Nhân duyên học: Các loại nhân

nhan duyen hoc q

Thích Thái Hòa

Theo các Kinh và Luận, nhân có nhiều loại, nhưng ta có thể tóm tắt các loại như sau:

- Nhân hai loại:

Theo Kinh Niết Bàn 28, nhân có hai loại như sau:

1-   Năng sanh nhân:

Nhân tiềm ẩn bên trong, có khả năng tác động sinh khởi sự vật. Đối với các loài hữu tình, thì đệ Bát thức là năng sanh nhân.

Theo Duy Thức học, đệ Bát thức hay thức thứ tám là năng sanh nhân, vì nó có khả năng dẫn sinh bảy thức còn lại và là nơi tích tập, cũng như khởi hiện của các chủng tử thiện ác.

2-   Phương tiện nhân:

Phương tiện nhân là những nhân làm dẫn sinh các hạt giống thiện ác từ đệ Bát thức của các loài chúng sanh. Đối với các loài chúng sanh, bảy thức còn lại của tám thức, đều gọi là Phương tiện nhân.

Phương tiện nhân, cũng còn gọi là Liễu nhân, ấy là nhân biểu hiện cụ thể bên ngoài.

- Nhân ba loại:

Theo Thành Thật Luận, thì nhân có ba loại như sau:

1-   Sanh nhân:

Nhân tác động sinh khởi các pháp thiện ác, dẫn sinh quả báo khổ vui, ấy gọi là sanh nhân.

2-   Tập nhân:

Nhân tập hợp các hạt giống tham dục, khiến cho hạt giống tham dục càng lúc càng tăng trưởng, dẫn sinh kết quả khổ đau. Hoặc nhân tập hợp các hạt giống thiện, khiến cho các hạt giống thiện càng lúc càng tăng trưởng chất liệu tịch tịnh, ly dục, dẫn sinh kết quả an lạc của Niết Bàn.

3-   Y nhân:

Nhân do dựa vào các quan năng nhận thức và các đối tượng nhận thức mà sinh khởi, nên gọi là Y nhân.

 

Như vậy, các quan năng và các đối tượng là duyên hay làm điều kiện cho các nhận thức biểu hiện. Thức y vào các quan năng và các đối tượng của các quan năng mà biểu hiện, nên các thức gọi là nhân. Các quan năng và các đối tượng của các quan năng là chỗ nương tựa của thức. Vì vậy gọi là Y nhân.

- Nhân bốn loại:

1- Câu hữu nhân:

Những tác nhân cùng có mặt một lần và kết hợp với nhau để cùng sinh khởi quả.

Vì vậy, Câu hữu nhân có những đặc tính như sau:

1/1 - Câu hữu nhân có đặc tính trùng trùng duyên khởi:

Sự hiện hữu này, ở khía cạnh này, thì nó là nhân, nhưng ở khía cạnh khác thì nó là duyên và ở khía cạnh khác thì nó là nhân, nhưng ở khía cạnh này thì nó là duyên. Nhân và duyên, duyên và nhân của chúng chằng chịt vô tận.

Ví dụ: Con gà sinh ra cái trứng, cái trứng sinh ra con gà. Cả con gà và cái trứng đều thuộc về Câu hữu nhân. Vì sao? Vì trong con gà có cái trứng và trong cái trứng có con gà. Vì vậy, ở khía cạnh này, ta nói con gà sinh ra cái trứng, nhưng ở khía cạnh khác, ta nói cái trứng sinh ra con gà.

1/2 - Câu hữu nhân có đặc tính nhân quả tiềm ẩn trong nhau:

Trong mọi hình sắc biểu hiện của thân, thể lỏng không tách rời thể rắn, thể nhiệt không tách rời thể khí hay lực, chúng tương tác lên nhau và có mặt trong nhau. Trong thể rắn đều có mặt của ba yếu tố kia và trong ba yếu tố kia cũng đều có mặt của thể rắn… Nhân quả của chúng tiềm ẩn trong nhau. Khi quả hội đủ nhân duyên để biểu hiện, thì nhân tiềm ẩn ở trong quả và khi quả chưa hội đủ nhân duyên để biểu hiện, thì quả tiềm ẩn ở trong nhân.

Ví dụ: Khi mùa Xuân hội đủ nhân duyên để biểu hiện, thì mùa Hạ, mùa Thu và mùa Đông đều tiềm ẩn ở trong mùa Xuân. Khi mùa Hạ hội đủ nhân duyên để biểu hiện, thì mùa Thu, mùa Đông và mùa Xuân tiềm ẩn ở trong mùa Hạ. Khi mùa Thu hội đủ nhân duyên để biểu hiện, thì mùa Đông, mùa Xuân và mùa Hạ đều tiềm ẩn ở trong mùa Thu. Và khi mùa Đông hội đủ nhân duyên để biểu hiện, thì mùa Xuân, mùa Hạ và mùa Thu đều tiềm ẩn ở trong mùa Đông. Cứ như vậy mà trong bốn mùa, hễ mùa này hội đủ nhân duyên để biểu hiện, thì các mùa khác lại ẩn tàng, chúng biểu hiện và ẩn tàng ngay trong dòng nhân duyên nhân quả của chính nó.

1/3 - Câu hữu nhân có đặc tính nhân quả không tách rời nhau:

Câu hữu nhân có đặc tính ngay nơi nhân là quả và ngay nơi quả là nhân. Nhân quả của Câu hữu nhân không tách rời nhau.

Ví dụ: Con gà không tách rời quả trứng và quả trứng không tách rời con gà. Con gà vừa là nhân và vừa là quả của quả trứng. Quả trứng vừa là quả và vừa là nhân của con gà.

Nên, Câu hữu nhân, có đặc tính ngay nơi quả là nhân và ngay nơi nhân là quả.

1/4 - Câu hữu nhân có đặc tính duyên khởi, vô thường, vô ngã và tính-không là tính của Câu hữu nhân.

Chứng ngộ được Câu hữu nhân, có tác dụng làm cho ta rơi rụng những tà kiến cho rằng: “Vũ trụ có một Đấng sáng thế” hay có một nguyên nhân đầu tiên. Và những hiểu biết sai lầm cho rằng: “Mọi hiện hữu là thường hay đoạn, đồng nhất hay dị biệt, hay cái này có trước hay cái kia có sau…”, tất cả những nhận thức sai lầm ấy đều bị đoạn tận, khiến cho mọi cách nhìn và mọi hành xử của ta không bị rơi vào phiến diện và cực đoan.

2- Đẳng lưu nhân:

Những tác nhân đồng loại tác động và kết hợp liên tục gây ảnh hưởng lên nhau trong một thời gian nhất định để sinh khởi quả đồng loại.

Đẳng Lưu nhân có những đặc tính như sau:

2/1 - Tác dụng kết hợp và ảnh hưởng liên tục với nhau.

2/2 - Tác dụng của nhân tiếp tục tồn tại và hàm chứa ở nơi quả để làm cho quả dẫn sinh và phản ảnh tính chất trung thực của nhân.

2/3 - Sự tiếp tục tồn tại tác dụng của nhân ở trong quá trình hình thành quả, cũng là nguyên nhân tạo thành quả.

Do các tính chất nhân đẳng lưu này, mà trứng gà sinh ra gà, chứ không sinh ra vịt và trứng vịt sinh ra vịt, mà không thể sinh ra gà.

Chứng ngộ được Đẳng lưu nhân, có tác dụng làm cho ta rơi rụng những thiên chấp đoạn kiến, cũng như rơi rụng những hiểu biết sai lầm rằng, thỉ tổ của loài người là vượn cao cấp.theo Đẳng lưu nhân, dù vượn cao cấp hay thấp cấp gì, thì vượn chỉ có công năng sinh ra vượn mà không thể sinh ra người.

3 - Tăng thượng nhân:

Những tác nhân có tác động ảnh hưởng đến chất lượng và sự thành tựu của quả.

Tăng thượng nhân có những đặc tính như sau:

3/1 - Giúp cho nhân sinh trưởng ra quả một cách thuận hợp và nhanh chóng.

3/2 - Giúp cho nhân sinh quả đúng thời hạn và trước thời hạn.

Tăng thượng nhân có hai loại thuận và nghịch:

* Thuận:

Nếu nhân thiện, thì tăng thượng nhân thuận có tác dụng làm sinh khởi quả lành nhanh hơn và trước thời hạn.

Nếu nhân ác, thì Tăng thượng nhân thuận có tác dụng làm sinh khởi quả khổ nhanh hơn và trước thời hạn.

* Nghịch:

Nếu nhân thiện, thì Tăng thượng nhân nghịch có tác dụng làm sinh khởi quả lành chậm lại, sau thời hạn hoặc quả lành sẽ bị triệt tiêu.

Nếu nhân ác, thì Tăng thương nhân nghịch có tác dụng làm sinh khởi quả khổ chậm lại, sau thời hạn, hoặc quả khổ sẽ bị triệt tiêu.

Ví dụ: Tuổi thọ lá gan của ta là sáu mươi năm, ta không sử dụng bia rượu hay giận dữ mỗi ngày để làm thương tổn lá gan của ta, mà ta còn biết chăm sóc lá gan của ta bằng những thực phẩm vật chất và tinh thần thích hợp, khiến lá gan của ta có thể tăng thêm tuổi thọ từ sáu mươi đến tám mươi. Đó là Tăng thượng thuận đối với lá gan của ta.

Trái lại, ta không biết chăm sóc lá gan của ta bằng những thực phẩm tinh thần và vật chất thích hợp mà còn sử dụng những thực phẩm tinh thần và vật chất gây thiệt hại cho lá gan của ta mỗi ngày, khiến cho tuổi thọ lá gan của ta từ sáu mươi bị giảm xuống còn bốn mươi hoặc có khi còn tệ hơn nữa. Đó là Tăng thượng nhân nghịch đối với lá gan của ta.

4-   Dị thục nhân

Những tác nhân kết hợp, ảnh hưởng lẫn nhau trong một quá trình dài chuyển hóa và cuối cùng dẫn sinh kết quả. Đó là Dị thục nhân hay tác dụng của dị thục.

 

Dị thục nhân có ba đặc tính:

4/1 - Dị thời:

Từ nhân sinh khởi quả, phải có thời gian để chuyển hóa, nên nhân trước quả sau.

4/2 - Dị loại:

Từ nhân sinh khởi quả, phải nhờ những loại khác hỗ tương, để chuyển hóa từ nhân thuần thục thành quả. Trong quá trình biến đổi để thuần thục, quả và nhân khác nhau. Nhân là thiện và ác nhưng quả là vô ký hay nhân là thiện mà quả là vui, nhân là ác mà quả là khổ, hoặc ví như tách trà là thành quả, do đất nước, nhân công và tâm thức của con người hình thành, nhưng cái bình là thành quả do quá trình của các dị loại ấy hình thành, chứ không phải cái bình là đất, nước và nhân công… Vì vậy, gọi Dị thục nhân có đặc tính dị loại.

4/3- Dị biến:

Từ nhân sinh khởi quả, nhân biết tiếp nhận từ những cái khác để chuyển hóa và đưa đến thuần thục. Nghĩa là tự thân của nhân biết tiếp nhận sự tác động của các duyên để chuyển đổi các duyên trở thành thuần thục với chính nó, để đưa kết quả đến chỗ thuần thục.

Ví dụ: Cây hoa tiếp nhận ánh sáng mặt trời, phân, nước… để chuyển hóa thành cái của hoa và nở ra hoa.

- Nhân năm loại:

Theo Kinh Niết Bàn 21, nhân có năm loại như sau:

1-   Sanh nhân:

Nhân có nội dung của phiền não và nghiệp. Hết thảy chúng sanh do nương vào nghiệp và phiền não mà sanh khởi thân này.

