Bồ-tát Thánh Thiên

bo tat

Đại sư Thánh Thiên (skt. Āryadeva) là đệ tử xuất sắc nhất của Bồ-tát Long Thọ và là một trong những Đại luận sư lỗi lạc của Phật giáo Đại thừa. Nhiều sách nói, ngài sinh ra tại đảo quốc Tích Lan.[1] Nhưng cũng có sách ghi, ngài sinh ra ở Nam Ấn. [2] Bồ-tát Thánh Thiên, cũng còn gọi là Đề-bà, sống trong khoảng nửa cuối thế kỷ thứ II đến đầu thế kỷ thứ III TL.
Sử liệu không thấy đề cập khoảng thời gian trước khi Thánh Thiên gặp Bồ-tát Long Thọ. Nhưng có thể khoảng thời gian trước ấy, ngài đã là một tu sĩ Phật giáo hoặc là một hiền sỹ đang vân du tìm Thầy học đạo. Trên đường tìm Thầy học đạo, Thánh Thiên nghe tin Bồ-tát Long Thọ đang ở Tu viện Śrīparvata. Ngài liền đến Śrīparvata mong được thảo luận một số vấn đề về Phật học và triết học.[3] Theo thường lệ của tu viện Śrīparvata, Thánh Thiên phải gặp thầy tri khách trước khi diện kiến Bồ-tát Long Thọ. Ngay khi gặp thầy tri khách, Thánh Thiên bảo thầy vào thưa với Long Thọ là có Thánh Thiên muốn gặp. Khi biết Thánh Thiên, người mà Long Thọ đã từng nghe danh, đang đợi ở phòng khách, Bồ-tát Long Thọ đưa cho thầy thị giả một thâu nước sạch và bảo thầy mang ra cho Thánh Thiên. Nhận được thâu nước, Thánh Thiên im lặng, cúi xuống nhặt một chiếc dép bỏ vào thâu nước sạch. Nghe tin này, Bồ-tát Long Thọ biết rằng người này quả thật là kẻ trí và là pháp khí của Đại thừa nên cho mời Thánh Thiên vào gặp. Hai ngài gặp nhau và sau vài hồi thảo luận, Thánh Thiên thỉnh cầu Bồ-tát Long Thọ làm Thầy. Bồ-tát Long Thọ chấp nhận.[4] Không lâu sau đó, Thánh Thiên trở thành học trò xuất sắc nhất của Bồ-tát Long Thọ. Danh tiếng của Bồ-tát Thánh Thiên nhanh chóng lan rộng, không những tại miền Nam mà lên đến miền Bắc.
Lúc bấy giờ, tại Bắc Ấn, có đạo sĩ ngoại đạo tên là Durdhar
a-kāla. Người này thông hiểu giáo thuyết của nhiều tôn giáo đương thời và có tài tranh biện. Ông đi diễn thuyết nhiều nơi và mỗi khi diễn thuyết, ông luôn công kích Phật giáo. Nghe Nālandā là một trung học thuật có tiếng của Phật giáo, ông đến Nālandā và gởi lời mời tranh biện. Nhưng tại đây, không có Thầy Tỳ-kheo nào đủ khả năng tranh biện với đạo sĩ Durdhara-kāla. Các Thầy ở Nālandā gởi thư trình bày sự việc đến Bồ-tát Long Thọ và có ý muốn thỉnh Bồ-tát Thánh Thiên lên Nālandā. Sau khi thỉnh ý Bồ-tát Long Thọ, Bồ-tát Thánh Thiên du hành đến Nālandā. Tại Nālandā, ngài đã tranh biện với Durdhara-kāla trong suốt ba ngày với sự tham dự của hàng nghìn thức giả của nhiều tôn giáo và trường phái triết học. Ngài Thánh Thiên đã thắng tuyệt đối trong suốt ba ngày tranh biện. Sau ba ngày, Durdhara-kāla cầu Bồ-tát Thánh Thiên làm Thầy và có pháp danh là Mātcetā.[5] Sau khi xuất gia theo Phật, Thầy Mātcetā sáng tác nhiều trường ca ca ngợi những sự vĩ đại của đức Phật và tiền thân đức Phật. Trong đó nổi bật nhất là tác phẩm Śatapañcāśatka Stotra (“150 bài tụng ca”).[6] Bồ-tát Thánh Thiên lưu lại và giảng dạy ở Nālandā thêm một thời gian. Sau đó, ngài trở về và hoằng pháp tại Nam Ấn cho đến ngày viên tịch.[7]
Đại luận sư Thánh Thiên trước tác nhiều tác phẩm để xiển dương luận thuyết Tánh không của Bồ-tát Long Thọ và giáo nghĩa Bồ-tát của Đại thừa. Nổi bật nhất là hai tác phẩm Bách luận (Śata-śāstra) and Quảng bách luận (Catuśataka). Quảng bách luận được ngài Huyền Trang dịch sang tiếng Hán và được hai ngài Nguyệt Xứng (Candrakīrti) và Hộ Pháp (Dharmapāla) viết chú giải. Một số chương của hai bản chú giải được lưu giữ trong Hán tạng. Một phần của Quảng bách luận trong tiếng Sanskrit được Haraprasāda tìm thấy và đã xuất bản. Bách luận được Đại sư Cưu-ma-la-thập dịch sang tiếng Hán. Bách luận là một trong ba điển phạm lập tông của Tam luận tông Trung Hoa và Nhật Bản. 
Cũng như Bồ-tát Long Thọ, Thánh Thiên đả phá quyết liệt giáo thuyết Thực tại luận của Nhất thiết hữu bộ và một số giáo điển mà ngài cho là “Tiểu thừa” của một số bộ phái Phật giáo. Ngài cũng chỉ trích mạnh mẽ luận thuyết thần ngã và một số luận thuyết khác của Bà-la-môn giáo, đặc biệt là của hai phái Số luận và Thắng Luận của tôn giáo này.[8] Bồ-tát Thánh Thiên dấn thân không mệt mỏi để “tồi tà phụ chánh” và xiển dương giáo nghĩa Đại thừa. Nhờ sự dấn thân của ngài mà Đại thừa được phát triển sâu rộng hơn tại Ấn Độ. Và vì để bảo vệ giáo thuyết của Phật giáo nói chung và Phật giáo Đại thừa nói riêng, ngài không khoan nhượng với những luận thuyết chống lại Phật giáo của một số tôn giáo khác. Vì vậy, theo Đề-bà Bồ-tát truyện, một số tu sĩ và tín đồ cực đoan của một đạo sư ngoại đạo rất căm hận ngài, nhiều lần muốn ám sát ngài. Và rồi cuối cùng họ đã ám sát ngài. Lúc ngài sắp viên tịch, chúng đệ tử vân tập đông đủ. Trong số họ, một vài đệ tử còn nhiều sân hận có ý định trả thù. Biết được ý định này, ngài khuyên dạy chúng đệ tử, “này các con, các con hãy từ bỏ có ý niệm trả thù. Nếu các con thấu hiểu bản chất của các pháp, các con sẽ biết rằng không có người bị giết, cũng không có người giết. Ai là bạn? Ai là thù? Ai là kẻ giết người? Và ai là người bị giết? Chẳng có ai cả. Các con đang khóc là bởi các con đang bị thúc đẩy bởi tà kiến. Các con không nên có những hành động sai trái bằng cách lấy hận thù để diệt hận thù, lấy đau khổ để trả thù đau khổ.”[9] Khuyên dạy chúng đệ tử và giao việc hướng dẫn các thầy tỳ-kheo trẻ cho ngài Rahulabhadhra xong, Bồ-tát Thánh Thiện an nhiên thị tịch. Ngài Rahulabhadhra thay Bồ-tát Thánh Thiên hướng dẫn chúng Tăng, tiếp tục công việc trước tác và hoằng pháp của ngài.[10]
Thích Nguyên Lộc

 

Chú thích:
[1] Theo ngài Huyền Trang trong T. Watters, On Yuan chwang’s Travels in India, Vol. II, New Delhi: Munshiram Mahoharlal, 1973, tr. 200; theo ngài Tāranathā trong History of Buddhism in India, Chattopadhyaya, A. (dịch.), Calcutta: K.P Bagchi & Company, 1980, tr. 123; và theo ngài Bu-ston trong The History of Buddhism in India and Tibet, E. Obermiller (dịch), Delhi: Sri Satguru, 1986, tr. 130.
[2] Theo bản dịch Đề-bà Bồ-tát truyện của Cưu-ma-la-thập trong Đại chánh, số 2048, tr. 186c.
[3] Bu-ston, sđd., tr. 130; Tāranātha, sđd., tr. 124.
[4] T. Watters, sđd., tr. 200.
[5] Bu-ston, sđd., tr. 130.
[6] A.K. Warder, Indian Buddhism, Delhi: Motilal Banarsidass, 2005, tr. 371.
[7] Tāranathā, sđd., tr. 124-6.
[8] Đề-bà Bồ-tát truyện, Đại chánh., số 2048, tr. 187.
[9] Như trên, tr. 187c.
[10] Tāranathā, sđd., tr. 124-6.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle