Khát ái là gì?

khat ai

Khát ái cũng còn gọi là tham ái. Tham ái là tham chấp về cái Ta và cái của Ta của tất cả chúng sanh trong ba cõi. Tham ái có ba cấp bậc từ thô thiển đến vi tế, tương ứng với ba cõi (tam giới): Dục, Sắc và Vô sắc. Ba cấp bậc của tham ái tương ứng với ba cõi thường được gọi là dục ái, hữu ái và vô hữu ái. Tham ái, theo Phật giáo, là nguyên nhân của luân hồi sanh tử và khổ đau. Chúng sanh còn tham ái thì còn luân hồi sanh tử trong ba cõi và còn trong ba cõi là còn khổ đau.
Chúng sanh trong cõi dục (dục giới), trong đó có loài người, có đầy đủ tham ái của cả ba cõi. Nhưng dục ái là nổi trội và thô thiển nhất. Nên Phật giáo phân loại tham ái của cõi này là dục ái. Dục ái tức là tham chấp về cái Ta và cái của Ta liên hệ với dục. Tham chấp về cái Ta là tham chấp về một linh hồn hay một chủ thể bất biến trong ta đang thọ hưởng dục lạc hay lãnh chịu khổ đau. Tham chấp về cái của Ta liên hệ với dục là tham chấp những cái bên ngoài mà mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm và thân chạm. Những tham dục bên ngoài này thường bao gồm trong ngũ dục: tiền tài, sắc dục, thanh vọng, ăn uống và ngủ nghỉ. Một cách tương đối, có tiền tài thì dễ dàng có sắc dục, thanh vọng, ăn uống và ngủ nghỉ. Nên tiền tài được sắp thứ tự đầu tiên trong ngũ dục. Nhưng tiền tài không phải là thứ tạo ra dục lạc mà nó là điều kiện để tạo ra bốn thứ dục lạc sau. Trong bốn sự tham dục sau, tham dục về sắc hay sắc dục là nổi trội và thô thiển nhất.
Sắc dục không phải là nhục dục. Nhục dục chỉ một phần của sắc dục. Sắc dục là những dục lạc được tạo ra nhờ sắc. Sắc có nội sắc và ngoại sắc. Nội sắc là sắc uẩn của thân ngũ uẩn. Hay là sắc thân. Ngoại sắc là những đối tượng mà mắt có thể nhìn thấy. Như vậy, sắc dục là sự tham chấp vào sắc thân của chính mình và tham chấp vào đối tượng bên ngoài mà mắt có thể nhìn thấy, bao gồm sắc đẹp của người khác phái, nhà cửa, xe cộ, v.v.. Trong những sự tham chấp về sắc dục, tham chấp về nhục dục là thô và thấp nhất. Lấy ví dụ, trong hai người, một người tham đắm nhục dục, bằng mọi cách, để thỏa mãn nhục dục của mình và một người tham đắm về đồ cổ (đồ cổ là sắc, nên tham đắm đồ cổ cũng thuộc sắc dục), dùng phần lớn tiền của của mình sưu tầm đồ cổ. Sự tham đắm về nhục dục rõ ràng là thô và thấp hơn sự tham đắm về đồ cổ.
Nhục dục là thô thiển và thấp nhất trong sắc dục. Sắc dục là thô và thấp nhất trong ngũ dục. Ngũ dục là một phần của tham ái cõi dục. Và tham ái cõi dục (dục ái) là thấp và thô thiển nhất trong khát ái hay tham ái của ba cõi. Như vậy, đoạn trừ tham chấp về nhục dục hay sắc dục chỉ là bước khởi đầu của lộ trình vượt thoát sanh tử của những người con Phật muốn vượt thoát sanh tử.
Tham ái thuộc cõi sắc (sắc giới) là những tham chấp về cái Ta và cái của Ta của chư thiên sắc giới, từ Sơ thiền thiên đến Đại tự tại thiên. Những tham ái của sắc giới cũng là những tham chấp về cái Ta đang thọ hưởng hỷ lạc và những hỷ lạc là cái của Ta của những Thiền giả đạt được các trạng trái thiền định của tứ thiền.
Và tham ái thuộc cõi vô sắc (vô sắc giới) là những tham chấp cái Ta và cái của Ta của chư thiên thuộc vô sắc giới từ Không vô biên xứ thiên đến Phi tưởng phi tưởng xứ thiên. Tham ái này cũng là những tham chấp vào hỷ lạc thiền định của những Thiền giả đạt được tứ thiền của vô sắc giới từ Không vô biên xứ đến Phi tưởng phi tưởng xứ. Nó là những tham chấp về một cái Ta đang thọ hưởng hỷ lạc vi tế của cảnh giới thiền định vô sắc và tham chấp những hỷ lạc này là cái của Ta.
Như vậy, tham ái về cái Ta và cái của Ta (vô minh) bao trùm cả ba cõi. Và nó được tích lũy từ vô lượng kiếp trong quá khứ, là tham ái mạnh mẽ nhất và khó đoạn trừ nhất. Phần lớn chúng sanh sống trong cõi dục bị những dục vọng thô thiển che lấp nên chỉ thấy những phần thô thiển của tham ái, không thấy được tham ái vi tế nằm sâu trong tiềm thức hay A-lại-da thức. Tham ái vi tế này mới thật sự mạnh mẽ và khó đoạn trừ. Năng lực thiền định của định Phi tưởng phi tưởng xứ vẫn không thể đoạn trừ được tham ái vi tế này. Đức Phật dạy phải cần đến trí tuệ về Tánh không được ví như sự cứng chắc của kim cương mới phá tan tham ái về một cái Ta và cái của Ta. Tham ái được phá tan thì sanh tử được chấm dứt.
Hay nói cách khác, muốn giải thoát ba cõi, có thể ngay trong đời này và trong cảnh giới này, thì phải đoạn trừ sự tham chấp cái Ta và cái của Ta của ba cõi, bắt đầu từ thấp lên cao hay từ thô đến tế. Nghĩa là phải bắt đầu đoạn trừ tham chấp về một cái Ta đang thọ hưởng sắc dục và sắc dục là cái của Ta và cuối cùng đoạn trừ tham chấp về cái Ta đang thọ hưởng hỷ lạc và cái hỷ lạc của định Phi tưởng phi tưởng xứ là cái của Ta. Đoạn trừ mọi tham ái, gốc rễ của sanh tử, thì sẽ chấm dứt được sanh tử khổ đau trong ba cõi.
Thay lời kết, sắc dục chỉ là sự tham dục thô thiển và thấp nhất trong năm dục chứ không phải là mạnh mẽ nhất hay khó đoạn trừ nhất như quan điểm của một số người và rồi gắn cho quan điểm của Phật giáo để bao biện cho những “ý tưởng nghệ thuật” dung tục của họ. Nếu cho rằng sắc dục là mạnh mẽ nhất và khó đoạn trừ nhất thì nó chỉ mạnh mẽ và khó đoạn trừ nhất với những ai sống trong môi trường nhiều ái dục và chưa thấy sự nguy hiểm của ái dục, nhất là về sắc dục. Nó không mạnh mẽ và không khó đoạn trừ nhất đối với những bậc chân Tăng hay những hành giả hành trì theo Giới, Định, Tuệ của Phật giáo. Với các bậc chân Tăng và người tu Phật chân chính, việc đoạn trừ vô minh, động lực chính khiến trôi lăn trong sanh tử, mới là “việc lớn” và việc quan trọng nhất. “Sanh tử” mới là “đại sự”!
Thích Nguyên Lộc

Chia sẻ: facebooktwittergoogle