Én về Rú Chá

en ve

Những ngày đầu năm sau Tết của Huế không mưa. Cái nắng ui ui pha màu sương khói trên đồng lúa xanh măng tơ như có duyên nợ với bầy chim én. Những con chim én còn mang “nghiệp - hạnh” bồ tát vẫn vô tình làm đẹp cho cảnh bình an dưới thế bằng đôi cánh nhấp nhô dưới trời xanh mà không cần điểm tô son phấn.

Chim én – từng con, từng cặp, từng đàn – không hẹn hò mà tung tăng chui vào bẫy. Hình như sóng mùa Xuân không báo vào tần số thiên nhiên của vạn vật những rình rập oan khiên khi đất trời bao la và lộng gió đang bình yên. Giữa những bờ ruộng xanh, người đi bắt én thầm thì với hạnh phúc khi đếm mỗi lúc một nhiều số én sa cơ nằm trong lồng, trong giỏ. Kẻ cao sang thì ăn dãi yến. Người nghèo thì đi bẫy yến kiếm sống nhưng chẳng có ai nghĩ đến chuyện cần ăn thịt những con chim bé bỏng nầy. Điều họ đang nghĩ tới hình ảnh bầy én mùa Xuân hiền hòa là có thể dùng làm phương tiện đổi chác cho người nghèo kiếm sống hay như một thông điệp tâm linh cho giới hành thiện. Đó là khi bầy én hết “đưa thoi” rơi vào bẫy và lại được thả ra với món tiền thế mạng.

Trên đường về Rú Chá, lác đác có người xách lồng én đứng chờ ven đường.

Rồi lại có người dừng xe mua én, sung sướng thả cho bầy én tự do tung cánh bay về lại trời cao, miệng lẩm nhẩm nói lời khấn nguyện.

Kẻ bắt, người thả; kẻ thả, người bắt… thảy đều thú vị như được dự một phiên chợ tình mà cánh én và bạc tiền là những đơn vị trao đổi trong một chặng đường đuổi bóng hạnh phúc. Cánh én không phải là mùa Xuân và đồng tiền tự nó không phải là hạnh phúc. Nhưng sau lăng kính đã quen với thế giới hình tướng của nhân gian, chim én là dấu hiệu của mùa Xuân và “thảm đỏ kim ngân, lưu ly” là hứa hẹn trải chờ bước chân hạnh phúc. Tuy bầy én không cần biết mùa Xuân và hạnh phúc chẳng cần tới thảm đỏ, nhưng mai vàng đầu Xuân và phượng đỏ đầu Hè đã quấn quýt bên nhau tự nhiên từ buổi nguyên sơ như mặt trời và hoa nắng. Dẫu mắt người và tâm cảm có làm ngơ thì phượng hồng vẫn nở, mặt trời và hoa nắng vẫn đi về… như nhóm bạn bè của chúng tôi đang rủ nhau về Rú Chá.

 

 

Chiều về trên Rú Chá

Về Huế, người ta thường mong được tới thăm Hoàng thành, sông Hương, núi Ngự… Nhưng với tuổi học trò từ làng lên Huế học trường Hàm Nghi – xưa là trường Quốc Tử Giám – như tôi, đã từng hàng ngày đi bộ vào cửa Hiển Nhơn, leo lên lầu Ngọ Môn ngủ trưa; hay lông nhông tắm trần trên sông Hương; hoặc dắt học trò trồng hàng vạn cây thông trên núi Ngự Bình thời dạy học thì không gian thơ mộng nhất của Huế là những vùng đất nguyên sinh quanh Huế. Đó là những góc khuất đã có từ thời Ô châu Lạc địa, mang hơi hướm của Huế, nặng tình với Huế, nhưng chẳng xa Huế vì ham áo mũ của những tân trào hay bỏ Huế mà đi khi đất bằng nổi sóng!

Ngồi sau xe máy Honda của Túy Linh đèo tôi chạy về miệt Thuận An, Cồn Tè, Núi Chá, cả hai chúng tôi cứ miên man nói về bầy “chim én thiền sư” như một ước mơ làm an lạc đời mình. Những cánh én mùa Xuân không cho nên chẳng nhận, vô tư giữa dòng đời đầy cạm bẫy như trẻ thơ… Khi biết đã bị lạc đường đường về Rú Chá quá xa, tôi cười cợt hỏi Túy Linh: “Nầy bạn ơi! Chim én có thể tự nhiên ‘đối cảnh vô tâm’ mang hạnh thiền sư; nhưng khi mình bị lạc đường như bây chừ thì đàn chim én ‘thiền sư’ ấy lại không chỉ đường cho mình được.” Túy Linh cười khăng khắc như tiếng đập vỡ nước của mái chèo vô tâm, vô tư, vô lự: “Đi đâu cũng là đi, bốn biển là nhà thì có nơi nào là điểm dừng mà sợ lạc?!” Con đường mòn thì giới hạn bước chân mà con đường tâm tưởng thì vô biên xứ.

Những thân hữu Rú Chá tiền phong dẫn đường như Hoàng Thọ, Duyên Sanh, Lệ Dung, Thoại, Xuân, Điền và o Đáp đã sẵn sàng qua suối, qua đầm về Rừng Chá mà chúng tôi thì chạy lạc quá xa cũng vì… chuyện nước cuốn, bèo trôi của những con chim én!

Cuối cùng thì chúng tôi cũng tìm được nhau. Phải cởi dép cởi giày và có khi phải cởi quần… dài để băng qua quán mồ mà vào Rú Chái. Nếu xếp theo độ cao và sự bí hiểm của thảo mộc thiên nhiên thì có: Cồn, độn, rú, rừng. Trong những cơn lũ lụt, nước đổ mưa nguồn ở các miền duyên hải và đồng bằng xứ Huế, con người phải nương theo độ cao của các vị trí thiên nhiên để sống còn như anh Đáp, người “hộ rú”, nói đến cảnh chạy trốn lũ lụt truyền đời: “Lút cồn thì dồn vô độn rú!” Anh Đáp nói thật thà như đếm, nhưng những nhà ngữ học đong đưa lại phá lên cười ngặt nghẽo.

Ái Nghĩa của Petro Times đã giới thiệu về Rú Chá như một cõi bình an nguyên sơ của Huế:

Cách Huế 10 km, đối diện với làng Thai Dương Hạ, huyện Hương Trà, Rú Chá là rừng ngập mặn nguyên sinh đang được phục hồi và bảo vệ với diện tích gần 5 mẫu Tây.

Rú Chá là tên gọi khu rừng Chá do người dân địa phương đặt ra và được gọi từ đời này qua đời khác. Trên vùng đất ngập nước này, cây chá mọc dày đặc. Chá là một loại cây mọc ven rừng biển mặn. Cây tỏa cành không cao lắm nhưng có tàn lá xanh bốn mùa. Những cây chá mọc lên san sát, tạo thành một khu rừng có vẻ bí ẩn và hoang sơ. Điểm đặc biệt ở Rú Chá là khung cảnh yên bình, huyền ảo, lênh đênh sông nước, dưới những vòm cây chá cổ xanh um, những bộ rễ có hình thù khá đẹp, bám chặt dưới lòng đất. Tại đây, một hệ thống sinh vật khá phong phú, với nhiều đầm phá, là nơi tập trung nhiều cá, tôm, cua. Đặc biệt, trên mặt đất xuất hiện nhiều hang còng, với những hình thù kì lạ, gợi lên sự tò mò đối với khách mỗi lần đặt chân đến đây.

 

Rú Chá rỗng lặng

Đã về, đã tới… Rú Chá! Chúng tôi xắn quần, cởi hết giày vớ đi chân trần theo chị Hồng – người đẹp Rú Chá – vượt đường mòn băng qua quán mồ. Đường trơn, lối mòn lắt lẻo qua đầm, qua hố, đi giữa hai hàng cây chá nguyên sinh; có chỗ lạnh mình nhưng cũng đầy thú vị. Tâm lý ngại ngùng đi trên con đường lắt lẻo làm cho những người lạ dễ thành quen; những người quen dễ thành gần để nắm tay, níu áo, dắt nhau qua con đường bùn trơn tuột như đang cùng uốn lượn nhảy một điệu vũ tập thể… anh em ta về. Nầy! Một hai ba… chúng tôi kéo nhau vào căn nhà của anh Đáp, chị Hồng. Đây là căn nhà duy nhất trong tầm mắt của vùng Rú Chá. Chủ nhân là cặp “cấy dôn” (vợ chồng) thật cân đôi vừa lứa của thời thất thập cổ răng long!

Trên khuôn mặt rám nắng, có dáng vẻ gió biển, sương rừng và bụi rú của hai anh chị, người ta bắt gặp nét can trường và chơn chất. Anh Đáp có cái nhìn xa xăm rất biển khơi mà trầm tĩnh, nhân hậu. Chị Hồng có nét cười không cất giấu và tươi tắn như những mớ tôm, mớ cá tươi xanh vừa vớt lên khỏi mặt nước. Chị Hoàng Thọ là người gần gũi thường xuyên với anh chị Đáp thì cả quyết cho rằng, đây là cặp vợ chồng hạnh phúc nhất trần gian vì ngày ngày họ chỉ thấy nhau và cùng nhìn về một phía biển khơi nên tâm yêu thương không bao giờ bị lung lạc. Tôi chợt có ý nghĩ ngồ ngộ là những cặp vợ chồng sắp ly dị, thử về đây sống một tháng trong cảnh cô liêu của trời nước mênh mông; nhưng cũng đầy những dấu hiệu chấn động dị thường của thiên nhiên để có thể tự mình tìm lại một ý nghĩa mới cho cuộc tình sắp tàn phai.

 

 

Cả nhóm về thăm Rú Chá ùa vào nhà anh chị Đáp. Mấy o ở Huế mới về mà sử dụng bếp núc và hết thảy các phương tiện trong nhà tự nhiên và thành thạo như chính trong căn nhà của mình. Những món ăn mang theo và các món ăn hải sản mới đánh bắt lên khỏi mặt nước với tài nấu nướng của những “o Huế” sành điệu đã biến buổi ăn trưa thành “tiểu yến” với hàng chục món ăn biến chế từ mắm ruốc tương cà, thịt phay tôm chua, rau trái đến các loại cá bống thệ, bống mủ… nấu ngót, kho nước, kho rim điệu đàn thơm phức.

 

Ai về Rú Chá thì về

Sau bữa ăn trưa với những món ăn rất Huế từ các tuyệt phẩm… nghề mọn riêng tay của mấy o thì đến phần văn nghệ của “ca đoàn Boléro Chợ Nọ” được hội diễn ngay trên cái sạp đan bằng tre nứa, bắt trên sóng nước. Cái sạp tre gập ghềnh nầy vừa là vọng cảnh đài, vừa là bàn ăn, vừa là giường lộ thiên, vừa là sân khấu dã chiến khi ăn no… tinh thần văn nghệ bừng lên. Độc đáo nhất là khi tham gia văn nghệ trên sạp nứa nầy thì mọi người đều phải thực hành hạnh tỉnh thức. Diễn viên hay khán giả nào lơ mơ thì sẽ được nghe ngay tiếng “bass” tự thân mình rớt tòm xuống nước! Ca đoàn Boléro Chợ Nọ hôm nay có đủ mặt ngũ nhạc kiếm phái… nhớ chi hát nấy: Hoàng Thọ, Lệ Dung, Duyên Sanh, Trương Hạ, Hoàng Xuân. Tiếng hát “Đây xóm nghèo quê tôi khi nắng lên…” trong khung cảnh quê mùa hoang dã, một phút, đã làm tôi sững sờ vì nó tái hiện âm thanh, màu sắc và cảm xúc tâm lý hơn hai mươi năm trước ở làng Liễu Hạ, trong buổi chia tay cuối cùng với Mẹ tôi.

Một ngày vui qua mau. Buổi chiều, nắng đầu Xuân mau phai, Rú Chá chếch bóng chiều hôm rất sớm, để lại vùng đầm phá phẳng lặng như mặt hồ Thụy Sĩ. Chúng tôi chia tay. Túy Linh và tôi đèo nhau trở lại Huế. Quỹ thời gian của đời mình còn ít quá, chắc gì tôi còn dịp… băng đồng chỉ sá từ Cali khăn gói về thăm lại Rú Chá lần thứ hai. Túy Linh phát biểu một câu rất… thiền mà cũng hơi phiền (?!), rằng là: Vạn pháp sinh duyên; duyên sinh vạn pháp. Rú Chá là một vùng đất duyên sinh chăng. Dẫu sao thì sau khi về sống một ngày với Rú Chá, một người bình thường mang nặng những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống không ngừng biến dịch như tôi bỗng cảm thấy lòng mình an lạc. Từ đó, lòng người sẽ biết sống với chính mình thông thoáng hơn và sống với người đầy yêu thương độ lượng hơn.
 

Huế, đầu Xuân 2013

Trần Kiêm Đoàn

(trankiemdoan.net)

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác