Tản văn của Hoàng
Công Danh
Buổi trưa tôi nằm ngủ lịm đi giữa nắng
chuyển mùa, cái bữa chuyển giao giữa mùa xuân và mùa hạ thường làm cho giấc ngủ
uể oải. Rồi một bản giao hưởng của nhiều âm thanh đánh thức tôi dậy. Những tiếng
chim rất lạ kêu keng kéc sau lũy tre phía lưng nhà. Tôi chợi nhớ ra là đã lâu
lắm rồi mới được nghe lại tiếng chim ấy, tiếng chim kể chuyện lúc mùa lúa chín.
Chuyện xưa như trái đất, xưa như hạt lúa quê hương muôn thuở nuôi con người đất
Việt khôn lớn. Mà sao vẫn thích nghe.
Cánh đồng mùa lúa chín. Ảnh HCD
Người nhà quê đánh giấu thời gian bằng mùa
vụ. Chẳng hạn mùa xuân thì bắt đầu từ khi gieo hạt lúa vụ đông xuân. Nói như
nhạc sĩ Trọng Đài thì đấy là lúc người trồng lúa “gieo niềm vui xuống đất”.
Đem gửi gắm tình yêu và niềm tin vào đất mẹ, như cái cách người ta thả hồn mình
cho thiên nhiên và mở rộng lòng người đón lấy tin yêu của mùa xuân. Và đến khi
niềm vui kết hạt, chín mọng đầu nhành, ấy là mùa hạ bắt đầu. Có lẽ cách tính
lịch ấy là hợp lý nhất, khi mà thời tiết hằng năm bị xáo trộn, không tuân theo
một quy luật nào cả thì nhà nông vẫn cứ trỉa hạt và hái về đúng tuần tự, không
có gì đổi khác. Đối với người làm ruộng, sự thay đổi chỉ có chăng trong việc cải
tiến một số giống má, phương tiện máy móc, còn thời vụ và cách thức “lấy công
làm lãi” vẫn cố nhiên. Mấy đời nay người quê tôi vẫn mỗi năm hai vụ, vẫn bán sức
cho trời để làm ra cái ăn cái mặc. Cái nhọc nhằn khắc nghiệt của mùa hạ miền
Trung nóng nực vẫn không dễ gì làm cho người ta ngơi nghỉ, vẫn phải ra đồng
trong niềm vui chín giòn như nắng.
Trong câu chuyện của tiếng chim trưa nay,
tôi đã nhận ra được một quãng thời gian trong tuổi hoa niên. Đấy là khi bạn bè
ấu thơ của tôi đương đi săn những tổ chim đẻ hoang trên những lùm cây, đi bắt
những ổ gà lá xoáy giữa vạt lúa. Đang hỉ hả vui sướng với những cái trứng tròn
nhỏ nhặt được, vội nhét vào túi quần. Thì bỗng một đứa bỏ về. Hỏi răng rứa?
Thằng bạn bảo về phụ ba mạ đi gặt lúa. Tôi hiểu, tuổi thơ bắt đầu có những vết
rạn tự nhiên, như con chim nẻ cái vỏ trứng chui ra để khôn lớn trưởng thành. Và
tôi nhận ra cái trách nhiệm, hay là cái công việc sẽ theo suốt cuộc đời chúng
tôi nếu còn ở trên mảnh đất quê hương. Đấy là phải trở thành những người nông
dân thực thụ.
Chúng tôi được ba dạy cho cách cầm vằng hình
chữ V để gặt lúa. Bảng chữ cái của trẻ con quê tôi không phải bắt đầu từ chữ A
chữ B mà lại bắt đầu bằng chữ V. Chữ V tượng hình trong cái góc chãng ba mà trẻ
con leo trèo hái quả đào trái ổi. Chữ V thù hình trong cái ná bắn chim. Và chữ V
nơi cái vằng hái gặt lúa chiều hôm ấy. Chúng tôi nắm tay vào chuôi vằng, đưa lên
ngó nghiêng, vừa thích thú vừa sợ hãi vì cái lưỡi cứa quá manh sắc. Ba chọn một
vạt lúa đứng, ở phía trên gió, làm mẫu cách nắm cây lúa, rồi đưa cái vằng cứa.
Nhanh gọn, dứt khoát. Rồi ngay sau đó chúng tôi hòa mình vào cánh đồng, như bao
người nông dân khác. Chúng tôi cảm thấy mình đang được lớn lên và vui sướng khi
được một ai đó đi qua khen, chà, biết gặt lúa rồi à.
Chúng tôi thường được đánh dấu kỷ niệm buổi
gặt đầu tiên bằng một lát cứa vào tay chảy máu. Nước mắt ứa ra. Ba nói đồ trâu
đực vẹc đái, lo gì. Rồi ba nhai một nhúm cỏ cú đắp vào cầm máu. Vết đứt thành
một cái sẹo ở ngón tay, nó đi theo chúng tôi suốt đời để nhắc nhở. Ôi, những cái
vết sẹo hẳn sẽ làm người ta xấu đi, nhưng thiếu nó, con người thường vắng bặt
những ký ức. Sau những vết sẹo do leo cây ngã bổ, chơi căng cù u trọ bị cái
khăng đánh vào đầu mẻ trán, lần này chúng tôi có thêm một vết sẹo bởi vằng hái,
vết sẹo bắt đầu của sự lao động.
Cơm mới. Bữa cơm đầu tiên nấu từ hạt lúa mới
gặt. Trong một buổi chiều chạng vạng, bên thềm hiên, mùi cơm mới thơm hương vị
cánh đồng, nguyên vị sữa ngọt và cái dẻo mềm đến nỗi mỗi hạt cơm lùa vào miệng
đều dính ngay ở đó. Người ta bảo cái dẻo của cơm lúa mới là để mình “ngậm mà
nghe”, cảm nhận thành quả sau một vụ mùa. Bữa cơm mới để lại một cảm giác rất
lạ, nó vừa mang vẻ ấm cúng trong niềm hân hoan, lại vừa như những phút thư giãn
sau vụ mùa tất bật. Xa xa một đám khói đang cháy trắng, vẽ từ dưới cánh đồng vắt
ngược lên bầu trời hạ nắng.
Có ai đó đốt đồng.
Quê nhà, mùa hạ 2013