Tình
yêu, tình thương, phải chăng là một đề tài lớn rộng bao la mà con người đã đề
cập đến từ muôn thuở muôn nơi ở khắp mọi miền trên thế giới ?
Thi hào Đức quốc Rainer Maria Rilke phát biểu : “Tình
yêu là một điều tốt đẹp lạ lùng. Tình yêu của một con người đối với một con
người khác, có lẽ là sự thử thách khó khăn nhất đối với mỗi một người trong
chúng ta. Đó là sự tâm chứng cao cả nhất của bản thân chúng ta,
sự nghiệp tối cao mà tất cả mọi sự nghiệp khác chỉ là những sự chuẩn bị mở đường.”
Đúng thế, tình thương, tình yêu có một ý nghĩa diệu thường như
vậy. Không phải dễ thực hiện, chẳng đơn sơ
giản dị chút nào, vì hai tâm hồn nam nữ xa lạ muốn hòa hợp, giao cảm với nhau,
thấu suốt nguồn cội chia sẻ tâm đầu ý hợp với nhau, đòi hỏi phải vượt qua cái
ngã chấp thâm căn cố đế của chính mình. Tính khí, ý nguyện, sở
thích mỗi người mỗi khác, quả thật là quá đỗi nhiêu khê, tế toái, rườm rà, đa
đoan, đủ thứ chuyện phiền não lùng bùng, mê ám tham si.
Tuy nhiên, thể tính tình yêu rất thiêng liêng, mầu nhiệm, vốn là một nhu cầu cần
thiết, vô cùng mãnh liệt, cho nên bất cứ ai ai trong cõi đời này cũng hơn một
lần dấn bước vào cuộc mộng tình yêu ấy như Henry Miller, Tagore, Rimbaud, Nguyễn
Du, Bùi Giáng, Hoài Khanh, Phạm Công Thiện hay như chàng lãng tử phiêu bồng,
không một chốn về Lê Đình Bích.
Sinh năm 1958, bên dòng sông Thu Bồn cùng quê quán Quảng Nam với thi sĩ Bùi
Giáng, Lê Đình Bích làm thơ, viết văn, đồng thời là giảng viên Đại học Cần Thơ.
Say mê văn nghệ, thi ca, âm nhạc, đã xuất bản những tác phẩm :
Huyền thoại Ip-sin-kha-rôn, Hòa âm nghịch trên những phím đàn, Mùa hoan lạc,
Khúc hát dòng sông, Hoa văn, Giao tiếp thi ca và rèn luyện nhân cách.
Tính tình hào sảng, phóng khoáng, phong độ chịu chơi vô ngại, mái tóc dài nghệ
sĩ, nụ cười lãng mạn bao dung cùng bước đi tung
hoành ngang dọc khắp dặm đường lang bạt kỳ hồ. Với túi thơ bầu
rượu, chàng lên rừng xuống biển, ra tận ven trời vạn dặm, ngút ngàn ngoài hải
đảo xa xôi. Rồi một chiều bữa nọ, dừng gót lữ rong rêu dọc bến bờ sông
nước Hậu Giang, chàng cúi xuống nhặt một chiếc lá vàng rơi rụng, chợt bỗng nghe
văng vẳng tiếng hát dòng sông đồng vọng rung ngân khi tình cờ bắt gặp một dáng
thơ gầy yểu
điệu :
Người con gái ấy tôi yêu
Mỏng manh như sợi nắng chiều Hậu Giang
Nghiêng vai tóc xỏa dịu dàng
Cầu tre mấy nhịp vội vàng lòng ta ?
Lòng ta phập phồng rộn rã vội vàng ?
Vì răng mà như rứa, hỡi dịu dàng thục nữ thuyền quyên, hỡi suối tóc long lanh
lấp lánh phả nhẹ xuống bờ vai xanh biêng biếc, nghiêng nghiêng qua mấy nhịp cầu
tre vàng nhạt loang bóng nắng chiều phiêu hốt mỏng manh. Chạnh niềm rúng tim
động phổi rồi em ạ ! Em ồ em đẹp ngát
hương hoa. Đẹp chi diễm tuyệt như là nàng tiên.
Tiên nữ giáng trần, khiến thi nhân chuếnh choáng, lảo đảo càn khôn xiêu hồn lạc
vía, mặc dù đã đầm đìa chia sẻ cùng em qua biết bao ngày rộng đêm dài ở bến gió
bờ sương, dưới trăng vàng cổ tự hay giữa hương đồng cỏ nội lai láng mộng bồi hồi,
xao xuyến mãi tình quê :
Về thôi em nhé về thôi
Trăng đêm cổ tự em ngồi với ta
Sông quê chảy trước hiên nhà
Cầu tre ta dắt em qua đoạn trường
Đoạn trường đứt ruột chuyện chi mà chàng lẫm liệt quyết định dắt đưa em nhảy qua
một bận ? Ắt là gay cấn nảy sinh. Sầu dang dở mộng đâu
tình thủy
chung ? Cùng hẹn biển thề non, dù lên thác xuống ghềnh
cũng cùng nhau kham nhẫn, chịu khó vượt qua hết những ghềnh thác đời đang ầm
vang đổ xuống dưới chân đi, nhưng vô thường đột ngột xảy đến làm đảo lộn, tan
tác cả một thời xanh ngát vàng son hoa bướm xôn xao bay đi mất. Ân tình nào giữ
lại trong tay ? Nước chảy mây trôi là
chuyện đời chiêm bao ảo dị.
