Minh Thạnh
Khái niệm sức mạnh được
nói đến ở đây còn có thể được hiểu là quyền lực (tức power). Quyền
lực, từ lâu đã là một vấn đề gắn với tôn giáo, từ đó hình thành khái niệm “giáo
quyền”.
Vấn đề giáo quyền có mặt ở tất cả các tôn giáo, gồm cả Phật
giáo.
Tuy nhiên, trong ba tôn
giáo thế giới (Ky tô giáo, Hồi giáo và Phật giáo), Phật
giáo vẫn là tôn giáo được coi là tôn giáo có giáo quyền yếu và lỏng lẻo hơn cả.
Nhiều người vẫn coi đây là nhược điểm của Phật giáo.
Hiện nay, trong bối cảnh
quan niệm về vấn đề quyền lực có nhiều thay đổi, thì liệu quan niệm như trên có
còn phù hợp nữa hay không? Tìm
hiểu về vấn đề quyền lực có liên hệ đến Phật giáo, bài viết này sẽ đi đến nội
dung trả lời cho câu hỏi trên.
Quyền lực
Quyền lực là một vấn đề
của đời sống xã hội, trong đó bao gồm hoạt động tôn giáo.
Một định nghĩa về quyền
lực thông dụng là “quyền lực hàm chứa năng lực của một chủ thể
nhằm thay đổi hành vi của chủ thể khác trong quan hệ quyền lực” (1).
Trước đây, người ta chỉ
thường thấy sức mạnh cưỡng chế. Do vậy, không có sự phân chia rõ ràng
các loại quyền lực. Tuy nhiên, gần đây đã có sự nhận thức chi tiết hơn: “Trong quan hệ quyền lực, có ba cách cơ bản để
tác động tới hành vi của người khác để có được kết quả một chủ thể mong muốn, đó
là ép buộc họ bằng sự đe dọa – bạo lực, kinh tế, v.v..; dụ dỗ họ bằng lợi ích –
vật chất, danh vọng, v.v.; hay thu hút, hấp dẫn họ bằng sức hấp dẫn, các giá trị,
tư tưởng, v.v… Hai cách trước thường được biết đến như dùng quyền lực cứng; cách
thứ ba là cách dùng quyền lực mềm” (2).
Các khái niệm quyền lực
cứng, quyền lực mềm, trước tiên, được dùng trong khoa nghiên cứu về quan hệ quốc
tế.
Tuy nhiên, do quyền lực là
một vấn đề của đời sống xã hội, nên dần dần, các khái niệm quyền lực cứng, quyền
lực mềm được vận dụng mở rộng ra tất cả mọi lãnh vực của đời sống, trong đó gồm
cả sinh hoạt tôn giáo.
Việc đưa các khái niệm
quyền lực cứng, quyền lực mềm vào lãnh vực tôn giáo sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn
cơ chế vận hành của quyền lực tôn giáo.
Quyền lực một số tôn giáo
đang dịch chuyển từ quyền lực cứng sang quyền lực mềm
Ngoài Phật giáo, quyền lực
trong hai tôn giáo lớn trên thế giới là
Ky tô giáo và Hồi giáo trong một thời gian dài, chiếm
vị trí thống soái là quyền lực cứng.
Sách Về quyền lực trong quản lý nhà nước hiện nay PGS – TS Lê Minh Quân –
Th.s. Bùi Việt Hương đồng chủ biên, nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội,
1912 có đoạn viết: “Thomas
Schelling đã chỉ ra hai nguồn chính của quyền lực cứng là sự đe dọa và dụ dỗ, và
hai nguồn này có quan hệ rất gần gũi với nhau” (trang 108)”.
Trong đoạn nối tiếp, tác phẩm trên lý giải: “Trong lịch sử, quyền lực cứng tồn tại từ
rất lâu, nó hoàn toàn có thể quan sát được và có hiệu quả rõ ràng. Nhưng quyền
lực cứng không đem lại cho chủ nhân của nó sự kính trọng và khâm phục, nó chỉ
đem lại sự sợ hãi và thỏa mãn lòng tham”.
Các tôn giáo nhất thần
giáo xây dựng quyền lực của mình trên cơ sở sợ hãi đối với quyền lực của thượng
đế tối cao và quyền uy giáo hội. Sự sợ
hãi đó có từ những tác động có tính cưỡng chế, bắt buộc tuân thủ. Thượng đế là một kiểu siêu vua, siêu cha. Đó là đấng tạo hóa,
đấng cai trị, đấng quyết định.
Trong 2 tôn giáo lớn thế
giới là Ky tô giáo và Hồi giáo, con người chỉ tác động
đến thượng đế thông qua cầu nguyện. Đó là sự van xin thượng đế gia ân,
theo sự độc đoán vốn có của thượng đế.
Trong đó, con người vốn luôn luôn phải chấp hành thụ động,
tuyệt đối tuân thủ, vâng chịu.
Quyền lực cứng trong
Ky tô giáo và Hồi giáo cũng thể hiện ở bộ máy quản trị tu sĩ và tín đồ
hết sức chặt chẽ. Ky tô giáo và Hồi giáo có các hình
thái tổ chức giáo hội khác nhau, nhưng nét chung là bộ máy giáo quyền nặng tính
kiểm soát, kỷ luật, chế áp. Trong Ky tô giáo, giáo hội
La Mã toàn cầu là một bộ máy tôn giáo hoàn hảo về mặt tổ chức.
Bộ máy đó góp phần tạo thành quyền lực dọc mạnh mẽ của đạo Ca tô La Mã.
Còn Hồi giáo thì chặt chẽ
ở đơn vị ở đơn vị cơ sở, với nhiều quy định nghiêm khắc ràng buộc tín đồ, nặng
tính cưỡng chế. Người tín đồ chỉ có con đường duy nhất là tuân
theo, quy phục. Sự trừng phạt đến từ
cộng đồng tôn giáo đối với những trường hợp bất tuân giữ một vai trò lớn trong
sinh hoạt tôn giáo của đạo Hồi.
Tuy nhiên, quyền lực cứng
không phải lúc nào cũng có tác dụng. Nó có
nhiều nhược điểm, như chi phí cao, tình trạng căng thẳng không phải lúc nào cũng
tỏ ra thích hợp.
Cũng đến lúc người ta trở nên đề kháng với sự đe dọa, dụ dỗ,
cưỡng ép, bức bách.
Sau đỉnh cao trung cổ,
càng về sau, kiểu giáo quyền dựa trên quyền lực cứng trong Ky
tô giáo, Hồi giáo lần lần mất tác dụng. Vài trò của thánh chiến, của quân đội
tôn giáo, của tòa án
tôn giáo… ngày càng trở nên mờ nhạt. Các tôn giáo lớn đều hướng về kiểu quyền
lực có được do thuyết phục, khuyến khích, vận động, kêu gọi, thay cho kiểu quyền
lực do đe dọa, áp chế, cưỡng bức, dụ dỗ, răn đe.
Có sự chuyển biến như vậy
là cũng vì do quyền lực cứng trong tôn giáo ngày càng bất lực, vô hiệu, phản tác
dụng, tê liệt, và cũng vì do các nhà hoạt động tôn giáo đạo Ky
tô, đạo Hồi ngày càng thấy được tính ưu việt của sự tự nguyện, của sự thuyết
phục.
Tuy nhiên, ngoài Phật
giáo, dấu ấn của bạo lực, cưỡng chế, đe dọa, tức của quyền lực cứng đối với tôn
giáo ngày nay vẫn còn khá rõ. Quá trình giáo quyền
trong Ky tô giáo, Hồi giáo chuyển dịch từ quyền lực
cứng sang quyền lực mềm là quá trình kéo dài nhiều trăm năm và còn đang trong
giai đoạn chuyển dịch.
Sức mạnh Phật giáo: xuyên
suốt với quyền lực mềm
Nói Phật giáo không có
giáo quyền là không chính xác.Tác động liên tục, thường xuyên và mạnh mẽ của
Phật giáo đối với xã hội thể hiện giáo quyền của Phật giáo.
Không có giáo quyền, Phật
giáo không thể đóng vai trò gì đối với xã hội cả. Tuy nhiên, thực tế lại khác hẳn.
Phật giáo là tôn giáo hòa
bình, từ bi, phủ nhận, phê phán và từ khước bạo lực. Do đó, quyền lực của Phật giáo duy nhất chỉ là quyền lực
mềm.
Quyền lực mềm, với tư cách
là một phát kiến lý luận, một học thuyết, thì chỉ mới có gần đây. Nhưng
xét ra, nó đã có mặt từ khởi nguyên của xã hội.
Trong nghiên cứu đương
đại, quyền lực mềm trước tiên là một khái niệm chính trị học và quan hệ quốc tế
được nhắc đến lần đầu tiên trong tác phẩm của Klaus Knorr, quyển Quyền lực và
thịnh vượng. Quyền lực mềm được
phát triển thành một lý thuyết hiện đại vào cuối thế kỷ XX với những nghiên cứu
của Joseph Nye và Lukes.
Từ định nghĩa hẹp về quyền
lực mềm của Joseph Nye: “Quyền lực mềm là
khả năng đoạt lấy thứ mình muốn thông qua sự hấp dẫn thay vì ép buộc. Nó xuất
phát từ sự hấp dẫn về văn hóa, tư tưởng chính trị và các chính sách của một quốc
gia” (sđd, trang 110), người ta đã đi đến một định nghĩa bao quát hơn: “Về bản
chất, quyền lực mềm là khả năng tạo ra ảnh hưởng với người khác bằng cách tác
động tới hệ thống giá trị của người khác, làm thay đổi cách suy nghĩ của người
khác, và qua đó khiến người khác mong muốn chính điều mà mình mong muốn”.
Tài liệu đã dẫn phân tích
sâu hơn vào quyền lực mềm: “Quyền lực chỉ thực sự hiệu quả khi nó có
được tính chính đáng. Quyền lực mềm nằm ở lẽ phải và sự thuyết phục, nó tác động
đến các đối tượng của quyền lực, làm cho sự thay đổi nhận thức và hành
vi
diễn ra từ bên trong. Sự thuyết phục để tạo ra lòng tin, sự
tin tưởng, được coi là tạo nên tính chính đáng” (sđd, trang 111).
Quyền lực mềm được coi là
gần gũi với quan điểm
“đức trị”, “dĩ đức phục nhân” của phương Đông.
Trong Phật giáo, sự tương
đồng với khái niệm quyền lực mềm hiện đại thể hiện rõ với tư tưởng
“thân giáo” (giáo huấn bằng đức hạnh tự thân).
Đối lập, phê phán, từ
khước hoàn toàn đối với sự cưỡng bức, đe dọa, bắt buộc, dùng vũ lực, toàn bộ sự
vận hành của Phật giáo có thể được xem như đều là biểu hiện đa dạng của quyền
lực mềm trong sự phong phú, nhiều vẻ của nó.
Tổ chức giáo hội lỏng lẻo,
linh động, tự do, tự nguyện của Phật giáo, có thể coi, là một xu hướng vận dụng
quyền lực mềm. Người tu sĩ và tín đồ không bị “trói” bằng những tín điều, mà chỉ
tự nguyện tuân giữ các giới cấm, nhằm lợi ích tu dưỡng đạo đức cho chính mình.
Tăng Ni và Phật tử liên kết với nhau cũng trong sự tu học tự giác và giữ giới,
không theo một giáo triều hay tổ chức cơ sở chặt chẽ.
Tổ chức là như vậy, nhưng
bản chất hoạt động của Phật giáo, tất cả đều đặt trên nền tảng “giác”, là biểu
hiện tập trung nhất của quyền lực mềm. Hoàn toàn chỉ có sự tự
giác, tự ý thức, tự nỗ lực, hoàn toàn không có sự ép buộc, cưỡng bức dụ dỗ.
Trong đạo Phật, tác động để người khác cùng tu hành gọi là “giác tha”, tức cũng
dựa trên sự tác động của giác.
Xoay quanh trục “giác”,
quyền lực mềm trở thành một đặc tính căn bản đối với mọi hoạt động của Phật
giáo. “Giác” và “từ bi” là những vạch đỏ giới hạn sự phát sinh quyền lực cứng
trong đạo Phật, cũng như ngăn chận sự xâm nhập của quyền lực cứng vào đạo Phật.
Hệ quả của điều đó là trong đạo Phật, nói chung, không có các định chế như lực
lượng vũ trang, luật pháp tôn giáo, tòa án tôn giáo, không có các biện pháp chế
tài tôn giáo mang tính cưỡng bức. Trong đạo Phật, giới luật, việc tuân thủ giới luật, các xử phạt phạm
giới đều dựa trên sự tuân thủ, tự giác. Vì vậy, khoảng cách đó vẫn còn là rất xa đối với quyền lực cứng, khi
chúng ta tìm hiểu sự chấp hành, sự tuân thủ trong Phật giáo.
Hiện nay, trong bối cảnh
quyền lực mềm ngày càng khẳng định ưu thế của mình trong đời sống, xã hội, cũng
như trước việc quyền lực trong các tôn giáo có xu hướng dịch chuyển từ quyền lực
cứng sang quyền lực mềm, quyền lực mềm trong Phật giáo ngày càng thể hiện giá
trị của mình, nó khẳng định.
Là tôn giáo duy nhất đặt sự vận hành của
mình vào nguyên tắc tự nguyện tự giác, khước từ quyền lực cứng, không chấp nhận
sự đe dọa, cưỡng ép, trói buộc Phật giáo tiêu biểu cho những tư duy tiến bộ, giá
trị ưu việt, vượt trên thời đại trong lãnh vực tôn giáo.
(1)
PGS. TS. Lê Minh Quân – Th.s Bùi Việt Hương (đồng chủ biên):
Về quyền lực trong quản lý nhà nước hiện nay. NXB Chính trị quốc gia, Hà
Nội, 2012, trang 108
(2)
Sđd, trang 108
Nguồn: Tập san Hoằng Pháp 34