2-   Hòa hiệp nhân:

Thiện tâm hòa hiệp với thiện pháp sinh khởi lạc quả có nội dung lạc thọ; ác tâm hòa hiệp với ác pháp sinh khởi khổ quả có nội dung khổ thọ; vô ký tâm hòa hiệp với vô ký pháp, sinh khởi trung tính quả có nội dung xả thọ.

3-   Trú nhân:

Tất cả chúng sanh do dựa vào ngã si (mù quáng đối với một cái tôi), ngã kiến (hiểu biết sai lầm đối với cái tôi), ngã mạn (kiêu hãnh đối với cái tôi), ngã ái (thèm khát đối với cái tôi), chính đó là tác nhân cho bốn thứ phiền não tham, sân, si, mạn lưu trú và phát khởi.

4-   Tăng trưởng nhân:

Nhân tăng trưởng, lớn mạnh là do hết thảy chúng sanh dựa vào bốn loại thực phẩm gồm:

-        Đoàn thực: Thực phẩm thô như cơm, cháo, rau, đậu, bún, bánh…

-        Xúc thực: Thực phẩm được chế tác do sáu căn tiếp xúc với sáu trần và được tiêu thụ bằng các xúc giác.

-        Tư thực: Thực phẩm được chế tác từ các tư niệm và được tiêu thụ bằng ý giác.

-        Thức thực: Thực phẩm được chế tác từ sự biện biệt của các thức và được tiêu thụ bởi các thức giác.

Nhân được nuôi dưỡng, tồn tại và lớn mạnh từ các loại thực phẩm như vậy, nên gọi là Tăng trưởng nhân.

5-   Viễn nhân:

Do y vào tinh cha huyết mẹ mà thân thể sinh khởi và do dựa vào minh vương hay thiện hữu tri thức mà thoát các tai nạn đạo tặc… nên gọi là Viễn nhân.

- Nhân năm loại:

Theo Luận Câu Xá 7, như sau:

1-   Sanh nhân:

Sắc pháp được sinh khởi từ bốn đại chủng gồm: Đất, nước, gió, lửa. Hết thảy sắc pháp đều khởi sinh từ bốn đại chủng này, nên bốn đại chủng là Sanh nhân của hết thảy sắc pháp.

2-   Y nhân:

Hết thảy sắc pháp được tạo nên từ bốn đại chủng và y theo bốn đại chủng mà hình thành. Ví như học trò được tạo nên từ thầy, rồi y vào thầy mà thành tựu sự nghiệp.

3-   Lập nhân:

Sắc pháp được tạo ra từ bốn đại chủng và được duy trì bởi bốn đại chủng, nên gọi là Lập nhân.

 

4-   Trì nhân:

Nhân có khả năng duy trì, khiến cho sắc pháp được tạo ra từ bốn đại chủng tồn tại liên tục không bị gián đoạn, nên gọi là Trì nhân.

5-   Dưỡng nhân:

Tác nhân làm tăng trưởng sắc pháp được tạo thành từ bốn đại chủng, nên gọi là Dưỡng nhân.

- Nhân sáu loại:

Theo Câu Xá Luận 6, nhân có sáu loại như sau:

1-   Năng tác nhân:

Năng tác nhân là hạt nhân có năng lực tác động làm sinh khởi hậu quả.

Bất cứ pháp nào sinh khởi quả đều do năng lực tác động của nhân và sự hỗ trợ của duyên.

Năng tác nhân hay năng lực tác động của nhân có hai loại:

1/1- Hữu lực năng tác nhân:

Nhân có năng lực tác động mãnh liệt để sinh khởi quả. Ví dụ: đất có năng lực tác động và hỗ trợ tích cực cho cây cối sinh khởi.

Như vậy, đất là hữu lực năng tác nhân.

Hữu lực năng tác nhân, chỉ có mặt và tác động đối với các pháp thuộc về duyên khởi hay hữu vi mà thôi, chứ nó không có năng lực tác động đối với các pháp vô vi hay các pháp tịch diệt. Vì sao? Vì đối với các pháp vô vi là hoàn toàn vắng lặng, không còn bị tác động bởi bất cứ tác nhân, tác duyên nào để khởi và diệt.

1/2 - Bất chướng hay vô lực năng tác nhân:

Vô lực năng tác nhân là nhân có tác dụng không làm chướng ngại đối với các pháp khởi sinh quả.

Ví dụ: Hư không không làm chướng ngại sự sinh khởi của vạn vật.

Như vậy, hư không đối với sự sinh khởi của vạn vật, có thể hiểu như vô lực năng tác nhân.

Bất chướng hay vô lực năng tác nhân bao gồm cả các pháp hữu vi và vô vi, nên đối với bất chướng hay vô lực năng tác nhân có hai tác dụng vừa có tác dụng đối với các pháp hữu vi, vừa có tác dụng đối với các pháp vô vi.

Do đó, quả được dẫn khởi từ Năng tác nhân là Tăng thượng quả.

2-Câu hữu nhân:

Nhân quả cùng hỗ tương và cùng thời nương nhau có mặt. Nhân quả nương nhau sinh khởi cũng giống như bốn hình thái sinh, trụ, dị, diệt của pháp hữu vi.

Đối với các pháp hữu vi, nếu không có diệt, thì không có sinh, không có sinh thì không có trụ, không có trụ thì không có dị, không có trụ thì không có diệt và không có diệt thì không có sinh…

Như vậy, đối với pháp hữu vi, sinh là nhân thì diệt là quả; diệt là nhân thì sinh là quả… vì vậy, sinh và diệt của các pháp hữu vi, chúng luôn luôn có mặt trong nhau và tác động lẫn nhau để sinh khởi.

Lại nữa, Câu hữu nhân là các pháp cùng có mặt một lúc để sinh khởi, nếu thiếu một thì không thể sinh khởi được.

Ví dụ 1: Sắc pháp có mặt là do có mặt đồng thời của các đại chủng gồm đất, nước, gió, lửa. Nếu trong bốn đại chủng này thiếu một, thì sắc pháp không thể có mặt.

Ví dụ 2: Chén trà là một sắc pháp, nó có mặt là do sự có mặt đồng thời của sáu đại chủng, gồm đất, nước, gió, lửa, không gian và tâm thức. Các đại chủng này có mặt cùng một lúc và tác động hỗ tương lên nhau, để chén trà có mặt. Nếu thiếu một trong các đại chủng ấy, thì chén trà không thể nào có mặt.

Như vậy, sự có mặt của chén trà là câu hữu quả và các đại chủng đang có mặt trong chén trà là câu hữu nhân.

Bởi vậy, Câu hữu nhân có hai loại:

2/1- Hỗ vi quả câu hữu nhân:

Nhân và quả cùng có mặt để hỗ tương nhau sinh khởi. Vì vậy, chúng không bao giờ tách rời nhau.


2/2 - Đồng nhất quả câu hữu nhân:

Quả và nhân đồng nhất. Quả sinh khởi là do nhân hợp đồng và tác động lẫn nhau để hình thành.

Ví dụ: Núi đá được tạo thành và hợp nhất bởi những tảng đá.

Như vậy, sự có mặt của núi đá là do sự hợp nhất của nhiều tảng đá. Sự có mặt của núi đá là đồng nhất quả Câu hữu nhân.

Câu hữu nhân cùng nhau tác động để sinh khởi Sĩ dụng quả. Sĩ dụng quả là kết quả sinh khởi và thành tựu do ý chí, tri thức và chân tay của con người tạo nên.

Ví dụ: Tách trà là Sĩ dụng quả của Câu hữu nhân. Vì tách trà có mặt từ nhiều nguyên nhân tác động hỗ tương, trong đó có nguyên nhân tác động từ tri thức, ý chí và lao tác tay chân, hoặc những phương tiện sản xuất được sử dụng bởi con người.

3- Đồng loại nhân:

Các pháp đồng loại, thì lấy pháp đồng loại làm nhân. Thiện pháp làm nhân cho thiện pháp. Ác pháp làm nhân cho ác pháp. Phi thiện phi ác pháp, làm nhân cho phi thiện phi ác pháp.

Đồng loại và liên tục là hai tính chất của đồng loại nhân. Đồng loại là vì quả khởi phát và hình thành có gốc rễ từ một dòng chuyển biến liên tục của nhân.

Ví dụ: Con gà là kết quả khởi phát và hình thành có gốc rễ từ một dòng chuyển biến liên tục của trứng gà; Và trứng gà là kết quả khởi phát và hình thành có gốc rễ từ những noãn tử trong con gà, phối hợp với các duyên có gốc rễ từ một dòng chuyển biến liên tục của nhân duyên con gà.

4- Tương ưng nhân:

Tương ưng nhân là một phần của Câu hữu nhân, do tâm và tâm sở tương ưng cùng thời với nhau mà sinh khởi quả.

Tâm và tâm sở, chúng tương ưng và tập thành một khối, trông nhờ vào nhau, nên gọi là tương ưng nhân.

Đối với thời gian, tâm vương không có trước, tâm sở không có sau, chúng có mặt đồng thời, nên Luận Trung Quán nói: “Tâm và tâm sở phi tức phi ly”. Nghĩa là Tâm và tâm sở không phải nó mà cũng phải khác nó.

Theo Thành Duy Thức Luận Thuật Ký Tập Thành Biên: “Tâm vương và tâm sở, chúng có mặt đồng thời, phi tức phi ly. Tâm vương là nhân, thì tâm sở là quả. Nhân quả của chúng phi tức phi ly. Tâm sở là nhân, tâm vương là quả. Nhân quả của chúng cũng phi tức phi ly. Vì sao? Vì chúng hướng vọng và tương ưng với nhau. (Thành Duy Thức Luận Thuật ký Tập Thành Biên 30, Tr 631a, Đại Chính 67).

Câu hữu nhân có mặt bao gồm cả sắc pháp và tâm pháp, trong lúc đó, Tương ưng nhân chỉ có mặt ở nơi tâm vương và tâm sở, vì vậy dựa vào tâm vương, tâm sở để thiết lập Tương ưng nhân và Tương ưng nhân dẫn sinh Sĩ dụng quả.

5-   Biến hành nhân:

Biến hành nhân là do khai triển các loại phiền não từ Đồng loại nhân mà thiết lập. Đồng loại nhân bao gồm cả sắc và tâm, nhưng Biến hành nhân chỉ giới hạn ở mười một phiền não biến hành của tâm sở. Mục đích của Biến hành nhân là giúp cho ta thấy sự liên hệ giữa tiền nhân và hậu quả.

Mười một phiền não biến hành gồm:

Do mê lầm đối với lý Khổ đế (sự thực của khổ), mà sinh khởi bảy thứ phiền não gồm:

-        Thân kiến: Sự hiểu biết sai lầm đối với sự thật của thân thể.

-        Biên kiến: Sự hiểu biết một chiều đối với thực tại toàn diện.

-        Tà kiến: Sự hiểu biết sai lầm đối với thực tại.

-        Kiến thủ kiến: Bám chặt vào những hiểu biết sai lầm.

-        Giới cấm thủ: Tuân thủ những tín điều không thích ứng với chân lý.

-        Nghi: Nghi ngờ đối với sự giác ngộ chân lý và con đuờng dẫn đến sự giác ngộ ấy.

-        Vô minh: Không hiểu rõ sự thực về Khổ, Tập, Diệt và Đạo. Không hiểu rõ sự thực đối với ngã và pháp.

Và do mê lầm đối với lý Tập đế (sự thực của những tập khởi khổ đau), mà sinh khởi bốn thứ phiền não gồm:

-        Tà kiến, kiến thủ, nghi và vô minh.

Do những mê lầm này tác động làm nhân sinh khởi hết thảy phiền não, nên gọi là Biến hành nhân. Biến hành nhân dẫn sinh Đẳng lưu quả.

6-   Dị thục nhân:

Dị thục quả là nhân và quả khác loại. Trước khi trở thành quả, nhân phải có quá trình biến đổi. Nhân này lấy thiện ác của các pháp hữu lậu làm thể và khổ vui trong lục đạo chúng sanh làm quả báo.

- Nhân mười loại:

Theo Thành Duy Thức Luận 8, Nhân có mười loại như sau:

 

 

1-              Tùy thuyết nhân:

Tác nhân là tùy thuyết. Tùy thuyết là tác nhân của ngôn ngữ. Ngôn là tiếng nói, ngữ là lời nói. Tiếng nói do dựa vào lời nói mà ý nghĩa được biểu hiện và thành tựu. Nên, lời nói là nhân, nghĩa của lời nói là quả. Kết quả của lời nói dựa vào nơi ngôn thuyết mà thiết lập, nên gọi là Tùy thuyết nhân.

Tính chất của ngôn ngữ được dẫn khởi từ Pháp, Danh và Tưởng. Nghĩa là ngôn ngữ do y cứ vào ba tính chất này, rồi tùy theo sự thấy, nghe, tiếp nhận và hiểu biết mà nói ra các nghĩa.

Pháp là bao gồm cả pháp hữu vi và vô vi, gồm cả pháp sinh tử lẫn giải thoát.

Danh là tên gọi của các pháp, do sau khi đã nghe tên gọi nhiều chủng loại, khiến tưởng khởi sinh, rồi tiếp nhận đối tượng, và phân định xấu tốt… sau đó lời nói mới sinh khởi.

Tưởng sinh khởi, sau khi đã có sự tìm kiếm về danh từ, về câu nói và về văn nói, khiến tưởng sinh khởi. Tưởng dựa vào ý nghĩa của chủng loại các pháp, để phân định, tiếp nhận đối tượng, khiến ngôn ngữ phát sinh.

Vậy, ba tính chất này là tác nhân cho mọi ngôn thuyết, và các ý nghĩa được trình bày là kết quả của ngôn thuyết. (Thành Duy Thức Luận 8, Đại Chính 31).

Có Luận thuyết cho rằng, Danh, Tưởng và Kiến là tác nhân của ngôn ngữ. Nghĩa là đúng như tên gọi mà thủ lấy tưởng, do bám lấy tưởng mà kiến khởi lên và từ kiến mà sinh khởi ngôn thuyết. Theo Tạp Tập luận, Kiến là thể của Danh và Tưởng. Do có tưởng mà nhận lấy hình tướng của sắc, từ đó mà sanh khởi chấp trước. Do chấp trước, nên gọi là kiến. Và do chấp trước nơi kiến mà ngôn thuyết sinh khởi (Đại Thừa A Tỳ Đạt Ma Tạp Tập Luận 4, Đại Chính 31).

Theo Đối Pháp Luận, tác nhân của ngôn thuyết là Tầm và Tứ. Tầm, Phạn văn là vitaka, nghĩa là truy tầm. Tứ, Phạn văn là vicara, nghĩa là theo dõi, dò xét và thẩm sát để gọi tên đối tượng.

Theo Xu Yếu Luận, tác nhân của ngôn thuyết là Tư duy (Samkalpa). Từ tư duy, Tầm và Tứ mới sinh khởi để truy tầm, theo dõi và thẩm sát.

Ở Du Già Sư Địa Luận nói: Ngữ là y xứ để Tùy thuyết nhân phơi bày. Sự chuyển khởi của ngôn ngữ trước hết là chuyển khởi của tưởng. Bài kệ của Du Già Sư Địa Luận nói Danh, tưởng và ngữ là tác nhân của ngôn thuyết như sau: “Danh vi tiên cố tưởng, tưởng vi tiên cố thuyết, thị vị bỉ chư pháp, danh vi tùy thuyết nhân”. Và Tầm, Tứ có bảy loại được Du Già diễn tả qua bài kệ sau đây: “Thể sở thuyết hành tướng…”. (Du Già Sư Địa Luận 5, Tr 302, Đại Chính 30).

Do đó, Tư duy là tác nhân sâu xa của ngôn ngữ và Tầm, Tứ là tác nhân thực tiễn của ngôn ngữ.

Ngôn ngữ được sử dụng để diễn tả các pháp thuộc về hữu lậu, chúng có gốc rễ từ tư duy. Ngôn ngữ được sử dụng để diễn tả các pháp thuộc về vô lậu, vô vi, chúng có gốc rễ từ Chánh tư duy (samyaksamkalpa).

Ở trong Thánh đạo vô lậu, Chánh tư duy là tác nhân để hình thành Chánh ngữ. Chánh tư duy là nhân vô lậu và Chánh ngữ là quả vô lậu.

Một vị tu tập thiền quán có sự an tịnh về thân hành là do hơi thở vào và ra của vị ấy hoàn toàn ngưng lắng. Và do hơi thở vào và ra của vị ấy hoàn toàn ngưng lắng, nên vị ấy có sự an tịnh về thân và khiến cho các nghiệp thuộc về thân của vị ấy hoàn toàn an tịnh, gọi là an tịnh thân hành.

Một vị tu tập thiền quán có sự an tịnh về ngữ hành là do Tầm và Tứ ở trong tâm thức của vị ấy hoàn toàn lắng yên và an tịnh. Vì do Tầm và Tứ của vị ấy hoàn toàn ngưng lắng và an tịnh, nên vị ấy thành tựu ngữ hành an tịnh.

Một vị tu tập thiền quán có sự an tịnh về tâm hành là thọ (vedana), và tưởng (sajñā), trong tâm thức của vị ấy ngưng lắng và an tịnh, do đó vị ấy có sự an tịnh về tâm hành.

Như vậy, tư tưởng là tác nhân của ngôn ngữ và ngôn ngữ là tác dụng của tầm và tứ, nhưng tất cả chúng đều có gốc rễ từ tư duy.

Vậy, ta có thể nói tắt, ngôn ngữ là kết quả tất yếu của tư duy.

2-              Quán đãi nhân:

Quán đãi nhân là tác nhân do hướng đến và đối đãi với cái khác để sinh khởi quả. Nghĩa là cái này hướng đến và đối đãi với cái kia khiến cho các sự kiện của cái kia hoặc sinh, thành, trụ và đắc.

Như vậy, cái này là quán đãi nhân của cái kia. Nó được thành lập là do dựa vào các sự lãnh thọ của chủ thể và đối tượng.

Quán đãi nhân tiếp nhận bao gồm cả chủ thể và đối tượng, nó có bốn trường hợp:

2/1- Năng thọ là nhân, sở thọ là quả:

Nghĩa là tâm truy cầu với sự vật, sau đó mới thích ứng với sự vật.

Như vậy, tâm truy cầu là nhân, tâm thích ứng với sự vật là quả. Tâm truy cầu là năng thọ, tâm thích ứng với sự vật là sở thọ.

2/2- Sở thọ là nhân, năng thọ là quả:

Do tiếp xúc với cảnh trước, sau đó mới sanh tâm. Như vậy, cảnh là nhân, tâm là quả.

2/3- Năng thọ là nhân, năng thọ là quả:

Do hỷ mà sinh ra lạc. Như vậy, hỷ là nhân và lạc là quả.

2/4- Sở thọ là nhân, sở thọ là quả:

Ví dụ: Tác nhân của quả là phong luân mà duy trì kết quả là thủy luân.

3-              Khiên dẫn nhân:

Khiên là dẫn dắt, lôi kéo. Khiên dẫn nhân là do dựa vào giai đoạn huân tập các chủng tử ở nội tâm và ngoại cảnh chưa thuần thục mà thiết lập. Vì vậy, khiên dẫn nhân là tác nhân có năng lực dẫn dắt để sinh khởi kết quả cho chính nó ở tương lai xa. Như vậy, y vào xứ sở tập khí để thiết lập khiên dẫn nhân.

Theo Tạp Tập Luận, Khiên dẫn nhân là nhân đang chiêu cảm và huân tập chủng tử. (Thành Duy Thức Luận Thuật Ký Tập Thành Biên 34, Tr 711c).

Khiên dẫn nhân có đầy đủ cả ba tính thiện, ác và vô ký (Thành Duy Thức Luận Diễn Bí, Đại Chính 43).

Theo Du Già 38, Khiên dẫn nhân là chủng tử của các chủng loại.

Ví dụ: Vô minh và hành hướng vọng đến Thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, như vậy vô minh và hành là khiên dẫn nhân của Thức, danh sắc, lục nhập, xúc và thọ. Ái, thủ, hữu hướng vọng đến sanh, lão tử, như vậy ái, thủ, hữu là Khiên dẫn nhân của sanh, lão tử.

Đối với hai loại Niết Bàn, Khiên dẫn nhân có đủ cả hai loại chủng tử hữu dư y Niết Bàn và vô dư y Niết bàn. Chủng tử trí tuệ có khả năng hướng vọng chứng ngộ Niết Bàn, chủng tử ấy gọi là Khiên dẫn nhân. Do đó, chủng tử trí tuệ là nhân và Niết Bàn là quả.

4-              Sanh khởi nhân:

Sanh khởi nhân là nhân làm sinh khởi chủng tử đưa đến kết quả cho chính nó trong tương lai gần. Nhân này do dựa vào hữu nhuận chủng tử y xứ để thành lập.

Nhuận là nhuần nhuyễn. Nó có ba nghĩa:

-        Hoặc nhuận: Những chủng tử phiền não ở trong nội tâm tăng trưởng nhuần nhuyễn.

-        Đa văn nhuận: Do nghe và học hỏi lâu ngày huân tập thành chủng tử nhuần nhuyễn ở nội tâm.

-        Thiện hữu nhuận: Do gần gũi thầy hiền bạn tốt lâu ngày làm cho các chủng tử tốt đẹp ở trong tâm ngày càng trở nên nhuần nhuyễn.

Vì vậy, hữu nhuận chủng tử là những chủng tử nội tâm, ngoại thân ở vào giai đoạn nhuần nhuyễn, thuần thục.

Chủng tử của sanh khởi nhân có đầy đủ cả hai mặt nhiễm và tịnh. Chủng tử nhiễm ô là nhân hữu lậu dẫn sinh quả sinh tử. Chủng tử thanh tịnh là nhân vô lậu dẫn sinh quả Niết Bàn.

Chủng tử nhiễm hay tịnh đều vốn có ở nơi tâm của mỗi chúng ta. Nếu càng gần gũi thầy tà, bạn ác thì càng lúc chủng tử nhiễm ô nơi tâm thức ta càng nhuần nhuyễn, khiến sinh khởi quả báo khổ đau của sinh tử. Và nếu càng gần gũi thầy hiền bạn tốt, thì càng lúc chủng tử thanh tịnh nơi tâm thức ta càng nhuần nhuyễn, khiến sinh khởi quả báo an lạc của Niết Bàn.

Chính do dựa vào chủng tử này mà thiết lập sanh khởi nhân. Nghĩa là nhân có năng lực tác động làm sinh khởi kết quả cho chính nó ở tương lai gần. (Thành Duy Thức Luận 8, tr 41, Đại Chính 31).

Theo Du Già 5, sinh khởi nhân có đầy đủ cả ba tính chất, thiện, ác và vô ký.

5-              Nhiếp thọ nhân:

Nhiếp thọ nhân là tác nhân có khả năng dung nhiếp và lãnh thọ các pháp hữu lậu và vô lậu, và tự thân của các chủng tử không những có khả năng tự quan hệ sinh khởi, mà còn có khả năng tự nuôi dưỡng chính nó, nó có đầy đủ cả ba tính gồm thiện, ác và vô ký, và nó được thiết lập từ sáu y xứ.


Sáu y xứ gồm:

5/1- Vô gián diệt y xứ:

Y vào sự sinh diệt liên tục của tâm và tâm sở để thiết lập Nhiếp thọ nhân. Tất cả pháp thuộc về tâm và tâm sở, cái diệt trước là mở đường cho cái diệt sau. Cái sinh truớc là mở đường cho cái sinh sau. Cái diệt trước là mở đường cho cái sinh sau và cái sinh trước mở đường cho cái diệt sau.

5/2- Cảnh giới y xứ:

Cảnh giới y xứ là đối tượng của tâm và tâm sở. Các pháp thuộc về tâm và tâm sở do dựa vào các đối tượng của tâm để nhiếp phục và tiếp nhận, mới có sự sinh khởi và chuyển vận, vậy mà dựa vào các đối tượng của tâm và tâm sở để thiết lập Nhiếp thọ nhân.

5/3- Căn y xứ:

Căn y xứ là sáu căn gồm: mắt, tai, mũi lưõi, thân và ý là nơi nương tựa để tâm và tâm sở biểu hiện, vì vậy mà dựa vào căn y xứ để thiết lập Nhiếp thọ nhân.

 

5/4- Tác dụng y xứ:

Tác dụng y xứ là tác dụng của tác nghiệp và tác cụ. Tác nghiệp là chỉ cho tư niệm hay ý chí (cettanā). Tác cụ là những dụng cụ của tác nghiệp, đó là thân ngữ và những phương tiện khác.

Trong ba nghiệp, ý là tác nghiệp, thân và ngữ là tác cụ. Nói cụ thể hơn, ví như người đốn cây, hành động đốn cây là tác nghiệp và dụng cụ đốn cây như búa, rìu là tác cụ. Vì vậy mà dựa vào tác dụng y xứ để thiết lập Nhiếp thọ nhân trong nghĩa rộng bao gồm cả hữu tình và vô tình.

5/5- Sĩ dụng y xứ:

Sĩ dụng y xứ là tác dụng của tác giả đối với tác nghiệp. Ngoại trừ chủng tử, các duyên còn lại như Đẳng vô gián duyên, Sở duyên duyên, Tăng thượng duyên đều thuộc về y xứ này. (quan điểm của Thành Duy Thức và Du Già).

Sĩ, dịch từ purusa của Phạn văn, nghĩa là con người có ý chí. Sĩ dụng y xứ trong ý nghĩa hẹp là chỉ cho các loài hữu tình.

Từ Vô gián diệt y xứ đến Sĩ dụng y xứ, năm y xứ này là y xứ của Nhiếp thọ nhân thuộc về các pháp hữu vi, hữu lậu.

5/6- Chân thật kiến y xứ:

Chân thật kiến y xứ là Vô lậu Chánh kiến. Dựa vào Vô lậu Chánh kiến mà thiết lập Nhiếp thọ nhân.

6-              Dẫn phát nhân:

Dẫn phát nhân là nhân thiết lập từ Tùy thuận y xứ.

Tùy thuận y xứ là các pháp thuộc chủng tử vận hành hiện khởi ở nơi tâm. Chúng có thể là nhiễm, tịnh, hoặc phi nhiễm, phi tịnh. Và chúng đều có thể dẫn ra các pháp đồng phẩm loại cao hơn.

Theo Luận Thành Duy Thức 8, “Dẫn phát nhân là nhân có khả năng dẫn phát đến pháp đồng loại cao hơn, và có khả năng dẫn đạt đến pháp vô vi”. Gọi là đồng loại hay đồng phẩm loại, vì chủng tử đi theo hiện hành. Và có khả năng dẫn phát các pháp đồng loại cao hơn. Ví dụ: Các pháp tốt đẹp liên hệ Dục giới đều có thể dẫn khởi đến các thiện pháp liên hệ đến Sắc giới, Vô sắc giới và giải thoát. Sự dẫn phát ấy, gọi là Tùy thuận y xứ.

Lại nữa, các pháp bất thiện đều có khả khả năng dẫn khởi đến các pháp bất thiện đặc biệt. Ví dụ: Tham liên hệ đến các dục, nó dẫn khởi sân, si, mạn, tà kiến, nghi, thân ác hành, ngữ ác hành và ý ác hành. Các pháp vô ký cũng có khả năng dẫn khởi đến các thiện pháp, ác pháp và vô ký.

Theo Hiển Dương Luận 18: Các thiện pháp liên hệ Dục giới có khả năng dẫn đến các thiện pháp cao hơn ở Dục giới. Và các thiện pháp liên hệ Dục giới có khả năng dẫn khởi đến các thiện pháp cao hơn thuộc Sắc giới, Vô sắc giới và giải thoát. Dẫn phát nhân cũng có đầy đủ cả ba tính chất, thiện, ác và vô ký.

7-              Định dị nhân:

Định dị nhân là nhân của các pháp hữu vi, mỗi pháp tự nó đều có thể dẫn khởi tự quả ở nơi cảnh giới của chính nó. Và mỗi pháp có thể dẫn khởi quả báo sinh tử ở trong lục đạo chúng sanh hay quả báo giải thoát ở trong tam thừa. Ví dụ: Quả báo ngu muội của cảnh giới súc sanh là do nhân ngu si, tà kiến của súc sanh đưa lại; Quả báo đói khát của cảnh giới ngạ quỷ là do nhân bần tiện của loài ngạ quỷ đưa lại; Quả báo khổ đau ở nơi cảnh giới địa ngục là do nhân bất thiện của địa ngục đem lại; Quả báo khổ vui ở trong cõi người là do nhân thiện, ác ở trong cõi người đem lại; Quả báo an vui hữu lậu ở các cõi trời là do nhân các thiện pháp hữu lậu đem lại; Các quả báo của các niềm vui hữu lậu và vô lậu của các bậc Thánh giả trong tam thừa là do nhân hữu lậu thiện và vô lậu thiện ở nơi cảnh giới của các bậc Thánh giả trong tam thừa đem lại. Định dị nhân được thiết lập từ Sai biệt công năng y xứ. Sai biệt công năng y xứ, nghĩa là trong các pháp hữu vi, mỗi pháp đều có thể tự quyết định quả hữu vi cho chính nó. Và nó cũng có thể chứng ngộ pháp khác biệt, đó là pháp vô vi.

 

8-              Đồng sự nhân:

Đồng sự nhân là nhân bao gồm, từ Quán đãi nhân cho đến Định dị nhân và nó đồng một sự nghiệp là sanh, trụ, thành và đắc.

Sanh là chỉ cho chủng tử; trụ là chỉ cho mầm nảy sanh từ chủng tử; thành là chỉ cho thân thể hình thành từ chủng tử và đắc là kết quả tạo thành từ chủng tử. Nên, sanh, trụ, thành, đắc là kết quả của Đồng sự nhân. Đồng sự nhân có hai loại tổng và biệt, nhiễm và tịnh.

Đối với biệt, Đồng sự nhân bao gồm cả sáu nhân ở trước và đối với tổng, Đồng sự nhân bao gồm cả tám nhân, ngoại trừ Tương vi nhân và Tùy thuyết nhân.

Đối với nhiễm, từ Quán đãi nhân ô nhiễm đến Định dị nhân ô nhiễm đều gọi chung là nhiễm pháp Đồng sự nhân. Và từ Quán đãi nhân thanh tịnh đến Định dị nhân thanh tịnh đều gọi chung là thanh tịnh Đồng sự nhân. Đồng sự nhân cũng có đầy đủ cả ba tính chất thiện, ác và vô ký. Các duyên liên hệ đối với Đồng sự nhân cũng có biệt và tổng. Đối với biệt, Đồng sự nhân liên hệ đến các duyên như: Nhân duyên, Đẳng vô gián duyên, Sở duyên duyên. Đối với tổng, Đồng sự nhân liên hệ đến Tăng thượng duyên. Đồng sự nhân dựa vào Hòa hợp y xứ để thiết lập. Hòa hợp y xứ là y xứ hòa hợp kể từ Lãnh thọ y xứ đến Sai biệt công năng y xứ. Tất cả chúng đều có công năng hòa hợp ở trong sanh, trụ, thành và đắc là quả của Đồng sự nhân.

Như vậy, Hòa hợp y xứ bao gồm cả mười một y xứ như: 1- Lãnh thọ y xứ. 2- Tập khí y xứ. 3- Hữu nhuận chủng tử y xứ. 4- Vô gián diệt y xứ. 5- Cảnh giới y xứ. 6- Căn y xứ. 7- Tác dụng y xứ. 8- Sĩ dụng y xứ. 9- Chân thật kiến y xứ. 10- Tùy thuận y xứ. 11- Sai biệt công năng y xứ. Vậy, Hòa hợp y xứ là y cứ vào các xứ sở này mà hòa hợp để thiết lập Đồng sự nhân.

9-              Tương vi nhân:

Tương vi nhân là nhân có thể làm chướng ngại đối với các sự nghiệp sanh, trụ, thành và đắc.

Tương vi nhân có sáu loại như sau:


9/1- Ngữ ngôn tương vi:

Ngôn ngữ của các Sa-môn, Bà-la-môn sử dụng để tạo ra các luận văn, mà lời trước và lời sau trái ngược nhau.

9/2- Đạo lý tương vi:

Nghĩa là ý nghĩa và đối tượng được biết so sánh cách cấu trúc, không chứng minh được sự thành tựu tương ưng với đạo lý.

9/3- Sinh khởi tương vi:

Duyên để sinh khởi bị khuyết, làm chướng ngại hội đủ các duyên để sinh khởi sự kiện.

9/4- Đồng xứ tương vi:

Các pháp có mặt trong một không gian, nhưng nó mâu thuẫn nhau, ví như, tối và sáng đều nằm trong không gian, nhưng mâu thuẫn nhau; khổ và lạc đều nằm ở trong con người, nhưng đối lập nhau.

9/5- Oán địch tương vi:

Do mâu thuẫn với nhau trong nghiệp chủng mà sinh ra thù địch với nhau trong cuộc sống, ví như mèo với chuột, cọp với con người, hay thiện tri thức với ác tri thức.

9/6- Chướng trị tương vi:

Mâu thuẫn là do dùng pháp này để đối trị với pháp kia, ví như người tham sắc dục, dùng pháp quán bất tịnh để đối trị; người tham danh lợi, dùng pháp quán vô thường để đối trị, người ngu si, tà kiến dùng pháp quán nhân duyên để đối trị, người tâm nhiều loạn tưởng, tâm nhiều phiền não, dùng pháp quán Tứ niệm xứ để đối trị… Tương vi nhân có đầy đủ hai loại chủng tử, gồm tạp nhiễm và thanh tịnh. Tạp nhiễm là chủng tử thuộc về sinh tử. Thanh tịnh là chủng tử thuộc về Niết Bàn. Tương vi nhân có đầy đủ cả ba tính chất thiện, ác và vô ký.

Tương vi nhân được thiết lập từ Chướng ngại y xứ. Chướng ngại y xứ là chướng ngại đối với sự nghiệp sanh, trụ, thành và đắc.

 

 

10-            Bất tương vi nhân:

Bất tương vi nhân là nhân không làm chướng ngại đối với sự nghiệp sanh, trụ, thành và đắc.

Bất tương vi nhân có hai loại:

10/1- Tạp nhiễm bất tương vi nhân:

Nhân không trái ngược với đời sống sinh tử, nghĩa là nhân thuận theo sinh tử, khiến cho chủng tử thanh tịnh bị che khuất, không thân cận được thầy hiền, bạn tốt để học hỏi chánh pháp, không sinh khởi được như lý tác ý đối với vạn hữu.

10/2- Thanh tịnh bất tương vi nhân:

Nhân không trái ngược đối với đời sống thanh tịnh. Nhân ấy đầy đủ các chủng tính thiện pháp, khát ngưỡng đời sống xuất thế, gặp được minh sư, thiện hữu tinh cần học hỏi chánh pháp, sinh khởi như lý tác ý đối với vạn hữu. Bất tương vi nhân được thiết lập từ Bất chướng ngại y xứ. Bất chướng ngại y xứ là y xứ không làm chướng ngại đối với sanh, trú, thành và đắc.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle