Vĩnh Hảo
Học Phật là học con đường trở về
với chân tâm, với Phật tánh—vốn hàm tàng nơi chính mình và tất cả chúng sinh.
Con đường ấy dài hay ngắn, lâu hay mau, là tùy nơi căn cơ và điều kiện nhân
duyên của mỗi người, mỗi loài. Và bởi vì đó là con đường, hành giả phải bước đi,
từng bước vượt qua những chặng mốc của không gian, thời gian và tâm thức, vượt
qua những bước cũ và chốn xưa, vượt qua tất cả, cho đến khi không còn nơi chốn
hay thời điểm nào để đặt bước chân tối hậu. Con đường như thế, gọi là con đường
xả ly, con đường giải thoát, con đường giải thoát tri kiến, con đường không
đường, con đường không chỗ đến. Đặt bước chân trên con đường ấy, Thiền tông gọi
là bình thường tâm, vô tâm; Tịnh độ tông gọi là nhất tâm (bất loạn); Mật tông
gọi là thai tạng giới (mạn-đà-la); Thiền sư Huệ Năng gọi là vô niệm; kinh Kim
Cang gọi là vô trụ, vô sở trụ; kinh Đại Bát Nhã gọi là bất nhị, là không—và vì
đặc tính của các pháp là không nên không có gì gọi là tri kiến hay trí tuệ, cũng
không có gì được gặt hái, không có gì gọi là đạt thành.
Suy ra, một khi chúng ta tự mãn,
dừng chân ở những điểm đến, bám víu vào những điểm tựa, hài lòng với những thành
tựu, thì chúng ta chưa phải là người học Phật đúng nghĩa.
Học Phật không nhất thiết là trong
một đời phải chứng thành đạo quả như đức Phật, dù rằng ai cũng có khả năng để
đạt được điều ấy như đức Phật từng tuyên bố. Chỉ đơn giản là phải thực hành hạnh
xả ly, hạnh vượt qua (ba-la-mật), trên con đường hướng về Phật quả. Tuệ giác của
Phật khởi đi từ hạnh xả ly. Không có xả ly thì không có giải thoát. Không có xả ly thì cũng không có gì gọi
là tuệ giác. Xả ly là dụng công của người học Phật; thể của nó là giải thoát.
Từ khi hành điệu với đầu xanh để
chóp cho đến khi lông mày bạc phơ rũ xuống hai gò má nhăn nheo, Sư cụ đã
học Phật một cách lặng lẽ non một thế kỷ nơi ngôi chùa lớn nhất thành phố.
Trong cương vị trụ trì, hiếm người sống đơn giản dung dị như Sư cụ. Một căn
phòng nhỏ, chiếc giường gỗ nhỏ, một vài cuốn kinh trên kệ sách nhỏ, một ghế xích
đu phủ manh chiếu rách. Sư cụ là hiện thân của một trưởng lão tỳ kheo phạm hạnh,
bần hàn, ngay nơi thị thành phồn hoa nhiệt náo. Kinh qua bao nhiêu thăng trầm
lịch sử của ngôi chùa, của đất nước, Sư cụ vẫn vậy, vẫn là hành giả học Phật
khiêm hạ sót lại từ thế kỷ trước. Có chút tiền là mua hoa quả cúng Phật, mua
thực phẩm, thuốc men, đích thân đến bệnh viện biếu tặng những người khổ bệnh,
nghèo đói. Bàn tay lần chuỗi không ngơi. Mắt từ trao gửi nhân thế. Chưa từng một
lần cao đăng pháp tòa thuyết kinh giảng luật, mà bóng Sư cụ đã che rợp cả bầu
trời quê hương, bảo bọc bao thế hệ hậu bối. Nhìn Sư cụ là thấy con đường xả ly,
thấy cả khung trời tự tại giải thoát. Nếu chưa hiểu thế nào là học Phật đúng
nghĩa, chúng ta có thể chiêm nghiệm cuộc đời của vị lão tăng ấy.
Cuộc đời của Sư cụ đã nói gì? – Học Phật, là học làm Phật. Đơn
giản như thế.
Thành kính cúi lạy lão tăng vừa
chống gậy lên đường tây qui.
Nghiêng mình cúi lạy những người
học Phật và tất cả những vị Phật tương lai.