Những hiểu biết về lộ trình tu đạo và thành đạo của đức Thế Tôn

nhung hieu biet

Xưa nay, thường có hai khuynh hướng hiểu biết về lịch sử đức Thế Tôn nói chung và lộ trình tu đạo và thành đạo của Ngài nói riêng. Khuynh hướng thứ nhất thường cho rằng đức Thế Tôn là một đấng Siêu việt. Theo đó, những sự kiện Đản sanh, Thành đạo, Hoằng pháp và Niết-bàn của Ngài chỉ là thị hiện và phương tiện để chỉ đường cho chúng sanh ra khỏi vòng sanh tử khổ đau. Và khuynh hướng thứ hai cho rằng đức Thế Tôn sanh ra như một người bình thường; trưởng thành như một người bình thường; rồi nhận thức được cái khổ của sanh, già, bệnh và chết, bỏ phú quý vinh hoa, tìm cầu chân lý. Trên bước đường tìm cầu chân lý, Ngài trải qua nhiều năm tìm Thầy học đạo, nhiều năm ép xác khổ hạnh nhưng không tìm thấy chân lý. Cuối cùng, Ngài chọn con đường Trung đạo, đến khu rừng ở Gaya, tọa thiền dưới cội Bồ-đề, thành tựu vô thượng Bồ-đề. Và rồi sau khi thành đạo, như một bậc Đạo sư, Ngài tuyên thuyết chánh pháp, hóa độ quần sanh. Đến năm 80 tuổi, Ngài xả bỏ tấm thân tứ đại thể nhập Niết-bàn vô dư.

 

Vậy khuynh hướng lịch sử nào là đúng nhất, là phù hợp nhất? Đúng nhất hay phù hợp nhất cũng còn tùy vào quan niệm, cách hiểu, cách nhìn lịch sử của mỗi người.

 

Nếu hiểu theo nghĩa đức Thế Tôn là một đấng Toàn năng, Siêu nhiên, có khả năng ban vui, cứu khổ cho mọi người, mọi loài và có khả năng can dự vào nghiệp báo khổ vui của mọi người, mọi loài, thì theo quan điểm của người viết, Ngài không phải là đấng Siêu việt theo nghĩa đó. Đức Thế Tôn là một đấng Siêu việt theo nghĩa Ngài là bậc Giác ngộ hoàn toàn, đã siêu việt tất cả phiền não khổ đau, siêu việt hơn hầu hết những người bình thường vẫn luôn đắm chìm trong ngũ dục và khổ đau; và giáo pháp mà Ngài đã chứng ngộ có thể hướng dẫn mọi người và mọi loài ra khỏi khổ đau sanh tử.

 

Về cách hiểu lịch sử đức Thế Tôn là một người bình thường, theo người viết, vì còn mang thân mạng do tứ đại hợp thành, Ngài cũng phải: đói thì ăn, khát thì uống, lạnh thì mặc thêm y, đau thì dùng thuốc, khuya thì đi nghỉ… Mỗi buổi sáng, Ngài cũng như những Thầy Tỳ-kheo đệ tử, đi bộ, ôm bình bát vào thôn xóm hay kinh thành khất thực. Trưa về, thọ thực, rồi vào những khu rừng nhỏ thiền hành hay vào Hương thất trong Tinh xá tọa thiền. Khi thuyết pháp, Ngài cũng sử dụng những ngôn ngữ mà hội chúng có thể hiểu được… Cũng cần nói thêm là cái ăn, cái uống, cái mặc, cái ngủ… của Ngài luôn trong điều kiện thiểu dục tri túc của một bậc Đại Sa-môn.

 

Nhưng đức Thế Tôn không thể là một người bình thường theo nghĩa bình thường của bao người khác. Trước khi xuất gia và thành đạo, đức Thế Tôn (thường thì phải gọi là Thái tử Tất-đạt-đa, nhưng bài này gọi chung là đức Thế Tôn hoặc Phật Thế Tôn) không như những người bình thường khác, những người còn nhiều phiền não, khổ đau; nhiều tham lam, sân giận và si muội. Tuy đức Thế Tôn, trong lúc sống trong hoàng cung, cũng nếm trải đời sống ngũ dục; nhưng Ngài không đắm chìm như bao con người bình thường khác, tâm Ngài luôn ưu tư khoắc khoải, luôn truy tìm một điều gì đó siêu việt hơn những cái vui tạm bợ kia. Ngài cũng khổ đau, nhưng là cái khổ, cái đau của một bậc vĩ nhân; không phải cái khổ, cái đau, chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt đời thường, của bao người bình thường khác. Và chắc chắn đức tính và phẩm hạnh của Ngài luôn siêu việt và cao quý hơn hàng triệu, hàng triệu người bình thường khác lúc bấy giờ. Lộ trình tu đạo và thành đạo của đức Thế Tôn cũng không thể là một tiến trình chỉ bắt đầu từ khi Ngài đản sanh đến lúc thành đạo hay chỉ bắt đầu từ khi Ngài thiền tọa dưới cội Bồ-đề.

 

Thông thường, trong các kinh Nikāya[1]<!--[if !supportFootnotes]-->[1]<!--[endif]-->, đức Thế Tôn chỉ giảng cho các Thầy Tỳ-kheo nghe về tiến trình tu chứng của Ngài trong đời sống hiện tại: bắt đầu từ lúc xuất gia, theo nhiều Thầy học đạo và tu đạo, trải qua nhiều năm khổ hạnh. Và cuối cùng, chọn con đường Trung đạo, thông qua lộ trình Giới, Định, Tuệ và sau nhiều đêm thiền quán dưới cội Bồ-đề, trong khu rừng Gaya, Ngài thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Bắt đầu bằng giới. Ngài điều tiết việc ăn uống. Ăn uống quá nhiều và sung mãn, dễ khiến tâm sanh tham dục; nhưng ép xác, nhịn đói, nhịn khát, dễ khiến tâm sanh sân hận. Ngài đã dùng đồ ăn và thức uống vừa đủ. Và Ngài điều tiết các tư thế oai nghi để thuận lợi cho việc thiền quán. Đứng một chân, hay phơi trần trong nắng của các nhà khổ hạnh chỉ làm cho thân tâm khổ lụy. Hay ngồi nằm trên những thảm nệm êm ấm dễ sanh tâm tham đắm. Tọa thiền trong tư thế an nhiên, dưới cội Bồ-đề, trong khu rừng nhiều cây lá, là tư thế thuận lợi nhất cho việc thiền quán. Rồi thì đức Thế Tôn lần lượt xa lìa các pháp tham dục, các pháp bất thiện, chứng và trú Thiền định thứ nhất. Vượt lên Thiền thứ nhất, đức Thế Tôn chứng đắc Thiền thứ hai. Cho đến, vượt qua Thiền Phi tưởng phi phi tưởng xứ, đức Thế Tôn chứng đắc Diệt tận định. Sau khi thuận thứ và nghịch thứ thuần thục tám thiền Sắc và Vô sắc cùng với Diệt tận định, đức Thế Tôn chứng đắc các Tuệ vô lậu. Tuệ vô lậu này thường được gọi là Tam minh: Thiên nhãn minh, Túc mạng minh và Lậu tận minh. Bằng Tuệ vô lậu, đức Thế Tôn đoạn tận mọi gốc rễ của vô minh, phiền não; thấu hiểu pháp tánh duyên khởi của vạn pháp và thành tựu Vô thượng Bồ-đề.

 

Trong các bài kinh của kinh tạng Nikāya này, đức Thế Tôn chỉ đề cập tiến trình tu đạo và thành đạo của Ngài trong đời sống hiện tại. Nhưng không có nghĩa là tiến trình tu đạo và thành đạo của Ngài chỉ liên hệ đến đời sống hiện tại, mà không có liên hệ đến các kiếp sống quá khứ. Trong một số bài kinh trong Nikāya và A-hàm khác, đức Thế Tôn đã đề cập đến một số đời sống trong quá khứ của Ngài, hoặc đã từng là Tỳ-kheo Jotipāla, đệ tử của đức Phật Ca-diếp (Kassapa)[2]<!--[if !supportFootnotes]-->[2]<!--[endif]-->, hoặc đã từng là một Tỳ-kheo Bồ-tát phát nguyện thành tựu Vô thượng Bồ-đề trong thời đức Phật Ca-diếp.[3]<!--[if !supportFootnotes]-->[3]<!--[endif]--> Và cũng như tất cả các Bồ-tát Nhất Sanh Bổ xứ khác, trong đời sống kế trước, trước khi đản sanh vào thế giới Ta-bà, đức Thế Tôn đã sanh vào cung trời Đâu Suất.[4]<!--[if !supportFootnotes]-->[4]<!--[endif]--> Đến khi nhân duyên hội đủ, Ngài vào thai Hoàng hậu Maya, đản sanh nơi khu vườn Lâm-tỳ-ni. Khi mới chào đời, Ngài dự báo rằng: “Ta là bậc tối thượng ở trên đời! Ta là bậc tối tôn ở trên đời! Ta là bậc cao nhất ở trên đời! Nay là đời sống cuối cùng, không còn phải tái sanh ở đời này nữa.”[5]<!--[if !supportFootnotes]-->[5]<!--[endif]-->

 

Về sau, dù theo khuynh hướng lịch sử nào, thì các bộ phái Phật giáo Ấn Độ[6]<!--[if !supportFootnotes]-->[6]<!--[endif]--> đều cho rằng, trong vô lượng kiếp về trước, từ thời kỳ đức Phật Nhiên Đăng, đức Thích Ca Mâu Ni, lúc bấy giờ tên là Thiện Huệ, đã phát nguyện trải qua vô lượng kiếp thực hành hoặc sáu (theo Mahāsaghika) hoặc mười (theo Theravāda) Ba-la-mật, làm lợi ích cho vô số chúng sanh để hướng về quả vị Vô thượng Bồ-đề (Phật quả). Các bộ phái Phật giáo Ấn Độ cũng đã đồng ý rằng quả vị tu chứng, theo nghĩa diệt trừ phiền não vô minh, đức Phật Thế Tôn và Thanh văn A-la-hán như nhau, nhưng trí lực và bi nguyện A-la-hán không thể bằng Phật Thế Tôn. Các bộ phái Phật giáo Ấn Độ thường phân ra ba quả vị giác ngộ (Bồ-đề): 1. Sự giác ngộ của hàng Thanh Văn, 2. Sự giác ngộ của hàng Duyên giác và 3. Sự giác ngộ của chư Phật Thế Tôn, còn gọi là thành tựu Vô thượng Bồ-đề (Sammasambodhi). Theo các kinh điển của Phật giáo Bắc truyền (dùng thay cho chữ Mahāyāna lịch sử: Đại thừa), thì tiến trình tu đạo để thành tựu Vô thượng Bồ-đề của đức Phật Thích Ca Mâu Ni hay bất kỳ một chúng sanh nào, phải trải qua vô lượng kiếp, bắt đầu bằng việc phát Bồ-đề tâm, thực hành sáu pháp Ba-la-mật làm lợi ích cho vô số chúng sanh, chứng đạt mười giai vị của Bồ-tát và cuối cùng mới thành tựu Vô thượng Bồ-đề.

 

Như vậy, xét theo quan điểm của các truyền thống bộ phái Phật giáo Ấn Độ và Phật giáo Bắc truyền, đức Thế Tôn đã trải qua nhiều kiếp thực hành con đường của Bồ-tát, làm lợi ích cho vô số chúng sanh, rồi sanh về cung trời Đâu Suất để đản sanh vào thế giới Ta-bà, xuất gia tu đạo, thành tựu Phật đạo. Và sau khi viên mãn hạnh nguyện độ sanh, đức Thế Tôn vào Vô dư Niết-bàn.

 

Có thể có người sẽ cho rằng lộ trình tu đạo trong vô lượng kiếp của Bồ-tát Thiện Huệ chỉ là sự thêm vào của các bộ phái Ấn Độ và của Phật giáo Bắc truyền. Nhưng dù quan điểm thế nào thì cũng không thể xem đức Thế Tôn sanh ra và lớn lên như những người bình thường. Và cũng không thể nói lộ trình tu đạo và thành đạo của Ngài không liên hệ đến những công hạnh mà Ngài đã thành tựu trong những kiếp quá khứ. Không cần nói chi đến đức Thế Tôn, bậc Toàn giác, bậc Đại trí Đại bi, chỉ cần xét đến những con người vĩ đại trong thời cận hiện đại theo quan niệm thông thường, thì cuộc đời của họ, từ lúc nhỏ cho đến khi thành tựu sự nghiệp vĩ đại cũng đã khác xa những con người bình thường. Trí tuệ, ý chí, nghị lực… của họ cũng đã vượt xa hàng triệu triệu người rồi. Mà xét theo luật nhân quả nghiệp báo của Phật giáo, thì chắc chắn, nhiều kiếp trong quá khứ, họ cũng đã tạo ra những cái nhân của bậc vĩ nhân; trong kiếp sống hiện tại này, họ tiếp tục tạo thuận nhân và thuận duyên của con một con người vĩ đại, mới có thể thành tựu những sự nghiệp vĩ đại. Theo cách đó mà xét, đức Thế Tôn cũng phải trải qua vô lượng kiếp tu đạo giải pháp và làm lợi ích cho vô số cho chúng sanh và đời sống hiện tại chỉ là tiến trình cuối cùng để thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

 

Có người sẽ cho rằng người viết còn bị ảnh hưởng tư tưởng “thần thánh hóa” lịch sử đức Thế Tôn. Thiển nghĩ, chẳng có gì “thần thánh hóa” Ngài cả. Đó là lộ trình tu đạo của tất cả chư Phật Thế Tôn. Không thể vì khiến khích hay sách tấn người con Phật thực hành theo lời đức Thế Tôn chỉ dạy, để được an lạc trong đời này và giải thoát sanh tử trong nhiều đời sau, mà chúng ta phải đơn giản hóa tiến trình tu đạo của Ngài. Con người thường có thói quen vội vã, làm ít mà muốn được nhiều. Nên cứ muốn đốt bỏ giai đoạn, hoặc cứ muốn xây nhanh “lâu đài” nhưng lại xây trên cát.

 

Mục đích để được an lạc và giải thoát trong đời này và đời sau khác với mục đích thành tựu Vô thượng Bồ-đề. Nhưng đó cũng là một phần trong lộ trình tu đạo của người con Phật. Đức Thế Tôn là Đạo sư, là người chỉ đường. Thì đương nhiên, là Ngài phải chỉ con đường để đi đến nơi Ngài đã đến, nơi ấy là Niết-bàn vô dư của chư Phật Thế Tôn. Niết-bàn vô dư của chư Phật Thế Tôn là mục đích cuối cùng mà tất cả người con Phật luôn phát nguyện thành tựu.

 

Theo Phật giáo Bắc truyền, Bồ-tát cũng lấy Giới, Định, và Tuệ làm pháp yếu cho lộ trình tu đạo. Giới, Định, Tuệ là cách nói gọn của sáu pháp Ba-la-mật: Bố thí, Trì giới, Nhẫn dục, Tinh tấn, Thiền định và Trí tuệ. Lộ trình tu đạo của Bồ-tát cũng phải bắt đầu từ bố thí và trì giới Ba-la-mật. Trước tiên Bồ-tát phải cải thiện hoàn cảnh xung quanh mà số đông đang sống để thuận duyên cho việc tu đạo của mình và của người. Mà muốn cải thiện xã hội thì việc trước tiên là bố thí. Bố thí cũng có thể được hiểu theo nghĩa là chia sẻ. Bố thí hay chia sẻ có ba: 1. bố thí hay chia sẻ vật chất, 2. bố thí hay chia sẻ những kiến thức chân chánh, những điều hay lẽ phải phù hợp với chánh pháp và 3. bố thí hay chia sẻ những điều không sợ hãi... Muốn bố thí hay chia sẻ vật chất, giáo pháp hay sự không sợ hãi thì phải có tài sản vật chất, phải có tri thức chân chánh (Chánh pháp), phải có sự không sợ hãi. Vậy thì phải làm ra tài sản, phải học, phải tu để có tài sản, có pháp và có sự vô úy mà bố thí mà chia sẻ… Đó chỉ là nói theo nghĩa tương đối thôi. Chứ nếu hiểu rộng ý nghĩa của Bố thí Ba-la-mật thì trong cái này cũng có cái kia, và trong cái kia cũng có cái này. Hiểu theo cách này mà suy ra những Ba-la-mật khác. Cho nên, để hoàn thành lộ trình tu đạo, Bồ-tát phải trải qua vô lượng kiếp tu tập và hạnh đạo, mới có thể thành tựu Vô thượng Bồ-đề.

 

Đó là mục đích cao siêu cuối cùng và của nhiều kiếp sau. Còn trong đời sống hiện tại, mỗi người tự biết khả năng tâm linh và nghị lực tinh thần của chính mình. Biết đúng để chọn đúng Pháp môn trong nhiều Pháp môn tu mà đức Thế Tôn đã giảng dạy. Nếu khả năng tâm linh thấp và nghị lực tinh thần bình thường thì phải bắt đầu thực hành từ những phương thức tu tập căn bản nhất. Nếu vì muốn “đi vội về nhanh” mà chọn nhầm Pháp tu của bậc Đại trí thì không mang lại lợi ích gì, mà còn có thể nguy hiểm đến đời sống tâm linh.

 

Pháp mà đức Phật đã chỉ dạy có rất nhiều, nhưng pháp ấy phải luôn trải qua lộ trình tu tập Giới, Định, Tuệ. Tu Giới, tu Định, tu Tuệ để có được cái Tuệ vô lậu, để nhìn đúng bản chất của mọi sự, mọi vật. Cái gì vô thường thì thấy biết như thật nó là vô thường. Cái gì khổ thì thấy biết như thật nó là khổ. Cái gì vô ngã thì thấy biết như thật nó là vô ngã. Không thể nói suông này là vô thường, này là khổ, này là vô ngã mà có thể thấy biết như thật nó là vô thường, khổ, vô ngã. Để thấy được mọi sự, mọi vật là vô thường, cũng có nhiều phương cách, dành cho nhiều trình độ tâm linh. Trong các kinh điển, nhiều lần, đức Thế Tôn dạy các thầy Tỳ-kheo rằng các Thầy phải bắt đầu bằng sự thấy biết như thật sự vô thường trong tự thân và tâm của mỗi người. Các Thầy phải thấy biết như thật sự vô thường trong từng hơi thở, trong từng sát-na sanh diệt của tâm, trong từng chuyển động của đất, nước, lửa, gió trong thân mỗi người... Thấy biết được vô thường thật sự trong chính thân tâm của mỗi người, sẽ thấy biết được nó là khổ. Thấy biết được nó là khổ thì sẽ thấy biết được nó là vô ngã. Thấy biết như thật ba nguyên lý vô thường, khổ, vô ngã trong thân tâm của mỗi người, thì sẽ dần dần, thấy biết vô thường, khổ, vô ngã trong mọi sự, mọi vật xung quanh. Khi ấy chắc sẽ có an lạc và hạnh phúc theo đúng những gì đức Thế Tôn đã chỉ dạy.

 

Lời thưa thay lời kết: Tuy Phật giáo Nam truyền (dùng thay chữ Theravāda lịch sử: Thượng tọa bộ) cũng cho rằng trước khi thành đạo, đức Thế Tôn đã trải qua vô lượng kiếp thực hành 10 pháp Ba-la-mật, làm lợi ích cho vô số chúng sanh, nhưng Phật giáo Nam truyền quan tâm nhiều hơn đến Thánh quả A-la-hán. Nói như vậy không có nghĩa là Phật giáo Nam truyền không có hạnh nguyện độ sanh. Tự độ và tự tha là hạnh nguyện chung cho tất cả người con Phật. Phật giáo Nam truyền có cách thực hành hạnh nguyện lợi tha theo cách của Phật giáo Nam truyền. Phật giáo Bắc truyền có cách thực hành hạnh nguyện lợi tha theo cách của Phật giáo Bắc truyền. Không thể có một Thánh giả A-la-hán nào mà lại “ích kỷ”, chỉ lo phần tự lợi, làm lơ trước nỗi thống khổ của quần sanh. Cũng không thể có có một Bồ-tát Đại sĩ nào chỉ lo phần “lợi tha”, chỉ lo giải thoát cho tha nhân mà quên tu tập để giải thoát phiền não khổ đau của chính mình.

 

Nguyên Lộc

 

 

<!--[if !supportFootnotes]-->


<!--[endif]-->

 



[1]<!--[if !supportFootnotes]-->[1]<!--[endif]--> Bài kinh Tapussa, thuộc Đại phẩm, chương Chín pháp, kinh Tăng chi bộ, HT. Thích Minh Châu dịch; Kinh số 36, Đại kinh Saccaka (Mahāsaccaka sutta), kinh Trung bộ; Kinh số 73, Đại kinh Vacchagotta (Māhavacchagotta sutta), kinh Trung bộ.

[2]<!--[if !supportFootnotes]-->[2]<!--[endif]--> “Ghaīkāra Sutta” trong Majjhima Nikāya II, B. Ñāamoli and B. Bodhi dịch, Kandy: Buddhist Publication Society, 1995, tr. 669; hoặc kinh số Ghatikara, kinh Trung bộ, HT. Thích Minh Châu dịch

[3]<!--[if !supportFootnotes]-->[3]<!--[endif]--> Bài kinh Vị tằng hữu pháp, thuộc kinh Trung A-hàm, T. 1n0026 p. 469c20. Hoặc kinh Vị tằng hữu pháp, kinh Trung A-hàm. TT. Thích Tuệ Sỹ dịch.

[4]<!--[if !supportFootnotes]-->[4]<!--[endif]--> “Acchariya-abbhūta Sutta”, trong Majjhima Nikāya III, như trên, tr. 979; Hoặc kinh Vị tằng hữu pháp, kinh Trung bộ, HT. Thích Minh Châu dịch. Và kinh Vị tằng hữu pháp, kinh Trung A-hàm, TT. Thích Tuệ Sỹ dịch.

[5]<!--[if !supportFootnotes]-->[5]<!--[endif]--> Kinh Vị tằng hữu pháp, HT. Thích Minh Châu dịch.

[6]<!--[if !supportFootnotes]-->[6]<!--[endif]--> Lấy quan điểm của Theravāda, trong Buddhavasa (Phật sử) và Mahāsaghika, trong Mahavastu (Đại sự), làm đại diện.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle