Một cách hiểu về vô ngã

mot cach hieu ve vo nga

Hà Hữu Minh

 

Vô ngã là một học thuyết rất khó trình bày, và cũng có rất nhiều người không đồng tình về nó. Lý do đơn giản là vì chúng ta chưa đạt đến trạng thái vô ngã, vẫn luôn còn chấp thủ về “tôi, của tôi, và tự ngã của tôi”. Ngay cả những người hiểu sâu về học thuyết vô ngã, những nếu không thực sự ứng dụng tu tập thì sự chấp thủ về ngã vẫn còn bám riết lấy họ, đôi khi lại mạnh mẽ hơn nữa. Trong bài viết này, tôi không đi sâu vào phân tích về con người như những gì mà các nhà Phật học đã từng làm, để chứng minh rằng con người là vô ngã, mà tôi chỉ phác thảo một vài điểm cơ bản để trình bày bài viết của mình.

Theo tôi, vô ngã và tánh không là hai tên gọi khác nhau cùng chỉ cho thực thể của vạn pháp. Tất nhiên nhận định như vậy không nhận được sự đồng tình của tất cả những bộ phái Phật giáo khác nhau. Ở đây, trước khi đi vào phân tích đề tài này, tôi xin được trình bày hai vấn đề cơ bản:

1. Không (sunyata), như được sử dụng trong Phật giáo, không có nghĩa là không có gì hết, như căn phòng trống rỗng sau khi tất cả mọi người ra ngoài hay dọn đồ đi hết. Thực sự, “không” có nghĩa rằng thể tính của vạn pháp là không có tự tính thật sự. Thậm chí căn phòng dù nhét đầy người thì nó vẫn được xem là không. Tuy nhiên, ngôn ngữ con người thường không thỏa đáng để chuyển tải sự diễn đạt chính xác.

2. Vì chân lý được Đức Phật khám phá dựa trên sự chứng ngộ của Ngài nên tâm trí người bình thường khó có thể lãnh hội được, vì vậy Ngài phải dựa vào ngôn ngữ con người mà diễn đạt. Do đó, lời dạy của Đức Phật được chia làm hai cấp độ khác nhau: cấp độ thế tục (tục đế) và cấp độ giác ngộ (chân đế). Ở cấp độ thế tục, quan niệm về ngã hàm nghĩa là có một cá thể. Tuy nhiên, ở chân đế - cấp độ giác ngộ, ‘cá thể’, ‘không cá thể’, ‘ngã’, ‘vô ngã’, ‘hiện tượng’, ‘phi hiện tượng’, ‘danh xưng’, và ‘không danh xưng’ tất cả đều là những khái niệm tương đối. Ở cấp độ giác ngộ, một người nhìn thấy tất cả mọi người, bao gốm cả chính mình, đều như những gì được nhìn thấy trong giấc mơ hay trên màn hình ti-vi. Những hình ảnh như vậy là không, thậm chí thuật ngữ “không” cũng thừa và không mang ý nghĩa chân thật. “Không” cũng chỉ được chọn lựa một cách tùy ý nhằm thuận tiện cho việc thảo luận giữa những con người thế gian với nhau. Tuy thế, khái niệm về tự ngã ở cấp độ thế tục là sự chướng ngại lớn nhất đối với con người bình thường trong việc chứng đạt giác ngộ. Nói cách khác, con người không thể chứng ngộ và thể nhập được thể tính khi không nhận chân rằng ý niệm về tự ngã không những chỉ là một ý niệm vô căn cứ, mà còn là một ý niệm nguy hiểm. Với ý niệm về ngã, ý niệm về ngã sở cũng được thiết lập, và như vậy tham ái về ngã và ngã sở bắt đầu được thiết định kiên cố trong tâm trí con người. Như vậy, con người không bao giờ chứng ngộ và chấm dứt được luân hồi; vẫn tái diễn trong vòng quay sanh tử. Đây là nguồn gốc của khổ đau.

Chúng ta biết rằng, ý niệm về ngã đã bám rễ thâm sâu trong tâm thức của chúng ta từ quá lâu đến độ thật thiếu thực tế khi mong rằng có thể dứt trừ nó trong một sớm một chiều.

Theo Phật giáo, ý niệm về tự ngã có hai phần quan trọng: một là khao khát về một đời sống vô tận hay một sự tồn tại miên tục, và thứ hai là chấp chặt quan điểm của chính mình, thường biểu hiện như “quan điểm của tôi”. Tham ái về một sự hiện hữu miên tục có mặt ngay trước khi chúng ta được sinh ra. Còn chấp thủ đối với quan điểm của chính mình được xây dựng dần dần trong suốt quãng đời của mình, dẫu rằng những quan kiến như vậy đều bị tác động rất lớn bởi nghiệp quá khứ của mỗi người.

Ý niệm về tự ngã trước hết được hình thành thông qua giác quan của con người. Con người tự thiết lập mình thông qua chúng, thậm chí ngay lúc chào đời, khi thân thể vật lý tồn tại riêng biệt với cái gọi là thế giới ngoại tại. Ý niệm về tự ngã này đã trở nên mạnh mẽ và quan trọng khi con người ngày càng lớn. Như một kết quả, con người nhận ra rằng họ đã thiết lập bên trong thân thể mình một trung tâm nhận thức, tự ngã, liên hệ với thế giới bên ngoài.

Thứ hai, bởi vì con người đang thiết lập trung tâm hoạt động của riêng mình, nên luôn cho rằng thế giới được tạo thành từ những thực thể sai khác. Do vì mỗi cá thể luôn tìm kiếm sự thỏa mãn cho riêng mình cho nên những xung đột quyền lợi phát sinh. Cảm giác ngăn cách bị làm cho tồi tệ hơn khi những quan điểm bất đồng với nhau gia tăng, và mỗi thực thể theo đó khẳng định tầm quan trọng hay quan điểm của riêng mình.

Những giảng luận của Phật giáo xoay quanh khái niệm tự ngã thì rất nhiều. Những trình bày ở đây thì giống như một giọt nước trong đại dương mênh mông. Tuy nhiên, đại dương dù mênh mong như thế nhưng về cơ bản nó cũng chính là nước. Vì vậy, nếu chúng ta có thể học từng giọt nước này một cách thấu đáo thì chúng ta sẽ thiết lập được một nền tảng tốt cho việc nghiên cứu cao hơn về đại dương sau này.

Thân thể vật lý của một người là cái cốt lõi mà dựa trên đó ý niệm về tự ngã được thiết lập. Tuy vậy, ý niệm về tự ngã được củng cố thêm bằng những loại nhận dạng được tạo ra trong đời sống hàng ngày, làm gia tăng sự tách rời và cách biệt giữa con người với những thứ khác ở thế giới ngoại tại. Một vài đặc điểm chung nhất mà qua đó con người được nhận dạng và phân biệt người này với người kia:

1 – họ tên

2 – hình dáng

3 – giọng nói

4 – dấu vân tay

5 – cảm giác

6 – ý thức hệ

7 – danh tiếng…

Những hình thức nhận giạng này thì giống như những nhành và lá của một thân cây, trong khi thân thể vật lý của con người được ví như gốc cây. Nếu gốc cây bị đào bật lên, thì tất cả nhành, lá sẽ tự nhiên chấm dứt sự tồn tại. Trong Phật giáo, có ba phương pháp dạy chúng ta cách thức nhổ bật gốc rễ chấp thủ tự ngã. Ba phương pháp này là:

1 – Nhiệt tâm tu tập, với mục đích từ bỏ tất cả những thói quen mà con người đã huân tập trong suốt cuộc đời này và cũng như trong suốt những kiếp sống quá khứ. Những thói quen bao gồm kiến thức, niềm tin, tình yêu, hận thù, và tất cả những hành vi khác của con người.

2 – Tin vào luật nghiệp báo, bằng cách đó ý niệm về ngã có thể được đoạn trừ dần dần và thể tính hiển lộ thông qua việc tích tập những phước đức đạt được nhờ thực tập Sáu pháp Ba-la-mật (paramita): bố thí Ba-la-mật (dana paramita), trì giới Ba-la-mật (shila paramita), nhẫn nhục Ba-la-mật (kshanti paramita), tinh tấn Ba-la-mật (virga paramita), thiền định Ba-la-mật (dhyana paramita), và trí tuệ Ba-la-mật (praya paramita).

Phương pháp một và hai là những pháp môn tu tập, nhưng nếu không có một nền tảng lý thuyết vững chắc thì người ta có thể đi lạc hướng, hay có thể đánh mất sự nhiệt tâm sau một thời gian thực tập đối với phương pháp hai. Vì thế chúng ta có phương pháp thứ ba.

 3 – Thiết lập nền tảng lý thuyết cho con đường 1 và 2 thông qua việc học hỏi và suy nghĩ thấu đáo.

 Ở đây chúng ta chỉ đi vào tìm hiểu phương pháp thứ 3 để xem xét cách thức mà trên mặt lý thuyết có thể phá vỡ được ý niệm về tự ngã để có thể khai mở thể tính của chúng ta. Như vậy, trước hết chúng ta hay xem xét 7 cách nhận dạng mà tôi đã đề cập ở trên, tìm kiếm cách thức chặt bỏ những cành nhánh của “thân cây tự ngã” này.

1. Tên gọi có lẽ là cách thức nhận diện con người phổ biến nhất. Nhưng hiển nhiên nó chỉ là một phương tiện hạn chế. Một cái tên không những có thể bị thay đổi, mà nhiều người còn có cùng tên giống nhau. Do vậy, nhành cây đó có thể bị chặt bỏ một cách dễ dàng. Một cái tên thật sự không thể phân biệt một người với những người khác.

2. Hình dáng, bao gồm dáng dấp thân thể, nước da, màu tóc v.v… cũng lắm khi được dùng để nhận diện con người. Nhưng hình dáng không chỉ thay đổi theo tuổi tác, mà nó còn bị thay đổi bởi phẩu thuật. Nó có thể đáp ứng được một mục đích tạm thời, nhưng nó không thể được dùng để thiết định ý niệm về tự ngã.

3. Những thí nghiệm khoa học chứng minh rằng mỗi người đều có một kiểu giọng nói khác nhau. Người ta đã phát minh ra thiết bị máy móc mà nhờ nó tòa án có thể nhận diện một người qua cách phát âm của vị này. Nhưng giọng nói có thể thay đổi khi cơ thể vật lý của người ta thay đổi do tai nạn hay bệnh tật. Do đó, giọng nói cũng không thể tách biệt người này với người khác một cách bất biến để mỗi người có thể được gọi một cách hợp lý là một ngã thể được.

4. Dấu vân tay thường được sử dụng một cách phổ biến để nhận dạng từng người. Nhưng giống như giọng nói, chúng không hoàn hảo. Con người không thể loại trừ được chấp ngã cho dù bị mất đi đôi tay.

5. Điều chắc chắn là những cảm thọ, chẳng hạn như đau khổ, vui sướng và sợ hãi nguy hiểm, báo cho người ta biết có sự hiện hữu của một tự ngã, nhưng sự trình báo như vậy thường rất tạm bợ và đơn giản xác nhận thái độ chấp ngã mà con người đã nắm giữ.

6. Ý thức hệ là một phương tiện nhận diện hiệu quả. Thực ra, nó là một phần của tiền đề về cái gọi là quan điểm của con người; nó là một trong hai phần chính tạo thành ngã thể. Những sử gia ghi nhận rằng, nhiều người ủng hộ tôn giáo và những nhà ủng hộ cách mạng đã đặt lý tưởng, niềm tin, hay thậm chí những nguyên tắc lên trên đời sống của họ. Dẫu rằng trong những trường hợp đó quan niệm về bản ngã cá thể thường bị chi phối bởi một quan niệm về ngã thể cộng đồng. Tuy thế, quan niệm về tự ngã vẫn được củng cố mạnh mẽ. Nhưng ý thức hệ có thể bị thay đổi, và một sự thay đổi trong ý thức hệ con người không có nghĩa là một sự thay đổi trong cá thể. Ý niệm về tự ngã vẫn còn tồn tại. Như vậy, có thể chứng minh rằng ý thức hệ vẫn không phải là cái cốt lõi của thái độ chấp ngã.

7. Danh tiếng cũng là một sự nhận dạng khác. Danh tiếng thể hiện những việc làm của con người. Nó phân biệt người này với người kia. Danh tiếng có thể bám rễ rất thâm sâu trong tâm trí con người. Cái tôi là một thuật ngữ, biểu hiện một sự chấp thủ kiên cố của con người bằng việc nhận diện mình qua danh tiếng. Tự cao và ngã mạn thường là những sản phẩm phụ. Tuy nhiên, cũng giống như ý thức hệ, danh tiếng có thể bị thay đổi sau một đêm. Đáng tiếc thay, sự hủy hoại danh tiếng của con người không có nghĩa là sự hủy hoại đi bản ngã. Như vậy nhành cây này, danh tiếng của con người, cũng có thể bị từ bỏ mà không ảnh hưởng gì đến thái độ chấp ngã.

Qua những gì được trình bày chúng ta thấy rằng con người hoàn toàn luôn thay đổi cả thân lẫn tâm. Nó không có một tự thể cố định, nó là vô thường nên vô ngã. Như đã nói, ở đây tôi không đi vào phân tích con người theo cách phân tích qua hợp thể ngũ uẩn như các nhà Phật học thường làm, mà chỉ phân tích theo cách nhận diện hình dạng đặc tính dễ hiểu nhất.

Có lần tôi đã giới thiệu học thuyết về “vô ngã” này cho một vài người bạn của tôi. Một người đã la lên, “Nếu tôi đánh mất bản ngã của tôi và trở thành không, tôi có thể tồn tại bằng cách nào đây?”. Về câu hỏi này, tôi đã trả lời, “Đức Phật sau khi giác ngộ ở tuổi 35, nhận biết rằng không có một ngã thể, thế mà Ngài đã sống một cuộc đời an lạc cho đến khi 80 tuổi”. Phá bỏ thái độ chấp ngã, và hiểu biết về tính không, không có nghĩa là kết thúc đời sống. Ngược lại, những nhận thức như vậy là bắt đầu cho một đời sống hạnh phúc.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle