Bút ký của Hoàng Công Danh
Khó có điều gì huyền nhiệm như thiên nhiên buổi đất trời vào xuân, lúc sương làm
thành màn và tiếng chim chèo bẻo sớm mai vén bức màn ấy lên. Hiện dần trong đôi
mắt ngái ngủ của ngày tân niên là một ngõ quê với bước chân ai đó thả nhẹ trong
bồng bềnh hương thơm hoa trái.
Lật tờ lịch đỏ, mặt trời đánh vài sợi nắng đầu mùa và giữ khí trạng ấy cho đến
cuối ngày. Mọi thứ bắt đầu bằng sự nhẹ nhàng khoan thai của một người yêu thủy
chung mỗi năm ghé về chợ tình lấy duyên một lần, rồi nhận ra món hồi môn từ mấy
ngàn năm trước đã trẩy lộc: bông hoa trên cỏ nở cười, trái cây trong vườn ửng má
thẹn thùng, cau xòe tán làm chiếc lộng che trái dạm lời. Hình như mùa xuân đất
trời bày một tiệc cưới hân hoan, thiên sứ trên cao xuống trần và bưng tất cả lễ
vật vừa vào đến ngõ. Tình yêu khai sinh từ một ý niệm tìm ra quả mà Adam và Eva
là hai kẻ may nắm đầu tiên. Có lẽ, trái bữa ấy là vật phẩm đánh dấu mùa xuân
sang.
Tôi miên man những ý nghĩ ngây ngô khi vào nhà Bảo. Một cây bưởi đứng chào ngay
ngoài ngõ trong tư thế cong cành thả từng trái tròn vô tư. Vài trái len hẳn ra
ngoài vòm lá và nằm rất thấp, vừa tay người chạm.
-
Nghe nói nếu có hơi tay người thì bưởi mau to?
Bảo cười khi nghe câu hỏi bâng quơ của tôi. Là một người đam mê cây cối, hẳn
nhiên Bảo sẽ rất rành món này nhưng hắn vẫn giấu nhẹm câu trả lời. Đừng vội nghĩ
đến một hành động thái quá của đàn ông. Nói một cách nghiêm túc, những kinh
nghiệm chăm vườn có một sự liên hệ nào đó với việc chăm sóc người. Ví như người
lớn thường xoa đầu trẻ con cho chóng lớn. Đấy là sự động viên chân chính. Cũng
như khi sờ bưởi thì có ý nhắn nhủ rằng ta muốn có một món lễ xuân dâng cúng tiên
tổ, hoặc làm quà cho người thương.
Ngõ nhà Bảo với cây bưởi đứng chào
Nhà Bảo nằm ngay chỗ giao của hai con đường làng. Mỗi buổi sáng mấy cô gái quê
thường đi qua thả những mùi hương tóc gội bồ kết, hay là trả tiếng cười khẽ khi
gặp lời chào ban mai của chàng trai tuổi yêu. Mấy lần ngủ lại ở nhà Bảo, sáng
thức dậy tôi đã nhận ra rất nhiều tín hiệu duyên dáng của ngày mới. Một chòm hoa
bưởi trắng nội kết trong tàng lá xanh tự bao giờ vẫn giữ nét khôi nguyên và bung
nụ như mở tấm lòng thơm thảo muốn hiến dâng. Có khi len lỏi giữa những vòm bưởi
là chú chim sẻ vuốt cánh đánh nhẹ vào mấy chiếc lá, hoặc chim liếc mỏ sừng vào
vỏ trái. Thành ra, trái bưởi có những chỗ bóng loáng lên như thứ gỗ được mài
nhẵn. Mỗi trái bưởi hệt một khuôn mặt tròn đầy của thiếu nữ với làn da mịn màng
được nuôi dưỡng bởi lớp kem sương xuyên đêm. Ba của Bảo đang bệnh, bây giờ mỗi
ngày phải dìu ông đi quanh sân nhà, ra ngõ cho ông chạm vịn vào cây cối một
chốc. Lần tôi dìu ông ra ngõ, ông nắm vào cuống trái bưởi cố gắng nân lên rồi ú
ớ vài tiếng không rõ. Tôi hỏi có phải lấy tre chống cho cành đừng trĩu xuống
không? Ông gật đầu lia lịa và rạng mắt mừng vì có người hiểu mình. Từ đó tôi
biết rằng tình yêu thiên nhiên đã nâng đỡ rất nhiều cho con người. Trong nỗi
bệnh tật, người ta làm bạn với cây cối, biết cách nâng niu và trân trọng sự sống
thuần hậu.
Ngõ quê ít khi kín cổng cao tường, thay vào đó là một cây cho quả vắt nhành sang
làm cổng và hàng cây leo dựng tường. Những loại cây leo làm phên dậu như mướp
hay mùng tơi. Từ cuối mùa đông người quê rào tre làm phên và ươm hạt trong những
túi nhỏ. Khi cây chừng một gang tay, bắt đầu ra tua cuốn thì xé bao đem trồng ở
dưới những hàng phên. Vài bữa sau cây đã bắt ngọn leo lên và phủ xanh lá. Có nhà
làm phên ngay ở hai bên lối vào, rồi bắc thêm phên ngang phía trên để trồng
mướp. Đến khi mướp phủ kín, đi vào ngõ nhận ra ngay niềm hiếu khách của gia chủ,
hồ như đấy là niềm hạnh phúc tao ngộ của người nhà quê. Có lần tôi lên nhà Đăng
chơi, gã chỉ tay ra ngõ và khoe cái giàn mướp mới gầy tre: vài bữa nữa nó lên
xanh đẹp lắm! Rồi đôi mắt gã mơ màng nghĩ đến một cuộc hôn nhân trong kỳ mướp
cho quả. Từng trái xanh non vắt xuống vừa chạm đầu nàng dâu mới. Sẽ có vài con
ong chơi trò đuổi bắt, chúng xuyên qua vòm rồi bò quanh trái mướp. Cuộc tự tình
mỗi sớm mai hay khi chiều về của đôi lứa dưới vòm lá sẽ lãng mạn biết bao. Cây
còn xanh đúng mùa, ngõ vẫn chờ đúng hẹn, nghĩa là tuổi xuân của bạn còn phơi
phới. Biết bao lần ngồi với Đăng trên lớp cỏ ven đê, giữa đêm trăng mọc muộn
phía đầu làng để nói về niềm tin yêu cuộc sống. Và mỗi độ xuân về, tôi đều nhận
ra thiên nhiên bao la đã choàng lên mảnh làng bé nhỏ của mình những gửi gắm lạc
quan. Trong sợi dây leo có tình gắn kết, dưới tờ lá xanh có sự chở che, quả đầu
mùa móc cuống vào giàn có nguồn nâng đỡ. Bởi thế mà quê hương luôn hiện hữu
trong từng ý nghĩ của bạn bè.
Mảnh vườn bên cạnh lối vào, người quê thường dùng để trồng rau màu, các loại rau
kẹp ăn sống ăn quanh năm. Riêng cải thì chỉ thích hợp vào mùa xuân nên đến độ
này, người ta ưu tiên đất để trỉa cải. Và không phụ lòng người trồng, cải làm
màu xanh non tươi mơn mởn. Hạt cải chỉ cần trỉa xuống độ vài hôm là có thể nhổ
ăn được rồi. Đi vào ngõ nhà Đăng, vườn cải trải ra một tấm thảm xanh dịu dàng.
Có lẽ đó là màu xanh ngây thơ nhất, một thứ gam màu lạnh chưa hề nghĩ ngợi đến
tuổi đời của mình.
Niềm vui của người làng không phải là của cải, mà đó là vật phẩm thiên nhiên.
Bởi thế nên bà con khen nhau cái cây sây trái, cái vườn xanh tươi chứ ít khi
khen của nả trong nhà. Đến chơi với nhau cũng muốn đứng ngoài sân vườn, hưởng
cái bầu không khí yên tĩnh. Chén nước trà đãi bôi đôi khi chưa thực sự là niềm
thân giao bằng lời mời chào của ngõ cây xanh. Tôi học được điều này qua những
lần đi chơi với Bảo. Cứ thấy nhà ai có nhiều cây xanh là Bảo ghé vào chơi một
cách tự nhiên, rồi nói chuyện sinh vật cảnh với gia chủ y hệt bạn quen từ thuở
nào. Thế đấy, cây cối đã nối một vòng tay thân thiện cho con người.
Hồi ấy tôi và Sum hay đi qua đường làng Đại Hòa, bên cạnh đình làng có một ngôi
nhà rậm rạp cây cối. Hai đứa có ý “sợ” cái nhà này vì nó kín đáo quá. Không ngờ
vài bữa sau mới biết đó là nhà Phương Oanh, một người bạn gái của tôi. Buổi tối
đầu tiên tôi đánh bạo vào nhà Oanh chơi, bạn mời ngồi ở ngoài sân. Mới đầu thấy
hơi buồn, nhưng ngồi một lúc thì hương cau từ ngõ tràn vào thơm ngát, gió đêm
lạc qua lá khẽ tiếng xôn xao. Tôi chưa kịp quở một lời nào thì Phương Oanh nói
trước:
-
Bạn đến chơi mà không có gì mời cả!
Trời ơi, cả một khu vườn với rất thanh âm trìu mến và hương thơm quyến rũ như
thế chưa đủ hay sao. Phải quý lắm bạn mới cho ngồi ở sân để hưởng thứ ân sủng
dồi dào của thiên nhiên. Chính những buổi tối như thế đã dậy lên trong tâm hồn
tôi niềm yêu khôn tả và khắc lại hình ảnh một của quê nhà thân quen quá đỗi.
Những đêm trăng đầu xuân, ngõ quê ảo mờ như dáng dấp khuynh thành mà duyên dáng,
kín kẽ mà điệu đà.
Ngõ nhà gắn với nhiều kỷ niệm tuổi thơ nghịch ngợm của tôi. Hồi ở nhà còn cây vú
sữa, tôi hay hái sẵn một chùm trái xoan (thầu đâu) leo lên trên chãng ba và ngồi
vắt vẻo ở đó nhìn xuống. Đầu năm, chú tôi dắt một o con gái về nhà chơi. Tôi
ngồi trên đó lặt từng trái loan tròn búng xuống chọc chơi. Chú tôi giận lắm
nhưng không dám mắng, còn o con gái nớ chắc là không giận nên mới đồng ý lấy
chú. Lần khác, đám bạn trong xóm núp sau dậu mùng tơi, đến khi có đôi trai gái
đi qua thì cả lũ bạn nhảy ra hát: Cô dâu chú rể, làm bể bình bông. Xong, tất cả
bỏ chạy để lại tiếng cười trêu đùa nơi ngõ.
Mùa xuân, đến bất cứ nhà
ai chơi đều nhận thấy sự trổi dậy mãnh liệt ngay từ ngoài cánh cửa khu vườn. Mùi
thơm mộc mạc của hoa cau, hay mùi bàng phấn tuyền đặc của dạ lý hương lan tỏa
như thứ men xuân đắm say. Mỗi lá cây mỗi trái ngọt đều hết mình làm tốt nhiệm vụ
kế nhiệm mà tổ tiên của chúng đã gầy dựng và giao phó. Chợt nhớ đến câu văn
trong sớ cúng họ tộc: “Triệu tổ tiền bồi thùy vạn cổ/ Phụng tiên tư hiếu báo tam
xuân”. Cả con người cũng phải góp phần bồi tù cho thiên nhiên để làm nên mùa
xuân đẹp tươi.