Minh Thạnh
Bài viết này hướng đến
mục tiêu xác định những quan điểm căn bản làm cơ sở cho việc triển khai,
tổ chức kỷ niệm 50 Pháp nạn lịch sử 1963.
Trước hết, cần đề cập
đến quan điểm nêu cao tinh thần hộ pháp. Phong trào đấu tranh bảo vệ
Phật giáo của Phật giáo miền Nam Việt Nam trong Pháp nạn lịch sử 1963 là
sự kiện hộ pháp hùng tráng, oanh liệt trong lịch sử Phật giáo Việt Nam
nói riêng, lịch sử Phật giáo thế giới nói chung.
Nó cho thấy sức mạnh
mãnh liệt của tinh thần đấu tranh bất bạo động của Phật giáo. Nó cũng có
ý nghĩa khẳng định sự trường tồn của đạo pháp, vượt qua mọi sóng gió,
cam go, nguy nan, thử thách. Nó cũng còn còn ý nghĩa khẳng định chính
nghĩa ngời sáng của Phật giáo Việt Nam trước những mưu ma chước quỷ tiêu
diệt Phật giáo của tập đoàn gia đình trị Ngô Đình Diệm. Vì vậy, quan
điểm nêu cao tinh thần hộ pháp trong hoạt động kỷ niệm 50 năm Pháp nạn
lịch sử 1963 phải là quan điểm được xác định trước tiên.
Pháp nạn lịch sử 1963 là
sự kiện thể hiện cao độ và điển hình tinh thần từ bi, trí tuệ, hùng lực
của Phật giáo Việt Nam. Vì vậy, quan điểm hoằng pháp với nội dung tinh thần
bi trí dũng của Phật giáo Việt Nam cần là một trong những quan
điểm nền tảng của hoạt động kỷ niệm 50 Pháp nạn lịch sử 1963. Tinh thần
của đợt kỷ niệm long trọng này là tinh thần bi trí dũng, kết tinh trong
sự kiện lịch sử 50 năm trước đó.
Quan điểm
gắn kết Phật giáo với dân tộc, thiết
tưởng, cũng là một quan điểm căn bản của hoạt động kỷ niệm 50 năm Pháp
nạn lịch sử 1963. Thời điểm Pháp nạn của Phật giáo Việt Nam cũng là thời
điểm đen tối trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chính sách kỳ thị, đàn áp,
ngược đãi Phật giáo của chính quyền gia đình trị Ngô Đình Diệm là một
chính sách phản dân, hại nước, đi ngược lại với quyền lợi của Tổ quốc.
Trong khi đó, thời điểm khốn khó, nguy nan của Phật giáo miền Nam Việt
Nam cũng là thời điểm đen tối của lịch sử Việt Nam hiện đại. Sự kiện
pháp nạn năm 1963 thể hiện sự gắn kết mật thiết vận mệnh giữa Phật giáo
Việt Nam và dân tộc Việt Nam. Vì vậy, kỷ niệm Pháp nạn lịch sử 1963 cũng
phải trên tinh thần của sự gắn kết đó.
Kế thừa truyền thống luôn là quan điểm căn
bản của dịp kỷ niệm lịch sử trọng đại. Kế thừa truyền thống là một mục
tiêu của hoạt động kỷ niệm 50 Pháp nạn lịch sử 1963, đồng thời cũng là
động lực thúc đẩy việc xúc tiến hoạt động kỷ niệm nói trên. Ở đây, xin
nhấn mạnh đến khía cạnh kế thừa truyền thống là động lực thúc đẩy hoạt
động kỷ niệm 50 năm Pháp nạn, và do đó, là quan điểm nền tảng của hoạt
động kỷ niệm này.
Quan điểm kế thừa truyền
thống lịch sử là xuất phát điểm thiêng liêng để từ đó, Phật giáo Việt
Nam triển khai hoạt động kỷ niệm 50 năm Pháp nạn lịch sử 1963. Kế thừa
truyền thống lịch sử là quan điểm nền tảng vững chắc của dịp kỷ niệm
quan trọng này.
Từ quan điểm kế thừa
truyền thống lịch sử, Phật giáo Việt Nam đương nhiên sẽ đi đến quan điểm
khai thác các giá trị lịch sử
phục vụ cho việc xây dựng ngôi nhà Phật giáo Việt Nam hiện đại. Quá khứ
luôn là vấn đề thời sự nếu quá khứ luôn được ý thức một cách trọn vẹn.
Lịch sử không bao giờ là câu chuyện trôi qua và mất hút khi những người
kế tục biết khai thác những giá trị bất hủ của nó. Kỷ niệm Pháp nạn lịch
sử 1963 với tinh thần như thế, Phật giáo Việt Nam chúng ta rõ ràng đã
không làm việc “tìm cầu quá khứ” mà đang tích cực quan tâm giải quyết
các vấn đề hiện tại. Đó là các vấn đề vai trò, vị trị “kế
thừa sự nghiệp Phật giáo Việt Nam” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam
(“kế thừa sự nghiệp Phật giáo Việt
Nam” là chữ dùng trong thông tư hướng dẫn về việc “Tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Bồ tát Thích Quảng
Đức vì Pháp thiêu thân (1963-2013)), thúc đẩy tinh thần vì đạo pháp
của Tăng Ni Phật tử Phật giáo Việt Nam, nâng cao ý thức đoàn kết Phật
giáo Việt Nam, tăng cường nỗ lực xây dựng ngôi nhà chung Phật giáo Việt
Nam. Những vấn đề như thế là những vấn đề có tính chất thời đại, hết sức
cấp thiết.
Nội dung phân tích ở
trên cho thấy đoàn kết Phật giáo
Việt Nam cần là một quan điểm quan trọng trong hoạt động kỷ niệm 50
năm Pháp nạn lịch sử 1963. Năm mươi năm trước, vào những ngày tháng bi
thương của Pháp nạn, Tăng ni Phật tử Phật giáo Việt Nam đã đạt đến sự
đỉnh điểm của sự đoàn kết, kề vai sát cánh đồng sức đồng lòng đấu tranh
vì sự trường tồn của đạo pháp, không ngại gian khổ hy sinh.
Nay, kỷ niệm sự kiện
lịch sử thần thánh đó chính là việc làm khơi gợi tinh thần đoàn kết
tuyệt đối của Phật giáo Việt Nam. Các tổ chức, hệ phái, tông môn Phật
giáo Việt Nam đã vượt qua mọi sự khác biệt, thống nhất trong cuộc đấu
tranh chung bảo vệ Phật giáo, cùng gánh chịu nỗi đau thương, khổ ải của
những ngày tháng Pháp nạn. Nay, nếu Phật giáo Việt Nam kỷ niệm 50 năm
Pháp nạn bằng chính tinh thần đoàn kết Phật giáo, thì hiệu quả của nó sẽ
hết sức có lợi cho mục tiêu đoàn kết Phật giáo. Trong tinh thần kỷ niệm
Pháp nạn chung đối với Phật giáo Việt Nam, tăng ni Phật tử Việt Nam sẽ
có dịp nêu cao tinh thần đoàn kết, gắn bó, vượt qua mọi khác biệt, phân
hóa, chia rẽ. Đây thực sự là một cơ hội mà truyền thống lịch sử mang đến
cho Phật giáo Việt Nam.
Quan điểm về
tình yêu đạo pháp cũng là điều
cần được nhấn mạnh. Thời điểm Pháp nạn năm mươi năm trước là thời điểm
tăng ni Phật tử Phật giáo Việt Nam bộc lộ tình cảm không bờ bến của mình
đối với Phật giáo Việt Nam qua hành động dấn thân bảo vệ đạo pháp. Trong
hoàn cảnh khốc liệt Pháp nạn, đã nảy sinh nhiều tấm gương hy sinh sáng
ngời tình yêu đạo pháp. Vì vậy, hiện nay, Phật giáo Việt Nam nên lấy
chính tình yêu đạo pháp làm nền tảng tinh thần cho hoạt động kỷ niệm
Pháp nạn, từ đó, mang lại những giá trị thiêng liêng cho hoạt động kỷ
niệm Pháp nạn, khơi gợi, nung nấu ở tăng ni Phật tử tình cảm nồng nàn,
sâu sắc đối với Phật giáo Việt Nam.
Chấn hưng Phật giáo cũng cần là một quan điểm động lực
cho việc tổ chức hoạt động kỷ niệm 50 năm Pháp nạn lịch sử 1963. Bởi
cuộc đấu tranh của Phật giáo trong Pháp nạn lịch sử 1963 và kết quả của
cuộc đấu tranh giải trừ Pháp nạn là những sự kiện gắn liền với sự nghiệp
chấn hưng Phật giáo Việt Nam, bắt đầu khoảng 40 năm trước Pháp nạn 1963.
Nhờ có công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Việt Nam mới có
đủ thực lực để chịu đựng, đương đầu, vượt qua và giải trừ Pháp nạn. Kết
quả giải trừ Pháp nạn lịch sử 1963 là một biểu hiện hết sức cụ thể và
sống động của kết quả chấn hưng Phật giáo Việt Nam.Vì vậy, kỷ niệm Pháp
nạn lịch sử 1963 không thể tách rời với sự nghiệp chấn hưng Phật giáo,
một công cuộc cần tiến hành liên tục, thường xuyên, hướng đến một Phật
giáo Việt Nam hưng thịnh, phát triển vững mạnh.
Kỷ niệm 50 năm Pháp nạn
lịch sử 1963 là một cơ hội để khẳng định tinh thần chấn hưng Phật giáo,
tiếp tục cuộc vận động chấn hưng Phật giáo không ngừng nghỉ. Đó cũng là
một cơ hội để khẳng định một Phật giáo Việt Nam hiện tại đã có những
bước phát triển đáng ghi nhận trong bối cảnh chính trị xã hội thuận lợi.
Quan điểm
truyền thông cho Phật giáo Việt Nam, khẳng
định diện mạo Phật giáo Việt Nam hiện đại cũng là một quan điểm cần
được chú ý trong hoạt động kỷ niệm 50 năm Pháp nạn. Việc tổ chức lễ kỷ
niệm cần được cân nhắc, tính toán trên quan điểm sao cho, qua đó, mọi
người, trong nước và trên thế giới, có thể thấy được tầm vóc Phật giáo
Việt Nam ở cái mốc thời gian nửa thế kỷ sau Pháp nạn lịch sử 1963. Tuy
điều này chỉ có ý nghĩa hình thức, nhưng nó không kém phần quan trọng
trong việc xác định vị thế của Phật giáo Việt Nam nói chung, giáo hội Phật giáo
Việt Nam nói riêng. Giáo hội Phật giáo Việt Nam không thể là một giáo
hội mạnh nếu không thể khẳng định năng lực của mình trong việc tổ chức
một dịp lễ kỷ niệm lịch sử trọng đại như vậy.
Cũng cần chú ý đến quan
điểm vì chư vị tôn tức tăng ni và
Phật tử là chứng nhân lịch sử của Pháp nạn lịch sử 1963 hiện nay đã rất
cao tuổi. Một trong những vị lãnh đạo Phật giáo thời kỳ pháp nạn
1963 còn hiện tiền nay đã gần 100 tuổi. Các vị tăng ni Phật tử thời kỳ
pháp nạn khi đó là những người trẻ tuổi đến nay đã ở lứa tuổi trên dưới
“thất thập cổ lai hy”. Vì vậy, đây có thể là dịp tổ chức long trọng cuối
cùng theo đơn vị tròn một chục năm đối với rất nhiều vị. Nghĩ đến điều
này, Phật giáo Việt Nam cần xác định trách nhiệm phải tổ chức một dịp kỷ
niệm 50 năm trọng thể, quy mô xứng tầm.
MT