Huế đến với tình yêu

hue den

Thích Thái Hòa

 

Huế có núi cao, có sông sâu, nên bất cứ cái gì cạn cợt, thấp kém đều không tồn tại với Huế. Huế có sông dài nên cái gì ngắn ngủi đều không phù hợp với Huế. Huế có phá Tam Giang được xem như là bể lọc, nên cái gì tào tạp đều bị Huế gạt đi. Huế có biển rộng mênh mông, nên những gì hẹp hòi tầm thường đều không phải là Huế. Huế có dãy Thùy Dương cát trắng, nên những gì tối tăm bẩn thỉu đều bị Huế chối từ.

 

 

Huế đến với Việt Nam không phải bằng con đường chinh phục bạo động mà chính bằng con đường của tình yêu đằm thắm.

Huyền Trân Công chúa một nữ Phật tử thuần thành, thuận theo ý của cha và anh đã hóa duyên với vua Chàm là Chế Mân. Và sau đó vua Chàm đã tặng cho nước An Nam lúc bấy giờ hai châu Ô và Rí tức là một phần Quảng Bình với Quảng Trị, Thừa Thiên và một phần của Quảng Nam ngày nay.

Năm 1307, vua Trần Anh Tông đã tiếp nhận hai Châu này và đặt tên là Thuận Châu và Hóa Châu.

Huế là tên gọi của Hóa và có cội nguồn với Thuận từ đó.

Thuận Hóa là thuận theo ý lực của hồn thiêng sông núi để mở mang bờ cõi đem nét đẹp trầm hùng của An Nam chuyển hóa và thăng tiến cho một xứ sở láng giềng.

Thuận Hóa có núi cao, có sông sâu, có ruộng động, có đầm phá, có dãy cát trắng Thùy Dương chạy dài theo duyên hải ôm lấy biển xanh vào lòng. Thiên nhiên đã tạo nên cho Thuận Hóa một bức tranh vô cùng kỳ vỹ, giàu có và sống động.

Núi Truồi, Bạch Mã, Thúy Vân, Vinh Thái, Hải Vân… là những ngọn núi cao vút. Sông Ô Lâu, sông Bồ, sông Hương, sông Truồi có những đoạn nước sâu thăm thẳm.

Sự đứng vững chãi và cao vút của núi, sự trôi êm, đằm thắm và sâu thẳm của sông, sự xanh tươi của ruộng đồng, sự gạn lọc của phá, sự rộng lớn của biển, sự khoan dung và thanh bạch của cát đã tạo nên tâm hồn và khí tiết của người dân ở xứ sở này.

Cội nguồn của các dòng sông không chỉ từ lòng đất sâu mà còn từ những đỉnh núi cao, bởi vậy các dòng sông của Huế không bao giờ bị khô cạn. Chúng từ đỉnh núi cao trở về, từ lòng núi sâu đi ra băng qua ruộng đồng, phố phường, tưới ẩm vườn cà, ruộng lúa nương khoai, làm cho cây chanh ươm nụ, cây bưởi nở hoa, làm cho những lũy tre xãnh rợp bóng giữa trưa hè.

Các dòng sông của Huế trước khi đi về hòa nhập với cái lớn là biển, thì nó phải chan hòa và được gạn lọc bởi phá,

Phá Tam Giang là điểm hội tụ của các dòng sông Ô Lâu, Bồ bà Hương. Mỗi khi chúng đã hội tụ với nhau thì chúng không còn là ba mà chỉ là một. Cái một bao gồm cả cái ba.

Phá Tam Giang đối với Huế đóng vai trò như một bể lọc, các nguồn nước trước khi hòa vào với biển cả mênh mông là phải đi qua bể lọc này.

Và dãy Thùy Dương cát trắng chạy dài theo vùng Duyên hải đã khẳng định rằng: Phá không phải là biển, biển không phải là phá, nhưng phá cũng có thể là biển và biển cũng có thể là phá, chúng dung thông với nhau qua các cửa bể Thuận An và Tư Hiền.

Dãy Thùy Dương cát trắng hiện hữu với Huế, như một sự tiếp nhận và hóa giải những gì mà biển không dung từ phá, đẩy dạt vào bờ và dãy Thùy Dương cát trắng sẵn sàng ôm hết vào lòng những gì dơ bẩn và biển cả trao trả lại cho đất liền, để chuyển hóa trở thành thanh bạch.

 

Thiên nhiên đã kết cấu Huế như thế, và đã tạo ra khí tiết của Huế bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, rõ rệt, nên từ thế kỷ thứ XIV, Huế đã trở thành thân thể của An Nam không bằng bạo lực mà bằng tình yêu. Huế đã trở thành trái tim và đầu não của đất nước một thời, vào thời các chúa Nguyễn và các Triều vua Nguyễn, rồi từ đó Huế trải dài từ thành Gia Định đến Mũi Cà Mau.

Bấy giờ, Huế không những nghiễm nhiên trở thành một trung tâm chính trị, mà còn là một trung tâm phật giáo, văn hóa và giáo dục nữa.

Huế có núi cao, có sông sâu, nên bất cứ cái gì cạn cợt, thấp kém đều không tồn tại với Huế. Huế có sông dài nên cái gì ngắn ngủi đều không phù hợp với Huế. Huế có phá Tam Giang được xem như là bể lọc, nên cái gì tào tạp đều bị Huế gạt đi. Huế có biển rộng mênh mông, nên những gì hẹp hòi tầm thường đều không phải là Huế. Huế có dãy Thùy Dương cát trắng, nên những gì tối tăm bẩn thỉu đều bị Huế chối từ.

Hồn thiêng sông núi đã tạo nên cho Huế như thế đó, vậy người dân ở trên xứ sở này mà suy nghĩ cạn cợt, khí tiết tầm thường, tâm tư ích kỷ, hẹp hòi, tiếp nhận mọi thứ một cách vô thức, thiếu gạn lọc, thiếu cân nhắc, sống thiếu Từ Bi, Hỷ Xả, và Bao Dung, hành xử thiên lệch, thì làm sao không có lỗi với hồn thiêng sông núi, với tổ tiên ông bà và dòng dõi tâm linh của xứ sở

 

Trận Hồng Thủy xảy ra cho Huế vào ngày 02/11/1999 đã làm cho Huế điêu tàn không phải là không có lý do.

Nước sông Hương bốn tháng trước đó bỗng nhiên đổi màu, từ màu trong xanh chuyển sang trong đục, điều đó đã báo hiệu điềm không lành đến với Huế.

Đại nạn thật sự đã đến với Huế vào ngày 24/9/ Kỷ Mão, tức ngày 01/11/1999 mưa đã giận dữ xối xả đổ lên đầu Huế, ngày 02/11/1999 nước lũ đã hành xử từ cuồng loạn đến tàn bạo đối với Huế và đưa Huế chìm sâu vào trong biển nước đục ngầu, khiến hơn bốn trăm người con dân của Huế bị chết và bị mất tích, hàng ngàn ngôi nhà bị sụp đổ và cuốn trôi, hàng trăm ngàn gia đình bị đói khát, Huế đã bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Núi Hải Vân và núi Phước Tượng đều bị sạt lở. Huế bỗng chốc rơi vào địa ngục Hàn Băng (lạnh buốt), địa ngục Hắc Ám (tối tăm không có đèn đuốc), địa ngục Cơ Khát ( đói và khát), địa ngục Nê Lê (bùn lầy), địa ngục Xú Uế (hôi thối), địa ngục Tật Dịch ( bệnh tật truyền nhiễm)…trải qua những ngày đêm kinh dị. Huế sống trong tình trạng không có chính quyền, người dân tự cứu lấy nhau và có những gia đình thật sự tuyệt vọng, nên đã cột chéo áo vào nhau cùng trôi theo nước lũ, hoặc có người tự cột mình lại ở trong nhà để chờ nước ngập chết, xác khỏi bị cuốn trôi…

 

Trận Đại hồng thủy xảy ra cho Huế, có nhiều người bảo: “Trời đất ác nghiệt đối với Huế!”, lại có người bảo: “Trời đất phạt dân Huế!”. Nhưng theo tôi nghĩ: Trời đất nào có ghét ai, Trời đất thương dân Huế, nhưng liệu dân Huế có thấy được cái đẹp, cái quý của Huế để thương không? Người Huế không thương Huế, mà chỉ thương lấy bản thân mình, thì Huế làm sao thoát khỏi đại nạn! Người Huế không lo cho dân Huế mà chỉ sử dụng Huế cho tư ý của mình, thì Huế sao có thể ngẩng đầu lên để nhìn trời cao, hoặc cúi xuống để nhìn sông sâu, và làm sao Huế có thể nhìn về phía sau để đi tới và nhìn về phía trước để thăng hoa và nhìn xung quanh để sánh cùng bè bạn.

Huế chưa có một đền thờ nào để thờ Huyền Trân Công Chúa, chưa có một trường học nào mang tên của vị Công Chúa này, thì làm sao Huế có thể đứng vững chãi được trong đạo lý: “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ chồng cây!” và Huế làm sao có thẻ hun đúc được khí tiết: “ Vì người quên mình, vì Nước quên thân”, để tạo ra chất liệu đặc thù của Huế.

Bởi vậy, trận Đại Hồng Thủy vừa qua đã nói gì với nhân dân và chính quyền Huế, đã nói gì với chính quyền và nhân dân Việt Nam và đồng thời cũng đã nói gì với thế giới con người, chắc chắn là điều mà tất cả chúng ta phải chiêm nghiệm để thấy rõ.

Nếu tâm hồn của chúng ta không ích kỷ, không đem cái chung để phục vụ cái riêng, biết đưa đời sống cá thể hòa nhập với đời sống đại thể, biết yêu núi rừng, yêu dòng sông, yêu cây cỏ, yêu thương biển cả, trân trọng trái đất, quý mến mặt trăng và mặt trời, biết thương yêu đồng loại, biết thức ăn chính yếu của chúng ta là không khí và hơi thở, biết rõ mọi hiện trạng khổ đau và hạnh phúc đều có gốc rễ từ tâm hồn và sự hiểu biết của chúng ta, thì làm gì mà chúng ta bị tai nạn, tai nạn đã không có, thì đại nạn dựa vào đâu để phát sinh?

Vậy, đại nạn đã phát sinh, thì con người phải nhận lấy hậu quả của nó mà không nên đổ thừa cho bất cứ ai và bất cứ cái gì. Con người phải gánh chịu những gì mà chính họ đã tạo ra.

Nếu người nào khép kín tâm hồn của mình lại, thì người đó sẽ là người bị nghèo nàn vĩnh viễn. Xứ sở nào khép kín tâm hồn của xứ sở ấy lại, thì xứ sở ấy bị đắm chìm trong sự nghèo đói lạc hậu về mọi mặt.

Chúng ta hãy mở cửa tâm hồn của chúng ta bằng tất cả sự hiểu biết và thương yêu, thì trái tim của chúng ta không còn đập theo những nhịp đập đơn điệu, nghi ngờ và sợ hãi. Chúng ta hãy cùng nhau mở rộng trái tim của Huế, để trái tim của Huế trở thành trái tim của cả dân tộc và thế giới loài người đều hiểu biết và thương yêu Huế, vì nơi đây đã có một người con gái Việt Nam sống cuộc đời: “ Vì Hiếu quên thân, vì Nước quên mình, và vì người xả kỷ”.

 

Đời sống của người con gái ấy đã tạo thành một trong những nét đẹp của Huế và đã góp phần tạo nên hồn thiêng sông núi Việt Nam.

Trận đại hồng thủy vào ngày 02/11/1999 vừa qua đã mở ra cho Huế nhiều cửa biển như cửa biển Hải Dương, Hòa Duân, Mỹ Á, Đông Dương, Hiền An…

Nhưng, hiện nay, chỉ còn lại bốn cửa biển Hải Dương, Thuận An, Hòa Duân, Hiền An. Và sau cuộc tức nước vỡ bờ Huế đã có cơ hội nhìn lại bản thân mình và đã có điều kiện để tiếp xúc với thế giới bên ngoài, không phải một cửa, hai cửa mà có rất nhiều cửa. Huế có khả năng hội nhập với Bốn Bể Năm Châu, và Năm Châu Bốn Bể đều có trách nhiệm với Huế ngàn đời vẫn hiện hữu với tình yêu ấy

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle