bôi nhọ hình ảnh tăng đoàn như thế chính là bẻ gãy một trong ba chân đứng của Phật giáo. Thiếu mất một chân đứng, Phật giáo Việt Nam đứng trước nguy cơ nghiêng đổ. Nói như thế là không hề cường điệu một chút nào hết.

Đại diện cho Phật giáo trong thế gian, qua những con người cụ thể, chính là người tu sĩ Phật giáo. Xã hội tiếp xúc với đạo Phật, nếu từ quan hệ giữa con người với nhau, là từ người tu sĩ. Người tu sĩ là sự thể hiện cụ thể, sinh động hình ảnh Phật giáo. Không thể hình dung một đạo Phật còn tồn tại và hoạt động ở thế gian mà thiếu vắng hình ảnh người tu sĩ Phật giáo. Người tu sĩ Phật giáo có vai trò là biểu tượng sống của Phật giáo.

Vì người tu sĩ Phật giáo vẫn là con người, nên đó là khâu nhạy cảm nhất trong Tam Bảo.

Trong bối cảnh hiện nay, các giá trị Phật bảo và Pháp bảo gần như là cố định. Chỉ có giá trị tăng bảo, qua người tu sĩ, là dao động rất mạnh. Vì vậy, để hủy phá Phật giáo, tăng đoàn là đối tượng đương nhiên, một sự lựa chọn bắt buộc.

Người ta có thể tác động đến tăng đoàn bằng nhiều cách, nhưng truyền thông là sự lựa chọn dễ dàng và có kết quả hơn cả.

Dùng truyền thông mà tập kích Phật giáo, đó thực chất là đánh vào tín tâm, vào lòng người, là phá hủy các mối liên hệ cơ bản làm nên Phật giáo hiện đại. Nếu lòng tin của tín đồ vào tăng đoàn bị lung lay, xã hội mất tin tưởng vào người tu sĩ Phật giáo, Phật giáo có thể chỉ còn là một thứ triết học kinh viện, một thứ tâm lý học cổ xưa, một mớ giáo huấn xa lạ, tách biệt hay một thứ cổ vật huyền bí, chỉ có thể làm chất xúc tác cho số ít người tò mò. Tượng Phật sẽ chỉ là một dạng di chỉ văn hóa, giáo pháp trở thành những pho sách cổ chỉ làm rối rắm nhức đầu. Không còn chùa chiền, người xuất gia, người thọ giới, khóa tu.

Khi hình ảnh người tu sĩ Phật giáo sụp đổ, chỉ còn là một khái niệm gắn với thoái hóa, hủ lậu, sa đọa, tệ nạn, đổ đốn thì hậu quả trước tiên chính là sự tự hủy diệt của chính tăng đoàn.

Ở đây, có thể hỏi rằng người tu sĩ Phật giáo đâu phải chỉ là trên… internet? Còn biết bao nhiêu vị chân tu, thạc đức?

Nhưng đại đa số công chúng truyền thông, mà ngày nay internet chiếm một tỷ lệ rất lớn không search thấy các vị chân tu khi đánh vào từ khóa “nhà sư” mà chỉ toàn là vụ việc tiêu cực, suy thoái, hủ hóa, toàn sư hổ mang hay thầy chùa lửa. Điều tương tự như thế không phổ biến ở những tôn giáo khác, nhất là tại Việt Nam. Thất bại của Phật giáo chính là ở chỗ này, ở việc để người ta đưa những gì xấu xa, tệ hại, tiêu cực nhất gắn vào người tu sĩ Phật giáo rồi trình bày lên truyền thông mạng cho mọi người xem như thế.

Bên cạnh không search ra các vị chân tu để làm đối trọng, làm tác động trung hòa những hành vi tiêu cực, thoái hóa của một số tu sĩ nào đó, thì câu hỏi có thể đặt ra ở đây là nếu có các vị chân tu, thì tại sao lại để người ta trình bày hình ảnh những “nhà sư” tệ hại như thế, mà không có những cố gắng đúng mức, những tác động hữu hiệu để xoay chuyển tình hình, mà lại để mặc cho diễn biến ngày càng xấu đi, tệ hơn và hầu như cho đến nay không có dấu hiệu gì để tiên lượng sáng sủa. Các cuộc tập kích truyền thông vào Phật giáo ngày càng dồn dập, càng thâm độc, hậu quả thiệt hại đem đến cho Phật giáo Việt Nam càng lớn. Điều này đã diễn ra kéo dài trong bối cảnh Phật giáo vẫn tự coi mình là đạo của trí tuệ. Các vị chân tu, nếu có, thì cũng phải có những cách xử lý trí tuệ, những hành động trí tuệ nào đó tác động vào điều đang diễn ra, hay diễn tả một cách tâm linh hơn, có một năng lực nào đó, một từ trường ảnh hưởng lên những gì đang diễn ra? Lẽ nào, chỉ là một sự im lặng, mà thông thường thì im lặng đồng nghĩa với không chối cãi, không phủ nhận.

Một sự im lặng như vậy, chẳng những không tạo ra một tiếng động tích cực nào, nói chi là sấm sét, mà còn làm cho nặng nề hơn bức tranh u ám, âm chì về những người tu sĩ Phật giáo. Phải chăng, người ta cứ bệt những vệt đen này đến quét những mảng tối khác lên diện mạo người tu sĩ Phật giáo Việt Nam, mà không hề có một hành động tích cực nào ngược lại. Thậm chí, lại có những tăng ni Phật tử tán thưởng đồng tình với việc bôi đen đó, bằng những lời cổ vũ, cộng hưởng với giọng điệu cay độc trên truyền thông nhắm vào những trường hợp tu sĩ Phật giáo cụ thể.

Rồi thì người ta cũng hỏi các vị chân tu ở đâu, khi trong tập thể người tu sĩ Phật giáo lại cứ xảy ra những sự cố này nối tiếp những sự cố khác. Liệu có một vị chân tu nào trong một môi trường như vậy?

Khi câu hỏi về những vị chân tu Phật giáo Việt Nam đi đến bế tắc trong bối cảnh truyền thông về hình ảnh người tu sĩ Phật giáo diễn ra phức tạp và tiêu cực như thế, thì những kẻ tổ chức, những người muốn thấy những đợt tập kích truyền thông như thế đạt đến mục đích của họ, là vẽ nên một bức tranh đen về người tu sĩ Phật giáo Việt Nam, search vào là chỉ thấy xe hơi, biệt thự, tiền bạc, tranh chấp, hư hỏng, mâu thuẫn và… im lặng.

Toàn xã hội, công chúng, giới trẻ… đang nhìn vào Phật giáo Việt Nam qua lăng kính internet. Họ nghĩ gì, Phật giáo là như thế nào đối với họ, khi bằng từ khóa nhà sư, họ chỉ toàn thấy những điều tiếng, những chuyện xấu xa, những tệ nạn, thậm chí là tội ác, phạm pháp.

Với những người trẻ, họ sẽ lựa chọn tôn giáo thế nào khi hình ảnh truyền thông Phật giáo chỉ là như vậy?

Với những bậc phụ huynh họ sẽ định hướng tôn giáo cho con em ra sao trước hình ảnh truyền thông như thế của người tu sĩ Phật giáo. Liệu còn ai giữ vững niềm tin tôn giáo nếu hình ảnh tôn giáo của mình bị bôi nhọ mà không có những phản ứng thích đáng từ những nhà tu hành chân chính?

Ở đạo Ca tô La mã, sóng gió về truyền thông, cao điểm là vụ Vatileak, đã dẫn đến một phản ứng triệt để: người lãnh đão cao nhất từ nhiệm và sau đó là những cải cách triệt để trong bộ máy lãnh đạo tôn giáo. Dù sao, đó cũng là một cách phản ứng và không phải không có kết quả.

Có thể có nhiều khả năng: Hoặc truyền thông nói láo, hoặc truyền thông nói thực, cũng có thể vừa nói láo, vừa nói thực. Nhưng vẫn phải phản ứng, phản ứng tùy theo hiện thực ra sao.

Phản ứng là điều bắt buộc, nếu không muốn cuộc khủng hoảng đi lên tầng nấc mới ấn người tu sĩ Phật giáo chìm sâu trong những điều tiếng xấu xa, đơm đặt.

MT

Chia sẻ: facebooktwittergoogle