Những sóng nước biển xưa
Đi về trong giấc ngủ
Mù sương xuân mờ phủ
Một châu quận bên đèo
Một bình minh mang
theo
Một hoàng hôn cô tịch
Những sóng nước trong veo
Dọi ánh trời chuyển dịch
Những cảnh ngộ bên đời
Bao hàm sự huống cũ
Những cảnh huống bao dung
Trong mùa xuân ký ức
Ở cuối một chân trời
Ẩn tàng một chân đất
Ở cuối một chân đất
Tàng ẩn một chân mây
Ở cuối một chân mây
Mở một chân ngàn bước
Một ngàn chân bước trước
Một vạn bước chân sau
Một con đường bước mau
Một con đường đi chậm
Hai đường mau chậm mở
Khép con mắt chiêm bao
U tầm tận xứ sở
Từ bến cũ nghiêng chào
Đó là
bài thơ Bùi Giáng tặng Trần Đới, trước khi Trần Đới xuất bản tập thơ đầu
tay Tảo mộ lênh đênh ở Sài Gòn vào năm 1973. Bài thơ gợi nhớ về một
vùng
bãi biển Lăng Cô thơ mộng xanh ngần nằm sát dưới chân đèo Hải Vân,
chốn miền cố quận quê nhà nơi Trần Đới sinh ra. Bãi biển trầm lắng Lăng Cô,
thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế như một kiệt tác của thiên nhiên, vừa lung linh sơn
thủy hữu tình vừa bát ngát mênh mang
kỳ ảo một vẻ đẹp nguyên sơ quá đỗi tuyệt vời. Chính nhờ lớn
lên giữa rừng thơ biển mộng mông mênh như thế mà Trần Đới đã tự bao giờ trở
thành một nhà thơ với trọn nghĩa của danh từ.
Từ thuở nọ, từ năm 1933 xa mù sương khói, thi sĩ sinh ra trên mặt đất này, nơi
làng chài bãi biển cát trắng Lăng Cô rào rạt sóng vỗ ngàn năm ấy, dường như chỉ
thi hành một sứ mệnh duy nhất, đó là chỉ làm thi sĩ mà thôi. Với một hồn thơ bẩm
sinh, hấp thụ dưỡng chất vô ngần của hồn thiêng sông núi từ khi mới mở mắt chào
đời nơi quê hương cẩm tú, thi sĩ Trần Đới đã may mắn chiêm ngưỡng, thưởng thức
trọn vẹn biển rộng sông dài những phong cảnh thiên nhiên ngoạn mục suốt thời
thanh xuân nên thường xuyên rung động kỳ cùng để rồi bật dậy thành những tiếng
thơ Dấu chân trên biển, Tảo mộ lênh đênh, Nắng chợ
mưa chùa, Bụi đời ca, Võng nắng, Sầu ca, Thân quen, Trăm năm đèo biển Lăng Cô…
bay bổng lồng lộng, dập dìu bướm hoa phất phới :
Trời
hồng lồng lộng nắng bay
Mai
vàng rực ngõ gió đầy vườn xanh
Non
cao cây uống mây lành
Biển
dài sóng trải bãi gành mặn hơi
Tảo
hoa đường rộn tiếng cười
Áo
màu phất bướm thơm lời chào xuân
Giữa
núi rừng điệp trùng hùng vĩ tiếp giáp với biển ngàn khơi đại hải bao la, đột
nhiên nhô lên một bãi cát vàng thành làng xóm Lăng Cô độc đáo với những địa danh
quanh đó như Ngạnh Rùa, Mũi Đá, Suối Ba, Suối Bạc, Ba Dốc, Hồ Tiên, Bại Kả, Bãi
Chuối đã đi vào thi ca của nhà thơ một cách tự nhiên :
Nắng
trôi chiều rải khoang thuyền
Bâng
khuâng nước dọi chim miền núi Lam
Ngạnh
Rùa Mũi Đá rêu nham
Đèo
nghiêng xe xuống miệng hầm tàu qua
Nắng
về giặt áo Suối Ba
Tay
vờn Suối Bạc vóc ngà lõa hương
Cành
khe đá núi chập chờn
Gió
từ cổ tích xuyên mòn ngàn sâu
Hải
Vân mộng chở qua cầu
Cá ra
Nghệ Tĩnh củi vào Ngãi Nam
Phú
Gia đỉnh ngã tóc chàm
Về
truông Ba Dốc tìm nàng Hồ Tiên
Sóng
gành Bại Kả lên yên
Mon
qua Bãi Chuối chiều nghiêng nắng đèo
Chuông
thu dội biếc lam chiều
Ngõ
về ngọn nắng đăm chiêu giữa vời
Một
thời tuổi trẻ dạt dào vô hạn những mộng đời bất tuyệt, những tâm tình thiết tha
với tình yêu diệu ảo vô vàn, chàng thi sĩ tha hồ bơi lội giữa biển ngàn sớm trưa
chiều tối, tắm nắng ăn sương, dầm mưa dãi gió sông hồ. Tâm hồn luôn luôn nhạy
cảm với cái đẹp hoang dại ban sơ, run rẩy sững sờ trước một vệt nắng chiều tà
xuyên qua triền núi, quỳ xuống rưng rưng uống ngụm nước đầu nguồn suối Khe Hàu
mát rượi hay bàng hoàng cười vang lên trên đỉnh đèo Hải Vân chất ngất chập chùng
trăng nước thiên thai :
Trăng
về vàng đổ trên Doi
Thuyền ra bóng lộn rớt lời chèo khuya
Gành
xa đá ngửng tình cờ
Bạc
đầu rêu chải sóng vờ vĩnh lăn
Khe
Hàu ngọn nước sương giăng
Triền
nghiêng tu hú vượn đằng Dốc Ông
Rù rì
xe ngược Hải Vân
Ngạnh
Rùa chấp chóa nửa lừng đèn xe
Mù
khơi leo lét mành nghề
Nước
trăng vời vợi mấy bề mông mênh
Mênh
mông mấy bề trăng nước sương khuya hỡi biển đồi hoang liêu, dìu dặt ru hồn tiếng sóng ngàn đời vang vọng mãi trong lòng chàng thi
sĩ mộng du. Vi vu vi vút từng trận gió chiêm bao lai láng thổi bồi hồi. Ôi trăng,
ôi sương, ôi em, ôi nàng thơ rực rỡ, choáng ngợp cả vũ trụ càn khôn dưới trời
đêm lênh đênh gót bụi đi về trên cung cầm huyền mộng như có như không, như hư
như thực mà lâng lâng lãng đãng mơ màng trong một trạng thái xuất thần kỳ lạ :
Gió
phất phơ triền ngày rơi vội vã
Thôn
ngủ yên từ đêm tận mơ màng
Tôi
lờ mờ đi giữa cõi trăng hoang
Chó
thức giấc sủa hời trên nẻo vắng
Đường
thầm lặng mà chân còn thầm lặng
Sương
mơ màng như hồn có hồn không
Nghe
bâng khuâng mà lòng thoáng lâng lâng
Nhìn
ngơ ngác mà trời sâu đắm đuối
Tôi
lênh đênh dưới trăng khuya rực rỡ
Lòng
nhớ ai còn nhớ mãi về em
Dưới
nhà kia giấc ngủ có gì riêng
Chiêm
bao ấy có tôi đang thơ thẩn
Trăng
sáng quá núi cao thêm biển rộng
Nước
mơ vàng vắng tạnh rải đầy vơi
Nửa
cho đời và nửa tặng riêng tôi
Trăng
sáng quá em ơi em có thấy
Em có
thấy gì không hỡi nàng thơ thiên thu diễm tuyệt ? Em có nghe gì chăng hỡi vầng trăng thiên cổ vô
biên ? Em có biết từ buổi em về là đã mang về cho thi
nhân biết bao nguồn cảm hứng thiêng liêng làm hồi sinh mãnh liệt trong con rung
động choáng váng diệu huyền :
Em về
đó cho cuộc đời bất diệt
Tháng
ngày đi phất phới giữa muôn tình
Nắng
thong dong từ thuở có bình minh
Mưa
êm ái từ lần sông có nước
Em về
đó đất trời không dám bước
Quỷ
thần mừng người lả lướt trên mây
Muôn
thơ về vắng tạnh giữa tôi say
Say
đời, say đạo, say thơ, say mộng bồng bềnh trên gót ngọc em về. Em về đây trên tay có cầm một đóa hoa và một chiếc lá như là món quà tặng
vật cho mặt đất trần gian. Em đến như suối mát giữa lòng sa
mạc khô khốc làm phục sinh cho kẻ lữ hành cô độc sống vượt qua cơn trôn xoáy ác
liệt của hư vô. Chao
ơi ! Em đã đến rồi.
Em đến nối liền đôi bờ mộng thực, có không, sống chết…và mở ra phương trời mới
lạ yêu thương. Thương yêu theo thể điệu Krishnamurti : “Có thể yêu thương nhưng không mắc vướng vào
một người nào, vào bất cứ gì. Đó là mức chí thiện của đời sống
tình cảm. Phải tách lìa tất cả nhưng cũng vẫn thương
yêu tất cả, vì tình thương là sự bừng nở của cuộc sống.”
Vâng, em chính là cái yêu thương. Hãy đến
với em bằng thái độ vô cầu, không chiếm hữu. Bởi vô cầu nên không hướng
đến một mục đích nào cả mà hòa điệu vào giữa lòng thực tại đang là trinh tuyền
khiết tịnh tinh anh :
Bầu
trời xanh vẫn thẳm xanh
Nắng
vàng mây trắng anh nhìn vẫn cây
Bởi
em chiếc lá cũng đầy
Nắng
mưa và cả đêm ngày mọc cao
Rụng
vàng chuyện để về sau
Lá
xanh nay vẫn nguyên màu xuân xanh
Trên
cây có những nhánh cành
Có
bao tình đất nở thành đài hoa
Kiếp
cây kiếp lá không nhà
Kiếp
anh lang bạt tình ta hóa gần
Đất
người từng hạt bảo trân
Tình
anh yêu lá có phần cao hơn
Với
tình yêu thương vô điều kiện như thế, thi nhân quảy lên vai bầu rượu túi thơ lên
đường, tạm biệt đèo truông gió hú, mưa trào sóng nắng Lăng Cô, cất bước đăng
trình phiêu linh viễn phương hành qua vùng trung du rồi vào tận xứ miền Nam bộ,
bắt đầu sống cuộc đời lãng tử từ trước năm 1970. Đó là thời kỳ
lang bạt bụi đời ca quá độ long đong đẫm mưa nắng phong trần, túy lúy
cuồng say từng trận trận phiêu hốt tột cùng. Buông mình xuống
hố thẳm tồn sinh bức bách, giáp mặt cuộc đời trong thái độ vô sở cầu, vô sở trú,
vô mục đích. Không hướng tới đâu cả mà chỉ sống và sống hết mình, hết
xương xảu máu me theo thể điệu phiêu bồng Bùi Giáng hý lộng Tế Điên ca ngất
ngưởng :
Bài
thơ viết ngã ba đường
Nửa
hoen nắng bụi nửa hoang gót người
Bềnh
bồng cây cỏ lên ngôi
Gió
mây xuống tóc đá ngồi Tu di
Trăm
năm cuộc thế em về
Trăm
năm mộng chở anh đi hoang đàng
Bài
thơ lấm tấm lên trang
Bài
thơ viết giữa hai hàng tỉnh say
Lang
thang đập vỡ chén này
Chén
sau làm biển mời ai xuống thuyền
Gót
chân biển núi lang thang về phố thị Sài Gòn, trôi lênh
đênh giữa dòng đời xuôi ngược, bước ngày sang đêm chập choạng bóng sầu thiên cổ
vọng âm, dầm mưa dãi nắng đầm đìa nơi góc chợ hiên chùa. Mùa mưa gió kéo dài như
nỗi buồn lê thê trên hoang vắng ngậm ngùi đại lộ tàn khuya mỏi mệt, khói thuốc
nào còn vàng võ trên đôi bàn tay buông thõng trong những chiều mưa tầm tã ướt
đẫm mộng u hoài :
