Minh Thạnh
“Phật giáo ở đâu trên bản đồ vùng Tây Bắc” là tựa đề một bài viết của
tác giả Thích Thanh Thắng. Đề tài bài viết không mới, nhưng bài viết có nhiều
thông tin mới. Cùng với cách nghĩ của tác giả, chúng tôi có bài viết này.
Mở rộng theo chiều không
gian, với cách đặt vấn đề của tác giả, chúng ta sẽ có một loạt câu hỏi tương tự:
-
Phật giáo ở đâu trên bản đồ vùng Tây Nguyên?
-
Phật giáo ở đâu trên bản đồ vùng Bắc Trung Bộ?...
Với nhiều tỉnh, Phật
giáo theo thống kê dân số toàn quốc năm 2009, thì chỉ có vài trăm tín đồ, chênh
lệch với con số tín đồ của tôn giáo khác trong cùng cuộc thống kê đến hàng trăm
lần.
Theo chiều thời gian,
chúng ta có thể xem xét ý nghĩa thời điểm của câu hỏi này. Theo chúng tôi, đó là
một câu hỏi muộn màng. Muộn màng đối với Phật giáo Việt Nam và muộn màng vì nó
không còn là vấn đề của Phật giáo nữa.
Tôi không hiểu nhiều về
Phật giáo Tây Bắc, nên dựa vào thông tin của tác giả Thích Thanh Thắng để bàn
luận, cũng như bàn luận chú trọng vào những vấn đề chung, chẳng hạn như gồm cả
Tây Nguyên.
Bây giờ, việc thừa nhận
Phật giáo đã trở thành tôn giáo thiểu số ở một số khu vực rộng lớn của đất nước,
và ở đó đã có những vùng trắng Phật giáo, nơi Phật giáo không còn tín đồ hoặc
chỉ có tín đồ không đáng kể, là một điều rõ rằng, hiển nhiên, không còn có thể
bàn luận gì nữa cả. Trước đây vài năm, khi chúng tôi đặt vấn đề Phật giáo đang
thiểu số hóa, thì đã có nhiều ý kiến không đồng tình. Sau cuộc thống kê dân số
toàn quốc năm 2009, và nhiều bài viết, đến nay vấn đề đã rõ ràng.
Trước tình hình như thế,
câu hỏi được đặt ra là, liệu có thể xoay chuyển tình thế, hoằng pháp có kết quả,
đưa Phật giáo trở lại những vùng như Tây Nguyên, Tây Bắc?
Về mặt thời gian, ở Tây
Nguyên (đối với các dân tộc thiểu số), Phật giáo đã chậm chân khoảng 70 năm. Đối
với Tây Bắc, Phật giáo đã chậm khoảng 25 năm. Với quãng thời gian chênh lệch lớn
như vậy, thì việc đuổi kịp là điều mong manh, cần có những yếu tố phi thường nơi
Phật giáo.
Khác biệt về quan điểm,
dẫn đến chênh lệch về mức độ quan tâm là điều hầu như không thể khắc phục. Các
tôn giáo khác thì có đài phát thanh truyền đạo nói tiếng các dân tộc thiểu số,
chức sắc tôn giáo người dân tộc thiểu số bản địa được trả lương, kinh sách dĩa
hình giáo lý tiếng dân tộc thiểu số, một số đông tín đồ tạo thành một xu hướng
theo đạo… Phật giáo chưa có những thứ đó.
Về mặt văn hóa, Phật
giáo Việt Nam và các dân tộc thiểu số Tây Nguyên có một khoảng cách lớn. Lưu tâm
đến vấn đề, chúng tôi có chú ý đến hình thức những ngôi chùa Tây Nguyên (chùa ở
Tây Bắc không thấy), thì thấy ở đó phong cách kiến trúc, trang trí, thờ tự, nghệ
thuật mang đậm màu sắc Trung Quốc, khác biệt rất xa với kiến trúc những ngôi nhà
thờ theo kiểu nhà rông Tây Nguyên. Đưa văn hóa chùa đậm màu sắc Trung Quốc như
thế, với những vị hòa thượng ăn vận mũ mão cũng đậm màu sắc Trung Quốc, vào văn
hóa các dân tộc thiểu số Tây Nguyên là điều không thể tưởng tượng nổi. Một số
đạo đã vượt qua hố sâu ngăn cách văn hóa đó để trụ vững ở Tây Nguyên, Tây Bắc,
còn Phật giáo thì vẫn loay hoay ở phía bên này, dường như chưa có phương án nào
cả để vượt qua sự cách biệt văn hóa. Nếu đưa được một ngôi chùa kiểu như chùa
Minh Thành ở Pleiku chẳng hạn vào buôn làng của những dân tộc thiểu số, thì liệu
người ta có chấp nhận, hay tạo một tác nhân dị ứng văn hóa?
Hai mươi năm, từ 1954 ở
miền Nam, Giáo hội Phật giáo lúc bấy giờ không quan tâm đến việc hoằng pháp cho
đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, và dường như không ai nêu ra vấn đề
này. Đến năm 1975, Phật giáo chỉ được hiểu là Phật giáo của dân tộc Kinh theo
quan điểm của giáo hội lúc bấy giờ (Phật giáo dân tộc Khmer và Hoa có những tổ
chức riêng rẽ, hầu như hoàn toàn tách biệt). Đến nay, vẫn chưa có sự chuyển đổi
quan điểm trên một cách căn bản, rằng Phật giáo Việt Nam là Phật giáo của các
dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam. Việc không chuyển đổi quan điểm thể hiện qua
nhân sự giáo hội, nhân sự đang được đào tạo tại các cơ sở Phật giáo (chỉ mới có
thêm các dân tộc Khmer, Hoa).
Một quan điểm đáng lưu ý
là hiện thực có cạnh tranh tôn giáo
không được một số vị giáo phẩm Phật giáo thừa nhận, trong khi các tôn giáo đến
từ phương Tây lại xác định rất rõ điều này. Hệ quả đương nhiên là trong những
tình huống địa phương, đặc biệt như ở Tây Bắc, Tây Nguyên, Phật giáo đương nhiên
sẽ bị loại ra ngoài, và việc đó xuất phát từ chính Phật giáo. Nếu vẫn giữ tư duy
như thế, thì được đưa Phật giáo đến với đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Bắc, Tây
Nguyên mãi mãi dẫm chân tại chỗ, chỉ có thể có vài cái chùa, không có tín đồ dân
tộc thiểu số bản địa, chỉ để trưng bày, hay chỉ có một cách tượng trưng cơ sở
chính thức giáo hội Phật giáo.
Một điều cũng đáng chú ý
nữa là các tôn giáo phương Tây, đặc biệt một số giáo phái, có sự hậu thuẫn mạnh
mẽ từ phương Tây, từ việc chỉ đạo, lập kế hoạch, điều hành việc truyền đạo, đến
việc đầu tư tài chính, ứng dụng những kỹ thuật truyền thông hiện đại. Trong khi
đó, đối với phía Phật giáo, chỉ nêu ý kiến về hiện trạng thiểu số hóa, với các
thống kê cụ thể thì đã có ý kiến không thống nhất, thì còn nói chi đến việc đồng
tâm hiệp lực hoằng pháp để cải thiện tình hình. Quan tâm đến vấn đề thì được
khuyên là… thôi đừng vong động, nên để tâm an!
Với xuất phát điểm như
thế, tương quan các bên như thế, so sánh tư duy, quan niệm như thế, thực lực như
thế, thì quả thực, câu hỏi “Phật giáo ở đâu trên bản đồ vùng Tây Bắc” là một câu
hỏi muộn màng. Nó muộn ở đủ mọi mặt: thời điểm xuất phát, xác định quan điểm,
chuẩn bị nhân sự phương tiện, hình thành kế hoạch…
Những chuyến cứu trợ,
hay quy y dành cho người dân tộc thiểu số để chụp hình quay phim cũng là những
cố gắng muộn màng, không kết quả. Mà chỉ bấy nhiêu thì có mà lấy muối bỏ bể.
Người ta có đài phát thanh, có nhân sự đào tạo và trả lương tháng, chịu trèo đèo
lội suối truyền đạo, có tiền triệu đô la tài trợ, vậy thì ăn thua chi mấy chuyến
cứu trợ, mấy buổi quy y hình thức? Đó cũng là một hình thức của câu hỏi “Phật
giáo ở đâu” một cách vô vọng.
Tuy nhiên, nếu kịp thời
thay đổi quan niệm, nỗ lực triệt để Phật giáo cũng vẫn có hy vọng rút ngắn
khoảng cách. Rút ngắn khoảng cách thôi, chứ thay đổi vị trí tổng sắp là không
thể.
MT