Đồng vọng quê hương
ĐỒNG VỌNG QUÊ HƯƠNG
Phương Tử Tâm
(cảm nghĩ nhân đọc bài thơ
“NHỚ CHÙA” của Huyền Không - Hòa Thượng Mãn Giác - đăng trên báo giác ngộ)
Hình ảnh ngôi chùa, dòng sông, cây đa bến nước đã quá đổi thân quen và gắn bó đời người qua từng làng xã quê hương. Để rồi khi tất cả khung cảnh nên thơ bình dị ấy chỉ còn là chút hoài niệm xa xôi thì nó bỗng trở thành một thứ biểu tượng thiêng liêng, ẩn chứa biết bao niềm thương nỗi nhớ đến nao lòng...
Có những cái đẹp mộc mạc chân tình như hương đồng cỏ nội. Có những cái đẹp mênh mông dàn trải như núi thẩm non ngàn. Hoa cỏ nào thì hồn sắc nấy. Tính ước lệ của vạn tượng sum la, luôn là mạch nguồn cho bao ý nhạc hồn thơ bay bổng. Chính vì thế mà mỗi lần dạo qua khung trời thi ca rộng mở, tôi lại bắt gặp những cái đẹp muôn sắc lắm màu. Đôi khi phải gạn lọc suy tư, có lúc thì bâng khuâng nghiền ngẫm. Cuối cùng điều đọng lại bao giờ cũng là một mảnh tình quê chân phát mà làm day dứt... suốt cả một đời người không nguôi tìm kiếm.
Bất ngờ đọc lại bài thơ “Nhớ Chùa” vừa được in trên báo - bài thơ mà tôi từng yêu thích trong suốt hai mươi năm qua, lòng chợt bồi hồi xúc cảm như lần đầu tiên được trùng phùng với nàng thơ kỳ ảo, hay cuộc tao ngộ đầy duyên nợ của kẻ học đòi nghiệp dĩ văn chương. Hai hay ba mươi năm thì lộ trình của một bài thơ hay chưa thể gọi là dài. Vậy mà ngần ấy thời gian cũng đủ cho hồn thơ ấy vươn xa làm lay động hằng triệu triệu con tim người trên khắp miền xuôi ngược.
Bài thơ được in trang trọng như biểu lộ sự tôn vinh kính ngưỡng, thầm gởi nén hương lòng đến bậc Tôn đức khả kính vừa rũ bỏ cảnh trần gian tạm bợ. Sau bao nhiêu năm, bài thơ vẫn mang đậm dấu ấn thiêng liêng của tình người viễn xứ trăn trở mãi bởi một tiếng chuông chùa vọng lại từ cõi trời quê xa thẳm...
Từ thuở ra đi vắng bóng chùa
Đường đời đã nhọc chuyện hơn thua.
Trong tôi đã bừng dậy niềm chua xót
Xao xuyến mơ về lại cảnh xưa.
Lời mở đầu cũng là lời tự kết về cái “thuở ra đi... vắng xa mái chùa tranh yên ả... đến con đường đời hơn thua vinh nhục thì làm sao tránh khỏi bước ngắn bước dài đầy nổi chông chênh lao nhọc”... từ đó mà “bừng dậy niềm chua xót” cho một kiếp người làm khách tha phương. Miền quê hương qua dáng dấp một ngôi chùa làng, là hình tượng khá tiêu biểu trong thơ ca. Nhưng “nhớ chùa” lại mang một hơi thở lạ. Rất lạ. Thổi đúng mạch nguồn vào cái thời mà làng quê còn xa tăm tít, thấp thoáng nơi bến bờ là nỗi nhớ thương hoài niệm không nguôi lòng “Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung....” Thế đấy! Chùa chung nhưng niềm riêng thì canh cánh bên lòng. Dạo mãi khúc ly hương cho đời mà người nhạc sĩ tài hoa chưa thể khua động cho mình một khoảng trời xanh để nhẹ gót phiêu bồng, nên đành chấp nhận làm gã cùng tử lang thang rong ruổi qua muôn ngã rẽ.
Không gian của miền quê ngập vàng ánh nắng. Lời thơ tả chân mộc mạc mà thâm thúy, câu chữ nhịp nhàng mà ý tứ bay xa. Với dung lượng chưa quá mười bài thất ngôn tứ tuyệt, cũng bao quát một bức tranh quê với đầy đủ cả sắc hồn, cả tình ý; dù cảnh tượng làng quê ấy lắm khi chỉ “thấp thoáng bên lòng.... một con đường đỏ... vài hàng tre xanh... một chút khói hương trầm phảng phất, cùng bóng dáng Đức Phật từ bi mỉm miệng cười”...
Tôi tâm đắc với câu “Cây mai già sống trọn đời, bên hàng tùng bách mãi xanh tươi” Cây mai vàng có mặt khắp vùng nhiệt đới. Ở đâu mai cũng lung linh một sắc hoa vàng, vẫn nhẹ thoáng qua làn gió xuân ấm áp. Những cây mai cốt cách thanh mảnh mà có sức sống bền bĩ quanh năm. Những hàng tùng bách xanh tươi thì lại muốn vươn xa tỏa bóng khắp cõi nhân tình ... Hình tượng vừa rõ ràng vừa kín đáo ấy lại đẹp một cách thanh nhã cao kỳ, làm sáng rực cả cánh đồng quê vốn quen sống yên bình bên lời kinh tiếng mõ.
Bây giờ tôi mới hiểu... vì sao người ta bôn ba bận rộn cả đời mà vẫn không quên gởi lòng về cùng tiếng chuông xa. Chuông vẳng nơi nao lại nhớ tiếng chuông quê mình đến thế. Bởi ở đâu có tiếng chuông nghe rõ cả hồn thiêng sông núi tự hào, nghe rõ mọi âm hưởng trầm hùng sâu lắng giữa thinh không. Mái chùa quê dù phong rêu cổ kính, vẫn là nơi chở che hồn dân tộc, là nếp sống muôn đời của Tổ tông. Tình làng nghĩa xóm đã gắn bó nhau cả đời, thì mái đình, hàng cây, dòng sông, bóng nước mãi mãi là một chốn quê hương để ai ra đi cũng vương vấn nhớ về.
“Biết đến bao giờ trở lại quê, phân vân lòng gởi nhớ thương về...” Đã là chùa chung thì nỗi niềm này đâu chỉ riêng ai.“Nhớ chùa” dù mang hơi thở của thời đại, là tâm sự của riêng mình mà cũng là tiếng nói chung của muôn thế hệ người đi qua. Cảnh “chim Việt cành Nam” từng làm xao xuyến bao mảnh đời phiêu bạt. Và đó cũng là bản hợp tấu xuyên dài trên con đường du phương hành hóa của không ít bậc chân tu đương đại. Người ra đi cũng có lúc phải quay về. Cánh hạc bay xa còn tỏ lòng đoái thương đời dâu bể. Cuộc sống là sự tiếp nối không ngừng. Ai đi ai ở đều chung hưởng một vầng trăng nơi quê mẹ. Vậy thì bận bịu làm chi chuyện đến đi, để lòng cứ phải băn khoăn tự hỏi đến bao giờ...