Phương pháp quán chiếu Nhân duyên

phuong phap quan chieu nhan duyen

Thích Thái Hòa

 

Đối với pháp Mười hai duyên khởi, Kinh và Luận dạy ta thực hành hai pháp quán. Một là lưu chuyển và hai là hoàn diệt.

- Quán chiếu lưu chuyển:

Thực tập phương pháp quán chiếu này là để thấy rõ nguyên lý duyên khởi: “Cái này sinh, thì cái kia sinh”. Nghĩa là “vô minh sinh khởi thì hành sinh khởi...”. Nên, ta quán chiếu để thấy rõ sự lưu chuyển trong mười hai chi duyên khởi liên hệ đối với đời sống của ta trong hiện tại; trong ba đời và vô thỉ.

- Quán chiếu sự lưu chuyển và hiện khởi của mười hai nhân duyên trong từng niệm hiện tiền:

Khi đối cảnh, tâm ta không có giác tỉnh, vô minh vọng khởi, khiến ta không thấy rõ đối tượng sinh khởi từ nhân duyên và trong nhân duyên có nhân và có quả; trong quả có nhân và trong nhân có quả.

Khi một niệm không tỉnh giác hay thiếu tỉnh giác, thì vô minh sinh khởi. Một niệm không tỉnh giác làm nhân, làm duyên cho vô minh sinh khởi. Vô minh đã sinh khởi, thì nó lại làm nhân, làm duyên cho hành sinh khởi; hành đã sinh khởi, thì nó lại làm nhân, làm duyên cho thức sinh khởi; thức đã sinh khởi, thì nó lại làm nhân, làm duyên cho danh sắc sinh khởi; danh sắc đã sinh khởi, thì nó lại làm nhân, làm duyên cho lục nhập sinh khởi; lục nhập đã sinh khởi, thì nó lại làm nhân, làm duyên cho xúc sinh khởi; xúc đã sinh khởi, thì nó lại làm nhân, làm duyên cho thọ sinh khởi; thọ đã sinh khởi, thì nó lại làm nhân, làm duyên cho ái sinh khởi; ái đã sinh khởi, thì nó lại làm nhân, làm duyên cho thủ sinh khởi; thủ đã sinh khởi, thì nó lại làm nhân, làm duyên cho hữu sinh khởi; hữu đã sinh khởi, thì nó lại làm nhân, làm duyên cho sanh sinh khởi; sanh đã sinh khởi, thì nó lại làm nhân, làm duyên cho lão tử, ưu bi khổ não sinh khởi.

 

Quán chiếu để thấy rõ mười hai chi phần của nhân duyên, nương nhau sinh khởi liên tục, không gián đoạn bởi niệm trước và niệm sau như vậy, gọi là quán chiếu mười hai chi phần duyên khởi ngay trong từng niệm hiện tiền. Niệm trước làm nhân duyên cho niệm sau sinh khởi, niệm sau lại làm nhân duyên cho niệm sau nữa sinh khởi, cứ như vậy mà vọng niệm liên tục sinh khởi ở nơi dòng chảy tâm thức của ta.

Thực tập pháp quán này, ta chú ý đến chất liệu niệm và giác ở nơi tâm ta. Và duy trì niệm và giác ấy luôn luôn có mặt trong hiện tiền, để niệm được thăng tiến thành chánh niệm và giác được thăng tiến thành chánh giác. Niệm và giác có mặt hiện tiền, thì vô minh không duyên vào đâu để sinh khởi. Vô minh không sinh khởi, thì các chi phần của vô minh không dựa vào đâu để sinh khởi, khiến cho các khổ uẩn trong sinh tử chấm dứt và Niết Bàn có mặt.

 

- Quán chiếu sự lưu chuyển và hiện khởi của mười hai nhân duyên liên hệ ba đời:

Nhìn sâu vào trong một niệm của ta, ta thấy có đầy đủ cả mười hai chi phần duyên khởi và có đủ cả ba thời gian quá khứ, hiện tại và vị lai. Nghĩa là trong vô minh có đầy đủ cả mười một chi phần kia, và do trong vô minh có cả mười một chi phần kia, nên chúng mới làm nhân, làm duyên cho vô minh sinh khởi và cùng sinh khởi với vô minh. Vì vậy, trong vô minh không có chủ thể, không có ngã thể mà vô minh sinh khởi là do nhân duyên cùng tác động. Và ngay trong một niệm duyên khởi của ta cũng bao gồm cả ba đời vị lai, hiện tại và quá khứ. Niệm chưa đủ duyên để khởi là vị lai; cùng đủ duyên để khởi là hiện tại; sau khi niệm đã khởi lại biến diệt là quá khứ. Nên, vị lại, hiện tại và quá khứ đều có mặt ngay trong một niệm hiện tiền. Một người thấy hiện tiền mà không thấy trong một niệm hiện tiền có cả vị lai và quá khứ, thì không phải là người thấy được pháp duyên khởi xuyên suốt.

- Quán chiếu sự lưu chuyển và hiện khởi của mười hai nhân duyên từ vô thỉ đến vô chung:

Vô minh là duyên khởi, nên nó không có khởi điểm cho nó, nên gọi là vô thỉ và nó cũng không có điểm cuối cùng cho nó, nên gọi là vô chung. Mười hai chi phần duyên khởi quan hệ với nhau được xem như là một vòng tròn mà không phải là một đường thẳng. Nên, tự thân của vô minh là vô thỉ và vô chung. Nghĩa là cái này diệt thì cái kia sinh, sinh và diệt cùng có mặt trong nhau làm nhân, làm duyên hỗ trợ nhau sinh diệt tương tục vô thỉ và vô chung.

Lục đạo chúng sanh do đâu mà có? Do nghiệp mà có. Nghiệp do đâu mà có? Nghiệp có là do hành duyên với vô minh mà sinh khởi. Vô minh do đâu mà có? Do duyên vào bất giác mà vọng niệm khởi động, các phiền não từ đó mà sinh khởi, nghiệp liên hệ đến phiền não mà chiêu cảm nên y báo và chánh báo trong lục đạo chúng sanh.

 

Theo các nhà Phật học Đại thừa phân tích, thì vô minh trong mười hai duyên khởi thuộc về vô minh chi mạt mà không phải là vô minh căn bản. Căn bản vô minh còn gọi là vô thỉ vô minh. Vô thỉ vô minh, chính là tâm bất giác, mê vọng. Chính tâm này liên hệ với nghiệp và nghiệp liên hệ với tâm bất giác, mê vọng này, mà khởi sinh sự sai thù vạn biệt của thế giới và chúng sanh. Thế giới và chúng sanh do nghiệp liên hệ với căn bản vô minh này, mà chiêu cảm nên thế giới sinh diệt của chúng sanh từ vô thỉ cho đến vô chung.

Quán chiếu pháp duyên khởi lưu chuyển này thành tựu, khiến cho những hạt giống tà kiến về hữu thần, vô thần, chấp ngã, chấp pháp nơi ta hoàn toàn bị rơi rụng, đưa tâm trở lại với trạng thái bình lặng và giác tỉnh hoàn toàn.

- Quán chiếu hoàn diệt:

Thực tập pháp quán này là để thấy rõ nguyên lý duyên khởi: “Cái này diệt thì cái kia diệt”. Nghĩa là “vô minh diệt, thì hành diệt”. Sự hủy diệt các chi phần ở trong mươi hai duyên khởi liên hệ đến đời sống của ta có hai cách. Một là diệt tận vô minh chi mạt, khiến cho các chi phần trong mười hai duyên khởi đều bị diệt tận; hai là diệt tận vô minh căn bản, khiến cho vô minh chi mạt và những gì liên hệ đến vô minh đều bị diệt tận.

- Phương pháp quán chiếu và diệt tận chi mạt vô minh:

Chi mạt vô minh không tự có, nó có là từ nơi tâm mê hoặc. Ái thủ hữu là chất liệu nuôi dưỡng vô minh và kế thừa vô minh. Vì vậy, muốn diệt tận chi mạt vô minh, thì phải diệt tận ái thủ hữu. Ái thủ hữu không tự có, chúng do duyên vào xúc và thọ mà sinh khởi. Xúc và thọ không tự có, chúng do sáu căn và sáu trần duyên vào nhau mà sinh khởi. Sáu căn duyên vào danh và sắc mà sinh khởi. Danh và sắc, duyên vào thức mà sinh khởi. Thức duyên vào vô minh và hành mà sinh khởi.

Nên, muốn diệt tận chi mạt vô minh, thì ta phải diệt tận ái thủ và hữu. Muốn diệt tận ái thủ và hữu, ta phải biết phòng hộ sáu căn qua giới, nghĩa là phòng hộ và đình chỉ ái nhiễm ngay ở nơi các căn tiếp xúc với các trần. Và ta phải có niệm hay giác ngay khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần, như vậy là ta phòng hộ sáu căn khi tiếp xúc với sáu trần qua định. Và khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần, ta có giác và chiếu để thấy rõ sáu căn hay sáu trần và sáu thức đều do duyên khởi, nên chúng là vô thường, không có ngã tính, không phải là ta, không phải là của ta, khiến cho mọi hạt giống chấp ngã và chấp pháp liên hệ chi mạt vô minh nơi tâm ta đều bị yếu dần và chúng bị phòng hộ và đình chỉ bởi giới, bị nhiếp phục bởi định, bị chuyển hóa và quét sạch bởi tuệ.

Vì vậy, muốn hủy diệt vô minh, trước hết ta phải hủy diệt ái thủ và hữu. Muốn hủy diệt ái thủ và hữu, ta phải biết phòng hộ, nhiếp phục và hủy diệt chúng qua giới, định và tuệ. Tùy theo mức độ phòng hộ, nhiếp phục và hủy diệt đối với ái thủ hữu qua giới, định, tuệ mà các chi phần của đạo lộ giải thoát như chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, xuất hiện trên tâm.

Như vậy, muốn đoạn trừ chi mạt vô minh, ta phải nhiếp phục ái thủ hữu qua sự phòng hộ sáu căn, khi sáu căn tiếp xúc với các đối tượng tương ứng. Ái thủ hữu bị giới, định, tuệ nhiếp phục ngay ở nơi sát-na của tâm hiện tiền, thì chi mạt vô minh cũng sẽ bị giới, định, tuệ nhiếp phục và hủy diệt ngay trong những sát-na tâm tiếp theo.

- Phương pháp quán chiếu và diệt tận căn bản vô minh:

Căn bản vô minh là do duyên vào tâm bất giác mà vọng khởi. Bất giác nghĩa là không tỉnh giác. Vô minh là không hiểu rõ chân lý, theo các kinh điển thuộc văn hệ A hàm, giải thích rằng, vô minh là trạng thái của tâm mù quáng không thấy rõ pháp Tứ thánh đế. (Đại Bản Kinh - Trường A Hàm 1, Đại Chính 1).

Luận Thành Duy Thức phân chia vô minh có hai loại gồm: Vô minh chủng tử và vô minh hiện hành. Vô minh chủng tử là vô minh ngủ ngầm ở trong tàng thức, nên nó cũng còn gọi là tùy miên vô minh. Hiện hành vô minh là vô minh trói buộc chúng sanh ở trong sanh tử hay thế giới mê lầm, vì vậy nó cũng còn gọi là triền vô minh. (Thành Duy Thức Luận 8 - 9, Đại Chính 31).

Căn bản vô minh, ở Kinh Thắng Man gọi vô thỉ vô minh trụ địa. Loại vô minh này là gốc rễ phát sinh hết thảy phiền não, chỉ có tuệ giác của Phật mới đoạn trừ hết sạch loại vô minh này. (Thắng Man  Bảo Khốt, Đại Chính 37).

Luận Đại Thừa Khởi Tín cho rằng, căn bản vô minh cũng còn gọi căn bản bất giác, ấy là niệm bất giác khởi lên đầu tiên nơi bản tâm. Niệm khởi lên đầu tiên ấy nơi bản tâm, không thấu triệt được chân lý, niệm ấy gọi là căn bản vô minh. (Đại Thừa Khởi Tín Luận, Đại Chính 32).

Như vậy, căn bản vô minh là gì? Bản tâm vốn thanh tịnh, niệm phân biệt nhân ngã khởi lên đầu tiên nơi bản tâm, niệm ấy là căn bản vô minh. Vì sao? Vì nó không còn có khả năng thấu triệt vạn pháp vốn như như, nên khởi lên nhân ngã sai thù, khiến bao nhiêu vô minh phiền não duyên vào chúng mà khởi sinh vô cùng, vô tận.

Nên, muốn đoạn trừ căn bản vô minh, thì phải quán chiếu thường trực đối với Không, Vô tướng, Vô tác và Vô nguyện nơi thể tính của tâm giác ngộ.

Quán chiếu thể tính của tâm giác ngộ, vốn rỗng lặng, vốn là như, vốn không có tự tính, vốn không có nhân ngã, vốn không có pháp, vốn không có phi pháp. Pháp hay phi pháp đều là những ý niệm thuộc về vô minh. Thực tập quán chiếu như vậy, nên gọi là không-quán. Do thành tựu pháp quán này mà căn bản vô minh bị diệt tận.

Thể tính của tâm giác ngộ vốn là rỗng lặng, vốn là như, không có tự tính, nên không có bất cứ tướng gì có thể khái niệm hay thủ đắc ở nơi thể tính giác ngộ ấy. Thường thực tập quán chiếu để thấy rõ thể tính giác ngộ vốn thanh tịnh vô tướng như vậy, nên gọi là vô-tướng quán. Do thành tựu pháp quán này mà căn bản vô minh bị diệt tận.

Thể tính của tâm giác ngộ vốn rỗng lặng, vốn là như, vốn không có tự tính, nên thể tính ấy vốn không khởi niệm, vốn không diệt niệm, không do duyên vào bất cứ tác ý nào mà hình thành, nên gọi là vô-tác quán. Do thành tựu pháp quán này mà căn bản vô minh bị diệt tận.

Thể tính giác ngộ vốn rỗng lặng, vốn là như, vốn không có tự tính, nên ở trong thể tính ấy, vốn không có bất cứ ước muốn nào khởi và diệt, nên gọi là vô nguyện. Thường quán chiếu để thấy rõ tự tính giác ngộ thường thanh tịnh như vậy, nên gọi là vô nguyện quán. Do thành tựu pháp quán này mà căn bản vô minh bị diệt tận.

Và diệt tận căn bản vô minh, thì chỉ có Phật mới diệt tận hoàn toàn. Tại sao? Bởi vì Phật là thường giác, là chánh biến giác, nên không có lúc nào là Ngài không giác. Và vì giác ngộ triệt để và cùng khắp, nên hết thảy vô minh đều vĩnh viễn đoạn tận. Kinh nói có bốn hạng người giác ngộ về nguyên lý duyên khởi như sau: “Bậc hạ trí quán chiếu mà không thấy được Phật tính, và do không thấy Phật tính, nên chỉ thành tựu đạo quả Thanh văn mà thôi.

Bậc trung trí quán chiếu mà không thấy được Phật tính, nên chỉ thành tựu quả Duyên giác mà thôi.

Bậc thượng trí quán chiếu Phật tính, có thấy, có hiểu, nhưng không thấu triệt, nên chỉ an trú vào địa vị Thập trú Bồ tát mà thôi.

Bậc thượng thượng trí, quán chiếu Phật tính, do thấy rõ và quán triệt, nên chứng đắc đạo quả Vô thượng bồ đề”. (Đại Bát Niết Bàn Kinh 27, Tr 524b, Đại Chính 12).

Vì vậy, thực tập phương pháp tỉnh giác, ta có thể giảm trừ và đoạn tận hết thảy vô minh, chấm dứt toàn bộ hai loại phân đoạn và biến dịch sinh tử, đạt đến đời sống giải thoát hoàn toàn. Nên, vô minh mà diệt tận, thì không còn có bất cứ loại phiền não nào mà có thể tập khởi. Và vô minh đã bị diệt tận, thì không còn có bất cứ một loại khổ đau nào có lý do để hiện hữu. Mọi khổ đau đều bị diệt tận hoàn toàn theo sự diệt tận của vô minh. Nên, Phật là bậc Chánh biến giác hay Vô thượng giác.

Hiệu quả của nhân duyên quán

Hiệu quả của nhân duyên quán là phá trừ chấp ngã, chấp pháp, đoạn tận chi mạt vô minh và căn bản vô minh, để thành tựu đời sống giải thoát và giác ngộ hoàn toàn. Vì vậy, kinh dạy “Ai thấy được lý duyên khởi, người ấy thấy được pháp; ai thấy được pháp, người ấy thấy được lý duyên khởi = Yo paticcasamuppādam passati so dhammam passati - yo dhammam passati so paticcasamuppādam passati”. (Mahāhatthipadopama Suttam, No 28, p 235, Majjhima Nikāya I, Pāli Text Society 1958)

Và điều này kinh Đại Bát Niết Bàn lại nói cụ thể hơn rằng: “Người nào thấy được lý Mười hai duyên khởi, chính người ấy đã thấy được pháp; Người nào thấy được pháp, chính người ấy thấy được Phật. Phật chính là Phật tính. Vì sao? Vì Chư Phật đều lấy pháp duyên khởi làm tính”. (Đại Bát Niết Bàn Kinh 27, Tr 524a, Đại Chính 12).

Thấy được pháp duyên khởi là thấy thực tại sinh diệt, thực tại vừa sinh diệt, vừa không sinh diệt và thực tại siêu việt sinh diệt ngay ở nơi các pháp duyên khởi sinh diệt. Thực tại sinh diệt là thực tại thế gian bao gồm Khổ và Tập; thực tại vừa sinh diệt, vừa không sinh diệt, đó là ba mươi bảy phẩm trợ đạo của Đạo đế. Ở trong Đạo đế, các thành phần trợ đạo thuộc về hữu lậu, hữu vi, nên có sinh diệt, còn Bát chánh đạo là Đạo, là Thánh đạo vô lậu, vô vi, nên không còn sinh diệt. Còn Diệt đế là hoàn toàn là vô lậu, vô vi, nên là thực tại siêu việt sinh diệt. Đối với các pháp duyên khởi, Diệt đế được hiểu là Tánh-không và đối với pháp giải thoát, thì Diệt đế được xem như là Niết Bàn. Tánh-không hay Niết Bàn đều là thực tại siêu việt sinh tử, siêu việt ngôn thuyết, siêu việt mọi ý niệm. Pháp ấy chỉ có thực hành mới thấy, mới chứng nghiệm, như đức Phật đã dạy: “Pháp do ta chứng ngộ thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ có người trí mới thấu hiểu....

Giáo lý Duyên khởi phủ nhận triệt để đối với các học thuyết thiết lập trên nền tảng ngã tính và nó cũng phủ nhận triệt để đối với mọi lý thuyết cho rằng, các pháp là thường tại hay biến mất hoàn toàn.

Và hiệu quả của nhân duyên quán là phá trừ ngu si tà kiến đối với ngã và pháp một cách triệt để, làm dẫn sinh chánh kiến và chánh giải thoát.


 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle