Basho là một vị thiền sư thi sĩ Nhật Bản sống vào
thế kỷ thứ 17, ông cũng được công nhận như một nhà thơ Haiku nổi tiếng nhất của
mọi thời đại. Có lần, Basho chia sẻ về nghệ thuật làm thơ của mình như sau, “Trong
khi viết, ta đừng để mình bị ngăn cách với thực tại, dầu chỉ là một khoảng cách
mỏng như một sợi tóc. Ta chỉ có thể hiểu được cây thông từ ngay chính cây thông,
ta chỉ có thể học cây trúc từ chính ngay cây trúc… và sự đồng nhất ấy tự nó sẽ
sáng tạo nên bài thơ của mình.”
Và cũng vậy, tôi nghĩ, ta
chỉ có thể tiếp xúc được với sự sống của mình từ ngay chính nơi thực tại này, mà
không thể bằng một lý thuyết hay đường lối nào khác hơn.
Nhưng dường như ngày nay
chúng ta lại thường đặt ra bao nhiêu những phương cách để nắm bắt thực tại. Thật
ra, ta chỉ cần mở rộng ra với những gì đang có mặt chung quanh mình, bằng một
cái thấy tự nhiên và trong sáng. Hiện thực này, ta đâu cần phải lao công tìm
kiếm, mà chỉ cần dừng lại và nhận diện mà thôi.
Một nhà thơ La Mã,
Horace, có dùng chữ "Carpe diem", seize the day, nắm bắt ngày hôm nay,
như là một công thức để sống tích cực. Tôi cũng thấy ngày nay chúng ta lại ưa
thích dùng những chữ đó, nhưng có lẽ ta cũng cần nên nhìn lại thái độ ấy của
mình. Vì thật ra ta không cần phải nắm bắt cái gì hết, chúng ta chỉ cần để yên
và có mặt tự nhiên với ngày hôm nay thôi. Vì mục đính của ta là để tiếp xúc
được với một tuệ giác sẵn có của thực tại, chứ không phải để tìm kiếm một cái gì
khác hơn, hay đẹp hơn, theo sự mong cầu của mình.
Sen và bùn
Có lần, tôi có dịp tiếp chuyện với một Sư cô ở
một tu viện. Trong thiền quán, chúng ta thường quen nghĩ rằng, hạnh phúc có mặt
là nhờ sự có mặt của khổ đau. Cũng như sen có mặt là nhờ có bùn nhơ, hay là nhờ
có cõi Ta bà mà Tịnh độ mới có thể hiện hữu. Nhưng nếu như ta nhìn sâu sắc hơn,
đừng vướng mắc vào ý niệm, thì có thể ta cũng sẽ thấy rằng, hoa sen có cái
“thật” của hoa sen, và bùn nhơ cũng có cái “thật” của bùn. Và nếu như chúng ta
để cho chúng được như "đang là", as-is, một cách tự nhiên, thì mỗi cái
đều có giá trị hoàn toàn như nhau, chứ không phải vì cái này mà có được cái kia. Cô
chia sẻ,
Người ta thường nói đến giá trị của khổ đau là để
nâng cao giá trị của hạnh phúc. Cũng như hay lấy bùn để tôn xưng sự tinh khiết
của hoa sen: gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Vì vậy hoa sen thường được dùng
làm biểu tượng cho những gì cao quý, thỏng tay vào trần mà không nhiễm bụi
trần. Giá trị của bùn ở đây là làm cho hương thơm của hoa sen càng có giá trị.
Trong kinh có viết “Thị
pháp trụ pháp vị”, nghĩa là ta nên thấy pháp đúng với thực tánh ngay nơi sự có
mặt trong không gian (vị) và thời gian (thời) của nó. Như nó đang là. Mỗi pháp
đều có một vị trí, một “đang là” của chính nó, và không thể so sánh với bất cứ
gì khác. Hoa sen có "vị" của hoa sen, bùn có "vị" của bùn. Mùi thơm của hoa
sen hay mùi hôi của bùn là do cảm quan của chúng ta thôi, chứ sen hay bùn tự
chúng đâu có nói một lời nào! Mà chúng cũng chẳng muốn nâng giá trị gì cho
nhau. Sen mọc trên bùn là do ở nhân duyên, thì đó cũng chỉ là lẽ thường nhiên
thôi!
Vậy khổ đau có "vị" của
khổ đau, hạnh phúc có "vị" của hạnh phúc, giá trị hoàn toàn như nhau nếu chúng
được như "đang là." Thật ra thì đâu phải nhờ khổ đau mà ta mới có thể thấy giá
trị của hạnh phúc, hay "hạnh phúc chỉ được nhận diện trên cái nền của khổ
đau..." Sao ta không thử nhìn thấy hương sen, mùi bùn, hạnh phúc, đau khổ...
như nó đang là, và chỉ thế thôi?
Thật ra, nếu như ta biết
ý thức và chấp nhận giá trị của khổ đau, thì đó cũng đã là điều rất tích cực
rồi. Nó giúp ta giảm bớt đi những bất an do sự tham cầu, chống đối, vừa lòng,
nghịch ý… khi tương giao với mọi sự. Nhưng nếu như ta không vượt thoát khỏi cái
khái niệm về “cái này kéo theo cái kia”, thì mình sẽ không để cho sự vật được
như nó “đang là”, vì vẫn còn một ý niệm phân biệt, cho dù rất vi tế.
Trong kinh Hoa Nghiêm có
viết "đương xứ tức chân", chỉ có cái đang là ấy mới chính
là cái thật, và ngoài ra không có cái thật nào khác hơn, nên ta mới có thể nói
"Ta bà là Tịnh độ" được đúng nghĩa. Chứ không phải nó ám chỉ rằng Ta bà chỉ là
nền, background, của Tịnh độ. Vì thật ra, đâu phải nhờ có “hậu cảnh” Ta bà mà
“chính cảnh” Tịnh độ mới được tỏa sáng!
Mọi bất an đều có khuynh hướng tự an
Có thể tôi cũng chưa hiểu hết ý sâu sắc của Cô,
nhưng như Basho nói, nếu như chúng ta muốn hiểu thế nào là hoa sen thì ta hãy
tiếp xúc ngay chính với hoa sen đi, hay bùn nhơ cũng vậy. Vì chỉ có cái đang
là ấy mới chính là cái thực. Mỗi cái đều có một tuệ giác riêng của nó, và
ta chỉ cần thấy trong sáng tự nhiên thôi, chứ đâu cần đến một sự phân tách hay
suy tưởng xa xôi gì khác.
Nếu như ta để cho chúng
được như chúng đang là, as-is, buông bớt đi những phân biện của mình, thì
tuệ giác sẽ hiện rõ hơn. Các thầy tổ vẫn thường nhắc nhở chúng ta hãy tập buông
bỏ những ý niệm và lý thuyết của mình đi, dù cao siêu đến đâu, để cho tuệ giác
có thể được có mặt.
Tôi nghĩ, chúng ta chưa
tiếp xúc được với thực tại có lẽ vì mình chưa thể dừng yên được những tìm kiếm
lăng xăng của mình. Và trong cuộc sống, chúng ta lại có thói quen thay thế
những lăng xăng này bằng những lăng xăng khác. Mà bạn biết không, cho dù chúng
có là vi tế hay tốt đẹp hơn thì đó cũng vẫn là những lăng xăng.
Nhưng nếu như ta không làm gì hết, và cứ để yên cho những lo nghĩ và bất an của
mình, thì chúng sẽ ra sao bạn hả? Bạn biết không, tôi được dạy rằng, nếu như ta
biết buông bỏ cái thái độ mong cầu của mình, để cho cái nghe, cái thấy của mình
được trong sáng tự nhiên trong giờ phút này, không can thiệp vào, thì mọi bất
an đều có khuynh hướng tự nó sẽ trở thành an. Chúng không cần gì đến sự can
dự hay một sự tập luyện nào của mình. We need to learn how to step
out of our own way.
Đào hồng tự nở
hoa
Sáng nay là một ngày đầu tiên của mùa xuân. Vậy mà mới mấy
hôm trước, trời đổ một cơn tuyết lớn ngập trắng khu vườn, lấp kín lối đi ngoài
sân. Tuyết phủ trắng xóa những cành cây khô trong khu rừng nhỏ. Đất trời của
một ngày tuyết đang rơi thật yên lắng, không gian tĩnh và đẹp. Sáng nay nắng
lại lên, tuyết tan, bước ra ngoài vườn tôi thấy trên cành khô có những nụ hoa
tím nở tự lúc nào không hay, dưới ánh nắng trong sáng ban mai đẹp mới tinh.
Tôi nhớ bài thơ của thầy Nhất Hạnh lấy ý từ một công án Thiền
của vua Trần Nhân Tông.
Bạn là khu vườn của tôi
Và tôi thường nghĩ tôi là người chăm
sóc
Nhưng mới sáng hôm qua thôi
Mắt tôi vừa thấy
Một khu vườn xưa, rất xưa
Không hề có ai chăm sóc
Vậy mà
Khi Xuân về
Chẳng biết tại sao
Đào lý vẫn đơm hoa.
Chúng ta có cần phải lao tác tìm kiếm gì không bạn hả, hay
chỉ cần để cho tất cả được trong sáng tự nhiên mà thôi, và lý trắng đào hồng sẽ
tự chúng nở hoa…
“Vườn xưa vắng mặt người chăm sóc
Lý trắng đào hồng tự nở hoa.”
Nguyễn Duy Nhiên