"Phật giáo ở đâu...?": Câu hỏi muộn màng (Bài 4)

Minh Thạnh

Trong bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu phương thức truyền đạo ở vùng Tây Bắc, kết quả của nó và liên hệ với khả năng hoằng pháp của Phật giáo Việt Nam đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng này.

1)     Phương thức truyền đạo

Theo TS Nguyễn Khắc Đức, trong bài “Đặc điểm của đạo Tin Lành trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc ở nước ta hiện nay”, đăng trên Tạp chí Công tác Tôn giáo số tháng 10/2013, trang 14 -15 thì: “Đạo Tin Lành xâm nhập và phát triển vào người Mông, người Dao trước hết từ các phương tiện phát thanh (đài FEBC), băng đĩa, sau đó mới là những người truyền giáo.

Một đặc điểm rất khác biệt của hiện tượng đạo Tin Lành trong các DTTS MNPB là nó gắn kết rất chặt chẽ với việc truyền đạo qua đài phát thanh (truyền đạo gián tiếp). Thực tế cho thấy có một phần lớn người Mông, người Dao biết đến đạo Tin Lành thông qua đài phát thanh, băng dĩa, tài liệu truyền đạo. Họ không hề được thấy hình hài của Chúa Giê su, một quyển kinh thánh, hay một cây Thập tự. Tất cả chỉ là nghe, tưởng tượng và tin theo. Một cuộc điều tra tại tỉnh Lào Cai gần đây cho thấy, có tới hơn 60% số người được hỏi trả lời rằng họ biết đến Vàng Trứ, Tin Lành qua đài phát thanh. Ở các địa phương khác thuộc MNPB cũng có tình trạng tương tự. Sau đó mới thấy vai trò của những người tích cực truyền đạo của chính dân tộc Mông, Dao và những mục sư, truyền đạo của các hệ phái Tin Lành”.

2)     Về đài phát thanh FEBC

Đài phát thanh FEBC tên viết đầy đủ là Far East Broadcasting Company (Công ty phát thanh Viễn Đông) còn có tên tiếng Việt là Đài Phát thanh Nguồn Sống, là  một đài phát thanh Tin Lành, phát sóng toàn thế giới với 149 ngôn ngữ, gồm cả ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, trên các băng sóng ngắn (SW), sóng trung (AM) và sóng cực ngắn (FM), với rất nhiều trạm phát khắp nơi trên giới với nhiều dạng khác nhau, có từ cuối thập niên 1940. Các trạm phát phủ sóng tầm xa đặt ở Philippines có công suất rất lớn lên đến 50 KW. Ngoài ra ở nhiều quốc gia FEBC có các trạm phát FM với chất lượng âm thanh cao (chẳng hạn tại Campuchia đã có một trạm phát như vậy).

3)     Lợi thế của việc phát thanh truyền đạo ở Tây Bắc

Tây Bắc là vùng rừng núi mật độ dân cư thưa thớt, ít các nguồn gây nhiễu sóng, nên dễ dàng sử dụng phát thanh sóng ngắn (không bị địa hình gây trở ngại như sóng FM), phủ sóng một khu vực rộng lớn cùng một dân tộc sinh sống ở nhiều nước (như tiếng Hmong đối với Việt Nam, Lào, Thái Lan, Trung Quốc).

Chi phí thu sóng rất thấp, một radio có băng SW giá chỉ vài USD, có thể thu sóng mọi lúc, mọi nơi.

Đối tượng khán giả rộng rãi, không cần biết chữ, không đòi hỏi trình độ học vấn.

4)     Kết quả truyền đạo

Cũng theo bài viết dẫn trên, thì: “Trong vòng ¼ thế kỷ, kể từ năm 1986-1987 đến nay, ở các tỉnh miền núi phía Bắc (MNPB) nước ta từ chỗ không có đạo Tin Lành, đến nay đã có khoảng 130 nghìn người dân tộc thiểu số (DTTS) theo tôn giáo này, gồm các dân tộc Mông, Dao, Thái, Pà Thẻn, Cờ Lao, Tày, La Hủ… thì quả là nhanh chóng, đến “bất ngờ”. Tình hình này đã diễn ra ở hầu hết các tỉnh MNPB. Tại Lạng Sơn, tháng 4-1986, chỉ có Thào Bả Hụ (xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã) theo đạo Tin Lành, sau đó, đến cuối năm 1986, Thào Bả Hụ đã vận động được 16/17 hộ tin theo, rồi lan ra các bản người Mông trong toàn xã; đến cuối năm 1991, có gần 2.000 người Mông theo đạo; năm 2000, có 4.030 người; và đến tháng 6-2008, toàn tỉnh có 4.113 người Mông theo đạo Tin Lành.

Tỉnh Hà Giang, từ năm 1987, Vàng Trứ bắt đầu xuất hiện trong vùng dân tộc Mông; năm 1989, có 5.000 hộ thuộc 35 xã theo Vàng Trứ; đến năm 1992, có 7.957 người; năm 1998, 10.052 người và đến hết năm 2009, toàn tỉnh có 17.662 người theo đạo Tin Lành.

Tỉnh Lai Châu (cũ), năm 1987, hiện tượng Vàng Trứ bắt đầu ảnh hưởng đến 3 xã, ngay sau đó phát triển ồ ạt tới nhiều nơi. Thậm chí, chỉ trong một tuần, tại huyện Mường Lay đã có 394 hộ 19 bản, 5 xã tin theo Vàng Trứ. Năm 1987, toàn tỉnh có 130 người theo đạo; năm 1990, có 5.361 người; năm 1998, 29.812 người. Đến hết năm 2009, tỉnh Điện Biên có 27.527 người; còn tỉnh Lai Châu, có 17.794 người theo đạo Tin Lành.

Tỉnh Lào Cai (cũ), từ năm 1989, trong vùng người Mông bắt đầu xuất hiện tin đồn Vàng Trứ; đến năm 1994, đã có 18.000 người theo; năm 2000, số người theo đạo giảm xuống còn 14.019 người; và đến hết năm 2009, có 16.179 người theo đạo Tin Lành.

Hiện nay, theo Vàng Trứ, đạo Tin Lành của các dân tộc thiểu số ở MNPB mang tính phong trào rõ rệt, đúng như ý kiến của các tỉnh cho rằng, người dân theo đạo bằng cách lên danh sách. Ở hầu hết các tỉnh trong khu vực, từ chỗ không có đạo Tin lành, nhưng chỉ trong một khoảng thời gian không dài đã có hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn người theo đạo. Trong một đêm có hàng chục hộ cải đạo; thậm chí trong vòng một tuần có hàng trăm hộ theo Tin lành. Người ta dùng những cụm từ “theo đạo ồ ạt”, “phát triển đột biến” để miêu tả sự phát triển của đạo Tin lành ở khu vực này.”

5)     Liên hệ đến trường hợp hoằng pháp của Phật giáo

Ưu thế và kết quả của việc sử dụng phát thanh trong việc truyền bá tôn giáo đã quá rõ ràng. Đối với Phật giáo Việt Nam, để hoằng pháp ở vùng Tây Bắc, nếu chỉ với nỗ lực trực tiếp của tăng ni Phật tử, không có phương tiện kỹ thuật hỗ trợ, thì kết quả thấy trước sẽ là rất hạn chế.

Với mục tiêu hoằng pháp vùng Tây Bắc, tăng ni Phật tử và cả những người yêu đạo Phật có thể suy nghĩ nhiều hơn về vấn đề này. Làm sao Phật giáo có thể hoằng pháp cho đồng bào dân tộc thiểu số chỉ bằng những chuyến cứu trợ vài lần trong năm? Việc gửi người đến hoằng pháp trực tiếp sẽ là gánh nặng lớn về tài chính, áp lực lớn về nhân sự, trong khi chưa chắc đạt hiệu quả như sóng phát thanh?

MT

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác