Tự thiêu có phạm giới sát không?

tu thieu

 Thích Nguyên Lộc

 

Gần đến ngày kỷ niệm 50 năm Bồ-tát Quảng Đức tự thiêu. Báo chí Phật giáo đăng nhiều bài viết về sự kiện này. Có Phật tử đọc những bài viết liên quan đến sự kiện này và hỏi chúng tôi rằng những trường hợp tự thiêu để bảo vệ chánh pháp của Tăng ni Phật tử tại Việt Nam và một số nơi khác trên thế giới có phù hợp với tinh thần lời dạy của đức Phật và Phật giáo về giới cấm sát sanh không?
Đây là câu hỏi nhạy cảm và dễ hiểu nhầm. Bởi lẽ, nếu trả lời liền rằng những trường hợp tự thiêu của Tăng Ni Phật tử trong Pháp nạn 1963 là phù hợp với tinh thần lời Phật dạy thì đồng nghĩa là Phật giáo cho phép tự tử (nếu hiểu tự tử hay tự sát là hành động tự chấm dứt mạng sống của chính mình thì tự thiêu cũng là hành động tự sát hay tự tử), mà hiện nay, tự tử là một vấn nạn của nhiều quốc gia. Còn nếu trả lời hành động này không phù hợp với lời Phật dạy thì chẳng lẽ những người còn Phật vì để bảo vệ Phật giáo, bảo vệ công lý mà hành động bằng phương pháp trái ngược lời Phật dạy. Câu hỏi này cũng không mới, đã có nhiều người hỏi và nhiều người trả lời. Nhân kỷ niệm 50 năm Bồ-tát Quảng Đức cùng chư Tôn đức Tăng ni và quý Phật tử đã tự thiêu trong Pháp nạn 1963, và nhân câu hỏi này, chúng tôi trình bày một số trường hợp liên quan đến vấn đề tự sát hay tự thiêu được đề cập trong kinh điển của các truyền thống Phật giáo như là những thông tin tham khảo.
Theo Luật tạng của các truyền thống Phật giáo hiện còn, phần duyên khởi của trọng giới cấm sát sanh của Tỳ-kheo có ghi lại trường hợp tự sát của một số Thầy Tỳ-kheo thành Tỳ-xá-ly sau khi quán sai pháp quán bất tịnh. Khi nghe đức Phật dạy về pháp quán tịnh, một số Thầy Tỳ-kheo quán sai phương pháp và thấy thân thể thật ghê tởm, thật đáng vứt bỏ. Vì cảm nhận sai về sắc thân tứ đại, nên các Thầy đã hoặc nhờ các Thầy khác hoặc tự chấm đứt mạng sống của mình. Biết được việc này, đức Phật triệu họp Tăng chúng và phê phán hành động sai trái này. Ngài dạy rằng đó là hành động của những kẻ ngu si. Và nhân đó đức Phật chế trọng giới không được sát hại mạng người, bao gồm cả ý nghĩa không được tự giết mình.
Nhìn chung, Phật giáo phản đối hành động tự sát và xem tự sát là hành vi tạo nghiệp bất thiện. Đức Phật và Phật giáo phản đối hành vi tự sát. Bởi vì theo Phật giáo, tất cả chúng sanh còn luân hồi trong ba cõi là vì còn tham ái. Nội dung tham ái có nhiều ý nghĩa nhưng ý nghĩa quan trọng nhất là ý chí muốn sống hoặc ý chí muốn sinh tồn. Có nghĩa là chúng sanh còn luân hồi trong ba cõi đều ham sống và sợ chết. Đã ham sống sợ chết mà quyết định tự tử, thì hầu hết những trường hợp tự tử này đều phát sinh từ sân hận, buồn phiền. Đó là trạng thái của vô minh. Mà hành động được thúc đẩy bởi vô minh chắc chắn sẽ lãnh thọ quả báo bất thiện trong tương lai.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp riêng biệt, đức Phật không phê phán hành vi tự sát. Đó là sự tự chấm dứt mạng sống của các Thánh giả A-la-hán và sự tự  nguyện chấm dứt mạng sống của các Đại sỹ Bồ-tát hoặc các vị đang hành Bồ-tát đạo vì lợi ích cho chúng sanh.
Kinh Tương Ưng III, chương Tương Ưng Uẩn có kể câu chuyện tự sát của Tỳ-kheo Vakkali. Kinh thuật lại rằng khi đang lưu ngụ trên một đồi núi gần thành Vương Xá, Tôn giả Vakkali lâm trọng bệnh và thân thể đau đớn. Ngài muốn tự sát. Và trước khi tự sát, Ngài rất muốn được diện kiến tôn nhan của đức Phật. Tôn giả Vakkali nhờ một Thầy Tỳ-kheo đến thỉnh đức Phật. Đức Phật liền đến liêu thất của Tôn giả và giảng dạy về pháp vô thường và sự giả tạm của thân tứ đại. Nghe xong bài pháp, Tôn giả Vakkali thực chứng về sự vô thường, khổ, vô ngã của thân ngũ uẩn. Sau khi đức Phật ra đi, Tôn giả Vakkali dùng dao tự chấm dứt mạng sống của mình. Nghe tin Tôn giả Vakkali tự sát, đức Phật và các Thầy Tỳ-kheo trở lại liêu thất của Tôn giả Vakkali. Tuy nhiên, đức Phật không chỉ trích hành động tự sát của Tôn giả Vakkali. Ngài nói với chúng Tỳ-kheo, “này các Tỷ-kheo, với thức không an trú tại một chỗ nào, Thiện nam tử Vakkali đã nhập Niết-bàn một cách hoàn toàn!” (Bản dịch của HT. Thích Minh Châu). Có nghĩa là hành động tự sát của Tôn giả Vakkali không tạo nghiệp, vì Ngài chấm dứt mạng sống trong trạng thái của bậc Thánh A-la-hán. Và Ngài đã vào vô dư Niết-bàn.
Một trường hợp tự sát khác được đề cập trong kinh Giáo giới Channa thuộc kinh Trung bộ. Và đức Phật cũng không phê phán hành vi tự sát của Tôn giả Channa. Theo bài kinh này, lúc bấy giờ đức Phật đang ở Tinh xá Trúc Lâm. Các Tôn giả Xá-lợi-phất, Maha Cunda và Channa đang ở trên núi Linh Khứu. Tôn giả Channa lâm trọng bệnh, toàn thân đau đớn, nên Ngài muốn dùng dao tự sát. Biết được tin này, ngài Xá-lợi-phất và Maha Cunda vội đến khuyên can Tôn giả Channa. Sau khi hai tôn giả ra về, với tâm thái của bậc thánh vô lậu, Tôn giả Channa đã tự chấm dứt mạng sống của mình. Nghe được tin này, đức Phật nói với Tôn giả Xá-lợi-phất, “này Sariputta (Xá-lợi-phất), ai quăng bỏ thân này, và chấp thủ thân khác, Ta nói rằng người ấy có phạm tội. Tỷ-kheo Channa không có (chấp thủ) như vậy. Tỷ-kheo Channa đem con dao lại (cho mình), không có phạm tội.” (Bản dịch của HT. Thích Minh Châu).
Tại sao đức Phật không phê phán hành động tự sát của Tôn giả Vakkali và Channa? Có thể, bởi vì với tuệ nhãn của bậc Đại Giác, đức Phật biết hai tôn giả là những bậc A-la-hán, biết được các Ngài viên tịch trong tâm thái hoàn toàn thanh tịnh của bậc thánh Vô sanh. Thánh giả A-la-hán có thể làm chủ được hạnh nghiệp của mình, nên các Ngài có thể tự tại đến và đi giữa thế gian này.
Và trong Jātaka (Chuyện Tiền Thân), kinh điển thuộc các truyền thống Phật giáo, nhiều câu chuyện tiền thân của đức Phật cho thấy rằng đức Phật, trong thời gian hành Bồ-tát đạo, đã nhiều lần tự hiến tặng một chi phần của thân hoặc toàn thân mạng của mình để mang đến an vui cho người và chúng sanh khác. Điển hình là chuyện Đại vương Sivi (Sibi, số 499). Chuyện kể rằng trong một tiền thân, khi làm đại vương Sivi của nước Sivi, Bồ-tát đã từng phát nguyện:
 “Trong tất cả các tài vật bên ngoài, chẳng có món gì ta không đem cho hết, song cách bố thí này chưa làm ta hài lòng. Ta muốn bố thí vật gì thuộc về bản thân ta. Ðược rồi hôm nay ta đến bố thí đường phát nguyện rằng nếu có người nào không xin một vật gì đó ngoài thân ta, lại nói rõ tên một phần thân thể ta, nếu người ấy muốn nói đến chính quả tim ta, ta sẽ quyết lấy dao xẻ phăng lồng ngực ta và chẳng khác nào ta nhổ lên một cộng sen từ hồ nước phẳng lặng, ta sẽ móc lấy quả tim ta đang chảy máu từng cục đem cho người ấy.
Nếu người ấy muốn xin thịt ta, ta sẽ xẻ thịt ra từ thân thể và cho nó, như thế ta dùng cái dao mà khắc chạm tấm thân này. Người đó cứ nói đến máu của ta, ta sẽ lấy máu ta nhỏ từng giọt vào miệng người đó, hoặc đổ đầy một chén rồi đem cho, hoặc nữa, giả sử có ai bảo: ‘Hạ thần không làm nổi việc nhà, xin hãy đến làm gia nô tại nhà hạ thần’, ta nhận mình là nô lệ và ta sẽ làm hết các việc nô dịch. Hoặc giả có ai đó xin đôi mắt ta, ta sẽ móc mắt ra cho nó như người ta lấy lõi của cây dừa nước”. (theo bản dịch của Giáo sư Phương Lan). Và sau đó, Ngài đã móc đôi mắt của Ngài bố thí cho một lão Bà-la-môn do Thiên chủ Sakka (Đế Thích) hóa hiện để thử hạnh nguyện bố thí của Ngài. Hành động này của Bồ-tát có thể được xem là hành động chấp nhận chấm dứt mạng sống của mình vì lợi ích của chúng sanh khác.
Câu chuyện về việc bố thí thân mạng để mang lại an vui cho người và chúng sanh khác hoặc cúng dường Phật và Pháp của Bồ-tát cũng được đề cập trong kinh tạng Thượng tọa bộ (Nam tông) và kinh tạng Đại thừa (Bắc tông). Hành động bố thí thân mạng hoặc một phần thân mạng của Bồ-tát được ghi lại trong phần mục “Bố thí độ” của Hạnh tạng trong kinh Tiểu bộ thuộc kinh tạng Nikāya. Theo đó, Bồ-tát, tiền thân đức Phật, lúc là đức vua anh minh, khi là chú thỏ hiền trí, đã bố thí một chi phần của thân thể hoặc cả thân mạng để giúp người khác được an vui.
Và phẩm “Xả bỏ thân mạng” trong kinh Kim quang minh thuộc kinh tạng Đại thừa cũng kể câu chuyện bố thí thân mạng của một tiền thân của đức Phật. Theo đó, Bồ-tát sanh làm hoàng tử Ma-ha Tát-đỏa, con vua Đại Xa. Nhân một chuyến cùng hai người anh vào rừng dạo cảnh, Ngài gặp một con cọp mẹ vừa sanh bảy con cọp con đang nằm thoi thóp chờ chết vì thiếu ăn. Nhìn thấy cảnh này, hoàng tử Ma-ha Tát-đỏa động lòng từ bi, nên đã dùng dao róc da của ngài lấy máu và thịt để nươi sống cọp mẹ và bảy cọp con. Vì mất nhiều máu và nhiều thịt, hoàng tử Tát-đỏa đã qua đời. Kết thúc pháp thoại, đức Phật khen gợi hành động bố thí ba-la-mật của hoàng tử Ma-ha Tát-đỏa và nhận diện, hoàng tử Tát-đỏa chính là một tiền thân của Ngài. Phẩm “Dược Vương Bồ-tát Bổn sự” trong kinh Pháp hoa cũng thuật lại trường hợp đốt thân cúng dường của Bồ-tát Dược Vương. Theo đó, Bồ-tát Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến, một tiền thân của Bồ-tát Dược Vương, sau khi nghe đức Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh thuyết kinh Pháp hoa chứng đắc “Hiện nhất thiết sắc thân tam-muội.” Ngài nhập sắc thân tam muội, hiện ra vô số hoa thơm cúng dường đức Phật và kinh Pháp hoa. Nhưng rồi ngài nghĩ “ta dầu dùng thần lực cúng dường nơi Phật, chẳng bằng dùng thân cúng dường.” (theo bản dịch của HT. Trí Tịnh). Vì vậy, Bồ-tát Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến đã tẩm vào thân những loại hương hoa thượng hạng và dùng hỏa luân tam muội đốt thân để cúng dường đức Phật Nhật Nguyệt Tịnh Minh và kinh Pháp hoa. Và đức Phật Thích Ca Mâu Ni khen ngợi hành động đốt thân cúng đường này.
Như vậy, hành động tự chấm dứt mạng sống trong trạng thái an tịnh của các Thánh giả A-la-hán và hành nguyện hiến tặng thân mạng để mang lại an vui cho chúng sanh hoặc cúng dường Phật và Pháp đã được đề cập trong kinh tạng Nguyên Thủy và kinh tạng của các truyền thống Phật giáo. Căn cứ vào những trường hợp liên quan đến việc tự sát trong các kinh điển để đánh giá sự tự thiêu của chư Thánh tử đạo của Phật giáo Việt Nam, điển hình là trường hợp tự thiêu của Bồ-tát Quảng Đức, chúng ta có thể kết luận rằng hành động tự thiêu của Bồ-tát vì bảo vệ chánh pháp, bảo vệ công lý là phù hợp với tinh thần lời dạy của đức Phật và Phật giáo.
Còn những sự kiện tự thiêu của những Tăng ni Phật tử ở những quốc gia khác, cụ thể sự tự thiêu của hơn 100 Tăng Ni và Phật tử Tây Tạng gần đây, được tin là để bảo vệ Phật giáo, văn hóa Tây Tạng và những quyền làm người của người dân Tây Tạng thì sao? Có phù hợp với tinh thần lời Phật dạy không? Đây là những sự kiện đã và đang diễn ra. Không thể chỉ kết luận trong một vài câu. Có dịp, chúng tôi sẽ trao đổi trong một bài khác.
Thay lời kết, đức Phật dạy rằng người học Phật cũng như người bắt rắn (kinh Ví dụ con rắn). Nếu khéo bắt thì dễ dàng chiết phục được rắn, dù rắn hung dữ. Ngược lại, nếu người bắt không khéo sẽ bị rắn gây tổn hại. Cũng vậy, người học Phật, khéo hiểu và hành theo lời Phật dạy, sẽ có nhiều lợi ích và an lạc. Còn ngược lại, người học Phật không khéo hiểu và khéo hành, rất dễ bị lời kinh Phật gây tổn tại. Trường hợp tự sát này cũng vậy. Nếu người học kinh Phật không khéo hiểu lời Phật dạy thì chính những lời dạy này có thể gây tổn hại cho người học. Sự gây tổn hại này đã thấy trong trường hợp của các Thầy Tỳ-kheo quán sai pháp quán bất tịnh ở trên và một vài trường hợp tự thiêu để cúng dường đức Phật và kinh Pháp hoa của một số chú Tiểu, Điệu ở một số tỉnh miền Trung gần đây sau khi đọc phẩm Dược Vương Bồ-tát của kinh Pháp hoa.[1]


Thích Nguyên Lộc


Chú thích: Những bài kinh và phẩm kinh được nêu ra trong bài dễ dàng tìm thấy trên nhiều trang mạng Phật giáo nên trong bài này không ghi nguồn trích dẫn từ trang web hay trang kinh.

 

[1] Trong mấy năm trước, một vài chùa ở miền Trung, có vài trường hợp các chú Tiểu Điệu, sau khi đọc kinh Pháp hoa, đặc biệt là phẩm Bồ-tát Dược Vương đốt thân cúng dường Phật và kinh Pháp hoa, đã tự tay viết lại kinh Pháp hoa và theo di ngôn của các chú để lại, các chú tự thiêu để cúng dường đức Phật và kinh Pháp hoa. Chúng tôi biết có một ngôi chùa, trong khoảng 3 năm, đã có hai vụ việc tự thiêu như vậy. Các chú để lại di ngôn nói là các chú muốn đốt thân cúng dường chư Phật và kinh Pháp hoa cũng như muốn hóa độ gia đình trở về với chánh pháp. Sau đó, vào nữa đêm, các chú tự cột chặt thân mình vào gốc cây hoặc chậu kiểng trước sân chùa và tẩm xăng tự thiêu. Có thể hành động của các chú phát xuất từ tâm thiện, nhưng việc làm này là không nên!

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle