Truyện 1.171 chữ của HOÀNG CÔNG DANH
Trong một bệnh viện lớn ở miền Trung, tầng sáu là khoa “nguy
hiểm”. Bệnh nhân vào đó thì chuyện sống chết đều có khả năng như nhau. Thậm chí,
người ta bảo mười người vào nằm tầng sáu thì chỉ sống có hai. Và hai người đó
nếu may mắn sống cũng tàn phế, mất trí nhớ hoặc thành người thực vật.
Tất cả bệnh nhân ở tầng sáu đều phải cởi hết áo quần, tay chân
buộc vào thành giường và có chế độ chăm sóc đặc biệt của các bác sĩ. Người nhà
của bệnh nhân nằm ở tầng sáu không được túc trực bên cạnh mà phải thường trực ở
dưới tầng một suốt hai mươi bốn tiếng mỗi ngày. Sẽ có loa gọi khi bác sĩ cần.
“Mời người nhà bệnh nhân A lên tầng sáu”. Chỉ một câu ấy thôi mà khiến cho người
nhà nhói tim sợ hãi. Người nhà hấp tấp leo lên tầng sáu, hoặc là nhận giấy để đi
mua thuốc, hoặc sẽ được báo tin dữ là không thể chữa trị được, cho về nhà để lo
hậu sự. Chỉ có hai khả năng ấy.
Tiền lo cho bệnh nhân nằm tầng sáu là khó đếm. Thân nhân ở dưới
tầng một ngồi chờ phải luôn sẵn sàng một số tiền lớn để dùng ngay lúc có loa gọi
báo. Đi một lượt qua khu vực đợi ở tầng một sẽ luôn bắt gặp những khuôn mặt lo
âu, sợ hãi. Những mặt người khắc khổ, già khụ đi sau mỗi ngày, cứ như thể đấy là
người bệnh.
Sáng hôm ấy, có một người đàn ông đi qua chỗ khu vực đợi ở tầng
một. Người đàn ông tầm bốn mươi tuổi, ăn mặc khá giản dị. Ông bắt chuyện với
thân nhân, hỏi han tình hình người bệnh và hoàn cảnh gia đình. Xong ông dúi vào
tay người nhà một phong bì rồi đi. Lần lượt các sáng hôm sau ông lại đến. Lại
hỏi han và không quên gửi một phong bì rồi đi.
Khu vực đợi tầng một nhao nhao lên chuyện bất ngờ, không biết ông
ấy là ai mà xử sự lạ như vậy. Người nhận phong bì đầu tiên cứ ngỡ là mơ. Vài
người góp chuyện bảo coi chừng bị lừa. Ở bảng thông tin có dán mấy tờ thông báo
đề nghị thân nhân cẩn thận với các chiêu lừa đảo. Nhiều kẻ giả dạng quan tâm hỏi
han rồi tìm cách móc hết tiền của người ta. Chuyện vẫn thường xảy ra ở những nơi
công cộng. Đặc biệt ở bệnh viện, nơi mà người nhà túng quẫn thường hay tin bậy
bạ và rất dễ bị lợi dụng.
Những bì thư của ông có cái năm trăm ngàn đồng, có cái lên đến
năm, mười triệu. Ban đầu người ta nghi ngại, nghĩ có khi tiền giả. Đem vào quầy
thu viện phí kiểm tra thấy đúng là tiền thật. Lại có người sợ trong phong bì có
tẩm thuốc thôi miên, như chiêu lừa xảy ra ở các điểm giao dịch thẻ ATM.
Ông vẫn đều đặn đến khu vực chờ tầng một. Vẫn chân tình hỏi han
động viên, bằng lời nói và cả tiền bạc. Cứ như người trên trời rơi xuống. Đâu dễ
có người tốt đến vậy. Hẳn là có căn cớ chi đây.
Lo là lo vậy nhưng số tiền trong bì thư được người nhà sử dụng,
lúc túng quẫn có tiền thì cứ dùng đã. Và không ít người nhờ số tiền đó đã cứu
được người thân của mình.
Báo chí đưa tin cách đây mươi hôm, tức là trước ngày người đàn
ông kỳ lạ vào khu vực đợi trong bệnh viện, có một máy ATM trong thành phố bị mất
trộm. Kẻ xấu đã dùng thủ thuật và lấy hết số tiền chứa trong đó, gần một tỉ
đồng. Công an đã điều tra nhưng vẫn chưa có được manh mối, tên trộm quá tinh vi
nên không để lại bất cứ dấu vết nào.
Người đọc báo đầu tiên có trí tưởng tượng phong phú và óc xâu
chuỗi, đưa ra một giả thiết rằng có thể người đàn ông kia là tội phạm đã lấy cắp
tiền ở máy ATM, rồi vì ân hận áy náy mà đem ra ban phát cho mọi người.Giả thiết
nghe có vẻ cũng chí lý và được đồn ra khắp khu vực đợi.
Đúng cái ngày tin đồn bùng phát, công an đã phong tỏa khu vực
bệnh viện. Công an mặc thường phục, len lỏi giữa khu vực tầng một để theo dõi.
Nhưng ngày hôm đó người đàn ông không đến đấy nữa. Giả thiết lại
được củng cố thêm, và nhiều người khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng ông ta
chính là thủ phạm đã trộm tiền ở máy ATM.
Vài nhà báo dựa vào tin đồn đã không ngần ngại làm hẳn một phóng
sự ly kỳ về chuyện này. Báo giật tít: “Trộm tiền rồi đi làm từ thiện”. Một cái
tít rất hấp dẫn và làm tăng lượng phát hành của báo. Báo càng được bán nhiều ở
nơi khu vực đợi này. Người ta nhao nhao lên, và lại đồn nhau rằng nếu phát hiện
ra tên kia hẳn sẽ được tặng thưởng một khoản kha khá. Nhiều người đợi chờ ông ấy
còn hơn là đợi tin người nhà khỏi bệnh.
Cũng lại là báo chí đưa tin cách đây mươi hôm, tức là trước ngày
người đàn ông kỳ lạ vào khu vực đợi trong bệnh viện, có một người trong thành
phố trúng vé số độc đắc, người ấy phát nguyện sẽ dùng toàn bộ số tiền để làm từ
thiện.
Lại thêm một giả thiết được đưa ra, người trúng số chính là cái
ông thường xuyên lui tới khu vực đợi ở tầng một. Ừ, chắc đúng rồi, vì không dễ
gì có người lại hào phóng đến như vậy, chỉ có trúng số độc đắc mới thế thôi. Như
cách san sẻ may mắn mà lâu nay bất cứ người trúng số nào cũng phải làm.
Hai luồng thông tin, hai giả thiết nghe chừng đều rất có lý.
Nhiều người tranh luận và bảo vệ cho cái giả thiết mà mình cho rằng đúng. Nhưng
chưa ngã ngũ vì không có thông tin chính thống.
Có một người đàn ông đã đem toàn bộ số tiền của mình đi giúp đỡ
những người nghèo khó, bệnh tật. Ông ấy bị ung thư giai đoạn cuối. Đây là sự
thật nhưng báo chí không viết nên mọi người không thể biết. Báo chí không viết
vì người đàn ông kia đi làm từ thiện một cách lặng lẽ.
Giữa một xã hội mất mát niềm tin thì lòng tốt vẫn thường hay bị
nghi ngờ như vậy. Có gì lạ đâu.