Sài
Gòn có những giọt mưa
Dài
như nỗi nhớ trong ta một ngày
Một
ngày có những ngón tay
Vuốt
mưa trên tóc dính mây nghìn trùng
Sài
Gòn mưa vẫn ướt chung
Riêng
ta ướt hết nửa vùng mưa chia
Ướt
đi từ cõi ướt về
Ướt
qua ướt lại dầm dề trang thơ
Sài
Gòn lá cuối cành thu
Rẩy
run nghe gió hoang vu thổi về
Lạnh
dài là những tiếng xe
Nhớ
xa là tiếng tỉ tê trong hồn
Vẫn
đi ta với Sài Gòn
Mưa
mưa gió gió đầy đường đầy tim
Đèn
xanh là giọt lệ chìm
Nhạc
vàng khói thuốc nổi nênh ngàn trùng
Vẫn
về vô thủy vô chung
Nhớ
thương là trận bão lòng bao la
Vắng
ai ngày vắng đêm xa
Sài
Gòn mưa vẫn thiết tha xuống người
Rồi
tiếp tục rong rêu giữa nhộn nhịp phồn hoa phố hội, thi sĩ Trần Đới với tướng
người cao lớn, bồng bềnh mái tóc dài đạo sĩ xỏa kín bờ vai, đặc biệt nổi bật
trên khuôn mặt phương phi hảo hán là bộ râu dài quai nón rậm rạp như thi sĩ Wart
Whitman. Chàng khoác trên vai cây đàn măngdolin cũ kỹ và một túi thơ bạc màu
sương gió dãi dầu, thường xuyên lội bộ và lội bộ suốt đêm ngày như một gã cuồng
say thơ say nhạc, say mộng say mơ, say rượu hồng nhan chuếnh choáng, lu bù quán
nhậu vĩa hè khề khà đánh chén lai rai túy lúy cùng bọn văn nghệ sĩ, đọc thơ sang
sảng vang động khắp phố đỏ phường xanh. Thỉnh thoảng ghé Đại học Vạn Hạnh thăm
viếng Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Phạm Thiên Thư, Trần Xuân Kiêm, Nguyễn Hữu
Hiệu…Khuya về ngủ nhờ ở trọ nhà bạn bè, thường lê la qua các chùa chiền, tịnh
xá, nhất là chùa Kỳ Viên của sư Viên Minh, nằm mắc võng đong đưa giữa hai tàng
cây lá sa la xanh vàng mộng biếc :
Chùa
Kỳ Viên chùa Kỳ Viên
Nắng
về giăng võng nằm nghiêng góc chùa
Sầu
sầu nhìn ngọn lá trưa
Gió
bay ngang võng xa mờ tiếng ru
Ai đi
ngàn hướng mịt mù
Ta
nằm trong giọt nắng thu nở vàng
Sài
Gòn nẻo dọc đường ngang
Ngàn
sau bước cũ ai còn lại qua
Trưa
sầu chiều nhớ mai xa
Biệt
ly dậy giữa lòng ta muôn trùng
Nắng
chia bốn biển năm rừng
Ta
nằm uống giọt rưng rưng góc chùa
Chùa
phố chùa quê, chùa biển chùa núi, những ngôi chùa, tịnh xá rải rác đó đây dọc
khắp ven đường lang bạt kỳ hồ luôn luôn tỏa bóng mát từ bi che mát bóng đời thi
sĩ ngao du. Thế rồi bao mùa mưa nắng quặn hồn đau lữ thứ, bao tháng năm dài cuồn
cuộn trôi qua với biết bao bão tố cuồng phong, dâu biển đoạn trường, bước đi của
thi sĩ vẫn quá mộng bồng bềnh lênh đênh trên ngút ngàn viễn xứ mười phương.
Đường của thơ là những nẻo đường ngược gió, là bến khói bờ mây ngây ngất chập
chùng. Vũng Tàu, Long Hải bỏ lại sau lưng, lên rừng cao nguyên Lâm Đồng,
Đà Lạt, xuống dọc vùng ven biển Nha Trang, Đà Nẵng, Hội An… Cuộc lữ thi ca trùng
trùng những ngã năm ngã bảy chập chùng nơi cõi lạ :
Đã về
đất nắng sao bay
Cánh
hồng hoang vắng tự ngày bể dâu
Khóc
xưa xuân đã qua cầu
Dòng
thu phai mộng còn ngầu thanh âm
Đá
vàng ngọn bấc khua trầm
Khêu
hồn lửa rộng tháng năm chảy dài
Bước
mòn đầu thuở man khai
Nguồn
văn nẻo tưởng quanh ngoài núi sông
Lê
thê gió tộc mây dòng
Bờ
hoang bến lạ còn trong nổi chìm
Níu
ngày sầu hoảng qua đêm
Trăm
năm mộng bước ngoài thềm tử sinh
Sinh
tử đại sự, vấn đề sống chết là việc lớn nhất trong cuộc đời cần phải giải quyết
một lần cho rốt ráo thì mới mong được tự
tại tự do. Vì thế cho nên, sau những dặm dài cô lữ, sau những
chuyến viễn hành rờn rợn máu xương da cóng buốt miền tuyệt lộ, vào năm 1989 nhà
thơ phiêu lãng dừng gót giang hồ ở thiền viện Thường Chiếu, phát tâm xuất gia
học thiền với thiền sư Thanh Từ, một bậc cao tăng thời hiện đại.
Từ đây Trần Đới có pháp danh Thông Bác. Thế là cửa không tịch mở ra, toàn
nhiên hiển lộ một thứ ánh sáng huy hoàng khác lạ phi thường, tương dung tương
nhiếp, tương nhập vào cảnh giới tự tâm tự tánh thanh tịnh rỗng rang, mở ra những
phương trời thênh thang bát ngát ban sơ :
Trở
về nghe máu trong tim
Giọt
trôi loãng tháng giọt chìm đỏ năm
Giọt
không màu sắc đang rằm
Vàng
trăng có giọt chẳng tăm hơi gì
Trở
về cùng gặp lối đi
Xưa
sau mỗi bước hồi quy đang là
Quê
mình tỉnh tại bao la
Tâm
dừng tánh lặng gặp ta nằm cười
Trở
về với thực tại hiện tiền, với cái đang là luôn luôn mới lạ nên nhà thơ reo vui
trên cung bậc hân hoan sáng tạo, ngôn ngữ thi ca bây giờ chuyển nhịp muôn chiều
phiêu nhiên hào phóng, óng ánh rực màu thanh sắc lặng trầm mà nhẹ bổng bồng
tênh :
Thênh
thênh lặng lẽ một bầu
Ta
trong ngọn lá xanh màu thiên thu
Ví
dầu trời đất phù du
Ta
trong hư ảo tuyệt trù pháp thân
Hương
ngàn gió thoảng tơ xuân
Nắng
yên mấy vạt giữa rừng vạn hoa
Xuân
qua ta lại về ta
Giữa
lòng vũ trụ gần xa một mình
Nhìn
lên cây cỏ xuân nghìn
Mù
sương bắc đẩu hóa hình biển khơi
Tuyệt
tình xuân giữa môi cười
Mắt
xanh vạn thuở về ngồi thênh thênh
Mắt
xanh vạn thuở làm gợi nhớ bài thơ của một thiền sư mây trắng nào đó vẫn hoài
đồng vọng ngân nga :
Bình
bát cơm ngàn nhà
Thân
chơi muôn dặm xa
Mắt
xanh xem người thế
Mây
trắng hỏi đường qua
Con
đường mây trắng lồng lộng phong quang ngút ngàn khiến cho hồn thơ phấn chấn cảm
nhận bằng trực giác bén nhạy, nhảy tung vào cảnh giới tâm nội tối thượng thừa tuyệt hảo vô ngần
bất khả tư nghì, đến độ vô ngôn thuyết, vô ngôn thuyết mà thôi. Tuy nhiên thi sĩ
vẫn ghi lại thành những tác phẩm văn nghệ thi ca như Đá vọng, Tông thừa tụng,
Thi hóa Sử 33 vị tổ Thiền tông Ấn Hoa, Ngụ ngôn thiền, Yên Sơn trẩy hội, Nắng
nhạt qua bờ, Mộng thực, Tùy duyên, Hiền nhân, Hành trạng tâm linh…tràn đầy chất
thiền vị, thấu thị chính mình trong nhịp thở sinh động khôn dò của bầu không khí
tự do vô quái ngại. Phải chăng nhà thơ đã liễu nhập thấm nhuần lãnh hội được bản
thể nguồn tâm vi diệu ? :
Liễu
xanh hoa thắm cùng về
Cùng
đi giữa cội nguồn mê tỉnh toàn
Thầm
trao chừ đó dung nhan
Xưa
như vũ trụ xanh vàng thậm thâm
Phó
ngoài thành Phật Oai Âm
Tọa
trong thầm nhận Pháp thân vĩnh hằng
Truyền trao Thầy Tổ một lần
Đời
đời kiến Phật tưng
bừng khai hoa
“Hoa
khai kiến Phật ngộ vô sanh” rồi thì tự nhiên nhảy vào Hoan hỷ địa vô phân biệt
trí, diệu quan sát trí, tha hồ tùy duyên tùy thuận tất cả mọi sự ở đời, xem như
một cuộc đại hòa điệu chơi, thi sĩ biến thành hài nhi ca hát hồn nhiên :
Hài nhi từ thuở qua miền
Sóng
treo đầu ngọn gậy thiền phong ba
Chân
tình đất rót vào da
Hương
người vắng một bài ca muôn trùng
Hoa
cầm miệng mỉm viên dung
Tiếng
chày xuyên đá một lần rồi thôi
Một
lần kiến tánh, thấy được tánh không của vạn pháp là mỉm nụ cười viên dung vô
ngại, tuy chưa đạt đến cảnh giới siệu việt đó, nhưng thi nhân vẫn thong dong
thõng tay vào phố chợ tấp nập xô bồ như dạo cảnh Tịnh Độ Niết Bàn rỗng lặng
thênh thang. Bước chân thi sĩ nhẹ nhàng thanh thản trong một trạng thái an lạc
ca hát hoan say :
Cười
xòa nắng mới trên cây
Biếc
xanh thiên nhạc rót ngày tinh khôi
Nắng
xuân hé dựng trán người
Về
thênh thang cõi dát lời vào thơ
Phố
hương nẻo mộng giang hồ
Cỏ
cây chợt bước qua bờ ảo hương
Tiếng
lòng giăng bủa quê hương
Chuông vàng nhạc dạo ướp ngàn lá hoa
Hoa lá thanht tân gần xa nhã nhạc vọng vang khắp chốn bụi hồng, đồng thanh tương
ứng từng bước thượng thừa trên cung bậc Nhất Như tâm cảnh xanh vàng tím đỏ viên
dung.
Một lần cửa nẻo tâm hồn mở toang là thênh thang muôn chiều diệu dụng vô
ngần :
Mở
toang cửa nẻo một lần
Ngoài
trong chẳng dính mảy trần bóng mây
Mặt
trời sáng rực trên cây
Bốn
phương gió mát thổi đầy tòa cao
Hồ
trong ánh sáng dạt dào
Thênh
thang đồng nội cỏ chào hương hoa
Đồng
bày hải ấn sum la
Nơi
nơi diệu dụng chơn cơ bình thường
Nhất
như tâm cảnh trên đường
Mảy
trần chẳng lập rõ ràng vô dư
Với
phong thái tự tại phiêu bồng, tiêu dao vô sự, nhà thơ nghiêng vai quảy túi càn
khôn vũ trụ, đi giữa mười phương vô sở trú với một tấm lòng không biên giới,
vượt ngoài không gian và thời gian để rong chơi giữa phù vân nhân thế :
Nơi nào cũng một hương quê
Một tâm vũ trụ bốn bề thời không
Mười phương chung
một tấm lòng
Ba đời một cõi vô cùng trước sau
Ba
đời là quá khứ, hiện tại, vị lai đều gặp nhau giữa cái đang là, ngay bây giờ và
ở đây, ngay trong trái tim nhịp thở với trời mây nhật nguyệt cùng ru điệu du
dương, thư thả hòa hài :
Trái trời trái đất ru
nhau
Trái tim chung thủy qua cầu sắc
không
“ Sắc tức thị không, không tức thị sắc” là cốt tủy
của Tâm Kinh Bát Nhã đã tiêu dung vào hồn thơ một cách diệu kỳ. Đó là lý Bất
Nhị, bình đẳng đến chỗ Nhất Như, chẳng còn phân biệt nào giữa không và có, khổ
và vui, luân hồi và Niết Bàn, chợ búa và đạo trường, phiền não và Bồ Đề, vô minh
và Phật Tánh. “Tánh thực vô minh tức Phật Tánh” thiền sư Huyền Giác đã phát biểu
như vậy trong Chứng đạo ca. Cảm nhận thấy ra và trực ngộ được điều đó nên thi
nhân tha hồ cất bước hân hoan :
Về
không là vũ trụ toàn
Hoa
trăng vườn nắng xuân thường đất tâm
Thảnh
thơi ngọn gió trong ngần
Thoảng quanh thế kỷ tri âm hiện tiền
Nẻo
về lặng sáng bản nguyên
Bản
tâm chư Phật bí truyền Tổ khai
Mặc
cho gió bụi reo ngoài
Nguồn
trong Pháp Nhãn chẳng lời là thơ
Là
thơ là nhạc vang lên phóng khoáng từ cõi tịch mịch vô ngôn, nơi chốn miền không
có đâu mà vô cùng thâm thúy trong tận đáy linh hồn :
Chơn
Không tủy của Phật Đà
Chảy
trong pháp thể bao la vạn loài
Trở
về tự kỷ mà soi
Cội
nguồn ngũ uẩn chẳng nơi chốn nào
Thênh
thang vô tướng nhiệm mầu
Tâm
không vin cảnh cảnh nào đến tâm
Thiền
nguyên bặt dấu truy tầm
Hiện
tiền rỗng suốt chẳng lầm ngoài trong
Chẳng
gì chẳng phải vô công
Vô tư
dụng hạnh nơi không buộc ràng
Phật
là tánh sống tỉnh an
Bình
thường tâm pháp sống đang là thiền
Ngộ
liền thực tại y nguyên
Tử
sinh chẳng chốn trọn miền Chơn Không
Chơn
Không mà diệu hữu, cho nên thi sĩ Trần Đới dù bây giờ là thiền sư Thông Bác rồi
vẫn tiếp tục làm thơ, vẫn sáng tạo và sáng tạo vô vàn trên vạn nẻo đường thông
lộ ngao du như thiền
sư thi sĩ Basho Nhật Bản :
Một
lữ khách
Tên
tôi là như thế
Giữa
nhân gian này
Gậy thiền gõ nhịp vang âm trầm lắng qua khắp mọi miền thiên địa phiêu lưu, dấu
chân biển núi chẳng lưu lại vết tích gì ngoài những vần thơ ẩn hiện linh diệu
như khói như sương. Viễn phương ca trên lộ trình
thênh thang hành cước, xuyên suốt miền Trung rồi ra tận miền Bắc xa xôi, ghé Hà
Nội, Hà Tây lên Phú Thọ, Vĩnh Phúc xuống Hải Dương, Quảng Ninh…Bước chân chập
chùng trèo lên đỉnh ngàn Yên Tử mông mênh :
Một
trăm công án trèo lên
Hai
bên là lá dưới trên là đường
Cội
nguồn ngàn kiếp mù sương
Suối
về hát giọt vô thường trong veo
Trèo
lên Yên Tử con trèo
Nẻo
Cha xưa vượt trăm đèo trăm mây
Qua
bờ thực tại là đây
Giữa
con giữa đá giữa cây lá về
Bốn
bề thăm thẳm muôn bề
Vẫn
trong giọt nhựa Bồ đề trong con
Quê
Cha đất Mẹ vẫn còn
Cho
con về tới cội nguồn tâm linh
Tâm
linh hiển hiện ngời ngời trên ánh mắt trong từng sát na
diệu hữu. Thấy và thấy mây thơ lãng đãng bay về trổ bừng thanh thoát một nụ cười
lấp lánh vĩnh hằng cái mặt mũi xưa nay :
Cheo
leo vách đá cửa rừng
Giọt
sương lãng đãng nở bừng núi mây
Trăng
bừng mộng xanh bừng cây
Vút
veo ải gió lay ngày triền nghiêng
Lên
cao một khúc gậy thiền
Ngàn
năm trúc mọc trúc Yên Tử ngồi
Ngàn
năm sương khói bồi hồi
Rưng
trong giọt gậy mắt người bản lai
Bản
lai diện mục hay mặt mũi xưa nay vốn là như vậy như vậy, như thế như thế, thấy
là thấy ngay lập tức, còn không thấy thì cứ việc không thấy thế thôi. Chẳng hề
chết chóc ai cả mà vẫn sống một lần đầu tiên và cuối cùng trên trái đất lăn quay.
Kẻ
viết bài này cũng là một du sĩ lang thang, vì thế đi đến tận chân trời góc bể
nào rồi thì cũng đều gặp gỡ trùng phùng thi sĩ Trần Đới như đã nhiều lần gặp gỡ
ở Vũng Tàu, Đồng Nai, Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, Lăng Cô, Hội An…Có một lần tao ngộ
ở Huế cùng ngủ lại chung một đêm hát hò văn nghệ tàn khuya tại nhà Hải Tuệ, bên
bờ sông Hương thơ mộng, tôi có ngâm nga riêng tặng thi sĩ một bài thơ :
Tảo
mộ lênh đênh từ vô thủy
Đi về sương khói cõi vô chung
Tóc râu gởi lại cho râu tóc
Bầu rượu lưu linh cũng trao cùng
Bùng vỡ cái thân ồ bèo bọt
Vốn là duyên hợp với duyên tan
Duyên sinh như huyễn đâu thực có
Giả tạm mà thôi chớ mơ màng
Bùng vỡ cái tâm ồ hư vọng
Vọng tưởng thương yêu lẫn hận thù
Trăm năm rồi cũng chừng ấy chuyện
Nghìn thu chỉ một thoáng phù du
Thân tâm chuyển hóa trong một niệm
Chao ơi ! Trời đất bỗng thành thơ
Từ đây mây trắng ngàn mây trắng
Phiêu
du vạn dặm khắp muôn bờ
Tâm Nhiên
Thơ
Trần Đới trích trong các tác phẩm :
Tảo mộ lênh đênh. Nhà xuất bản An Tiêm, Sài Gòn 1973
Trăm năm đèo biển Lăng Cô. Nhà xuất bản Tổng Hợp,
2006
Đá vọng. Nhà xuất bản Tổng Hợp, 2007