Hôm xưa chan chứa ngọt ngào để bữa nay ngậm ngùi chua chát.
Mang mang tâm sự biết bày tỏ cùng ai đây, khi dáng gầy em yêu dấu nọ đã bỏ đi
biền biệt cuối chân trời.
Thôi nhé ! Em ơi ! Em về đâu
mà áo tôi ướt nhòa giọt lệ hay giọt mưa nhỏ xuống giữa lòng quạnh quẽ đơn
côi :
Em về mưa ướt áo tôi
Đất trời se sắt biết rồi làm sao
Em về tàn giấc chiêm bao
Tôi chua chát những ngọt ngào ngày xưa
Em về thôi hết tiễn đưa
Ai xui khiến những lọc lừa đầu môi
Trời ơi ! Tôi đã yêu rồi
Dở dang từ độ bỏ tôi em về
Thế à ! Ừ thì dang dở mà thôi.
Mới hay lừa lọc những lời nói suông. Chao ôi ! Nỗi buồn
đau thấu ruột bầm gan, lạc lõng bơ vơ giữa chợ đời điêu ngoa giả dối, chàng thi
sĩ có trái tim ngây thơ chợt sững sờ, ngơ ngác không biết là thực hay là
mộng ? Giống như nhà thơ Phạm Thiên Thư cũng rưng rưng ngấn lệ, lặng lẽ
trong xót xa sầu nhớ nàng thơ thùy mị diễm kiều mà cũng đành chia phôi đôi ngã :
Đường về hái nụ mù sa
Đưa theo dài một nương cà tím thôi
Thôi thì em chẳng yêu tôi
Leo lên cành bưởi nhớ người rưng rưng
Giọt lệ và nụ cười, khổ đau và hạnh phúc, gặp gỡ rồi ly biệt chia xa cũng từ cõi
mộng lung linh tình yêu mà ra cả. Đa số, hầu như khắp miền thiên hạ xưa nay, khi
họ đến với tình yêu đều không bắt gặp, không thấy được hương vị
vi diệu nhiệm mầu của tình yêu mà trái lại, chỉ thấy toàn khổ lụy thê
lương. đoạn
trường áo não. Bởi vậy, giọt lệ trở thành suối lệ chảy ngập tràn ướt đẫm hàng
nghìn trang thơ nhạc của nhân gian, Lê Đình Bích tình cảm chân thành là vậy,
thiết tha là thế cũng không thoát khỏi bi kịch rưng rưng nước mắt khóc tình hụt
hẫng chơi vơi :
Không theo nhau đến trọn đời
Thì thôi thư sẽ thay người dần quên
Ảnh người tôi giữ trong tim
Tiếng xưa mưa dội bên thềm lá reo
Người về tôi đứng trông theo
Vói tay như đứa trẻ nghèo mất quê
Chiều xanh vàng lỡ câu thề
Hà ơi ! Tôi gọi em về rồi sao
Hà ơi ! Hương ơi ! Ngân
ơi ! Thu ơi ! Hỡi những người em yêu dấu mê say
một thời bốc cháy, nay cũng đành bùi ngùi hát sầu khúc ly tan. Chàng thi sĩ bàng
hoàng, ngạc nhiên đứng gọi chới với khơi vơi và đăm đăm ngắm nhìn
theo những người em gái mình yêu, tâm tình hiến dâng một thuở, trao cả
ruột rà xương xảu máu me cho em hết mà em vẫn lạnh lùng, đành đoạn từ giã ra đi.
Vì sao như thế ? Thôi thì, chàng chỉ còn biết ngậm ngùi, chúc phúc cho
em vui vẻ lên đường, còn mình âm thầm chấp nhận nỗi sầu thiên cổ giữa cuộc bể
dâu :
Người về ngỡ giấc chiêm bao
Nhạt lòng chung thủy đậm màu vô ơn
Vẫy tay dối những căm hờn
Dửng dưng từ biệt mà lòng quặn đau
Em đi ngày trước ngàn sau
Tôi nhìn gian dối sắc màu thủy chung
Biệt ly giữa lúc tao phùng
Đường vui em bước nỗi buồn tôi mang
Sầu khúc Lê Đình Bích cũng là sầu ca của hầu hết phần đông nhân loại trong cõi
người ta. Thì ra, tình yêu tuy đầy quyến rũ, đủ màu sắc
hấp dẫn mê hoặc nhưng quả thật là khó nắm bắt, chẳng thể giũ gìn hay chiếm hữu
gì được. Như vậy, chân tướng của tình yêu như hoa đốm giữa hư không, nghĩa là ảo
mộng, không có thực, có phải thế
chăng ? Thi nhân im lặng mặc nhiên, vô ngôn không nói,
nhưng cần chi phải dài dòng mới hiểu, chỉ vài câu thơ lãng đãng khói sương thôi
cũng đủ diễn bày tất cả ý nghĩa nhân sinh hư huyễn, mộng ảo, vô thường của
chuyện tình cảm bèo bọt phù du.
Từ đó, nhà thơ vô tình gợi mở cho chúng ta tỉnh thức, bừng dậy một tình yêu
thương vô lượng vô biên, vô điều kiện như thi sĩ thượng thừa Bùi Giáng :
Xin yêu mãi yêu và yêu nhau mãi
Trần gian ôi cánh bướm cánh chuồn chuồn
Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại
Con vi trùng cùng sâu bọ cũng yêu luôn
“Con vi trùng cùng sâu bọ cũng yêu luôn” huống chi là những người em kiều nữ mặn
nồng đã quay mặt lặng lẽ bỏ ra đi phải không ? Tuy cũng có chút buồn bã, chạnh
sầu chua xót nhưng nhà thơ vốn mang dòng máu hào sảng Quảng Nam kia vẫn không ủy
mị, yếu đuối mà trái lại, chính từ những trải nghiệm tình cảm oái oăm, vừa ngọt
ngào vừa cay đắng nọ, càng trợ duyên thêm cho chàng lẫm liệt hiên ngang dấn bước
trên những cung bậc đời thiên thu vời vợi… Với tấm lòng rộng
lượng thương yêu, kẻ tài hoa đủ điệu phiêu bồng như Lê Đình Bích vẫn tiếp tục
đăng trình giữa muôn trùng cuộc lữ lưu linh.
Từ cuộc tình đến cuộc mộng, từ cuộc mộng đến cuộc thơ, mở ra
những phương trời thênh thang bát ngát.
Trên thể điệu yêu thương vô điều kiện đó, thi sĩ hóa thành trẻ thơ, thở nhẹ sâu
xa hòa khúc ruột rà những tiếng lòng viên dung cùng người mẹ hiền thiết tha yêu
dấu, chan chứa nỗi thơ ngây khờ dại trong lai láng bồi hồi :
Mỗi lần con trở lại nhà
Là đem về mẹ bông hoa biết cười
Phong sương bốn chục tuổi đời
Mà nghêu ngao hát như thời trẻ thơ
Không hoài bão chẳng ước mơ
Chỉ mong sống lại những giờ thần tiên
Ngửa tay để mẹ cho tiền
Nghe tiếng mẹ để bình yên trong lòng
Thong thả đọc lại bài thơ thật chậm rãi, từ từ ngâm nga, chúng ta thấy ra điều
gì ? Ồ ! Ồ ! Phải chăng, đó là hình ảnh
tuyệt mỹ nhất của một đời người trong bình sinh cuộc sống ? Có tận mắt nhìn thấy chàng lãng tử phong trần, sau
những tháng năm dài lang bạt, quay về cố quận ngồi lại mái nhà xưa, bên mẹ già
một cách hồn nhiên, thuần hậu như thế, mới cảm nhận được hết vẻ đẹp nhiệm mầu,
sâu thẳm thiêng liêng. Tôi đã từng chứng kiến hình ảnh tuyệt vời đó vào những
dịp nghỉ hè cùng về quê nhà với thi sĩ và quý mến nhiều hơn một tâm hồn cô đơn
cùng tuyệt còn phiêu hốt, phiêu nhiên giữa phù thế dị thường.
Ngược xuôi, ruỗi rong khắp dọc đồng bằng sông nước Cửu Long, chúng tôi cũng
thường hội ngộ tao phùng ở Sài Gòn, Cần Thơ, Rạch Giá, Hà Tiên, Long Xuyên, Đồng
Tháp… với nhiều trận say túy lúy càn khôn và lúc nào tôi cũng hay sảng khoái
cuồng ngâm bài thơ mình viết tặng cho thi sĩ phiêu bồng :
Lòng sóng vỗ trào tuôn nguồn cảm xúc
Giữa mênh mang làn suối tóc xanh ngần
Thuyền quyên hỡi đất trời say quyến rũ
Cuốn theo dòng tha thiết rung ngân
Tình nghệ sĩ thưa em xin cứ rót
Rượu hồng nhan chuếnh choáng phiêu diêu
Ơi mười hai bến nước thương lầm lỡ
Yêu phù du mến trôi nổi bọt bèo
Yêu thương hết trần gian cát bụi
Ruỗi rong chơi lêu lổng với cung đàn
Rót đi em ngọt ngào hay cay đắng
Cho nỗi sầu vạn đại vỡ tan hoang
Dù vẫn biết chỉ là huyễn mộng
Cũng hòa chan cùng lã lướt hương đời
Nên tốt nhất dấn mình ta đi đến
Lạnh thì run nóng thì đổ mồ hôi.
Tâm Nhiên