Tháng Ba qua đồng
Tản văn của Hoàng Công Danh
Tháng Ba lịch nhà quê. Mùa xuân trả lại chiếc khăn yêu màu nắng cho tiết hạ
choàng vào cổ. Nỗi xúc động nghẹn ngào khiến cánh đồng không cầm được nước mắt.
Búp cỏ rưng rưng lệ sương. Chẽn lúa mím chặt môi giữ lấy lời nguyện ước hiến
dâng, nhưng chẳng thể nào cưỡng lại được nỗi nhớ khát bỏng, thế là xé toác kỳ
làm đồng để biểu thị những hạt đầu tiên.
Con đường băng ngang đồng tự dưng nhỏ như sợi dây chạc chìu buộc chặt một miền
xanh. Cỏ đượm mật cứ bóng cả lên từng cánh lá. Người bước qua chưa kịp ngoái lui
thì cỏ đã vùng dậy xoá tan dấu chân. Trong miền kỷ niệm mà tôi mang theo, có một
mùa cỏ như thế, biết trổi mình mạnh mẽ và đánh động hồn người.
Cánh đồng Bàu mùa này.
Đêm qua, trong khi những nàng sương giăng bẫy thì tôi và Sum lẻn xuống đồng Bàu
cắm mấy chiếc cần câu nhỏ. Sớm hôm sau, hai thằng băng qua cánh đồng với cái
bụng rông rỗng. Sum nói lát nữa được chừng mô cá thì đem vào cồn Mai nhen lửa
nướng ăn một bữa cho đã đời. Nhưng hôm ấy không có con cá nào cắn lưỡi cả, Sum
quay lui trách tôi: Hình như số mi không có duyên bắt cá? Thế rồi Sum ngắt cọng
lúa nhai và rủ tôi nhai theo cho đỡ đói. Sum nói ở làng sướng nhất là cái gì
cũng được hưởng trước thiên hạ, ăn ngay ngoài đồng. Chẳng hạn mùa nhổ đậu phụng
thì vừa lôi gốc lên vừa bóc ăn, mùa bới khoai thì nhổ được củ đầu tiên ngay lập
tức đem ra mương rửa qua rồi cắn trào trạo. Đến khi lúa làm đồng cũng vậy, cứ đi
thăm ruộng là ngứt vài chẹn ăn để thấm vị ngọt và mùi thơm của sữa lúa. Thực ra,
việc ngắt nhai lúa sữa còn là một kiểu nghi thức nhằm động viên cánh đồng cho
hạt chắc mẩy, như kiểu con gái tuổi mười lăm thèm hơi tay đàn ông để có vòm ngực
đẹp vậy! Chính nhẽ đó mà người quê đi thăm đồng thường lướt tay qua ngọn lá thời
lúa còn… con gái.
Tháng ba qua đồng. Một ít gió phơn nhẹ làm rung thân lúa. Đứng ngắm sẽ thấy cả
cánh đồng cuộn lăn tăn từng gợn sóng dịu dàng. Tôi ngẩn ra giữa một miền xanh và
mơ màng nghĩ đến một ngày nào đó, có người con gái sẽ về đây theo cái dắt tay
của gã nhà quê. Lại cùng nhau bước ra đồng, chân không mang dép cho cỏ được nhận
tin yêu. Rồi gã nhà quê ấy sẽ ngắt một bông cúc dại màu vàng tặng người thương
thay lời đính ước. Lối đi bữa ấy cỏ cú tràn lên ôm lấy chân. Gã cúi xuống hái
một nhúm cỏ cú nói với người thương: “Cỏ này ở quê mình nhai đắp vào vết
thương để cầm máu. Nếu một ngày nào đó em lấy người khác, thì anh sẽ về nhai cỏ
cú và nuốt”. Người thương ngớ mắt ra khó hiểu: “Để làm gì vậy anh?”. “Để
cầm máu cho vết thương lòng!”
Tôi vẫn mang theo giấc mơ của mình từ độ ấy đến giờ. Cá không cắn câu, đúng như
Sum đã nguyền rủa tôi. Người thương cổ tích đã chìm vào cổ tích. Cỏ cú quê nhà
càng xanh thẫm một màu nuối tiếc. Bữa tôi về tháng ba, may mà lúa còn hương sữa
để tâm hồn không rông rỗng xót xa…