Tản mạn tiếng chuông chiều
Tản mạn tiếng chuông chiều
Phương Tử Tâm
Ba giờ chiều, tôi lên chùa đóng chuông. Chánh điện nằm trên tầng hai có không gian rộng và yên tịnh. Ngôi bảo điện còn chưa hoàn tất. Cửa sổ cửa lớn bỏ ngỏ thông thoáng nên gió mặc sức lùa vào. Khi thắp nhang trên bàn Phật, tôi thường đứng lại ngắm mấy bình hoa được cắm rất nghệ thuật đẹp mắt. Bàn Phật Bổn Sư bài trí đơn sơ mà không kém phần trang nhã tôn nghiêm. Hoa tươi không bao giờ thiếu và khói hương nhẹ nhàng theo gió thoảng lan xa.
Tôi luôn có cảm giác khi tiếng chuông chiều vừa vang lên thì mọi hoạt cảnh xung quanh đều lắng động theo. Con đường mặt tiền không ngớt dòng người xe xuôi ngược. Nhưng khi nghe tiếng chuông, mọi người có vẻ chậm rãi từ tốn hơn trong công việc. Người chạy xe ngang qua thì giảm bớt tay ga. Vì nằm trên đoạn đường cua gấp, họ phải tự cảnh tỉnh khi bất chợt có tiếng chuông ngân ngay giữa phố phường đông đúc. Không gian bận rộn nhưng không quá ồn náo. Người người đi qua vẫn e ngại làm khuấy động chốn thiền môn yên tịnh. Thiên nhiên đang lúc giao hòa nên tạo cảnh, hay lòng người trong tĩnh lặng mà hiện sinh ra muôn sắc hữu tình?
Chắc hẳn do cảnh lặng tâm yên nên tôi nghe tiếng chuông trong lúc này vừa mang âm điệu trầm hùng lại vừa sâu lắng mênh mông. Mà quả thật như vậy. Khi muôn vật đều duy tâm sở biến, thì cảnh sắc trước mắt tôi cũng từ ý thức hóa hiện ra. Tiếng chuông lay vọng giữa hư không lại được cảm nhận từ tâm thức bình yên, nên vạn nẻo âm dương cũng lâng lâng niềm thoát tục. Qua giây phút tịnh tâm theo dòng cảm xúc, bất giác nhìn lên tượng Phật Bổn Sư. Và hình như tôi thấy ngài đang mỉm cười. Phật mỉm cười vì thương chúng sanh mê muội, tất bật suốt đời trong nẻo hư danh. Phật cười, một nụ cười an nhiên lạc vị trước cảnh sắc không. Nụ cười ấy ngàn năm trước ngàn năm sau vẫn hiện hữu trong tâm thức chúng sanh. Vậy mà đến tận bây giờ tôi mới nhận ra nụ cười an lạc luôn nở trên môi người tỉnh giác. Rồi như không muốn bỏ lỡ cơ hội... cùng mỉm cười với Thế Tôn, tôi hướng nhìn đấng Đại Giác Đại Bi rồi sụp lạy, lòng hân hoan theo từng tiếng chuông chiều. Niềm vui đọng lại. Ý tưởng miên man theo tiếng chuông trầm tịch u nhàn...
Nhưng rồi, khung cảnh tịch nhiên này cũng không còn là của riêng tôi nữa. Từ lúc nào, chàng trai trẻ có tên là Phát đang quỳ trước Bảo Điện. Phát đến chùa hằng ngày, thường có mặt trước khi tôi lên đóng chuông, chỉ để lạy Phật rồi về. Lạy một cách thành khẩn. Khuôn mặt chàng thanh niên ánh lên nét hoan hỷ tự tại của người luôn bằng lòng với những gì hiện có. Không gian sống của Phát lúc này là đoạn đường đi từ nhà đến chùa. Thời gian sống là ngay giây phút hiện tại quỳ dưới bóng đức từ tôn, với tất lòng chân thành lễ sám. Mồ hôi ra ướt đẫm mà vẫn tươi tắn trong nụ cười hàm tiếu. Một vẻ mặt tràn đầy niềm tin hướng thiện. Khi đến cũng như lúc về, Phát chỉ chào tôi bằng nụ cười hàm tiếu đó. Tôi cũng cười lại và thầm nghĩ “Một nụ cười Di Lặc đây mà” (Mà cậu ta cũng có cốt cách cùng gương mặt như vậy lắm).
Nụ cười Di Lặc luôn hiện hữu khắp nơi. Chỉ là do chúng ta quên hay không sẵn lòng đón nhận đó thôi. Khi con người nhìn nhau bằng tâm đố kỵ hoài nghi, bằng niệm tham sân si phiền não, thì làm sao có được nụ cười hòa hiếu thân thiện. Con người một khi đánh mất nụ cười, cũng đánh mất luôn niềm tin yêu trong cuộc sống.
Ngay dưới bệ Phật Bổn Sư, bức tượng Phật đản sanh uy nghiêm đứng trên tòa sen, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất. Có điều... bức tượng này lại được tạc cao quá kích cỡ. Một sự thể hiện sâu xa về lòng ngưỡng mộ, hay ý tưởng tôn vinh bay cao theo cùng thời đại?. Hằng năm các Tự viện đều tổ chức lễ rước Phật đản với đầy đủ nghi thức truyền thống mà vẫn không kém phần sáng tạo trang trọng theo từng vùng miền. Nhìn mấy vòng hoa tươi vừa được kết choàng quanh bức tượng luôn tỏa mùi thơm ngát, tôi có cảm giác tượng Phật rạng rỡ hơn mọi ngày. Niềm kính tin cùng lòng ngưỡng mộ của con người đã góp phần tạo thêm nhiều đường nét sinh động về sự ra đời của đấng Đạo Sư.
Tháng tư, ngọn gió nam xuân đã chuyển qua nồm. Trời đang nóng chợt mát dịu hẳn khi vài cơn mưa đầu mùa rớt hạt. Thời tiết trong buổi giao thời nghe man mác như cảnh trời quê xa xứ. Tháng tư, ký ức thời gian quay về cùng với màu hoa vô ưu một thời đã để lại không ít hương sắc mới trong mỗi chốn Già Lam thanh tịnh. Cảnh Tăng già hòa hợp cũng nhộn nhàng khởi sắc khi mùa hạ lạp đang tới. Một thời Phật đản sanh tại nước Ca-tỳ-la-vệ. Một đời xuất gia, tu chứng đạo quả, với mấy mươi năm trụ thế hoằng hóa độ sanh. Từ miền quê hương xa xôi, gót vân du của ngài đã ngược xuôi khắp vùng trung Ấn Độ. Hoa vô ưu rộ nở ở trời đông, hằng bao thế kỷ đã đơm hoa kết quả trên mọi nẻo đường nhân thế.
Ngoài sân vài chú bồ câu hiền lành vừa sà xuống ngay bàn thí thực. Một loài chim mang biểu tượng về cuộc sống hòa bình yên ả. Và trong sự tĩnh lặng của một buổi chiều đầu hạ, tiếng đại hồng chung cũng ngầm nói lên một bức thông điệp an lành. Một sự nối kết cho cả hai miền âm dương trong thâm tình hữu nghị sẻ chia.
Tháng tư khơi dậy bao niềm tri ân báo đức. Khu vườn Lâm-tỳ-ni vừa dựng xong trước sân chùa với đủ sắc màu hoa cỏ cũng nói lên được niềm vui sáng tạo của người con Phật trong mỗi thời đại truyền thừa nối tiếp. Một đài Sen mới cũng vừa kết tụ khai hoa. Một vị Phật ra đời ngay nơi mảnh đất bình yên thánh thiện.