Hạnh Phước
Biển
đảo Lý Sơn quê tôi cách đất liền độ chừng ba chục cây số, nằm về phía Đông Bắc
Quảng Ngãi. Đảo tôi có chiều dài khoảng bảy cây số, và chiều
rộng (nơi rộng nhất) khoảng bốn cây số, dân số hơn hai chục nghìn.
Người dân quê tôi sống bằng nghề đánh bắt thủy sản và trồng hành tỏi.
Ngày xưa, muốn đi vào đất
liền, chúng tôi phải đi bằng tàu thủy đóng bằng gỗ; tàu chạy hơi chậm, từ Đảo
tôi vào đất liền, mất từ 2 đến 3 giờ đồng hồ (cũng còn tùy thuộc vào mức độ lớn
và mạnh của sóng và gió nữa). Ngày nay, chúng tôi đi bằng tàu thủy đóng bằng
kim
loại (thường gọi là tàu cao tốc); tàu chạy rất nhanh, chỉ mất khoảng 45 phút là
vào đến đất liền.
Người dân Lý Sơn, nhìn
chung, là hiền, chất phát, hiếu khách và phần lớn, có niềm tin vào tôn
giáo và tín ngưỡng dân gian. Xin mở ngoặc chỗ này một tí: ở quê tôi, rất ít có
chuyện trộm cướp, nhiều nhà, tối ngủ không cần phải đóng khóa cửa; vào ban đêm,
xe gắn máy không cần dắt vào nhà, có thể dựng ngoài sân mà không cần khóa
cổ, khóa chân. Trong số những tôn giáo hiện có tại Đảo tôi,
Phật giáo là tôn giáo mà nhiều người và nhiều gia đình nhận làm tôn giáo truyền
thống nhất. Phật tử quê tôi có niềm tin sâu đậm vào ba ngôi Tam bảo, khát
ngưỡng nghe Pháp Phật, luôn mong được gần gũi chư Tôn đức Tăng Ni để học pháp và
tu Phật.
Đảo tôi có bốn ngôi chùa
và một tịnh xá, gồm, các chùa: Vĩnh Ân, Từ Quang, chùa Hang, chùa Đục, và tịnh
xá Ngọc Đức. Trong năm ngôi tự viện ấy, chùa Hang có phong cảnh đẹp nhất, có
nhiều truyền thuyết huyền bí nhất. Chùa cũng được công nhận là
di sản văn hóa cấp quốc gia. Chánh điện chùa này nằm sâu trong hang núi
đá, nên người dân quê tôi gọi chùa ấy là chùa Hang. Mặc dù chùa này còn có tên
gọi nghe văn vẽ “Thiên Khổng Thạch Tự”, bốn chữ này được khắc trên vách núi đá
trước chánh điện; nhưng người dân quê tôi vẫn thường gọi ngôi chùa ấy là chùa
Hang. Tên gọi nghe có vẻ dân dã và mộc mạc, nhưng nó thường gắn liền với những
kỷ niệm đẹp thời thơ ấu của bao lớp người sinh ra và lớn lên trên biển đảo Lý
Sơn.
Theo một bài viết về
nguồn gốc đảo Lý Sơn, thì đảo này được hình thành từ một triệu năm trước do núi
lửa phun trào nham thạch. Nham thạch ấy nhô dần lên khỏi mặt
nước biển và tạo nên hòn đảo này với năm ngọn núi để che chắn gió Bấc đến từ
phương Bắc; trong năm ngọn núi ấy, có nhiều hang động lớn nhỏ khác nhau.
Chùa Hang được tạo lập từ một hang núi đá lớn nhất trên đảo. Không ai biết chính
xác hang núi đá này được tạo ra từ lúc nào và nguyên nhân do đâu. Nhiều người
ước đoán, nó được tạo ra do những lần xâm thực của sóng biển và có từ thời tiền
sử.
