Minh Thạnh
1)
Không còn cơ hội mới và cũng không có thứ hạng thấp hơn cho lễ Phật đản tại Việt
Nam?
Trong
thập niên 2010, hiện đã khoảng 4 năm, không có một cơ hội nào nữa cho việc tổ
chức lễ Phật đản tại Việt Nam theo hướng ngày càng quy mô phát triển, mà lại là
diễn tiến theo hướng ngược lại.
Sau Vesak 2008, lễ Phật
đản rơi trở về thứ hạng ngày lễ tôn giáo có ảnh hưởng xã hội thứ năm tại Việt
Nam, sau các ngày lễ Noel, rằm tháng bảy, lễ hội tháng giêng và phục sinh. Ảnh
hưởng của phục sinh tuy chỉ giới hạn trong tầng lớp trung lưu, thượng lưu phương
Tây hóa, và trên phương tiện truyền thông. Nhưng vì chiếm lĩnh phương tiện
truyền thông, nên ảnh hưởng của nó ngày càng nhanh chóng lan rộng tại Việt Nam.
Trên các kênh truyền hình nước ngoài mà hiện được nhiều hệ thống truyền hình cáp
trong nước tiếp phát, đến lễ phục sinh thì tràn ngập không khí, hình ảnh Ky tô
giáo. Còn phát thanh viên các đài nước ngoài nói tiếng Việt thì gửi đến thính
giả các lời “chúc phục sinh tốt đẹp”.
Lễ Phật đản không còn gì
để mà mất nữa, trong thập niên 2010.
Gần 50 năm, qua việc bỏ
qua 4 cơ hội như đã phân tích, lễ Phật đản đã tụt đi 4 lần trong thứ hạng những
ngày lễ tôn giáo có ảnh hưởng đến xã hội.
Việc tổ chức lễ Phật đản
tại 2 thành phố lớn lại có biểu hiện không thuận lợi.
Tại Hà Nội, lễ đài trung
tâm những năm trước đặt tại quảng trường Cung Hữu Nghị 2 năm gần đây đã được dời
vào trong khuôn viên chùa Quán Sứ. Như vậy, việc tổ chức lễ Phật đản nơi công
cộng ở Hà Nội không còn nữa, mà theo lời giải thích không chính thức là không
mượn được địa điểm. Dù đó là lý do khách quan, thì sân chùa nhỏ hẹp, số lượng
người tham dự phải hết sức giới hạn. Quy mô người tham dự không tăng thì thôi,
nay lại sụt giảm. Một chiều hướng diễn tiến tổ chức lễ Phật đản xuống dốc?
Còn tại TPHCM, vị trí lễ
Phật đản từ sân vận động công cộng dời về khuôn viên chùa Vĩnh Nghiêm, rồi lại
dời về chùa Phổ Quang, trong một hẻm cụt, xa trung tâm thành phố. Khuôn viên
chùa nhỏ hẹp, hạn chế số người tham dự lễ Phật đản đã đành, nhưng vị trí chùa ở
một hẻm cụt, xa trung tâm thành phố còn làm hạ vị thế Phật giáo TPHCM, hạ vị thế
các nhà lãnh đạo Phật giáo đến như thế này nữa!
Ở Hà Nội, dù trong chùa
Quán Sứ hay ngoài quảng trường Cung Hữu Nghị, thì đều vẫn là nơi trung tâm, ở
giữa thủ đô, tại một ngôi chùa lịch sử.
Còn TPHCM, thì nơi tổ
chức Phật đản là quận ven (ven nhưng vẫn là quận, nơi thưa thớt dân cư, đường
cụt). Trang trí Phật đản quanh chùa Phổ Quang chỉ để phục vụ riêng cho khách đến
lễ và số ít dân địa phương, còn không tác động gì đến số lượng đông đảo người
dân TPHCM, vì có ai quẹo xe vào cái ngõ cụt đó đâu? Vì là ngõ cụt, nên sinh hoạt
ở đó vẫn theo tập quán người dân thành phố trong hẻm: con nít cỡi trần đá banh,
đá cầu, lạng lách xe đạp trẻ em... Đó lại là nơi tổ chức lễ Phật đản GHPGVN
TPHCM!
Trung tâm TPHCM là tòa
Đô chính, nay là UBND TPHCM. Năm 1964, lễ đài Phật đản dựng sừng sửng đối diện
tòa Đô chính, dùng toàn đường Nguyễn Huệ, đại lộ chính của thành phố làm không
gian lễ. Năm 2013, lễ đài Phật đản dời ra quận ven cách trung tâm hàng chục km,
trong hẻm lại là hẻm cụt. Có thể bình luận gì trước hiện thực so sánh hiển
nhiên, rõ ràng này?
Tục ngữ có câu “Một
miếng giữa làng bằng sàng xó bếp”. Ở cái xó quận ven, hẻm cụt đó thì được cái
“sàng gì”? Ấy vậy mà đó là quyết định chủ quan, sự lựa chọn kiên trì và lặp đi
lặp lại của một số vị giáo phẩm GHPGVN TPHCM, trong đó có nhiều vị đã từng ngẩng
cao đầu hành lễ trên lễ đài Phật đản công cộng trung tâm thành phố(!)
Nếu có những khó khăn
vướng mắc nào đó, các nhà lãnh đạo Phật giáo TPHCM không khó khăn để giải thích
rõ ràng với tăng ni Phật tử. Nhưng không, các bản tin trong nhiều lần lựa chọn
chùa Phổ Quang trong hẻm cụt làm nơi tổ chức lễ Phật đản điều cho thấy đó là một
sự tự lựa chọn xác định, kiên quyết, mà không nói rõ lý do.
Nếu đặt các hình ảnh lễ
Phật đản tại Sài Gòn vào năm 1964 và lễ Phật đản tại TPHCM năm 2013 TPHCM bên
nhau so sánh, các nhà lãnh đạo GHPGVN liệu sẽ có bình luận gì? Tại sao lễ Phật
đản lại suy sụp đến thế? Rồi còn đến mức nào nữa? Nếu không có lời giải thích
nào hết, thì rõ ràng là việc lẫn tránh trách nhiệm.
Con hẻm cùn đường Huỳnh
Lan Khanh như một biểu tượng cụ thể, hình tượng của bước đường tổ chức lễ Phật
đản tại TPHCM. Trình độ cùn, năng lực cùn.
Mà ở đây là một con hẻm cùn, không được là đường cùn. Hẻm cùn bít đường, bế tắc,
không lối thoát, “kiến bò miệng chén” (Kiều). Mà đó lại là tình huống tự mình,
tự thân tạo ra.
Con hẻm cùn đó như là
một điềm triệu tai gỡ bất tường đối với Phật giáo Việt Nam.
Chư vị tôn sư, cư vị
tiền bối hữu công trong cuộc đột khởi chấn hưng Phật giáo Việt Nam, thúc đẩy
việc đưa ngày lễ Phật đản trở thành ngày lễ tôn giáo hàng đầu của Việt Nam, sẽ
nghĩ thế nào khi biết kết quả hôm nay, sau hàng trăm hàng ngàn cố gắng, lễ Phật
đản tại TPHCM, địa phương đã từng tổ chức đỉnh cao lễ Phật đản, lại đưa lễ Phật
đản vào một con hẻm cụt.
2)
Bình luận
Sài Gòn là thành phố tổ
chức lễ Phật đản với quy mô nhất, chưa từng có từ trước đến nay (lễ Phật đản
1964). TPHCM cũng là thành phố tổ chức lễ Phật đản xuống dốc đến mức chưa từng
thấy trong lịch sử Phật giáo hiện đại. Vì vậy, từ việc bình luận quá trình tổ
chức lễ Phật đản, chúng ta sẽ có thể rút ra nhiều nhận xét hữu ích, có thể tham
khảo vận dụng trong việc xúc tiến tổ chức tốt hơn ngày lễ Phật đản.
Hạn chế về trình độ lãnh
đạo tôn giáo, hạn chế kỹ năng tổ chức hoạt động tôn giáo, hạn chế phẩm chất, hạn
chế nhiệt thành của một số vị lãnh đạo Phật giáo TP HCM đã đưa đến tình trạng như trên.
Trước hết, đó là việc
không ý thức được tầm quan trọng trong việc tổ chức lễ Phật đản, không có sự
đánh giá toàn diện, đầy đủ về ngày lễ Phật đản, không xác định được vị trí, vai
trò ngày lễ Phật đản tại Việt Nam, không xác định được nhu cầu tổ chức quy mô
ngày lễ Phật đản, không được trang bị lý luận về việc tổ chức ngày lễ Phật đản.
Từ đó, những vị trí có
trách nhiệm của GHPGVN TPHCM đã không nhận thức được mục tiêu mà các vị tôn đức,
tiền bối, cư sĩ hữu công khởi xướng công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam, mong
muốn tổ chức lễ Phật đản trở thành ngày lễ Phật giáo lớn nhất, cùng mục tiêu xa
hơn là tổ chức lễ Phật đản thành ngày lễ tôn giáo hàng đầu tại Việt Nam, tương
xứng với vị trí tôn giáo có số lượng tín đồ hàng đầu tại Việt Nam, đưa ngày lễ
Phật đản trở thành một ngày lễ lớn trong xã hội Việt Nam, có tác động mạnh mẽ
đến sinh hoạt tinh thần xã hội.
Do kém nhận thức về
những nội dung như trên, nên từ đó có những xử trí đáng tiếc, không khôn ngoan
và thiếu trách nhiệm trong việc tổ chức lễ Phật đản, cụ thể là:
-
Không xem việc tổ chức lễ Phật đản như là
yêu cầu trên hết, yêu cầu số một, hàng đầu, trên mọi việc khác. Vì vậy, có năm
trước 1975 ở Sài Gòn không tổ chức lễ Phật đản để phục vụ những yêu sách chính
trị (Sài Gòn Gia Định lúc đó đặt dưới sự điều hành của Viện Hóa đạo GHPGVNTN).
-
Không quan tâm thống kê, ghi nhận theo
dõi các mức thành công của việc tổ
chức lễ Phật đản hàng năm kịp thời báo cáo lãnh đạo Giáo hội xử trí. Do vậy, tổ
chức lễ Phật đản có sự xuống cấp mà giáo hội không biết, không quan tâm.
-
Cố định ở những hình thức tổ chức lễ Phật
đản có được từ năm 1964 thậm chí bỏ bớt, rất ít cố gắng tìm tòi, ứng dụng, thử
nghiệm các hình thức tổ chức mới kỷ niệm lễ Phật đản.
-
Không tổ chức nghiên cứu đúc kết, hoàn
thiện việc nghiên cứu lý luận tổ chức lễ Phật đản. Do vậy, đến nay lễ Phật đản
được tổ chức theo kiểu khuôn mẫu, trước bày, sau làm, bắt chước máy móc không có
tính sáng tạo, cải tiến mà lại chỉnh sửa theo hướng xuống cấp. Hơn nữa, đối với
việc đã làm không có sự lý giải, đánh giá, đúc kết về lý luận.
-
Do không có trình độ lý luận về việc tổ
chức lễ Phật đản, nên việc xử trí cụ thể các sự kiện phát sinh trong quá trình
tổ chức lễ Phật đản cũng tùy nghi, vội vàng, thiếu suy nghĩ, không cân nhắc, như
có năm hủy bỏ xe hoa làm mất đà tổ chức, có năm dời địa điểm vào hẻm cụt…
-
Vì không có lý luận tổ chức Phật đản, cho
nên không tìm tòi sáng tạo được những hình thức mới tổ chức lễ Phật đản. Còn nếu
có được cũng chậm đưa vào triển khai ứng dụng.
-
Chưa cố định được công thức, hình thái,
quy mô tổ chức lễ Phật đản hàng năm như một ngày lễ truyền thống, mà phải chờ
thông tư hướng dẫn như một ngày lễ tổ chức chừng như mới tổ chức.
-
Không nhạy bén với tình hình, không nắm
chắc, khai thác cơ hội, vận dụng vào hoàn cảnh Phật giáo, trong những năm 1990,
phía Phật giáo không thực hiện được việc khôi phục hoàn toàn các hình thức tổ
chức lễ Phật đản trước năm 1975 chủ yếu tổ chức tại Sài Gòn trước 1975, như các
tôn giáo khác và các hội đoàn, tổ chức tín ngưỡng đã làm đối với các ngày lễ tôn
giáo của mình.
-
Thiếu cố gắng trong việc vận động tín đồ
hành lễ đông đảo, hoặc là có cố gắng, nhưng bất lực không đạt được kết quả, rồi
buông xuôi, chịu thua.
-
Không mở rộng quy mô ngày lễ Phật đản
theo kịp với sự phát triển của TPHCM, sự gia tăng số lượng dân số tự nhiên cũng
như cơ học của TPHCM, không tương xứng với tầm vóc mới của TPHCM phát triển,
giàu mạnh, không phù hợp với sự liên kết giữa TPHCM với các địa phương lân cận
trong việc xây dựng khu vực kinh tế trọng điểm. Tư duy tổ chức lễ Phật đản tại
TPHCM năm 2013 cũng chỉ dừng lại ở mức tư duy tổ chức lễ Phật đản tại Sài Gòn
cuối thập niên 1970, không hề cải tiến nâng cấp. Đây cũng là một dạng bỏ qua cơ
hội để thúc đẩy việc tổ chức lễ Phật đản tiến lên quy mô ngang tầm thời đại.
-
Trách nhiệm tổ chức lễ Phật đản tập trung
vào một số vị tôn đức giáo phẩm lãnh đạo giáo hội, gây nên tình trạng nặng nề,
quá tải, trở ngại trong hoạt động tổ chức, vì nhân sự hạn hẹp. Trong khi đó lại
chưa thể huy động được số đông tăng ni, và nhất là đông đảo Phật tử tham gia
nhiều vào công việc tổ chức lễ Phật đản. Việc quá tập trung nhân sự chỉ đạo và
chỉ thu hẹp đồng thời không huy động được khả năng toàn diện, mở rộng đã vừa làm
khó khăn hơn cho việc tổ chức ngày lễ Phật đản, vừa tạo tình trạng lãng phí nhân
sự của Phật giáo. Thu hẹp công việc tổ chức lễ Phật đản trong một số vị cũng là
nguyên nhân của tình trạng tổ chức lễ Phật đản sáo mòn, lặp lại, cố định, thiếu
tính đổi mới, sáng tạo, đột phá, phát triển. Không huy động tổng lực sứ mạnh
toàn thể tăng ni Phật tử vào việc tổ chức ngày lễ Phật đản thì rất khó đạt mục
tiêu sớm đưa lễ Phật đản thành một lễ hội có sức ảnh hưởng xã hội sâu sắc, rộng
lớn, mạnh mẽ.
3)
Phản ánh – Nguyên nhân
Tình trạng được bình
luận nói trên vừa là hệ quả thực tế, vừa phản ánh những vấn đề của hoạt động
lãnh đạo Phật giáo Việt Nam hiện nay. Nói cách khác, trong thực tiễn như thế, có
thể thấy được nguyên nhân, từ nguyên nhân có thể đưa ra dự báo.
Nguyên nhân, ngoài việc
thiếu năng lực, yếu nhận thức, kém tầm nhìn, trình độ kỹ năng tổ chức thấp đã đề
cập, còn có thể kể đến việc giới hạn hiểu biết, hạn chế sáng tạo, thiếu đột phá,
thụ động, xơ cứng, lão hóa, bất lực, trì trệ, không chịu trách nhiệm, đùn đẩy
trách nhiệm, an phận, không phấn đấu, thành kiến, chấp trước, thủ cựu, lạc hậu,
bè phái, cục bộ, phân hóa, chia rẽ, tập trung đối đầu nội bộ, thiển cận, buông
xuôi, tiêu cực…
Trong số 4 cơ hội tổ
chức lễ Phật đản đã được nêu và phân tích trong những bài trước, ngoại trừ cơ
hội năm 1990 trải dài trong một thập kỷ dành cho mọi tôn giáo, còn 3 cơ hội còn
lại, lễ Phật đản đều được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các chính quyền. Cụ thể là:
-
Lễ Phật đản năm 1964 tại Sài Gòn được sự
hỗ trợ mạnh mẽ của chính quyền Sài Gòn (Hội đồng Quân nhân Cách mạng) trong bối
cảnh Phật giáo có một vai trò quan trọng trong việc đảo chính lật đổ Ngô Đình
Diệm.
-
Lễ Phật đản năm 1982 được sự hỗ trợ của
nhiều ban ngành đoàn thể, chính quyền các cấp nước CHXHCNVN trong bối cảnh
GHPGVN vừa được thành lập, chưa xây dựng được đơn vị địa phương.
-
Lễ Phật đản năm 2008 được sự hỗ trợ từ
các đơn vị tương tự như trên, trong bối cảnh Việt Nam đăng cai tổ chức Vesak
Liên Hiệp Quốc cùng thời điểm.
Như vậy, phải chăng tự
lực Phật giáo Việt Nam không thể tự tạo nên những đỉnh cao lễ Phật đản như đã
thấy, mà luôn luôn bên cạnh những đỉnh cao đó, luôn có những bàn tay hỗ trợ từ
phía chính quyền. Nếu như vậy, muốn giải quyết vấn đề là phải giải quyết từ gốc,
tức là từ năng lực lãnh đạo của những vị giáo phẩm già nua, thủ cựu, hạn chế
trình độ, cầu an, thụ động, bất tài bất lực như đã nói ở trên.
4)
Những việc đã làm được và chưa làm được trong lễ Phật đản những năm 2010
4.1 Những việc đã làm
được:
Hiện nay, lễ Phật đản
vào ngày rằm tháng tư Âm lịch đã được tổ chức hầu khắp trên khắp cả nước, dù với
cấp độ nguy mô khác biệt. Số người biết đến lễ Phật đản ở các tỉnh phía Bắc tăng
lên một cách đáng kể.
Nhiều địa phương trước
đây chưa tổ chức lễ Phật đản tập trung với lễ đài lộ thiên, thì nay đã tổ chức
được, dù có thể vẫn ở mức độ giới hạn và cũng chỉ bó hẹp trong khuôn viên chùa.
Ở một số nơi trước đây
chưa có xe hoa Phật đản nhất là các địa phương phía Bắc thì nay đã tổ chức được
hình thức xe hoa mừng Phật đản.
Chương trình lễ Phật đản
đã được hướng dẫn tổ chức kéo dài thành tuần lễ Phật đản.
Ở một số nơi, hình thức
tổ chức Phật đản ngày càng hoàn thiện, phong phú, đa dạng như văn nghệ, rước cộ,
rước đèn, từ thiện nhân đạo, thuyền hoa, đèn nổi, làm vườn Lâm Tỳ Ni, hoa đăng,
thi thiệp mừng Phật đản…
Các đơn vị truyền thông
Phật giáo đã có quan tâm đầu tư ngày càng nhiều hơn cho hoạt động truyền thông
ngày lễ Phật đản, góp phần cổ động, quảng bá sâu rộng hơn về ngày lễ Phật đản.
Hoạt động treo cờ Phật
giáo, đèn hoa, tại tư gia, lập cổng chào khôi phục được một số ít nơi tại miền
Nam, có phát triển ra một số nơi ở miền Bắc, và có nơi cá biệt hoạt động này lên
rất mạnh.
Các phương tiện thông
tin đại chúng công cộng có đưa tin về ngày lễ Phật đản sau khi cuộc lễ đã được
tổ chức.
Xuất bản một số ít ấn
phẩm chào mừng Phật đản.
4.2 Những việc chưa làm
được
- Tại những thành phố
lớn (Hà Nội, TPHCM), nơi lễ Phật đản đã được tổ chức tại địa điểm công cộng, thì
nay lại dời vào bên trong khuôn viên chùa nhỏ hẹp, không gia tăng được số người
tham dự. Có nơi như TPHCM, địa điểm tổ chức dời vào nơi vắng vẻ, hẻm cụt, xa
trung tâm thành phố.
- Nhiều chùa không tổ
chức Phật đản kéo dài suốt tuần lễ Phật đản. Thậm chí có chùa vẫn chỉ tổ chức
Phật đản vào ngày mùng 8 tháng 4 Âm lịch.
- Xe hoa Phật đản chưa
phải đều khắp trên các địa phương cả nước.
- Thời lượng và lộ trình
xe hoa còn giới hạn, chủ yếu chỉ ngày mười bốn và ngày rằm tháng 4. Có địa
phương như ở TPHCM diện tích thành phố đã mở rộng khoảng 10 lần nhưng đoàn xe
hoa tập trung vẫn đi trong lộ trình đã có tương tự khoảng gần 50 năm trước.
- Thông điệp Phật đản
của vị lãnh đạo tinh thần giáo hội không có ảnh hưởng mạnh mẽ như trước.
- Việc treo cờ Phật giáo
trang trí ở nhà chùa và tư gia tại nhiều địa phương còn rất giới hạn. Việc treo
cờ Phật giáo do nhà chùa đảm nhiệm trên đường phố có nơi giảm sút, còn việc treo
cờ Phật giáo ở tư gia chỉ là cá biệt, không tạo thành phong trào.
- Cũng vậy, việc treo
đèn, kết hoa, dựng cổng chào ở nhiều nơi rất hạn chế.
- Tại thành phố đầu tàu
tổ chức lễ Phật đản là TPHCM, hình thức tổ chức lễ Phật đản vẫn đi xuống.
- Số người đi chùa vào
lễ Phật đản tăng giảm không đồng đều, nhiều nơi không tăng trong khi số người đi
lễ chùa cúng sao, giải hạn (tháng giêng), dự vu lan… lại tăng.
- Không có hoạt động
truyền thông cổ động tuần lễ Phật đản ở các đơn vị truyền thông ngoài Phật giáo.
- Một số hình thức tổ
chức Phật đản đã có như thắp nến cầu nguyện còn ít. Trong khi những hình thức
mới được đề xuất, tham khảo từ kinh nghiệm tổ chức nước ngoài lại không được áp
dụng.
- Ảnh hưởng xã hội của
lễ Phật đản, hiểu biết về ngày Phật đản trong xã hội vẫn có chiều hướng giảm, và
có nguy cơ bị che mờ vì nhiều ngày lễ tín ngưỡng, nhất là tín ngưỡng dân gian,
và ngày lễ tôn giáo khác.
- Người Phật tử chia sẻ
với nhau về lễ Phật đản trên các trang mạng xã hội internet chưa nhiều như ngày
lễ các tôn giáo khác.
- Trên một số trang tin
Phật giáo, dư luận công chúng bạn đọc không lạc quan về việc tổ chức lễ Phật đản
ở một số tỉnh thành, có nơi phản đối việc dời lễ Phật đản vào tổ chức trong hẻm
cụt. Tuy nhiên, ý kiến nêu lên không được các nhà lãnh đạo Phật giáo lắng nghe,
quan tâm hồi đáp, giải thích. Việc tổ chức lễ Phật đản bộ lộ tính thiếu dân chủ,
độc đoán.
- Việc chuẩn bị tổ chức
lễ Phật đản một số nơi chưa thành nếp, năm sớm, năm muộn, cập rập, có nơi chậm
trễ, không kịp ngày diễn ra lễ hội.
- Tiềm năng tổ chức văn
nghệ Phật giáo dồi dào, nhưng chưa được khai thác hết, chưa được được khai thác
phù hợp cân xứng. Văn nghệ Phật giáo tập trung vào 14 và rằm, gây khó khăn trong
việc đáp ứng của ca sĩ Phật giáo, trong khi khả năng rải đều các ngày trong tuần
lễ Phật đản có thể làm thuận lợi hơn cho giới nghệ sĩ Phật giáo, lại tạo không
khí lễ hội đều khắp trong tuần lễ Phật giáo ở khắp các chùa, đã không được chú
trọng nhiều.
- Nhìn chung việc tổ
chức lễ Phật đản còn mang tính phong trào, nhất thời, tùy lúc, chưa đi vào việc
tổ chức nề nếp như một ngày lễ truyền thống. Tình hình tổ chức ở các địa phương
không đồng nhất. Có địa phương tổ chức đi lên, có địa phương tổ chức với diễn
biến đi xuống, có địa phương tổ chức theo mức mọi năm. Mức độ tổ chức ở các địa
phương cũng biến thiên, không ổn định (phụ thuộc kết quả họp bàn, quyết định
từng năm). Kết quả của gần 100 năm chấn hưng Phật giáo, gần 40 năm thống nhất
đất nước, hơn 30 năm thành lập GHPGVN, hơn 25 năm đổi mới, như vậy là không lạc
quan, không đáng mừng.
Tăng ni Phật tử cả nước
cần quan tâm đặc biệt đến một số địa phương có biểu hiện tổ chức lễ Phật đản
ngày càng đi xuống như TPHCM (liên tục dời địa điểm theo hướng từ địa điểm công
cộng vào nơi sâu, nơi xa trung tâm, đường cụt, thưa vắng dân cư) dễ tạo điều
kiện thúc đẩy Phật giáo TPHCM có tiến triển trong việc tổ chức lễ Phật đản, chấm
dứt tình trạng tổ chức xuống dốc.
Đón xem bài 6 – Dự báo