Minh Thạnh
Mới đây, tại Nghệ An, đã
xảy ra vụ việc được coi là “vi phạm pháp luật” có liên hệ đến một tôn giáo.
Chúng ta không bàn luận
chuyện của tôn giáo khác, vì vậy, vấn đề được xem xét từ góc độ ổn định xã hội,
trong bối cảnh hoạt động tôn giáo nói chung, và như vậy có liên hệ đến Phật giáo.
Sự việc ở Nghệ An, xét
về bề mặt, không liên hệ gì đến Phật giáo. Nhưng đi vào chiều sâu, thì nó vẫn có
liên hệ đến Phật giáo. Đó là hệ quả của quá trình thiểu số hóa Phật giáo Việt
Nam, một quá trình đã diễn ra từ lâu, và ngày càng bộc lộ các kết quả tiêu cực,
tất nhiên trước hết, đối với Phật giáo, và đồng thời, đối với toàn xã hội.
Sự việc ở Nghệ An, tất
nhiên, không thể chỉ xét riêng ở sự việc đó, mà đó là một sự việc trong chuỗi
các hệ thống sự việc đã diễn ra ở miền Bắc, từ vụ đòi đất ở Hà Nội, đến vụ việc
ở Quảng Bình, rồi trở lên Nghệ An với nhiều điểm nóng có liên hệ đến tôn giáo.
Điểm lại các địa phương
đã xảy ra những vụ việc tương tự, chúng ta thấy có một điểm chung. Đó là những
nơi Phật giáo đã trở nên giáo thiểu số.
Theo kết quả thống kê
dân số Việt Nam năm 2009, biểu 7, “Dân số chia theo thành thị/nông thôn, giới
tính, tôn giáo, các vùng kinh tế xã hội và tỉnh/thành phố, 1/4/2009” thì:
-
Tại Hà Nội, tín đồ Phật giáo là 99.398,
tín đồ Công giáo là 155.768 người.
-
Tại Quảng Bình, tín đồ Phật giáo là 521,
tín đồ Công giáo là 91.608 người.
-
Tại Nghệ An, tín đồ Phật giáo là 989, tín
đồ Công giáo là 232.906 người.
Qua các con số thống kê
nêu trên, chúng ta có thể thấy rõ, tại các địa phương có xảy ra những vụ việc
bất ổn liên quan đến một tôn giáo (không phải Phật giáo), thì Phật giáo đã là
tôn giáo thiểu số. Đặc biệt, mức chênh lệch là rất lớn, như ở tỉnh Quảng Bình,
Phật giáo chỉ có 521 tín đồ, và ở tỉnh Nghệ An, Phật giáo chỉ có 989 tín đồ. Với
số tín đồ chỉ ở mức 3 con số hàng trăm như thế, tất nhiên, cơ sở Phật giáo ở các
tỉnh trên là không đáng kể, và ảnh hưởng của Phật giáo đối với xã hội không
tránh khỏi tình trạng hết sức mờ nhạt.
Ghi nhận mối liên hệ
giữa thực tế thiểu số Phật giáo ở Hà Nội, đặc biệt là ở Quảng Bình và Nghệ An,
đối với những sự việc bất ổn có liên hệ đến tôn giáo ở những địa phương nói trên
là việc cần thiết để lý giải và tìm hướng giải quyết vấn đề. Thiểu số tín đồ
đồng nghĩa với sự suy yếu Phật giáo. Kết quả tất nhiên của sự suy yếu là Phật
giáo ở các tỉnh trên không thể có những đóng góp hữu hiệu vào hoạt động ổn định
xã hội. Đặc biệt, ở các tỉnh như Nghệ An, Quảng Bình với con số tín đồ như thế,
tiếng nói Phật giáo trở nên không đáng kể nữa.
Môi trường như thế, phải
chăng, là không có lợi cho ổn định xã hội, hoạt động tôn giáo trở nên mất cân
đối, và một tình trạng như chúng ta đã thấy, đã hình thành?
Nhìn nhận vấn đề như vậy,
thì sự ổn định xã hội nhất là ở những lãnh vực liên hệ đến tôn giáo sẽ tỷ lệ
thuận với sự gia tăng tín đồ Phật giáo ở những địa phương nói trên, trước mắt là
cải thiện tình trạng cả tỉnh chỉ có mấy trăm tín đồ Phật giáo, mức chênh lệch
tín đồ tôn giáo lên đến cả trăm lần. Nâng cao vị thế của Phật giáo ở những địa
phương như vậy là nâng cao sự hài hòa tôn giáo, nâng cao mức ổn định xã hội.
Tiếng nói tôn giáo sẽ có tiếng nói của Phật giáo, tiếng nói của sự ôn hòa, đoàn
kết, đồng hành, gắn bó cùng dân tộc, thay vì tiếng nói của riêng một tôn giáo
nào.
Vì vậy, điều cần thiết cho ổn định xã hội là hỗ trợ
để Phật giáo phát triển, xóa bỏ tình trạng thiểu số với mức chênh lệch rất lớn
như hiện nay ở những địa phương đã từng là điểm nóng tôn giáo, thiết lập
tình trạng cân đối về tôn giáo.
Phía Phật giáo Việt Nam
cũng cần nhận thức về tình trạng thiểu số Phật giáo ở mức chênh lệch rất lớn ở
một số địa phương, để từ đó đẩy mạnh hoạt động hoằng pháp ở những địa phương đó.
Thống kê chính thức cho thấy, có những tỉnh Phật giáo, tôn giáo truyền thống của
dân tộc, không những đã là tôn giáo đứng hàng thứ 2, mà lại còn có số tín đồ ít
hơn tôn giáo khác đến cả hàng trăm lần.
Đối với những địa phương
như vậy, cần xác định đó là những trọng điểm hoằng pháp đặc biệt, với những nỗ
lực tối đa, không thể chỉ coi như là tương tự với các địa phương khác.
Sự phát triển của chính
Phật giáo cần được ý thức là sự đóng góp cho ổn định xã hội, Phật giáo Việt Nam
cần xác định trách nhiệm như thế. Cho nên, hoằng pháp, nhất là tại các địa
phương như trên, bên cạnh hoằng pháp vì Phật giáo, còn là hoằng pháp vì lợi ích
xã hội, vì lợi ích đất nước.
Phật giáo không thể có
vai trò trong việc góp phần ổn định xã hội nếu Phật giáo suy yếu. Sự gắn bó giữa
Phật giáo với đất nước cũng sẽ trở nên không có ý nghĩa ở các địa phương tín đồ
Phật giáo chỉ có… mấy trăm người! Vì vậy, chắc chắn hơn lúc nào hết, cần đến sự
phát triển của Phật giáo cho sự ổn định xã hội.
MT