Kỷ niệm 50 năm Pháp nạn 1963: cần làm những gì?

Minh Thạnh

Căn cứ vào mục đích – yêu cầu và những quan điểm cơ bản trong việc triển khai tổ chức kỷ niệm 50 Pháp nạn 1963 đã phân tích ở những bài trước, đặc biệt, căn cứ tinh thần, chủ trương thông tư 095/TT. HĐTS về việc “Tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Bồ tát Thích Quảng Đức vì Pháp thiêu thân” của Trường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chúng ta có thể đi đến việc ghi nhận một số hình thức cụ thể trong dịp lễ kỷ niệm quan trọng nói trên.

Điều đáng lưu ý trước tiên là tinh thần kỷ niệm 50 năm, một thời điểm kỷ niệm đặc biệt. Do việc kỷ niệm 50 năm này, thì mới có thông tư 095/TT. HĐTS. Nếu không phải là 50 năm, thì chỉ là một lễ húy kỵ Bồ tát Thích Quảng Đức như thường kỳ hàng năm.

Vì thế, khái niệm 50 năm, mặc dù không thể tổ chức theo đơn vị kỷ niệm trọn năm (Năm Bồ tát Thích Quảng Đức như có ý kiến đề nghị), thì vẫn cần được hết sức nhấn mạnh. Con số “50 năm” cần được thể hiện với sự nhấn mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng Phật giáo, trên những hình thức trong các buổi lễ. Đó là về hình thức. Còn về nội dung thì “Kỷ niệm 50 năm” một thời điểm đặc biệt là tinh thần xuyên suốt các hoạt động trọng thể, đặc biệt được tổ chức.

Với tinh thần kỷ niệm 50 năm, sự kiện Pháp nạn lịch sử 1963, Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân cần được ghi nhận trong thông điệp Phật đản của Đức pháp chủ, diễn văn Phật đản của Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự. Điều này rất cần thiết vì Pháp nạn lịch sử 1963 bắt đầu từ lễ Phật đản PL 2507 cách nay 50 năm trước. Mối liên hệ giữa Lễ Phật Đản và Pháp nạn lịch sử 1963 khiến không thể không đề cập đến Pháp nạn trong các thông điệp, diễn văn nhân lễ Phật đản năm nay.

Nội dung kỷ niệm 50 năm Pháp nạn lịch sử 1963 cần được thể hiện bằng băng rôn treo ở các chùa, các cơ sở Phật giáo, có thể là từ tuần lễ Phật Đản (tháng 5 dương lịch đến thời điểm kết thúc Pháp nạn (đầu tháng 11 dương lịch). Nội dung băng rôn có thể là “Kỷ niệm 50 năm Pháp nạn lịch sử 1963” hoặc “Tưởng niệm 50 năm Bồ tát Thích Quảng Đức vì pháp thiêu thân”.

Để chào mừng đại hội Phật giáo địa phương, các chùa có thể treo băng rôn cổ động hàng tháng, thì với dịp lễ kỷ niệm trọng đại này, đã có sự chỉ đạo chủ trương chung từ Thường trực Hội đồng Trị sự, thì không thể không có băng rôn thể hiện hình thức kỷ niệm trang trọng tương xứng.

Nội dung quan trọng của lễ kỷ niệm 50 năm Pháp nạn 1963, 50 năm Bồ tát Quảng Đức vị pháp thiêu thân, theo chúng tôi, là truyền thông lịch sử sự kiện. Vì vậy, cần huy động ở mức tối đa các phương tiện thông tin đại chúng Phật giáo truyền thông cho dịp lễ kỷ niệm này. Thời điểm của đợt hoạt động truyền thông có thể bắt đầu từ Tuần lễ Phật đản (thời điểm 50 năm trước bắt đầu Pháp nạn lịch sử 1963) và kết thúc vào tháng 11 dương lịch (thời điểm chấm dứt Pháp nạn). Hiện nay, trên một số trang web Phật giáo đã bắt đầu đăng tải các bài viết kỷ niệm Pháp nạn, trích đoạn sách tư liệu về pháp nạn, hình ảnh lịch sử Pháp nạn. Hoạt động này cần được gia tăng vào thời điểm từ Phật đản, bổ sung các hình thức như:

-         Phát biểu của chư tôn đức tăng ni và Phật tử là các chứng nhân lịch sử của thời kỳ pháp nạn, đặc biệt là chư tôn đức hiện nay là lãnh đạo giáo hội. Chú trọng đến những hồi ức về pháp nạn, về cuộc đấu tranh bất bạo động của Phật giáo Việt Nam. Thực hiện dưới nhiều dạng bài phỏng vấn, bài phát biểu, video phỏng vấn…

-         Giới thiệu đi vào chiều sâu các tư liệu lịch sử văn bản, hình ảnh, hiện vật, bên cạnh các chứng nhân lịch sử.

-         Thực hiện các bộ phim tư liệu có tầm giá trị lịch sử cao, có ý nghĩa di sản vừa để truyền thông, vừa có tác dụng là tư liệu lịch sử truyền thừa.

-         Phát hành các số báo tạp chí đặc biệt kỷ niệm 50 năm pháp nạn.

-         Xuất bản các ấn phẩm đặc biệt kỷ niệm 50 năm Pháp nạn, chú trọng tư liệu lịch sử văn bản, hình ảnh, hồi ký, công trình nghiên cứu, sáng tác văn học nghệ thuật.

-         Tổ chức hội thảo, tọa đàm triển lãm, tôn trí di vật (trái tim Bồ tát Quảng Đức).

-         Tổ chức các buổi thuyết pháp, diễn giảng đặc biệt về đề tài Pháp nạn 1963, Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân.

-         Tổ chức thực hiện các chương trình truyền hình, video đặc biệt kỷ niệm, như phỏng vấn, phóng sự, phim tài liệu, hoặc nếu có thể thực hiện phim truyện truyền hình về đề tài Pháp nạn.

-         Tổ chức vận động sáng tác, thi sáng tác văn thơ, âm nhạc, thì tìm hiểu về đề tài pháp nạn, về bồ tát Quảng Đức, về tấm gương liệt vị thánh tử đạo.

-         Tổ chức các chương trình ca nhạc, thi ca đặc biệt đề  tài pháp nạn và Bồ tát Quảng đức, tập họp biểu diễn các tác phẩm thơ, nhạc liên hệ (hiện số lượng cũng khá phong phú, đặc biệt có nhiều tác phẩm tuy đã quên lãng nhưng có thể sưu tầm, khôi phục).

-         Tổ chức các hội trại, các đêm đốt lửa truyền thống kỷ niệm Pháp nạn, tưởng niệm Bồ tát Thích Quảng Đức dành cho thanh niên Phật tử, Gia đình Phật tử.

-         Tổ chức thắp nến, rước đuốc, rước nến tưởng niệm, lồng ghép với hoạt động truyền thông, như giao lưu với các chứng nhân lịch sử, đêm thơ nhạc truyền thống.

Riêng đối với các chùa, có thể tổ chức truyền thông về đề tài pháp nạn, Bồ tát Thích Quảng Đức như sau:

-         Thực hiện bảng chữ to truyền thông tóm tắt về lịch sử Pháp nạn, về công đức hành trạng Bồ tát Thích Quảng Đức và liệt vị thánh tử đạo.

-         Thực hiện pa nô cổ động kỷ niệm 50 năm Pháp nạn, 50 năm Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân.

-         Băng rôn, như đã đề cập.

-         Thực hiện triển lãm quy mô nhỏ ảnh tư liệu lịch sử Pháp nạn, Bồ tát Thích Quảng Đức, liệt vị Thánh tử đạo.

-         Tổ chức thuyết pháp, diễn giảng, giao lưu chứng nhân lịch sử văn nghệ truyền thống, thắp nến tưởng niệm (như đã đề cập ở trên).

MT

 

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác