Người Phật tử còn đang tại thế nghĩa là còn đang sống
với đời không thể nào tách rời cuộc sống với việc tu hành để đạt thành đạo quả,
nghĩa là phải kết hợp hòa nhuyễn đạo và đời như Phật hoàng Trần Nhân Tông đã nói
trong Cư trần lạc đạo phú .
1. Công
đức của Bát Nhã Tâm Kinh:
Tiếp theo
là câu : Cố tri Bát nhã ba la mật đa, thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô
thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ, chân thật bất hư.
Nghĩa là : Cho nên biết Bát nhã Ba la mật đa là thần chú
lớn, là minh chú lớn, là chú vô thượng, là chú không gì sánh bằng, nên trừ được
tất cả khổ ách, chân thật không hư dối.
Chú là dịch chữ mantra trong tiếng Phạn, ta gọi là mạn trà. Theo nghĩa hẹp, mantra là những
lời cầu đảo, nghĩa rất bí hiểm khi đọc lên, có tác dụng biến hóa ra các hiện
tượng thiên nhiên, cả lành lẫn dữ.
Theo nghĩa rộng, và đích thực của nó, mạntra là cái làm cho ta
suy nghĩ, có công năng nắm giữ tóm thâu mọi nghĩa lý, làm tiền đề cho việc tham
khảo của ta, từ đó, đẻ ra mọi công đức, mọi diệu dụng. Trong nghĩa này,
mạntra thuộc một trong bốn thứ đà la ni, tức: pháp đà la ni, nghĩa đà la
ni, nhân đà la ni và chú đà la ni. Chữ chú trong bài kinh này thuộc loại chú đà la ni. Đà la ni là chữ tiếng Phạn là
dhàrani, dịch ra là Tổng trì,
nghĩa là cái sức giữ gìn không để cho
cái thiện pháp bị tán loạn, ngăn che không cho các ác pháp nảy sinh.
Ðại thần chú
nghĩa là chú thần lớn, tức có thần lực vĩ đại, có thể chuyển dời, thay đổi mọi việc. Phép tu quán
chiếu Bát nhã khêu sáng trí tuệ, Do đó, mà sinh tử trở thành Niết bàn, phiền não
chuyển thành Bồ đề, nên nói là đại thần chú. Thần chú trí
tuệ ấy chiếu phá vô minh, trừ dứt phiền não nên nói là
đại minh chú, nghĩa là chú cực kỳ
sáng chói. Cũng nhờ trí tuệ ấy mà chứng được Vô thượng
Niết bàn nên nói là vô thượng chú,
nghĩa là chú không có gì cao hơn nữa. Lại cũng nhờ trí
tuệ ấy mà chứng được vô thượng bồ đề, nên nói là vô đẳng đẳng chú, nghĩa là chú không có gì sánh bằng.
Vì phép tu quán chiếu Bát nhã có công đức
to lớn như thế, so với công đức của chú
Ðà la ni, hai bên ngang nhau.
Vì thế nên đức Phật đã tán thán và tôn xưng phép tu ấy như là thần chú.
Và vì có công đức như thế, cho nên trừ được tất cả thống khổ
ách nạn.
Cũng vì công đức ấy là công đức quả có trên hiện thực, cho nên
khẳng định lại một lần nữa rằng nó là chân thật, vì chẳng phải là dối, chẳng
phải là hư dối, là lừa gạt.
2. Ý nghĩa thâm diệu của Bát Nhã Tâm Kinh
Câu tiếp
theo và cuối cùng của Bát nhã Tâm kinh là : Cố thuyết Bát nhã Ba la mật đa chú, tức
thuyết chú viết: Yết đế, Yết đế, Ba la yết đế, Ba la tăng yết đế, Bồ đề Tát bà
ha. Dịch nghĩa là : Vì vậy nói ra
bài chú Bát nhã Ba la mật đa liền nói chú rằng: Yết đế, Yết đế, Ba la yết đế, Ba la tăng
yết đế, Bồ đề tát bà ha.
Cố thuyết Bát nhã Ba la mật đa chú nghĩa là cho nên nói chú Bát Nhã Ba la mật đa, điều
ấy cho ta hiểu rằng phép quán chiếu Bát nhã có công đức sánh
ngang với công đức của chú đà la ni, tất nhiên tác dụng vi diệu
của phép tu này cũng không thể nghĩ bàn được, Cho nên, cần thực hành lời chú Bát
nhã Ba la mật đa.
Tức thuyết chú viết, nghĩa
đen là liền nói chú rằng. Nhưng để
diễn đạt cái tác dụng linh ứng không thể nghĩ bàn ấy, tưởng nên dịch câu ấy là:
chú liền ứng rằng thì mới lộ hết ý sâu xa tàng ẩn
trong đoạn này, có hô thì lập tức có ứng. Và có như thế mới
gọi là linh, là huyền diệu.
Chú vốn là mật ngữ (lời bí mật). Ðã là bí mật, làm sao cắt nghĩa? Tuy nhiên, dựa vào sự cấu tạo, có thể suy đoán một cách thô sơ nghĩa
của một số chữ. Chẳng hạn như với câu chú này, nghĩa
của nó không đến nỗi khó khăn lắm.
Yết đế, tiếng Hán
dịch nghĩa là độ, chữ Phạn vốn
đọc là gate, có nghĩa là đi qua, vượt qua. Yết đế lặp lại hai lần có nghĩa là độ cho mình và độ cho người. Ba la yết đế, do chữ
pàragate, có nghĩa là đi qua bờ
bên kia. Ba la tăng yết đế, là do phiên âm chữ pàrasamgate, nghĩa là đi qua bờ bên
kia hoàn toàn. Bồ đề là giác ngộ. Tát bà ha do phiên âm chữ svàha có nghĩa là Ngài khéo nói. Toàn bộ câu đó
tiếng Phạm đọc như sau Gate Gate Pàragate Pàrasamgate Bodhi Svaha.
Như vậy, ý nghĩa của toàn câu chú có thể tạm dịch như sau :
Hãy vượt qua, vượt qua đi, qua bờ bên
kia đi, qua bờ bên kia hoàn toàn thì sẽ đạt đến giác ngộ. Ngài khéo nói như vậy.
Tạm dịch
nghĩa đen của bài chú như trên, nhưng công hiệu của chú hoàn toàn không phải ở
nghĩa hay lý. Vì thế, hiểu nghĩa hay lý đối với chú không ích lợi gì cả.
Ðiều cốt yếu khi tụng chú, là phải thành tâm. Càng thành tâm thì càng nhiều linh nghiệm, bởi vì công dụng hàng đầu
của việc trì chú là diệt niệm. Vọng niệm có diệt được
thì thân tâm mới khinh an. Do đó, mới có cảm ứng linh nghiệm bất khả tư
nghị. Riêng về chú Bát nhã trên đây, diệu dụng cứu
cánh là đưa ta mau lên bờ giác.
Trên đây
là những điểm trình bày để góp phần tìm hiểu Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh. Bản kinh
này do Đức Thế Tôn nói mà điều đẩu tiên Ngài nói đến vị Bồ tát Quán tự tại tức
Quán Thế âm rằng Bồ tát do hành trì một cách thâm sâu phép Bát nhã Ba la mật mà
thấy chân tướng của các pháp và đạt được vị quả bồ đề và các chư Phật ba đời đều
nương vào pháp Bát nhã Ba la mật đa để đạt đến giải thoát và giác ngộ tức chứng
được quả vô thượng bồ để và khuyên mọi người con Phật hãy mau mau tu chứng vì
kinh và chú Bát nhã rất là diệu dụng cứu cánh, giúp người tu hành mau lên bờ
giác.
Đã là Phật
tử thì ít nhất cũng biết đến một số kinh chú thường tụng hàng ngày nằm trong
cuốn
Kinh Chú Nhật tụng, trong
đó có ghi các bản kinh như Kinh A Di Đà, kinh Phổ Môn, Kinh Tám Điều, Kinh Bát
Nhã, Dinh Kược Sư, Kinh Sám nguyện, Kinh Vu Lan, Kinh Địa tạng v.v…tất cả các
bản kinh nhật tụng đó, trước khi tụng phần sám hối hay hồi hướng đều có tụng Bát
Nhã Tâm Kinh rồi sau đó có tụng đến chú vãng sinh. Vì sao như
vậy ? Vì Đức Phật muốn cho các Phật tử hiểu được con đường tu hành đi đến
giải thoát, giác ngộ phải vượt qua nhiều chướng ngại cần phải tụng Bát Nhã Tâm
kinh để Hãy vượt qua, vượt qua đi, qua bờ bên kia đi,
qua bờ bên kia hoàn toàn đi thì sẽ đạt đến giác ngộ
Có tụng
Bát Nhã Tâm Kinh mới mở lối cho ta sám hối những ác nghiệp trước
kia và mới có đủ duyên để hồi hướng về chư Thiện Thánh hiền, Già lam Hộ
pháp, Long thiên và cho mọi chúng sinh trong tất cả các cõi.
Đối với
những người tu theo Pháp Tịnh độ, tức là môn pháp đơn giản nhất và phù hợp với
mọi căn cơ của nhiều người, thì thường chuyên về niệm Phật. Các đạo tràng A Di
Đà tu theo pháp môn Tịnh độ, thông thường với một khóa công phu tu hành niệm
Phật chỉ tụng các nghi thức Kệ tán Phật, Quán tưởng, Lễ Phật rồi niệm Phật, sám
hối, hồi hướng, 12 lời nguyện, rồi Tam tự quy là kết thúc.
Thiết nghĩ, trong nghi thức này nên có thêm phần tụng Bát Nhã Tâm Kinh và chú
Vãng sinh thì đầy đủ hơn, sẽ đạt hiệu quả hơn trên đường tu chứng để đi đến ước
nguyện vãng sinh như đã phân tích ở trên.
Tất nhiên
là với điều kiện niệm Phật phải đủ tín,
nguyện, hạnh, phải chí thiết, chí thành, nhất tâm bất loan. Niệm Phật
trong công phu này phải đạt đến mức độ tâm niệm như bất niệm, đúng theo như pháp bất nhị
và tính không
trong Bát nhã Tâm kinh thì mới đạt được đạo quả. Còn niệm mà đầu óc còn vọng
tưởng, suy nghĩ miên man, thì ngược lại với ý nghĩa giáo lý của Đại thừa nói
trong Bát Nhã Tâm Kinh, mà mọi tông phái nào kể cả Thiền tông, Tịnh độ tông hay
Mật tông cũng đều phải nhắc đến.
Tất nhiên bất cứ mọi pháp tu nào cũng phải đạt đến tâm rỗng
lặng, đến tâm không, đến vô ngã và thực sự làm thay đổi con ngưởi tu hành.
Trước khi
đạt được đến độ có trí tuệ siêu việt để bước sang bờ bên kia, giải thoát và giác
ngộ tức thực hiện được Bát nhã Ba la mật đa thì tất nhiên người Phật tử phải đạt
được đến sự thay đổi trí tuệ và đạo đức, tính tình, thay đổi cái tâm, phải hiểu
rõ lý nhân duyên, luật nhân quả, biết được thân người là hiếm quý, cuộc đời là
vô thường, hiểu rõ những khổ đau trong luân hồi, thực hành được mười điều lành
tức thập thiện thể hiện trong cuộc sống thường ngày trong đời thường. ‘
Người Phật
tử còn đang tại thế nghĩa là còn đang sống với đời không thể nào tách rời cuộc
sống với việc tu hành để đạt thành đạo quả, nghĩa là phải kết hợp hòa nhuyễn đạo
và đời như Phật hoàng Trần Nhân Tông đã nói trong
Cư trần lạc đạo phú và như Đức Thế tôn đã dậy
Phật pháp bất ly thế gian pháp..
Trên đây
là một số suy nghĩ góp phần tìm
hiểu giá trị thâm diệu và nội dung giáo lý đạo học trong Bát Nhã Tâm Kinh.
Phạm Đình Nhân