o
Huệ Trân
Tôi thức giấc vì tiếng sấm, và rồi dăm tia
chớp lóe sáng bên khung cửa sổ.
Đồng hồ chỉ 4 giờ 30 sáng.
Tôi ngồi dậy, nhìn mưa qua khung cửa
kính. Chẳng thấy gì
nhiều ngoài mầu xanh thẫm của rừng thông đang thỏa thuê đùa giỡn cùng mưa.
Cả hai, dường như đang vui vẻ lắm! Mưa tuôn sối sả, thỉnh thoảng gầm gừ, lóe chớp như để rừng cây ngả
nghiêng rượt tìm, tựa trò chơi cút bắt.
“Chờ tôi với!”
Tôi thì thầm như thế, rồi bước xuống giường, pha một
bình trà. Cái ấm điện mà khi nước sôi, cũng reo vui như đun bằng củi lửa. Gói
trà sư huynh cho, tôi có mang
theo đây.
- Sư huynh sang quá, uống trà thượng hảo hạng
- Phật tử cúng dường chứ huynh mua hồi nào mà sang với hèn!
- Thế à? Vậy thì nói lại, sư huynh từ bi
quá, có trà ngon không để dành uống, mà lại cho muội.
- Từ bi gì! Tại lúc này hay khó ngủ, nên ít
uống trà.
Huynh đệ thường vui đùa thế thôi, chứ
Phật tử cúng dường món chi, cũng chia sớt cho nhau.
Nào ngờ, gói trà nhỏ theo
tôi lên núi. Xa chùa, xa thầy, xa huynh đệ.
Tôi đi để tìm tôi. Lá trà bỗng rưng rưng trong ngón tay nhón bốc, bỏ vào bình.
Chờ trà ngấm, tôi rót một tách, mở
cửa phòng, bước ra hiên trước. Hiên này có mái
rộng nên chỉ khi mưa thật lớn, với sự hợp sức của gió, nước mưa mới tạt vào.
Từ hàng hiên này, tôi có thể nhìn bao
quát suốt đồi cỏ xanh dẫn lên chánh điện. Bên trái, gần là tôn tượng Đức Thích
Ca chuyển pháp luân lần đầu, đang giảng Tứ Điệu Đế cho ngũ huynh đệ Kiều Trần
Như, xa hơn chút, là hồ sen đang đơm nụ, nơi tôn tượng Quán Thế Âm vời vợi giữa
đất trời; Bên phải là tôn tượng Đức Thích Ca đản sanh đang thanh thản bước bảy
bước hoa sen, xa hơn chút là tôn tượng Ngài Di Lạc đang cười đùa với trẻ con vây
quanh. Nơi đây, tôi cũng nhìn thấy gác chuông, nơi mỗi ngày, hai lần tôi thỉnh
đại hồng chung.
Tôi vừa nhấp ngụm trà đầu ngày là lúc gió tạt qua dùi chuông,
gióng lên một tiếng, vang động núi rừng trong cơn mưa tinh khôi
Lắng lòng nghe! Lắng lòng nghe!
Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm (*)
Có lần, tôi xướng kệ, trước khi thỉnh chuông thì tình cờ một
chiếc
xe chạy ngang. Rất ít khi có ai ngang đây, vì dọc
theo đồng cỏ, con đường sỏi nhỏ ngoằn ngoèo dẫn tới bờ sông là gia đình
hàng xóm cuối, cũng cách chùa non hai dặm. Người trên xe
bước xuống, đứng yên, ngước lên gác chuông. Tất nhiên, họ không hiểu được nội
dung bài kệ, nhưng điều gì khiến họ dừng lại và tỏ lòng thành kính thế
kia?
Còn tôi thì vẫn thong thả, sau mỗi câu kệ lại thỉnh một hồi
chuông. Khi tôi kết thúc:
Thỉnh chuông pháp thâm diệu
Tạo công đức vô biên
Đệ tử xin hồi hướng
Cho chúng sanh mọi miền (*)
thì
họ vẫn đứng yên. Tôi ra khỏi gác chuông, hướng về họ, chắp tay
xá. Họ đồng loạt chắp tay xá lại, rồi mới lên xe, đi
tiếp.
Lòng tôi thật ấm áp.
Một điều gì rất gần gũi, thân thương và mầu nhiệm trong
tinh thần Bát Nhã mà tôi và nhóm người địa phương vừa tình cờ cảm nhận được. Tôi
tin tưởng như thế, vì chúng tôi có cần ngôn ngữ gì trao đổi với nhau đâu!
Ngoài hai vợ chồng già người da đỏ là hàng xóm gần nhất cách chùa hơn nửa dặm
thì đây là nhóm dân địa phương đầu tiên tôi thấy họ và họ thấy tôi, sau một tuần
lễ tôi về đây.
Hình như tách trà nóng đang làm dịu cơn mưa. Ngộ không! Tưởng
chỉ mời nhau theo phép lịch sự, vậy mà mưa cũng nhẹ hạt, xuống uống trà,
còn sấm chớp thì đã biến mất cả rồi!
Tôi cám ơn mưa, trở vào phòng, chuẩn bị y áo, ôm trong hai
tay, với chiếc nón lá rồi bước ra màn sương, tiến lên chánh điện cho thời
công phu.
Mưa vẫn còn lất phất và gió sớm khá
lạnh.
Chậm bước trên con đường sỏi, ngước nhìn trời đất bao la, rừng
thông im vắng, tôi cảm nhận thân phận mình nhỏ bé biết bao.
Bỗng dưng, chiếc nón lá như khép lại, vừa khít đầu, và chiếc nón đang che mưa
gió cho tôi là chiếc nón thông. Vâng, đúng thế. Thay vì lên chánh điện bằng cửa chính, qua
con đường lát sỏi, thì tôi đã rẽ lên đồi thông lúc nào không hay! Chánh điện có thể vào bằng ba cửa, nhưng mưa gió thế này, vào bằng
cửa chính mới đỡ ướt át. Vậy mà, tôi đang đi trên thảm cỏ ướt, dưới những
tàng cây thông, cành và lá đan nhau như chiếc nón vĩ
đại rộng vành che mưa cho tôi. Tôi cứ thong thả như đi dưới
nắng ấm, hạnh phúc bội phần như chính mưa cũng đang ôm ấp tôi.
Hạnh phúc sẽ đến khi tự ngã ra đi.
Những lời được nghe dạy, loáng thoáng
đâu đó chợt về. Đi dưới mưa, cùng đất trời và thiên
nhiên hòa nhập thế này, tôi mới mơ hồ hiểu phần nào, vì đâu có đôi lúc mình đã
từng khi thì tự ty, lúc lại ngã mạn! Bởi những lúc đó lòng mình hạn hẹp, chỉ thấy cái ta, dẫu có biết “núi
cao còn núi cao hơn” vẫn chỉ là biết để mà biết.
Phố thị luôn chen chúc nên lòng người dễ hơn thua, và
còn hơn thua thì còn cả tự ti lẫn ngã mạn!
Xin cám ơn những duyên khởi đã kết
đủ, để tôi quyết định về đây. Nơi này, mây lúc nào cũng mênh mông
vô tận, gió lúc nào cũng thênh thang, đồi thông lúc nào cũng bát ngát hương rừng
cỏ nội, chim chóc lúc nào cũng ríu rít ca ngâm …. Tất cả đất
trời ấy, thiên nhiên ấy đã ôm ấp và giúp “cái ta” nhỏ xíu, nhận rõ hơn về lẽ vô
thường.
Buổi chiều, trên bước thiền hành ra
tận ven sông, khi khổng khi không tôi bỗng nhớ tới một chi tiết trong cuốn Nẻo
Về Của Ý của thầy Nhất Hạnh, viết từ thập niên 60. Cuốn sách đó
tôi đã từng đọc say mê nhưng lâu rồi, chưa xem lại. Chi tiết chợt hiện về là tên
một địa danh: Bedford!
Đó chính là địa danh có ngôi chùa hiu
quạnh tọa lạc giữa rừng thông mà tôi đang trú ngụ. Trong Nẻo Về Của Ý, có dăm đoạn Thầy
kể, đã từng dừng chân ở Bedford trong một thời khóa cắm trại với nhiều trẻ nhỏ.
“Để trốn nắng thành phố, tôi đã về đây, sống với thiên nhiên, với rừng xanh, hồ
biếc và trẻ thơ” (**) Rừng Bedford luôn khiến thầy nhớ về Phương Bối, một
địa danh gần Đà Lạt mà thuở xưa Thầy đã cùng bao thân hữu bỏ tâm huyết để tạo
dựng thành.
Khi trại hè kết thúc, Thầy đã viết như vầy: “Bedford đã
rét rồi. Bọn trẻ con đã về hết. Rừng Bedfrod trở nên im lặng
thêm. Tôi đã để nhiều thì giờ nghĩ đến Phương Bối.
Và càng nghĩ tới Phương Bối tôi lại thấy tâm hồn tôi êm dịu hơn lên, giầu có hơn
lên. Tôi tin giờ này ở khắp nơi, những con chim của Phương Bối đều đang nghĩ về
Phương Bối. Rừng Bedford đã cho tôi sống những giờ thanh tịnh.
Mai mốt về đô thị, có lẽ trên hình bóng Phương Bối, tôi cũng sẽ thấp thoáng hình
bóng của Bedford …” (**)
Cái chi tiết bất chợt nhớ lại này, khiến bước thiền hành bớt
cô đơn. Tôi từng đọc nhiều sách Thầy viết, nhưng sao bỗng dưng lại nhớ cái
chi tiết đúng lúc, đúng cảnh này? Thầy ơi, chắc không
phải tình cờ đâu. Có phải từ phương xa, Thầy vừa cảm nhận được ngã rẽ của đứa con,
đang một mình đi tìm điều muốn tìm?
Thầy ơi, có phải Thầy đã xót thương con mà nhắc con rằng, con không một mình.
Bước chân Thầy từng in dấu nơi đây, hãy lắng tâm chánh niệm, con sẽ thấy bước
chân con đang bên dấu chân Thầy…
Thế nhân ơi! Ai có thể cảm thông được sự mầu nhiệm này!
Làm sao tôi có thể ngăn được dòng lệ hạnh phúc!
Hơn bao giờ hết, tôi biết mình không cô đơn, dù thực tế chỉ
có tôi cùng rừng núi bạt ngàn.
Giữa không gian Bedford mà tôi đang có Xóm Mới, Xóm Thượng,
Xóm Hạ. Tôi còn có cả Thị Ngạn Am, thành phố Biển Dài, sông Hồng quê nội, núi Ba
Vì xanh thẫm đồi Tây … Ôi, những địa danh đã nuôi dưỡng tôi, đã an ủi khi tôi
khóc, đã che chở khi tôi lâm nguy, đã nâng đỡ khi tôi vấp ngã.
Nghĩa tình vời vợi biển rộng sông dài mà chỉ khi chúng ta mở
con - mắt - tuệ, nhìn thấu tận cùng mới thấy tình thương kia vô điều kiện!
Huệ Trân
Thiên Di Am, chùa Chánh Pháp
Bedford, Kentucky
(*) Kệ thỉnh chuông Làng Mai
(**) Nẻo Về Của Ý