Tượng đồng Phật giáo trong nghệ thuật Champa

TƯỢNG ĐỒNG PHẬT GIÁO TRONG NGHỆ THUẬT CHAMPA

* Hồ Xuân Tịnh

 

Nói đến nghệ thuật Champa, chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến các đền thờ Ấn Độ giáo, các đài thờ, tượng các vị thần Siva, Vishnu, Brahma... Song, bên cạnh những di tích, di vật của nghệ thuật Ấn Độ giáo, còn có một số công trình kiến trúc và nhiều tác phẩm điêu khắc nổi tiếng khác mà chúng đã hình thành nên dòng nghệ thuật Phật giáo đặc sắc.

Ngoài Phật viện Đồng Dương (Quảng Nam) là trung tâm kiến trúc Phật giáo quan trọng bậc nhất của vương quốc Champa, vùng đất này xưa kia còn có các Phật viện ở Mỹ Đức, Đại Hữu (Quảng Bình), Thủy Cam (Thừa Thiên - Huế), Đang Bình (Phan Thiết)... Tại các di tích này, bên cạnh những tượng bằng sa thạch, người ta còn phát hiện được nhiều tác phẩm điêu khắc bằng đồng thau.

Cho đến nay, số lượng tượng đồng Champa được biết đến còn ít so với các tác phẩm điêu khắc bằng sa thạch. Trong thực tế, có thể nói đa số các tượng sa thạch Champa là những tác phẩm thuộc Ấn Độ giáo, còn phần lớn những tượng đồng đã được tìm thấy lại nằm trong dòng nghệ thuật Phật giáo Đại thừa (Mahāyāna), và có thể nói đó là những tượng tròn khá hoàn mỹ của nghệ thuật Phật giáo vùng Đông Nam Á.

Trong số những tượng đã được phát hiện được, có những tác phẩm đáng chú ý như sau:

- Năm 1901, Louis Finot, một học giả người Pháp, đã công bố việc phát hiện 229 hiện vật ở Đồng Dương, trong đó có một tượng Phật bằng đồng cao 108cm. Tượng đứng thẳng trên một tòa sen hai tầng, tầng trên nhỏ hơn tầng dưới. Đầu tóc búi thành nhiều lọn nhỏ xoắn cong, Phật đội một usnisa (loại mũ ni hình nón cụt, to bản), giữa trán có huệ nhãn (urna); trên thân Phật khoác một chiếc áo cà-sa để hở vai bên phải, những nếp xếp của chiếc áo uốn cong lên phía vai trái làm cho pho tượng có vẻ mềm mại hơn. Một số nhà nghiên cứu cho rằng pho tượng này chịu ảnh hưởng phong cách Amaravati (một phong cách nghệ thuật ở Ấn Độ). Jean Boisselier định niên đại của nó khoảng thế kỷ V đến đầu thế kỷ VI; còn Philippe Stern thì cho rằng pho tượng được du nhập từ bên ngoài vào vương quốc Champa, và định niên đại của nó khoảng trước thế kỷ VIII. Như vậy, pho tượng này ra đời sớm hơn Phật viện Đồng Dương.

- Một pho tượng Phật cao 24cm được tìm thấy tại Phan Thiết. Phật đứng trên chiếc bệ hình tròn, đầu đội một chiếc mũ ussura hình chóp nhọn. Trên thân tượng khoác một chiếc áo cà-sa trùm lên hai vai (uttarasanga) rất mỏng, bó sát thân, phủ xuống quá đầu gối, để lộ những đường nét cơ thể; chiếc váy bên trong (antaravasaka) bó sát chân, dài hơn uttarasanga. Hai tay Phật để dọc theo thân, cánh tay gập về phía trước vuông góc, hai bàn tay bắt ấn theo thế Vitarka mudra (An ủy ấn): các ngón tay duỗi thẳng hướng lên trên, lòng bàn tay hướng ra ngoài, ngón tay trỏ cong xuống chạm vào ngón tay cái tạo thành vòng tròn, tượng trưng cho vòng Pháp luân của Phật giáo. Niên đại của pho tượng được xác định vào khoảng thế kỷ VII-IX.

- Một tượng Phật khác cũng được tìm thấy ở Phan Thiết, cao 19,5cm. Tư thế pho tượng này cũng tương tự pho tượng trên. Đầu tóc búi thành nhiều lọn xoắn nhỏ, đội một chiếc usnisa. Phật mặc một chiếc uttarasanga trùm lên hai vai, vạt trước cong, vạt sau thẳng. Hai tay đang bắt ấn Abhaya mudra (Vô úy ấn): hai cánh tay đưa ra phía trước, 2 bàn tay mở rộng, các ngón tay duỗi thẳng, lòng bàn tay hướng ra phía trước. Niên đại pho tượng vào khoảng thế kỷ VII-IX.

- Pho tượng Phật được tìm thấy tại Đại Hữu, Quảng Bình, cao 44,5cm. Tượng Phật trong tư thế đứng; đầu đội một chiếc mũ ussura hình chóp, trên đỉnh mũ là một núm tròn; trên trán có dấu huệ nhãn. Phật khoác một uttarasanga hơi chùng, từ thắt lưng trở xuống có nhiều nếp gấp cong lớn, tạo thành vòng cung.  Hai bên tà áo gấp thành nhiều sọc dọc theo thân, vạt áo hơi xòe ra ở dưới tạo thành một đường cong; chiếc antaravasaka dài xuống ngang mắt cá chân cong lên ở hai bên. Hai tay Phật bắt ấn Vitarka mudra. Theo một số nhà nghiên cứu, kiểu mũ ussura, trang phục uttarasanga và kiểu bắt ấn của Phật, cho thấy pho tượng này có quan hệ đến nghệ thuật Phật giáo Trung Hoa. Niên đại của pho tượng này vào khoảng thế kỷ VII-IX.

- Một tượng Phật được tìm thấy tại Phan Thiết, cao 13,5cm. Phật được thể hiện trong tư thế ngồi trên một tòa sen hình vuông theo kiểu Padmasana: hai chân xếp bằng tròn, 2 bàn chân vắt chéo, ngữa trên đùi; hai bàn tay chắp theo thế Dhyana mudra (Định ấn): hai bàn tay đặt trên chân, lòng bàn tay hướng lên trên, bàn tay phải đặt trên bàn tay trái hơi cong lại, hai ngón tay cái chạm nhau. Những đường nét trên pho tượng khá đơn giản, ít chi tiết nên khó xác định phong cách. Tuy vậy, một số nhà nghiên cứu căn cứ vào tòa sen, kiểu dáng và trang phục của Phật, đã xác định niên đại pho tượng này vào khoảng thế kỷ VII-IX.

Ngoài những pho tượng trên, còn ít nhất 4 pho tượng Phật bằng đồng khác đã được tìm thấy ở miền Trung Việt Nam.

Tượng đồng Bồ-tát trong nghệ thuật Champa khá phong phú:

- Pho tượng Avalokiteśvara (Quan Thế Âm) được tìm thấy tại Phan Thiết, cao 39cm (hiện đang được bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử Tp. Hồ Chí Minh) là một trong những tượng đồng có niên đại sớm nhất. Gương mặt hiền từ, miệng rộng, đôi môi dày, hơi mĩm cười, tai dài chấm vai, không đeo khuyên tai, đôi vai rộng, tay phải cầm bình nước cam lồ, tay trái cầm một đóa sen, hai chân đứng thẳng. Trang phục pho tượng khá đơn giản: đầu đội một vương miện thấp có trang trí 5 đóa hoa nhỏ, đầu tóc búi lên hình chóp, tạo thành một jata thấp, ở giữa jata có một tượng A Di Đà (Amitabha); thân trên để trần, cổ đeo hai vòng kiềng, một chiếc nịt ngực bằng kim loại trang trí hình hoa, hai cánh tay đeo vòng chạm hình hoa; thân dưới mặc một dhoti (một loại váy dài) bằng một loại vải mỏng bó sát chân, dhoti được thắt lại ở phía trước, buông xuống một vạt ngắn rẽ sang hai bên giống như đuôi cá, một dải lụa từ hai bên hông buông chùng xuống phía dưới mép đuôi cá thành một vòng cung, thắt lưng có móc gài hình hoa theo phong cách Mỹ Sơn E1. Căn cứ vào những đặc điểm trên, một số nhà nghiên cứu cho rằng pho tượng có niên đại khoảng từ cuối thế kỷ VII đến đầu thế kỷ VIII.

- Một pho tượng Avalokiteśvara khác cao 36cm, được phát hiện ở Thủy Cam (Thừa Thiên Huế), tương tự như pho tượng trên, chỉ khác ở chiếc vương miện trang trí 3 đóa hoa nhỏ, tóc búi thành jata cao, trên ngực không có đồ trang sức, tai đeo đôi khuyên tai hình hoa dài chấm vai. Niên đại pho tượng này được định vào khoảng thế kỷ VIII-IX.

- Pho tượng Avalokiteśvara cao 26cm được tìm thấy ở Đang Bình (Phan Thiết), bị hư hại khá nặng, tượng có 8 cánh tay nhưng đã bị gãy mất 1 tay phải và 3 tay trái. Đầu đội vương miện, tóc búi thành chóp cao. Thân tượng có dáng tròn trịa,  đứng lệch hông, trên vai trái khoác một tấm vải nhỏ và một dây Bà-la-môn (Brahmasutra) quàng chéo; thân dưới mặc một dhoti dài gần chấm mắt cá chân; dhoti mềm mại bó sát thân, ngang hông có một thắt lưng đơn giản. Tượng bị ô-xy hóa, mòn nhiều chỗ nên không nhận rõ được hoa văn, tuy nhiên một số nhà nghiên cứu cho rằng sự mềm mại của động tác, kiểu trang phục mang tính chất của phong cách nghệ thuật Ấn Độ-Java (một phong cách nghệ thuật ở Indonesia), do vậy có thể xác định niên đại pho tượng vào khoảng thế kỷ VIII-IX.

- Ở khu vực Đại Hữu (Quảng Bình) đã xuất hiện một pho tượng Avalokiteśvara cao 53cm. Tượng có 4 tay, đầu đội vương miện có đính 3 đóa hoa, tóc búi lại thành một jata cao được buộc lại bởi 3 dải tóc tết quấn ngang, giữa jata có tượng Amitabha. Gương mặt bầu bỉnh, đôi môi dày nhưng miệng nhỏ, khác với truyền thống điêu khắc Chăm. Các nhà nghiên cứu cho rằng gương mặt này gần gũi với nghệ thuật Ấn Độ-Java. Đồ trang sức trên thân có vẻ nặng nề, gần với kiểu trang sức trên các tượng thuộc phong cách Đồng Dương. Chiếc dhoti dài và mỏng ôm sát đôi chân, làm lộ rõ sự sai lệch về tỷ lệ của chân: phần cẳng chân dài gần gấp đôi phần đùi; thắt lưng hơi sệ xuống, hai tua buông xuống phía trước thành hình lưỡi rìu. Tượng này được định niên đại khoảng cuối thế kỷ IX.

- Pho tượng Avalokiteśvara tìm thấy tại Mỹ Đức, Quảng Bình cao 14cm. Bồ-tát được thể hiện trong tư thế ngồi theo kiểu Rajalilasana trên một tòa sen: chân trái xếp ngang, lòng bàn chân ngữa lên, bàn tay phải bắt ấn, đặt ngữa trên đùi; chân phải co lên, bàn tay cùng phía đặt lên đầu gối. Trên đầu pho tượng là một chiếc vương miện có trang trí 3 đóa hoa, tóc búi thành chóp thấp, hoa tai dài chấm vai. Thân tượng để trần, đồ trang sức khá nặng nề, gồm các vòng cổ, vòng đeo cánh tay và cổ tay, nịt ngực bằng kim loại nạm một viên ngọc lớn. Thân dưới khoác một chiếc dhoti; thắt lưng bằng lụa, khóa thắt lưng nạm ngọc. Niên đại pho tượng này vào khoảng thế kỷ IX-X.

- Pho tượng Avalokiteśvara cao 64cm, được tìm thấy ở Bình Định. Tượng đứng thẳng; đầu đội vương miệng, trang trí 3 đóa hoa hình lá đề; tóc búi thành chóp cao, trên búi tóc có hình Amitabha; hai tai dài đeo khuyên tai chấm vai. Thân trên để trần, có 4 cánh tay, hai tay trên bắt ấn, tay dưới bên trái cầm bình cam lồ, tay phải bên dưới cầm búp sen. Thân dưới mặc một dhoti dài có trang trí hoa văn, thắt lưng buông chùng thành vòng cung trước đùi. J. Boisselier cho rằng kiểu dáng và trang phục của pho tượng này chịu ảnh hưởng trực tiếp của nghệ thuật Ấn Độ-Java. Niên đại của pho tượng này vào khoảng thế kỷ IX-X

- Pho tượng Lokeśvara (Thới giới chủ) cao 34cm, tìm thấy ở  Đại Hữu, Quảng Bình. Tượng dứng trên bệ tròn, đã bị mất đầu và bàn tay phải. Thân trên để trần không có đồ trang sức; thân dưới khoác một sampot dài đến đầu gối, giắt múi về bên phải thành những đường lượn cong hình tam giác; thăt lưng vải to bản, buông thành vạt lớn dài đến sát mắt cá chân như một chiếc khố. Loại trang phục này thường thấy trên các pho tượng thuộc phong cách Khương Mỹ, niên đại khoảng thế kỷ IX-X.

- Năm 1978, nhân dân xã Bình Định (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) đã đào được một pho tượng Bồ-tát bằng đồng thau, cao 114cm, ở gần khu đền thờ chính. Nhân vật trong tư thế đứng thẳng; tóc được búi lại thành hình chóp (jata) trên chóp chạm một tượng Phật A Di Đà. Gương mặt Bồ-tát nghiêm nghị, hơi thô, cung lông mày giao nhau, mắt mở to nhìn thẳng, cánh mũi rộng, môi dày, giữa trán có một Urna hình thoi. Thân trên để trần với bộ ngực căng tròn; thân dưới quấn một sarong dài đến mắt cá, sarong xếp nhiều nếp lượn cong tạo vẻ mềm mại. Một tay  cầm hoa sen, một tay cầm bình cam lồ (đã bị gãy mất) hướng ra phía trước. Theo các nhà nghiên cứu, đây là pho tượng Bồ-tát Laksmindra Lokesvara, trước kia pho tượng này được đặt trên bệ thờ của đền thờ chính. Theo đánh giá của J. Boisselier, pho tượng này không chỉ là tượng đồng lớn nhất của nghệ thuật Champa, mà còn là một trong những tượng đồng quan trọng bậc nhất của vùng Đông Nam Á. Tác phẩm này được định niên đại vào khoảng giữa thế kỷ IX.

Ngoài ra còn ít nhất 5 pho tượng Lokesvara khác đã được phát hiện ở miền vùng Bình Định, Thừa Thiên-Huế và Quảng Bình.

Ngoại trừ pho tượng Laksmindra Lokesvara Đồng Dương, phần lớn các tượng đồng Avalokiteśvara được tìm thấy ở miền Trung Việt Nam có kích thước nhỏ, từ 12cm đến 55cm. Đặc điểm chung của các tượng nầy là: chính giữa jata có một tượng Amitabha; một tay cầm bình đựng nước cam lồ, tay kia cầm một đóa sen; thân trên để trần, thân dưới mặc một dhoti dài; thắt lưng buông hai vạt xếp nếp, rẽ thành hình đuôi cá hoặc lưỡi rìu ở phía trước, kiểu trang phục này được xem là có nguồn gốc ở vùng Đông Nam Ấn Độ; một vài tượng khác mặc sarong hoặc sampot.

Không phải là vô lý khi có người cho rằng một số trong những tượng đồng nói trên được du nhập từ bên ngoài; có những tác phẩm cho thấy mối liên hệ khá rõ với nghệ thuật Ấn Độ-Java, nhất là thời kỳ Sri Vijaya; một vài tác phẩm khác lại bộc lộ những yếu tố của nghệ thuật Dvaravati (một phong cách nghệ thuật ở Thái Lan); phần lớn xuất xứ của những pho tượng đã nói không được xác minh đầy đủ; đồng thời kích thước nhỏ bé của những pho tượng này giúp người ta vận chuyễn chúng đi xa nơi sản xuất một cách dễ dàng. Theo J. Boisselier, tại Đại Hữu, người ta còn tìm thấy một pho tượng nhỏ của Lokesvara (cao12,2cm) bằng đồng thau mạ vàng được chế tác rất tinh vi.  Ông cho rằng pho tượng này có xuất xứ từ Trung Quốc. Tác phẩm này đã cung cấp thêm cứ liệu về mối quan hệ giữa Phật giáo Champa và Phật giáo Trung Quốc.

Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng, trên một số tác phẩm điêu khắc bằng đồng thau đã tìm thấy, nhất là tượng Laksmindra Lokesvara Đồng Dương, đã thể hiện rõ những đặc điểm của nghệ thuật Champa trong giai đoạn từ giữa đến cuối thế kỷ IX. Ta biết rằng kỹ thuật đúc đồng của cư dân bản địa đã khá điêu luyện từ thời sơ kỳ kim khí ở miền Trung. Những chủ nhân của nền văn hóa Sa Huỳnh đã đúc được những chiếc rìu đồng, giáo đồng, dao đồng, qua đồng... có chất lượng rất tốt cách nay trên 2.000 năm. Trong số những di vật bằng kim loại của người Chăm cổ không chỉ có tượng Phật giáo mà còn có tượng Ấn Độ giáo, ngoài ra còn có cả những Nghi trượng, Quyền trượng bằng đồng, những bát đĩa, đồ trang sức bằng đồng, bạc, vàng, cho thấy người Chăm cổ giỏi nghề đúc đồng và kim hoàn. Chúng ta cũng đã biết, trong số những tượng bằng sa thạch do chính những nghệ nhân Champa thể hiện, có không ít tác phẩm mang đậm yếu tố của các nền nghệ thuật của các dân tộc khác như Dvaravati, Ấn Độ-Java, Amaravati... Sự giao lưu văn hóa giữa các quốc gia chịu ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ đã tác động đến nghệ thuật điêu khắc bản địa là điều dễ hiểu.

Và cuối cùng, dẫu những pho tượng đồng Phật giáo đó có nguồn gốc bản địa hoặc được du nhập từ bên ngoài vào, thì chúng vẫn là những tác phẩm điêu khắc quý giá, giúp chúng ta hiểu thêm về nghệ thuật Phật giáo ở vương quốc Champa xưa, làm phong phú thêm cho kho tàng nghệ thuật vùng Đông Nam Á.

* Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch Quảng Nam

------------------------------

Tài liệu tham khảo:

+ Jean Boisselier: - La Statuaire du Champa. Paris 1963 (Bản Việt ngữ của Viện BTLSVN).

                             - Le Champa.  Paris 1995. (Bản Việt Ngữ của Hồ Quý).

+ Sưu tập hiện vật Champa tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam Tp. Hồ Chí Minh, 1994.

 Chú thích ảnh:

Ảnh 01: Tượng Phật - Đồng Dương, Quảng Nam

Ảnh 02: Tượng Laksmindra Lokesvara - Đồng Dương

Ảnh 03: Tượng Phật - Phan Thiết

Ảnh 04: Tượng Phật - Đại Hữu, Quảng Bình

Ảnh 05: Avalokiteśvara  - Thủy Cam, Thừa Thiên Huế

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác