Tốt và
xấu là những tiêu chí để đánh giá đạo đức. Thông thường, một người tốt được nghĩ là một
người có đạo đức, và ngược lại. Cũng như vậy, những hành vi
được xem là tốt khi hành vi ấy tuân theo
những nguyên tắc đạo đức nào đó; và ngược lại, những hành vi được coi là xấu khi
chúng chệch ra khỏi những nguyên tắc đạo đức. Tuy nhiên, tốt và xấu có phạm vi ý
nghĩa khá rộng, và sự đánh giá tốt xấu về một người, một hành vi, còn tùy thuộc
vào quan niệm xã hội, những quy định, quy ước và cả cách nhìn của mỗi cá nhân.
Một người, lối sống và
hành vi của vị ấy, có khi đối với cộng đồng xã hội này, với cách nhìn của người
này là tốt, nhưng đối với cộng đồng khác, cách nhìn của người khác, có thể là
xấu. Và một hành vi, có thể ở thời điểm này là tốt, nhưng ở một thời điểm khác
chưa hẳn được xem là tốt. Tốt và xấu, như vậy là quy ước, tương đối, và tùy
thuộc vào cách nhìn, quan niệm, thái độ… Hẳn nhiên cũng có một số hành vi được xác định là tốt hay xấu có tính chất phổ quát hơn,
chẳng hạn như trộm cắp, nói dối hay giết người… Tuy nhiên, trộm cắp, nói dối hay
giết người đôi khi cũng được biện minh, xem như là một hành vi
cần thiết trong những tình huống cần thiết! Nói cách khác, những hành
vi này đôi khi vẫn không bị xem là phi đạo đức!
Trong Phật giáo, có hai thuật ngữ có nghĩa gần với hai khái niệm
tốt và xấu, đó là kusala
và akusala.
Hai thuật ngữ này thường được chuyển dịch sang tiếng Việt là thiện và bất thiện;
và thường được dịch sang tiếng Anh là "good" và "bad", hay "skilful" và "unskilful".
Trong kinh tạng Pāli, có hai thuật ngữ khác cũng có nghĩa là thiện và bất thiện,
đó là pāpa và puñña. Nhưng hai thuật ngữ pāpa và puññacũng được sử dụng
trong Ấn giáo, và thường đề cập đến việc tạo nghiệp lành (pāpa kamma) hay nghiệp
ác (puñña kamma) trong việc liên hệ đến tái sanh.
Pāpa kamma thường được hiểu là một hành động xấu ác đưa đến khổ đau và tái
sanh vào các ác thú (cảnh giới khổ đau), trong khi puñña kamma là việc
làm thiện, đưa đến sự tái sanh về thiên giới (được xem là cảnh giới có nhiều vui
thú).
Nhưng thế nào là thiện và
thế nào là bất thiện theo
quan điểm Phật giáo. Thiện, như được định nghĩa trong kinh
sách, là những suy nghĩ, lời nói và việc làm đem đến lợi ích cho mình, cho người
và cho những loài sống khác, và ngược lại là bất thiện. Trong kinh
Giáo giới La Hầu La ở rừng Ambala(Ambalatthikā Rāhulovāda sutta, Trung bộ,
kinh số 61), Đức Phật đã giảng giải về thiện và bất thiện như sau:
"Thân nghiệp này ta đang làm. Thân nghiệp này của ta đưa đến tự hại, có thể
đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai; thời thân nghiệp này là bất thiện, đưa
đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ…".
Và, "Thân nghiệp này của ta đang làm.
Thân nghiệp này của ta không đưa đưa đến tự hại, không đưa đến
hại người, không đưa đến hại cả hai; thời thân nghiệp này là thiện, đưa đến an
lạc, đem đến quả báo an lạc". Cũng tương tự như vậy đối với miệng và ý.
Qua
những gì được trình bày trong bản kinh này, ta có thể sắp xếp thiện và bất thiện
theo những tiêu chí sau:
1. Hành vi bất thiện (akusala kamma):
a) Những hành vi làm hại chính mình
b) Những hành vi làm hại kẻ khác
c) Những hành vi làm hại chính mình và kẻ khác
2. Hành vi thiện (kusala kamma):
a) Những hành vi làm lợi ích (hay không làm hại) chính mình
b) Những hành vi làm lợi ích (hay không làm hại) kẻ khác
c) Những hành vi làm lợi ích (hay không làm hại) mình và kẻ khác.
Một người khi thân, khẩu
và ý hành động, nói năng và suy nghĩ thiện thì được gọi là đang tạo ra nghiệp
thiện (kusala/ pāpa kamma); và một người khi hành động, nói năng và suy nghĩ
những điều xấu ác thì đang tạo ra nghiệp ác (akusala/ puñña kamma). Và
theo
đây, thiện và bất thiện cũng được nhìn từ kết quả của nó. Tức là hành vi thiện
thì sẽ đưa đến sự an lạc, hạnh phúc; và hành vi ác sẽ đưa đến sự đau khổ, bất
an. Nói cách khác, nếu ta có được sự an lạc, hạnh phúc, đó là do ta đã tạo ra
những nghiệp thiện, và ngược lại. Và nếu nhìn từ góc độ này, ta có thể nhận biết
là ta có đạo đức hay không trong quá khứ qua những gì mà ta đang “gặt” ở thời
điểm hiện tại. Chúng ta hãy đọc một đoạn trong kinh Trung bộ có liên hệ
đến khía cạnh này:
“Và này Punna, thế nào là nghiệp đen đưa đến quả báo đen? Ở đây, này Punna có người tạo
ra thân hành có tổn hại, tạo ra khẩu hành có tổn hại, tạo ra ý hành có tổn hại.
Sau khi tạo ra thân hành có tổn hại, khẩu hành có tổn hại, ý hành có tổn hại, vị
này được sanh vào thế giới có tổn hại.” Và, “Này Punna, thế nào là nghiệp
trắng đưa đến quả báo trắng? Ở đây, này Punna, có người làm thân hành không có tổn hại, làm khẩu
hành không có tổn hại, làm ý hành không có tổn hại. Sau
khi làm thân hành không có tổn hại, khẩu hành không có tổn hại, ý hành không có
tổn hại, vị này được sanh vào thế giới không có tổn hại” (Kinh Hạnh con chó/
Kukkuravatika sutta, kinh số 57).
Ở nơi khác, thiện và bất
thiện được căn cứ ở trên việc đoạn trừ tham-sân-si. Trong Trường bộ kinh, Đức Phật nói rằng thiện là không tham,
không sân và không si mê; và ngược lại, bất thiện là tham, sân và si mê (Xem
kinh Sangīti sutta/ Phúng tụng, số 33). Như vậy, bất cứ hành
vi nào, nếu nó được thực hiện bằng tâm không tham-sân-si thì được coi là
thiện, và ngược lại.
Trong kinh Trung bộ,
thiện và bất thiện cũng được định nghĩa tương tự: “Chư hiền, thế nào là bất
thiện, thế nào là căn bổn bất thiện, thế nào là thiện, thế nào là căn bổn thiện?
Chư hiền, sát sanh là bất thiện, lấy của không cho là bất thiện, tà hạnh trong
các dục là bất thiện, nói láo là bất thiện, nói hai lưỡi là bất thiện, ác khẩu
là bất thiện, nói phù phiếm là bất thiện, tham dục là bất thiện, sân là bất
thiện, tà kiến là bất thiện. Chư hiền, như vậy gọi là bất thiện… Và này chư hiền, thế nào là thiện? Từ bỏ sát sanh là thiện, từ bỏ
lấy của không cho là thiện, từ bỏ tà hạnh trong các dục là thiện, từ bỏ nói láo
là thiện, từ bỏ nói hai lưỡi là thiện, từ bỏ ác khẩu là thiện, từ bỏ nói phù
phiếm là thiện, không tham dục là thiện, không sân là thiện, chánh tri kiến là
thiện. Chư hiền, như vậy gọi là thiện” (kinh Chánh tri kiến/
Sammāditthi sutta, kinh số 9).
Căn cứ vào đoạn kinh trên
ta có thể xếp những nghiệp thiện và bất thiện theo
những nhóm sau: Những nghiệp bất thiện (nghiệp ác) bao gồm: a) Về thân: sát
sanh, trộm cắp, dâm dật. b) Về khẩu: nói dối, nói thêu dệt, nói lưỡi hai chiều,
nói lời hung ác. c) Về ý: tham lam, giận hờn, si mê. Những nghiệp thiện được
chia ra như sau: a) Về thân: không sát sanh, không trộm cắp, không dâm dật. b)
Về khẩu: không nói dối, không nói thêu dệt, không nói lưỡi hai chiều, không nói
lời hung ác. c) Về ý: không tham lam, không giận hờn, không si mê. Như vậy qua
bài kinh này, cũng như được giảng giải rõ ràng và chi tiết hơn ở trong kinh
Thập thiện nghiệp đạo (Taisho Tripitaka Vol. 15, No. 600), ta có mười tiêu
chí để nhận biết những gì là thiện và những gì là bất thiện.
Như vậy, bất cứ lời nói,
hành vi hay suy nghĩ nào phát xuất từ tham-sân-si đều
được coi là bất thiện, và ngược lại. Vì tam độc này được xem là gốc rễ từ đó
phát xuất những hành vi bất thiện, nên chúng được xem là nền tảng của điều xấu
ác, hay nói cách khác là nền tảng (căn bổn) của đời sống phi đạo đức: “Chư hiền,
thế nào là căn bổn bất thiện? Tham là căn bổn bất thiện, sân là căn bổn bất
thiện, si là căn bổn bất thiện. Chư hiền, như vậy gọi
là căn bổn bất thiện…. Chư hiền, thế nào là căn bổn thiện? Không tham là căn bổn
thiện, không sân là căn bổn thiện, không si là căn bổn thiện.
Chư hiền, như vậy gọi là căn bổn thiện” (Trung bộkinh, kinh Chánh tri
kiến/ Sammāditthi sutta, kinh số 9).
Tương tự như vậy, kinh
Tăng chi bộcũng xem gốc rễ (căn bản) của bất thiện là tham-sân-si: "Này các
Tỳ-kheo, có ba căn bản bất thiện. Thế nào là ba? Tham là căn bản bất thiện, sân là căn bản bất
thiện, si là căn bản bất thiện". (Tăng chi bộ, 3: 69.
Kinh Phật thuyết như vậy, chương Ba pháp, phẩm 1).
Trong kinh tạng, đôi khi
cũng đề cập một cách cụ thể hơn về những hành vi gì
được coi là thiện hay bất thiện. Những việc làm như bố thí, trì giới, tu tập (bhāvanā), nhẫn nhục…
thì được coi là thiện. Trong khi bất thiện là không
thực hiện những điều này. Nói cách khác, một người xan
tham, không tuân thủ giới luật và không tu tập… thì được coi là bất thiện.
Và, những hành vi được coi tạo nên nghiệp ác nhất (phi
đạo đức nhất) là: giết cha, giết mẹ, giết một vị A-la-hán, làm thương tổn Đức
Phật, và phá sự hòa hợp của Tăng đoàn.
Trong Phật giáo, thiện và bất thiện có liên hệ mật thiết đến những
trạng thái tâm lý. Nói cách khác, thiện hay
bất thiện không chỉ thể hiện qua việc làm bên ngoài, không chỉ liên quan đến ý
nghĩ, lời nói và hành vi, mà còn được nhìn từ những
trạng thái tâm lý. Ví dụ, sự chán nản, thất vọng, buồn phiền,…
có thể được xem là bất thiện; trong khi sự tinh tấn, hoan hỷ, an vui tự tại… lại
được xem là thiện. Tuy nhiên chúng ta cũng có thể thấy rằng, các trạng thái tâm
lý này có những ảnh hưởng nhất định đến suy nghĩ, lời nói và hành
vi. Những trạng thái tâm lý tích cực, có thể đưa đến những lời nói hay
hành vi tích cực; và ngược lại, những trạng thái tâm lý
tiêu cực, có thể đưa đến những hành vi và lời nói tiêu cực.
Duy thức học Phật giáo
(bộ môn Tâm lý học của Phật giáo Đại thừa) đã phân chia những trạng thái tâm lý
thiện và bất thiện thành hai nhóm như sau: 1. Những (trạng thái) tâm thiện bao
gồm: tín, tàm, quý, vô tham, vô sân, vô si, tinh tấn, khinh an, bất phóng dật,
hành xả, và bất hại. 2. Những (trạng thái) tâm bất thiện bao gồm: tham, sân, si,
mạn, nghi, ác kiến. Ác kiến lại chia thành năm: thân kiến, biên kiến, tà kiến,
kiến thủ, giới cấm thủ. Bên cạnh, các trạng thái tâm gây nên phiền não (tùy
phiền não) cũng được coi là nhưng trạng thái tâm bất thiện, gồm có: a) Tiểu tùy,
có 10: phẫn, hận, phú, não, tật, xan, cuồng, siễm, hại, kiêu. b) Trung tùy, có
2: vô tàm, vô quý. c) Đại tùy, có 8: trạo cử, hôn trầm, bất tín, giải đãi, phóng
dật, thất niệm, tán loạn, bất chánh tri.
Thiện, bất thiện và giải
thoát
Thiện và bất thiện không
chỉ là tác nhân đưa đến việc tái sanh vào những cảnh giới an
lành hay khổ đau, mà cũng là cơ sở của việc giải thoát hay đọa lạc.
Nếu như việc đoạn trừ tham-sân-si được coi là tiêu chí để nhận biết một người có
được sự giải thoát hay không, thì đích sau cùng của thiện là sự giải thoát.
Ta có thể tìm thấy điều này qua đoạn kinh sau:
Với Tỳ-kheo hay
Tỳ-kheo-ni nào, này các Tỳ-kheo, tham chưa đoạn tận, sân chưa đoạn tận, si chưa
đoạn tận; này các Tỳ-kheo, vị ấy được gọi là vị chưa vượt qua đại dương, với
sóng biển, với sóng ngầm, với nước xoáy, với cá mập, với các loài La-sát. Này
các Tỳ-kheo, với Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni nào, tham đã đoạn tận, sân đã đoạn tận,
si đã đoạn tận; này các Tỳ-kheo, vị ấy được gọi là: "Ðã vượt qua đại dương, với
sóng biển, với sóng ngầm, với nước xoáy, với cá mập, với các loài La-sát, đã
vượt qua bờ kia, là vị Bà-la-môn đã đứng trên đất liền" (Kinh Phật thuyết như
vậy, chương Ba, phẩm II).
Và một đoạn khác:
"Bị tham ái làm say đắm,
này Bà-la-môn, bị chinh phục, tâm bị xâm chiếm, nên suy nghĩ điều hại mình, suy
nghĩ điều hại người, suy nghĩ điều hại cả hai, cảm thọ tâm khổ tâm ưu. Tham ái được đoạn trừ, thời không nghĩ đến tự hại, không nghĩ đến
hại người, không nghĩ đến hại cả hai, không cảm thọ tâm khổ tâm ưu.
Như vậy, này Bà-la-môn, Niết-bàn là thiết thực hiện tại, không
có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình
giác hiểu". Tương tự như vậy đối với sân và si (Tăng chi bộ kinh:
3.55).
Đạo đức Phật giáo (ở phạm
vi
giới luật) thường được nghĩ là phương tiện để đưa đến định và sau đó là tuệ.
Nhưng ở đây chúng ta có thể thấy, nếu hành vi
thiện được coi là hành vi có đạo đức, thì đạo đức trong ý nghĩa vắng mặt
tham-sân-si, chính nó đã là mục đích cuối cùng.
Kết luận
Từ
những thảo luận sơ lược ở trên, ta thấy thiện và bất thiện trong Phật giáo có
nghĩa rộng hơn những quy ước đạo đức ở trong xã hội như đúng và sai, tốt và xấu. Thiện không những là
những quy tắc đạo đức quy ước cần phải thực hiện, hay những điều tốt cần nên làm
để giúp người hay các loài sống khác (hay không thực hiện những hành vi làm tổn
hại con người, xã hội và các loài sống khác), mà thiện cũng còn là phương cách
tu tập và đào luyện tâm. Và nếu gốc rễ của thiện, như được đề
cập ở trên, là không tham, không sân và không si, thì thiện không những giúp
người ta hoàn thiện nhân cách và phẩm hạnh ở trong đời sống xã hội, mà còn là
con đường đưa hành giả đến sự giải thoát. Do đó, tuệ tri về thiện và bất
thiện, cũng như tuệ tri về gốc rễ của thiện và bất thiện, là điều quan trọng
trong lộ trình tu đạo, như đã được đề cập trong kinh tạng: "Chư hiền, khi Thánh
đệ tử tuệ tri được bất thiện và tuệ tri được căn bổn bất thiện, tuệ tri được
thiện và tuệ tri được căn bổn thiện, chư hiền, khi ấy Thánh đệ tử có chánh tri
kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin Pháp tuyệt đối và thành tựu diệu pháp
này" (Trung bộ kinh, kinh Chánh tri kiến/ Sammāditthi sutta, kinh số 9).
Nguyên Hiệp