Tứ Vô Lượng Tâm

tu vo luong tam

Nguyên Hiệp

Tứ vô lượng tâm (Skt. apramana, Pāli: appamanna), cũng được gọi là bốn Phạm trú, là bốn phương pháp tu tập căn bản, bốn phương pháp chuyển hóa tâm và cũng là bốn phép thiền quán trong Phật giáo. Một người khi thực hành bốn phương pháp này sẽ tạo nên nhiều lợi ích cho bản thân và xã hội, và sau khi qua đời sẽ được sanh về cõi Phạm thiên. Trong kinh sách Phật giáo, khi nói đến Tứ vô lượng tâm, trước hết, là nói đến cách phát triển bốn trạng thái tâm tốt, bốn trạng thái tâm thuần tịnh, trong sáng và cao thượng; và hẳn nhiên theo Phật giáo, tâm tốt, trong sáng, thuần tịnh, cao thượng, hỷ xả… là những tâm thiện. Vì bốn trạng thái tâm tốt này mở rộng ra với tất cả chúng sanh mà không có giới hạn - không bị giới hạn bởi chủng loại, sắc tộc, giới tính, vùng miền, than sơ… - nên được gọi là bốn tâm vô lượng. Tứ vô lượng tâm gồm có: từ (Skt: maitri, Pāli: metta), bi (Skt: karuna, Pāli: karuna), hỷ (Skt: mudita, Pāli: mudita), và xả (Skt: upeksha, Pāli: upekkha).

Từ, thường được định nghĩa là “Từ năng dữ nhứt thiết chúng sinh chi lạc”. Có nghĩa: Từ là khiến cho tất cả chúng sanh an vui.

Bi được định nghĩa là “Bi năng bạt nhất thiết chúng sinh chi khổ". Có nghĩa là: Bi là diệt trừ cái khổ cho tất cả mọi loài.

Tuy từ và bi được phân ra hai phần như vậy, nhưng thường hai từ này đi liền với nhau và chia sẻ một vài hàm nghĩa. Từ bi thường được hiểu chung là khởi lòng thương yêu và mong muốn giúp đỡ người khác, chúng sanh khác. Và cũng có thể nói, trong ý nghĩa hẹp hơn, từ bi cũng là không khởi tâm làm hại và không có hành vi gây hại người khác hay chúng sanh khác.

Từ bi trong Phật giáo khác với tình thương thông thường của thế gian. Từ bi là tình thương vô điều kiện, trong khi tình thương của thế gian là có điều kiện, và tình thương của thế gian thường gắn liền với sự ái thủ, phân biệt. Từ bi trong Phật bao gồm cả lòng thương yêu tất cả chúng sanh, chứ không giới hạn trong phạm vi con người.

Hỷ là vui với cái vui của người khác, tức là chia vui với người khác. Cái vui ở đây là khi thấy người khác được an ổn, yên vui, thành công thì tâm mình khởi lên sự hoan hỷ, xem niềm vui của người khác như niềm vui của chính mình. Nhưng hỷ này thường liên hệ đến vấn đề tu tập, tức là khi thấy người khác làm việc thiện, siêng năng tu tập thì mình vui, chứ hỷ không phải là sự vui thích khi thấy người khác làm việc bất thiện; và hỷ cũng không phải là sự khoái chí trong những việc làm tầm thường trần tục…

Xả là đối với tất cả chúng sanh đều khởi sự bình đẳng, không phân biệt thân sơ, bạn hay thù. Xả là sự không vướng mắc vào những khen chê, không vướng mắc với những hình tướng bên ngoài, không vương mắc với những thành công hay thất bại. Xả cũng có nghĩa là buông xả, không ôm ấp hay vướng mắc vào những trạng thái tâm tiêu cực như thù hận, đố kỵ, hơn thua… Và xả cũng là không chấp chặt vào quan điểm, học thuyết… một cách cứng nhắc, điều khiến ta trở nên thiếu bao dung.

Tứ Vô lượng tâm, nếu chỉ xét ở khía cạnh tu tập hay rèn luyện tâm, thì có thể nói là một dạng “đạo đức phẩm hạnh”. Tuy nhiên trong Phật giáo, đặc biết là Phật giáo Đại thừa, Tứ vô lượng tâm xa hơn còn tập trung vào phương diện hành động cụ thể, do đó nó cũng là một dạng “đạo đức xã hội”. Theo Phật giáo Đại thừa, việc thực hành Tứ vô lượng tâm cũng được coi là để phát triển và duy trì tâm Bồ-đề; và Tứ vô lượng tâm cần đi cùng với việc thực hành Lục độ Ba-la-mật. Tâm Bồ-đề là tâm cầu giác ngộ nhưng cũng là tâm phát nguyện cứu giúp và phụng sự chúng sanh; và Lục độ Ba-la-mật là những việc làm và hành động cụ thể trong con đường đi đến giác ngộ và cứu khổ quần sanh của một vị Đại Bồ-tát. Tứ Vô lượng tâm như vậy, không chỉ là những ước nguyện, những tình cảm, những thiện ý… mà chúng còn được chuyển thành những việc làm và hành vi cụ thể ra bên ngoài. Nói cách khác, tất cả những hành vi của một hành giả thực hiện hạnh nguyện Bồ-tát đều được xây dựng trên cơ sở Tứ vô lượng tâm.

Ví dụ, từ bi không chỉ là cảm thông, thương xót… những mảnh đời cơ cực, những người gặp hoạn nạn, những số phận gặp thiệt thòi… mà xa hơn là có những việc làm cụ thể để giúp đỡ những người đang ở trong những trường hợp này. Ở mức độ hẹp hơn, nếu người có lòng từ bi, họ sẽ không cố ý nói hay làm những điều gì khiến cho người khác phải khổ đau. Và khi một người có tâm từ bi thật sự, dù chưa có những việc làm gì cụ thể để giúp đỡ người khác, người ấy sẽ không khởi tâm ý làm hại hay làm cho người khác đau khổ.

Cũng tương tự như vậy đối với hỷ. Như đã nói ở trên, tâm hỷ thường được hiểu là tâm hoan hỷ với những điều thiện, những việc làm thiện, những người đức hạnh… Tuy nhiên ở một góc độ khác, thấy vui khi người khác thành công, khi người khác hơn mình, khi  người khác có những việc làm cống hiến cho xã hội… cũng có thể gọi là một trạng thái tâm hỷ. Cho nên, tâm hỷ là tâm hoan hỷ đối với những gì thiện lành, cao đẹp, hướng thượng, chứ không phải hoan hỷ với những gì ngược lại. Tâm hỷ như vậy là cao thượng, nhưng tâm hỷ ấy sẽ cao thượng hơn khi ta cùng chung tay với người khác để làm cho cuộc đời và xã hội tốt hơn, tức ta không chỉ vui khi người khác làm thiện, mà thấy vui hơn khi chính mình làm điều thiện.

Tâm xả là tâm không chấp thủ. Dù vẫn giữ quan điểm, lập trường của mình nhưng không bị nó dẫn đến chỗ cố chấp, cực đoạn, và cũng không bị trói chặt bởi những quan kiến, tình cảm hẹp hòi. Bồ-tát trong Phật giáo Đại thừa làm việc vì lợi ích của chúng sinh, nhưng không chấp chặt vào việc làm đó, không vướng vào điều kiện phải đền ơn, không phân biệt mình là người cứu giúp và người khác là kẻ được cứu giúp... Tâm xả như vậy là rất cần thiết trong cuộc sống và trong những hoạt động xã hội.

Cách thức tu tập Tứ vô lượng tâm

Để phát triển những trạng thái tâm cao tột và cao thượng, hành giả cần phải thực hành rèn luyện. Trong Phật giáo, tâm chúng sanh chất chứa những hạt giống khác nhau. Có những hạt giống thanh tịnh, nhưng cũng có những hạt giống nhiễm ô; có những hạt giống cao thượng, nhưng cũng có những hạt giống thấp hèn; có những hạt giống thiện lành, nhưng cũng có những hát giống bất thiện… Do đó, để cho tâm của mình trở nên thanh tịnh và thiện lành hơn, hành giả phải thực hành chuyển đổi những chủng tử xấu thành chủng tử tốt. Việc thiền quán Tứ vô lượng tâm cũng là một trong các cách thức để đạt đến mục đích ấy.

Quán từ bi là quán thấy chúng sanh đau khổ và khởi lòng thương đến họ. Nếu một hành giả thực hành việc quán niệm như vậy thì đang thực hành quán từ bi. Khi quán niệm với lòng từ bi như vậy, thì tâm không còn sân hận, không oán thù…. Khi tâm ấy trải khắp mười phương, thì được gọi là tâm từ bi vô lượng.

Người nào trong khi thiền định, khởi lên sự hoan hỷ vì thấy người khác không đau khổ được an vui, thì được gọi là đang thiền quán về hỷ. Tâm hỷ như vậy sẽ khiến cho hành giả không còn sự đố kỵ, ghanh ghét, tỵ hiềm… Vì việc thực hành tâm hỷ phải trải rộng khắp mười phương với tất cả mọi chúng sanh, nên được gọi là tâm hỷ vô lượng.

Khi quán từ bi, rải lòng thương yêu đến chúng sanh, hành giả phải không để tâm ấy bị dính mắc, và như vậy cần phải tu tập tâm xả; tức là thương yêu chúng sanh nhưng không để lòng thương yếu ấy trở thành luyến ái. Thực hành tâm xả sẽ giúp hành giả thoát khỏi sự ái thủ, sở chấp vào các đối tượng. Vì việc quán sát như vậy đối với tất cả mọi chúng sanh, nên được gọi là tâm xả vô lượng.

Kinh sách dạy rằng, khi quán từ bi, trước hết phải quán đến những người thân, nghĩ đến những khổ đau của cha mẹ mình, vợ con và người thân của mình, rồi sau đó khởi tâm rộng ra đối với mọi chúng sanh, thấy tất cả chúng sanh như là người thân của mình. Thấy chúng sanh chịu nhiều khổ đau bởi những nguyên nhân khác nhau, khởi lòng thương xót và mong muốn được giúp đỡ. Và khi đã có mong muốn giúp đỡ, sẽ đưa đến sự phát nguyện và sau đó là có hành động cụ thể.

Những giá trị đạo đức của giáo lý Tứ vô lượng tâm

Tứ vô lượng tâm là những cách thức phát triển những trạng thái tâm cao thượng, và khi bốn trạng thái tâm này được phát triển, chúng có công năng đối trị bốn trạng thái tâm tiêu cực như phiền não, sân hận, ganh tị, buồn bực và tham muốn. Trong Phật giáo, rèn luyện tâm là điều căn bản và quan trọng. Và những hành xử và việc làm ở trong các mối tương giao với con người và xã hội cần được đặt trên một tâm thức trong sáng và thiện lành.

Lòng từ bi giúp cho chúng ta sống thương yêu và tôn trọng bản thân mình, cũng như thương yêu và tôn trọng người khác và các loài sống khác. Thực hành lòng từ bi sẽ giúp giảm đi sự tham lam và ích kỷ, điều được xem là một trong các nguyên nhân đưa đến sự tranh đoạt, xung đột, làm hại lẫn nhau. Kinh sách Phật giáo chỉ ra rằng, việc thực hành từ bi đạt đến một mức độ thâm sâu, có thể hóa giải được mọi hận thù, và có thể cảm hóa và làm thay đổi người khác, những loài sống khác. Trong kinh tạng Nikaya, có kể lại câu chuyện một Tỳ-kheo bị rắn độc cắn chết. Khi biết được sự việc, đức Phật nói rằng nếu vị Tỳ-kheo ấy có thực hành quán từ bi, đã không bị rắn độc kia cắn chết.

Thực hành tâm hỷ xả sẽ giúp giảm đi sự sự giận dữ, sân hận, tỵ hiềm nơi bản thân. Đố kỵ, hận thù, ganh tị… là những nguyên nhân dẫn đến bạo lực. Thực hành tâm hỷ xả cũng là để có thể chấp nhận được những quan điểm khác nhau, những nền văn hóa khác nhau, những cách nghĩ khác nhau… Như vậy thực hành hỷ xả sẽ giúp cho hành giả bao dung hơn, rộng lượng hơn, và như vậy sẽ góp phần tạo nên sự hòa hợp, an bình cho xã hội.

Những phương pháp thực hành Phật giáo thường có mối tương quan và hỗ tương lẫn nhau. Chẳng hạn như, để thực hành năm giới một cách trọn vẹn, một hành giả cần phải thực hành Tứ vô lượng tâm. Ví dụ ta sẽ không thể thực hiện được giới không sát sanh nếu ta không thực hành từ bi hay tinh thần không gây hại (ahimsa). Như vậy, từ bi rõ ràng không chỉ là một dạng đạo đức hạnh phẩm hạnh mà cũng là đạo đức xã hội. Hay nói cách khác, việc thực hành Tứ vô lượng tâm là điều cần thiết cho việc thực hành những nguyên tắc hay luật lệ kiểm soát từ bên ngoài. Đạo đức Phật giáo luôn nhất quán ở điểm này, tức là vừa có những phương pháp kiểm soát và rèn luyện tâm nhưng cũng vừa có những luật lệ và quy định để kiểm soát hành vi ở bên ngoài.

Nguồn: Hoằng Pháp 34

 

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle