Nguyễn Du tiếng lòng thiên thu

nguyen du

 

 

Thơ và thiền là đôi cánh đại bàng tung bay trên bầu trời Đông phương và Tây phương suốt từ nghìn xưa cho đến ngày nay.

Từ đỉnh ngàn cao tuyệt mù Hy Mã Lạp Sơn, thiền nghiêng cánh xuống bay lượn khắp các tòng lâm, thiền viện, am cốc và thơ cũng tung lướt một cách ngoạn mục từ bến sông Hằng, nơi Đức Phật đã khơi nguồn cảm hứng Chân Thiện Mỹ.

 

Thi sĩ và thiền sư cùng gặp nhau giữa con đường phong quang sáng tạo, thể hiện qua đạo và thơ, nhưng thi sĩ là ai, thiền sư là kẻ nào vậy ? Phải chăng đó là những tâm hồn đốn ngộ lẽ đời sinh tử đọa đày, thống khổ điêu linh, đã vượt qua chính mình để cất lên tiếng hát bất sinh bất diệt, thiên thu vĩnh cửu như Chứng đạo ca của thiền sư Huyền Giác và truyện Thúy Kiều của thi sĩ Nguyễn Du?

 

Truyện Kiều, không ai mà không biết, không ai mà không thuộc lòng một vài câu, một vài đoạn trong toàn bộ tập trường ca dài hơn ba nghìn câu thơ lục bát tuyệt hảo vô song của bậc tài hoa đại thi hào dân tộc.

Bồng bềnh giữa biển đời chập chùng ba đào bão táp, trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, Nguyễn Du đã phiêu bạt giang hồ suốt 10 năm long đong ròng rã, từng ngao du sơn cùng thủy tận khắp 99 ngọn núi cao đầy mây trắng sương mù Hồng Lĩnh ở quê nhà và đã chứng kiến biết bao nỗi đời tang thương thảm thiết, biết bao vô thường khổ lụy của bi đát sinh linh quằn quại trong biển khổ trần ai.

Trải qua quá trình lịch nghiệm, chlêm nghiệm tự thân rồi thấu triệt, thông suốt và lãnh hội vô tự Chân kinh ngay giữa lòng mình, nên Nguyễn Du đã sáng tác tựu thành Đoạn trường tân thanh một cách diễm lệ, diệu thường như thế.

 

Thi phẩm độc đáo vô tiền khoáng hậu này là tiếng lòng của Nguyễn Du vẫn còn ngân nga đồng vọng giữa vạn đại miên trường. Một tiếng lòng yêu thương cõi người ta vô biên vô lượng, thương cho nỗi đoạn trường dâu bể xót xa :

Trăm năm trong cõi người ta

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau

Trải qua một cuộc bể dâu

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

 

Lòng thi nhân chìm sâu đau đớn rợn ngần trong hố thẳm tâm can, vẫn rung ngân bất tuyệt tận cõi nào vô vi rực ngời ngọn lửa tâm thức, đốt cháy tập khí lâu đời và cặn bã của ngôn ngữ loài người để mở rộng khai thông những tinh lực dữ dội đọng lại trong âm thanh vũ trụ càn khôn lồng lộng. Tiếng lòng ấy đã ứng vào cõi hồn thục nữ  thùy mị Thúy Kiều giữa một chiều du xuân xuất thần kỳ lạ, gặp nấm mộ Đạm Tiên trong một niềm cảm xúc, rung động sâu xa:

Đã lòng hiển hiện cho xem

Tạ lòng nàng lại nối thêm vài lời

Lòng thơ lai láng bồi hồi

Gốc cây lại vạch một bài cổ thi

 

Bồi hồi lai láng tận đáy hồn vốn đã cưu mang, dung chứa sẵn rồi bao nỗi niềm tha thiết bao dung. Não nùng biết mấy, chạnh lòng xót xa cho hồng nhan bạc mệnh, cho thân phận kiếp người, cho nỗi đời máu lệ thê lương mà Thúy Kiều ( hay Nguyễn Du ) dạt dào vô lường thương cảm trong da diết âm thầm :

Lòng đâu sẵn mối thương tâm

Thoắt nghe Kiều đã đầm đầm châu sa:

Đau đớn thay! Phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung

Phũ phàng chi bấy hóa công

Ngày xanh mòn mỏi má hồng phôi pha

 

Lạ lùng sao, những giọt lệ rưng rưng nghẹn ngào cứ mãi long lanh, thánh thót rơi xuống ướt đẫm tâm hồn đa cảm trầm . Từ đó nghe ra xiết bao tiếng lòng Thúy Kiều dịu dàng chơn chất mà vô cùng rung ngân rạt rào vô tận, trên cung bậc tình yêu thâm thiết ngay buổi đầu sơ ngộ với chàng hào hoa phong nhã Kim Trọng, trong một niềm chi đồng thanh tương ứng trọn vẹn, tràn đầy, gây nên một nguồn giao cảm thâm sâu, tâm đầu ý hợp quá đỗi mặn nồng. Rồi run run chàng trao tay tặng vật mảnh khăn hồng, rồi thề non hẹn biển, ngàn đời vĩnh viễn thiên thu:

Lặng nghe lời nói như ru

Chiều xuân dễ khiến nét thu ngại ngùng

Rằng : “Trong buổi mới lạ lùng

Nể lòng có lẽ cầm lòng cho đang

Đã lòng quân tử đa mang

Một lời vàng tạc đá vàng thủy chung

Được lời như cởi tấm lòng

Giở kim thoa với khăn hồng trao tay

Rằng : “Trăm năm cũng từ đây

Của tin gọi một chút này làm ghi”

 

Thúy Kiều, gái thuyền quyên gặp Kim Trọng, trai anh hùng, quân tử như một nếp duyên tiền kiếp gặp lại, cho nên ngay lập tức họ liền trở thành đôi bạn chân tình, gắn bó tri âm tri kỷ khắng khít sâu dày. Tình yêu muôn thuở là vậy, những kẻ yêu nhau, luôn luôn muốn tiếp xúc cận kề, tìm cách gần gũi bên nhau để tha hồ hàn huyên tâm sự suốt đêm ngày:

Thời trân thức thức sẵn bày

Gót chân thoăn thoắt dạo ngay mé tường

Cách hoa sẽ dặng tiếng vàng

Dưới hoa đã thấy có chàng đứng trông:

“Trách lòng hờ hững với lòng

Lửa hương chốc để lạnh lùng bấy lâu

Những là đắp nhớ đổi sầu

Tuyết sương nhuốm nửa mái đầu hoa râm”

Nàng rằng : “Gió bắt mưa cầm

Đã cam tệ với tri âm bấy chầy

Vắng nhà được buổi hôm nay

Lấy lòng gọi chút sang đây tạ lòng

 

Thúy Kiều lấy tấm lòng trong veo, thuần hạnh, thanh khiết của mình để cảm tạ, đáp tạ tấm lòng quân tử Kim Trọng rất mực tương kính lễ nghi, trân trọng theo thể lệ thời xưa. Thật là cảm động, làm sao không xao xuyến, bồi hồi khi hai tiếng lòng thiêng liêng, huyền mộng cùng hòa âm thấm thía, chia sẻ từng đường tơ kẽ tóc dưới ánh trăng ngạt ngào hương hoa bừng rộ vô ngần:

Vầng trăng vằng vặc giữa trời

Đinh ninh hai miệng một lời song song

Tóc tơ căn dặn tấc lòng

Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương

Nói thì dốc hết ruột rà ra nói thế, nghìn năm khắc cốt ghi tâm cùng một lòng một dạ thủy chung, không có gì có thể chia cắt được, nhưng rồi. “Ngày vui ngắn chẳng đầy gang. Chưa vui sum họp đã ngàn chia phôi...” Ơi chao ! Vô thường chợt đổ trút xuống bất thình lình những tai ương, thảm họa hoành sinh, nỗi đời tàn bạo, khắc khe chi hỡi trời xanh tàn nhẫn, bất công đã xô đẩy Thúy Kiều rơi vào cảnh bị đọa đày suốt mười lăm năm trời luân lạc đoạn trường, rời rã tha phương, làm kiếp hoa trôi bèo dạt, lạc loài, lênh đênh giữa dòng đời bão loạn, não nề, lê thê lệ đẫm buốt u sầu:

 

Đau lòng kẻ ở người đi

Lệ rơi thấm đá tơ chia tằm

Trời hôm mây kéo tối sầm

Dàu dàu ngọn cỏ đầm đầm cành sương

Lối mòn cỏ lợt màu sương

Lòng quê đi một bước đường ruột đau

Đau lòng đứt ruột, buôn thảm rờn rợn trong đêm dài sinh tử mịt mù u tối, thổi về từng cơn gió lạnh căm căm:

Ngập ngừng thẹn lục e hồng

Nghĩ lòng lại xót xa lòng đòi phen

Vì ai ngăn đón gió đông

Thiệt lòng khi ở đau lòng khi đi

Đi về đâu hỡi nhật nguyệt thiên địa mang mang? Chỉ còn vẳng nghe vang vọng rã rời những tiếng lòng tan nát qua cung đàn chết lặng tê điếng khúc ly tan:

Bốn dây như khóc như than

Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng

Cùng trong một tiếng tơ đồng

Người ngoài cười nụ người trong khóc thầm

Đó là tiếng lòng trầm thống, khổ lụy, bi ai của nhân gian ngàn thu sầu thảm u hoài. Phải chăng, đó cũng là tâm lượng thương yêu dồi dào vô hạn mà thi hào Tố Như muốn nhắc nhở chúng ta, hãy chiêm nghiệm, quán chiếu, trầm tư về khổ đế, để rồi trao tặng, gởi gắm tấm chân tình linh diệu cho hậu thế phải không?

Lỡ làng gạn đục khơi trong

Trăm năm để một tấm lòng từ đây

Tấm lòng thi nhân gởi lại cho trần gian cát bụi dường như muốn nhắn nhủ điều chi hay trao một thông điệp tối thượng mà đơn giản dị khôn dè:

Tẻ vui bởi tại lòng này

Hay là khổ tận đến ngày cam lai ?

Ồ ! Thì ra chung quy hết thảy mọi sự trên cõi đời này xảy ra cũng đều do tự nơi lòng mình, từ tâm mình đấy thôi. Vâng “Tất cả do tâm tạo” như kinh Hoa Nghiêm đã nói. Tất cả muôn loài vạn vật, đất trời, vũ trụ càn khôn... đến những buồn vui, sướng khổ, được mất, hơn thua, đúng sai, phải trái... của con người cũng đều khởi sinh từ lòng sâu kín ruột rà của chính  mình như lời sư cô  Tam Hợp mở phơi :

rằng : “Phúc  họa đạo trời

Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra

Có trời mà cũng tại ta

Tu là cội phúc tình là dây oan

Thúy Kiều sắc sảo khôn ngoan

Vô duyên là phận hồng nhan đã đành

Lại mang lấy một chữ tình

Khư khư mình buộc lấy mình vào trong

Vậy nên những chốn thong dong

Ở không yên ổn ngồi không vững vàng”

 

“Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra.” Đúng rồi, tất cả đạo lý, triết lý, khoa học, văn minh nhân loại từ ngàn xưa đến nay cũng đều phát xuất tự lòng người, từ tâm tư, trí tuệ tỏa sáng chan hòa và nhà thơ nhấn mạnh, mạch nguồn cuộc sống của chúng ta là tấm lòng thiên lương, thiện đức, là cõi Tâm Như thanh tịnh trinh tuyền vốn hằng hữu phong quang, rạng rỡ tuyệt trần:

Đã mang lấy nghiệp vào thân

Thì đừng trách lẫn trời gần trời xa

Thiện căn ở tại lòng ta

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài

 

Chữ tâm là chỉ cho tâm người, lòng người. Lòng người, tâm người quả thật là bất khả tư nghì. Muốn nói về cái tâm, muốn hiểu cho đầy đủ ý nghĩa thì không khác gì mình phải đọc lại toàn bộ thiên kinh vạn quyển Nguyên thủy và Đại thừa liễu nghĩa do Phật thuyết. Ở đây chúng ta chỉ có thể lai rai hiểu sơ lược đại khái : Cái tâm là những ý nghĩ, suy tư, tư tưởng, niệm tưởng, thường xuyên dấy khởi liên tục mãi hoài. Cái tâm có tác dụng ý niệm hóa, cái tâm chứa đựng kiến thức, cái so sánh biện biệt, lý trí phán xét, cái trực giác nhận thức, sự tự lãnh hội, cái tri nhận về bản thân, cái ý tưởng, vọng tưởng, suy tưởng, tưởng tượng, những cảm xúc, cảm giác, tư duy, tinh thần, tâm hồn, tâm linh, tâm trạng, những thần thức, linh thức, thông minh, thông tuệ… Tất cả những gì mình có thể trầm tư, uyên tư, uyên mặc, lặn sâu thấu suốt, thấu đạt, hiểu biết, ý thức, vô thức, tiềm thức.. Tất cả những điều vừa kể trên đều thuộc về tâm, hiểu theo nghĩa tục đế thông thường.

 

Còn hiểu theo nghĩa chân đế thì tâm là Diệu Tâm, Chân Tâm, là Phật Tánh, Tánh Không, là Tánh Giác, Bát Nhã, là Chân Như, Tự Tánh vô sanh bất diệt. Cho nên, Thiền tông với chủ trương : “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”  phủ nhận mọi sức mạnh tự nhiên và siêu nhiên ở bên ngoài. Thiền quy định mọi khía cạnh, mọi giá trị cuộc đời về cho sức mạnh của tự tâm.

“Tâm là căn pháp là trần

Thảy đều ngấn bụi ám gương trong

Bao giờ bụi hết gương trong lại

Tâm pháp cùng quên tánh rõ chân…”

Thiền sư Huyền Giác phát biểu như thế trong Chứng đạo ca, cũng như Tuệ Trung Thượng Sĩ tuyên bố về tâm tự tại vô quái ngại :

“Muốn cầu tâm

Chớ tìm ngoài

Bản thể như nhiên vốn vắng lặng

Niết bàn sinh tử chẳng buộc ràng

Phiền não bồ đề không đối nghịch

Tâm tức Phật

Phật tức tâm

Diệu chỉ sáng ngời khắp cổ kim

Xuân đến hoa xuân tự nhiên nở

Thu về đâu khỏi nước thu xanh …”

Như vậy, tâm có thể tạo ra Phật và chúng sinh, tâm tạo ra Niết bàn và sinh tử, thiên đường và địa ngục, hạnh phúc và khổ đau... Tâm tạo ra muôn loài vạn vật, tâm sinh ra tất cả vì tâm là chủ động của đời sống mỗi một người trong chúng ta vậy. Điều đó đã được thể hiện vô cùng ngoạn mục qua Ma Ha Ca Diếp niêm hoa vi tiếu trên tuyệt đỉnh Linh Sơn, Duy Ma Cật thõng tay vào chợ, Long Thọ tự do tự tại phá chấp, Bồ Đề Đạt Ma im lặng sấm sét, Huệ Năng khai thị bản lai vô nhất vật, Lâm Tế, Đức Sơn, Không Lộ, Quảng Nghiêm gầm hét nổ bùng xung thiên chí, Tuệ Trung Thượng Sĩ nghêu ngao khúc Phóng cuồng ca, Tế Điên, Hàn San, Thập Đắc, Bùi Giáng nhảy múa  điệu du hý tam muội xênh xang, hoan hỷ địa vui vầy…

“Người hiểu tâm này, người tự độ. Linh Sơn chính là lòng ta đó.” Nguyễn Du đã thấy rõ tận tường như thế. Thấy tâm, trực tâm, liễu tâm để lắng nghe lại tiếng lòng tha thiết miên man vang dội giữa thiên địa tuần hoàn, khiến chúng ta có nghe ra được tiếng gì vi diệu hay trông thấy được điều chi kỳ tuyệt hiện hữu nhiệm mầu, ngay trong tâm hồn, trong tận đáy lòng sâu thẳm của chính mình hay không ? Có bùng vỡ, trực ngộ ngay lập tức “đương xứ tức chân” ngay ở đây và bây giờ, chớ không chờ đợi vô lượng kiếp sau xa xăm nào nữa?

Một nhà chung chạ sớm trưa

Gió trăng mát mặt muối dưa chay lòng

Bốn bề bát ngát mênh mông

Triều dâng hôm sớm mây lồng trước sau

Nạn xưa trút sạch làu làu

Duyên xưa chưa dễ biết đâu chốn này

Trong Văn tế thập loại chúng sinh, nhà thơ cũng nhắc đi nhắc lại nhiều lần chữ lòng thuần nhiên, thuần phác mà suốt thấu sâu sắc đậm đà :

Lòng nào lòng chẳng thiết tha

Chỉ một câu thơ đơn giản thôi, Nguyễn Du cũng đủ thần lực gây chấn động, nhói buốt khắp ruột rà xương xảu máu me của chúng ta. Quá cùng xúc cảm, bàng hoàng trước cảnh phù sinh bèo bọt, có ai không muốn thoát khỏi bọt bèo phù du ? Chỉ cần tỉnh thức, trực thấy ngay nơi lòng trong xanh thanh tịnh của chính mình vốn là Phật đấy thôi:

Kiếp phù sinh như hình bào ảnh

Có câu rằng: Vạn cảnh giai không

Ai ơi ! Lấy Phật làm lòng

Tự nhiên siêu thoát ở trong luân hồi

Ơi chao ! Thanh âm trầm hùng, bùng vỡ từ lòng thi nhân vẫn còn rúng chuyển, rung động cực kỳ như tuệ kiếm Kim Cang vung lên, chặt đứt hết mọi xích xiềng, phiền não, mê ám thảm thương :

Mãn cảnh giai không hà hữu tướng ?

Thử tâm thường định bất ly thiền

( Khắp cõi là không tánh thì đâu có tướng ?

Tâm này thường định chẳng lìa thiền )

Nguyễn Du đã viết hai vần thơ xuất thần nhập diệu trên trong bài Đề Nhị Thanh động ở Lạng Sơn, chứng tỏ cái thấy của thi sĩ không khác gì của một thiền sư đã đốn ngộ đạo Thiền.

Tiếng lòng, cõi tâm hay lòng Bồ đề, tâm Đại bi vô lượng thương yêu hết tất cả  thập loại chúng sinh như trong bài Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu đã được thi nhân viết từ khi còn rất trẻ, lúc tuổi thanh xuân :

Tiếp đãi mấy đêm một mực

Lòng Bồ đề hỷ xả từ bi

Xôn xao một khắc ngàn vàng

Đàn chẩn tế Ba la Bát nhã

Bát nhã Ba la là Trí tuệ siêu việt, là tâm quang minh đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, là bản thể Chân Như. Như thế, bằng Trí tuệ siêu việt, bằng tâm Đại bi, lòng Bồ đề sâu rộng bao la mà nhà thơ đã thể hiện thiết tha nhất quán đối với bao nhiêu thống khổ trầm kha của kiếp người qua các tác phẩm thi ca bất hủ của bậc thiên tài vĩ đại Tố Như.

Chính “Lòng thơ lai láng bồi hồi” ấy đã chảy rạt rào trong tư tưởng thượng thừa và cảm thức thấu thị tử sinh của thi nhân. Từ đó tuôn chảy trong veo dào dạt vào tận đáy lòng trong trẻo tinh khôi của chúng ta, của toàn thể dân tộc Việt, một dân tộc thi sĩ nhất trên mặt đất thân yêu này.

 

Tâm Nhiên

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle