Tổ chức lễ Phật đản: dự báo

to chuc le

Minh Thạnh

 

 

Sau khi điểm qua quá trình tổ chức lễ Phật đản tại Việt Nam trong gần 100 năm, bắt đầu từ khởi nguồn của công cuộc chấn hưng Phật giáo, tập trung vào khoảng thời gian từ đỉnh cao tổ chức lễ Phật đản năm 1964 đến thời gian hiện nay, trong bài này, chúng ta sẽ thử tìm một dự báo cho quy mô tổ chức lễ Phật đản trong khoảng 10 năm sắp tới.

Nội dung công việc là dự kiến các kịch bản, và từ những nhận định rút ra từ quá trình tìm hiểu việc tổ chức lễ Phật đản, sẽ đi đến tiên lượng khả năng nào có khả năng xảy ra cao hơn hết.

1)     Các kịch bản

1.1   Kịch bản 1: Do có sự chuyển biến nhận thức từ những hàng giáo phẩm Phật giáo đương nhiệm, hoặc do nhận thức mới từ các nhà lãnh đạo Phật giáo trẻ sẽ lên kế nhiệm, từ việc nhận thấy việc chăm sóc diện mạo ngày lễ Phật đản chính là chăm sóc diện mạo Phật giáo Việt Nam hiện đại, việc tổ chức lễ Phật đản tại Việt Nam sẽ có chuyển biến tích cực, đột phá, nhảy vọt. Phương thức tổ chức lễ Phật đản quần chúng, mít tinh đông người tại nơi công cộng sẽ được phục hồi (như trước năm 1975 và đã có năm 1982). Số lượng người dự lễ tăng dần tương ứng với mức gia tăng dân số và mức phát triển tu sĩ, tín đồ. Các hình thức mừng Phật đản khác cũng được đa dạng hóa, phát triển đều khắp, mạnh mẽ, tạo cho lễ Phật đản một sinh khí mới, một tầng nấc mới, tạo đà để đưa ngày lễ Phật đản thành một ngày lễ truyền thống và giữ vai trò quan trọng nhất trong các ngày lễ của Phật giáo.

Lễ Phật đản sẽ từ vị trí ngày lễ tôn giáo đứng hàng thứ năm tại Việt Nam (sau Noel, rằm tháng bảy, rằm tháng giêng, phục sinh) sẽ vươn lên từng bước, cải thiện thứ bậc xếp hạng, để khoảng sau 10 năm, trở thành ngày lễ tôn giáo lớn nhất tại Việt Nam và giữ vị trí này một cách ổn định, tương xứng là ngày lễ lớn nhất của tôn giáo có số lượng tín đồ đứng đầu tại Việt Nam, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống văn hóa, tập quán người Việt.

Lễ Phật đản khi đó không chỉ là một cuộc lễ Phật giáo, của chủ yếu người Kinh và Khmer, chỉ tổ chức ở nhà chùa, mà là một lễ hội của toàn xã hội, của hầu hết các dân tộc sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, tổ chức ở chùa và ở mọi nhà cũng như trên đường phố, giữ vai trò quan trọng trong sinh hoạt của người Việt Nam, có tiếng vang lớn trong hoạt động truyền thông.

Mốc cụ thể là quy mô lễ Phật đản như đã tổ chức tại miền Nam năm 1964 và vượt mức quy mô đó.

1.2   Kịch bản 2: Cũng theo chiều hướng như trên, nhưng với kết quả hạn chế hơn, tốc độ diễn tiến chậm hơn. Trong kịch bản này, ngoài nỗ lực của hàng giáo phẩm tôn đức lãnh đạo Phật giáo, còn có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền với nhận thức xây dựng sức mạnh Phật giáo là xây dựng sức mạnh đoàn kết dân tộc bằng ý thức tôn giáo dân tộc.

Tình huống cụ thể dự kiến sẽ là một lễ Vesak liên hiệp quốc, tương tự Vesak 2008, được tổ chức tại Việt Nam. Nhưng sau đó, quy mô tổ chức Phật đản tương đương với dịp lễ Vesak Liên Hiệp Quốc vẫn được duy trì, không để xuống dốc. Vesak được xử lý như là một cơ hội, một bước tạo đà, một cú hích, một mốc tiêu chuẩn cho hoạt động tổ chức lễ Phật đản tại Việt Nam. Từ việc chú trọng hình thức trong những năm đầu, sẽ nhanh chóng đưa lễ Phật đản tại Việt Nam đi vào chiều sâu là một lễ hội tôn giáo truyền thống của dân tộc, đồng thời vẫn giữ và đa dạng hóa, cập nhật hóa hình thức thể hiện hiện đại.

1.3   Kịch bản 3: Việc tổ chức lễ Phật đản duy trì ở nguy mô hiện nay, những biểu hiện cải thiện, phát triển, nâng cấp đan xen với những biểu hiện thu hẹp, xuống cấp.Quy mô tổ chức lễ Phật đản trồi sụt, không ổn định, biến động theo thời gian từng lúc, theo địa điểm mỗi nơi, phụ thuộc nhiều vào người chịu trách nhiệm tổ chức từng năm, từng địa phương, và ảnh hưởng nhiều từ những tác động bên ngoài, như thuận lợi khó khăn khách quan.

Như vậy, xét quy mô tuyệt đối, tức chỉ xét riêng lễ Phật đản, không so sánh với những lễ hội tôn giáo tín ngưỡng khác, cũng sẽ không có biến chuyển lớn. Cũng sẽ không có cơ hội nào nữa cả, dù có những sự kiện có giá trị là cơ hội, vì cũng sẽ bị bỏ qua như các lần trước trong những thập niên 1970, 1980, 1990, 2000.

Xét quy mô tương đối, tức là đánh giá lễ Phật đản trong bối cảnh có những ngày lễ tôn giáo tín ngưỡng khác trong năm, thì dù lễ Phật đản vẫn là ngày lễ tôn giáo thứ 5 tại Việt Nam, nhưng khoảng cách so với Noel, phục sinh ngày càng lớn ra, ảnh hưởng xã hội của lễ Phật đản ngày càng giảm sút, dù quy mô tổ chức vẫn vậy.

1.4   Kịch bản 4: Vấn đề cải đạo ngày càng làm suy sụp Phật giáo Việt Nam, dẫn tới việc quy mô tổ chức lễ Phật đản xuống dốc nhanh chóng và ở mức bi đát. Tình trạng này do các nguyên nhân, là tín đồ cải đạo, tu sĩ giảm sút, tài chính cạn kiệt. Vì lễ Phật đản là diện mạo của Phật giáo Việt Nam nên hiện trạng Phật giáo Việt Nam sẽ biểu hiện rõ nét, chính xác qua lễ Phật đản. Số tu sĩ,  Phật tử dự lễ tập trung giảm sút. Nhà chùa càng thưa vắng Phật tử trong mùa Phật đản. Chi phí dành cho việc tổ chức này lễ Phật đản biến thiên đi xuống. Đến mức nào đó, lễ Phật đản chỉ được xác định  vị trí là một ngày lễ tôn giáo nhỏ của một tôn giáo thiểu số tại Việt Nam. lễ Phật đản vẫn chưa phải là ngày lễ truyền thống của Phật giáo Việt Nam, nhưng cũng không còn là một ngày lễ được chú trong tổ chức về mặt hình thức. Hệ quả lễ Phật đản sẽ chỉ tồn tại trong một cộng đồng dân cư nhỏ, thậm chí, có lúc, có nơi là không tồn tại.

2)     Bình luận

Sẽ dễ nghĩ rằng, kịch bản 4 là kịch bản khó xảy ra nhất, nếu không muốn nói là không thể xảy ra. Tuy nhiên, đây là điều đáng quan tâm, vì nó đã xảy ra cục bộ tại rất nhiều nơi tại Việt Nam, và rất dễ để dẫn chứng.

Đến thị trấn Long Hải, Bà Rịa Vũng Tàu, một ngày trung tuần tháng 4 Âm lịch, chúng ta sẽ thấy không khí Phật đản tràn ngập thị trấn với khá nhiều ngôi chùa. Nhưng chỉ cần rẽ khoảng 1 km sang làng đánh cá Phước Tỉnh ở cạnh bên, một làng Thiên Chúa giáo toàn tòng, thì tuyệt nhiên không còn thấy chút gì màu sắc Phật đản. Không khí Phật đản hoàn toàn biến mất.

Tình trạng như thế không phải giới hạn ở một làng, mà có thể là một huyện, nhiều huyện, thậm chí một vùng nhiều tỉnh ở Tây Bắc, nơi Phật giáo chưa có ban trị sự tỉnh, nhưng nhiều tôn giáo khác đến từ phương Tây đã cắm rễ vững chắc ở đây.

Cơn lốc cải đạo đang tạo nguy cơ hình thành nhiều vùng trắng Phật giáo mới, nhất là những vùng lân cận những xứ đạo duyên hải, những vùng trọng điểm truyền giáo ở cao nguyên... Đó là những vùng của kịch bản 4 và diễn biến theo hướng mở rộng.

Kịch bản 3 là kịch bản có khả năng năng cao nhất, vì đó là xu thế đã diễn ra ở Việt Nam khoảng nửa thế kỷ nay, từ đỉnh cao Phật đản 1964, và nhiều cơ hội bị bỏ qua sau đó.

Trong xu hướng phương Tây hóa đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam như hiện nay, khả năng ngày lễ Phật đản ngày càng bị xóa nhòa là nguy cơ rất lớn, nếu lễ Phật đản không được tổ chức theo hướng đi lên, mà năm nào cũng chỉ như năm nào. Diễn tiến trong những năm qua phần nào nói lên nguy cơ này.

Một tình trạng lễ Phật đản ở mức trung bình trong nhiều thập niên tới trước hết đòi hỏi một sự ổn định đều khắp theo không gian và thời gian, tức là không có sự trồi sụt, chênh lệch đan xen và biến động như hiện nay đang thấy.

Bước đường dang dở trong gần 100 năm tổ chức lễ Phật đản kể từ giai đoạn đầu của công cuộc chấn hưng Phật giáo không cho tăng ni Phật tử một cái nhìn lạc quan về việc tổ chức lễ Phật đản trong tương lai. Những mầm mống cho kịch bản 1 và 2 hầu như không có, nếu nhìn lại chặng đường đã đi qua. Có cơ hội nhưng lại đánh mất, thì trong bối cảnh không còn cơ hội, hoặc có nhiều tác nhân không thuận lợi, thì việc tổ chức lễ Phật đản sẽ diễn tiến đến như thế nào?

Từ năm 1964 đến nay, Phật giáo Việt Nam đã trải qua hai thế hệ lãnh đạo. Trông mong ở thế hệ lãnh đạo mới là một hy vọng, nhưng không phải là chắc chắn. Vì một thế hệ mới các nhà lãnh đạo Phật giáo Việt Nam đang qua đi, trong khi hướng đột phá trong hoạt động tổ chức lễ Phật đản vẫn chưa thấy. Mà thay vào đó, mới đây, lại có nơi có biểu hiện đi xuống. Như một địa phương đưa địa điểm tổ chức lễ ra xa khu trung tâm, vào một con đường cụt, theo nghĩa đen, mà cũng có thể hình dung theo nghĩa bóng.

Bốn kịch bản trên và tổ chức lễ Phật đản cần được xét đến trong bối cảnh giữa các tôn giáo có sự cạnh tranh hoạt động gay gắt. Đó là một thực tế khách quan. Nó tạo ra những tác nhân bên ngoài rất phức tạp. Trong khi đó, lễ hội lại là diện mạo tôn giáo. Ngoài thực trạng tổ chức lễ Phật đản tuyệt đối, tức chỉ xét riêng lễ Phật đản, còn có thực trạng tổ chức lễ Phật đản tương đối, tức là xét lễ Phật đản trong tương quan với các lễ hội tôn giáo tín ngưỡng khác. Càng về sau, việc cải thiện vị trí tương đối của lễ Phật đản sẽ càng khó khăn hơn rất nhiều. Vì vậy, 4 kịch bản có khác biệt lớn, nhưng đều hỏi tăng ni Phật tử Việt Nam cùng một nỗ lực ở mức cao nhất.

MT

Chia sẻ: facebooktwittergoogle