Theo lời bà con quê tôi
kể lại và đọc thấy trên các trang mạng, chùa Hang được tạo lập vào khoảng đầu
thế kỷ thứ mười bảy, trong thời kỳ của vua Lê Kính Tông. Chùa được kiến lập và
trông nôm bởi dòng họ Trần Công, đầu tiên là các ông Trần Công Thành, Trần Công
Bạch. Người dân quê tôi truyền rằng, ngày ấy, các ông này có “phép thuật” rất
cao. Trong thời gian cư ngụ tại chùa Hang, các ông thường “rấm đậu thành binh”
để chống kẻ thù xâm lược hoặc tiêu trừ yêu quái; các ông có thể ngồi hoặc đứng
trên chiếc nón lá nhỏ lướt sóng đi vào đất liền. Và truyền
rằng, ngày xưa, trong chánh điện của ngôi chùa có đường lên trời và đường xuống
âm phủ. Ngày nay, vẫn còn một con đường thông sâu vào
trong núi, dài khoảng hơn 20 m; đường nhỏ và tối.
Chánh điện chùa Hang nằm
sâu trong hang núi đá, chiều dài khoảng hơn 35 m và chiều rộng khoảng chừng 30
m, có hình dáng như hàm con ếch, ngoài cao (khoảng 15 m) trong thấp dần (chạm
đất); tại nơi Phật tử và khách tham quan thường lễ Phật cao khoảng chừng 3 m.
Hình như, theo thời gian, do độ giản nở của đá, chiều cao của hang đá này thấp
dần. Chùa hướng ra phía Bắc, hướng gió Bấc thổi vào.
Gió thổi rất mạnh vào sân chùa và những vách núi, thường tạo ra nhiều âm thanh
khác lạ: du dương cũng có, huyền bí cũng có, mà “ma quái” cũng có. Ngày trước, vì chùa tọa lạc cách xa dân
cư trong một hang đá dưới chân núi và đường đến chùa hiểm trở, nên Phật tử chỉ
thỉnh thoảng hoặc vào những dịp lễ lớn mới về chùa thắp hương, dâng hoa cúng
Phật. Ngày nay, đường đi đến chùa thuận tiện hơn, nên Phật tử quanh vùng đã
thành lập một Ban hộ tự, và phân công người ở lại chùa trông nôm nhang đèn
thường ngày.
Nhớ hồi nhỏ, mỗi khi vào dịp Tết và mồng Năm (tháng
năm al), lũ nhỏ chúng tôi rũ nhau đi thăm chùa Hang. Hồi ấy, muốn đến
được chùa Hang, phải đi bằng một trong hai cách: hoặc leo núi hoặc lội biển. Với lũ nhỏ chúng tôi, cả hai cách ấy đều là những cách “mạo hiểm”.
Chùa nằm dưới hang núi, núi dọc theo
biển, mà thường vào những dịp lễ là mùa con nước lên, sóng đánh rất mạnh vào
những vách núi, chặn ngăn lối đi dọc theo bãi biển. Nên rất khó đi đến chùa bằng đường biển. Chúng tôi thường
chọn cách leo núi để đến thăm chùa. Mà đi bằng đường
núi thì phải leo núi và nhảy núi, tức là nhảy từ trên vách núi (nơi thấp
nhất) xuống sân chùa. Từ vách núi xuống sân chùa chỉ cao chừng 3 hoặc 4 m (không nhớ chính
xác, nhưng lúc đó thấy cao). Với người lớn nhảy xuống từ chiều cao 3 hoặc
4 m là chuyện bình thường, nhưng với lũ
nhỏ chúng tôi lại là “một vấn đề nghiêm trọng”. “Nghiêm trọng”
nhưng mà vui, mà thiêng. Bây giờ thì hết rồi! Đã có đường rộng, đường đổ
bê tông. Xe gắn máy có thể chạy lên trên đỉnh núi, dựng xe
ở đấy và đi xuống khoảng chừng hai chục bậc tam cấp là đến sân chùa.