Khi
tôi mở tự điển ra và tra chữ "liên hệ, liên kết" (connected) thì tôi thấy có
những chữ đồng nghĩa với nó như là "giới hạn," "buộc lại," và "dính mắc." Tôi nhớ lần chót mình được học thì đó là
những yếu tố không được tốt lành lắm trong đạo Phật. Vậy thì tại sao ngày nay chúng ta lại
nghe nhắc đến rất nhiều về vấn đề "tương quan liên hệ" (interconnected) này?
Câu trả lời thường được đưa ra là vì đó cũng chính là lý duyên khởi,
dependent origination. Nhưng thật sự có phải vậy không?
Có những lúc tôi lại nghĩ rằng, khi chúng ta dùng từ ngữ này, interconnected, là ta đã vội đi nắm bắt
vào một khái niệm dễ tìm thấy trong truyền thống Tây phương, nhưng nó không hề
nói lên được cái sắc thái giáo pháp của đức Phật.
Theo những lời chú giải trong kinh thì loại khái niệm này còn được gọi
là "kẻ thù gần." Khi một định nghĩa mà rõ rệt là không
chính xác thì nó được gọi là một "kẻ thù xa".
Gọi là kẻ thù vì nó ngăn trở không cho ta thấy và hiểu đúng sự thật.
Còn kẻ thù gần thì hơi nguy hại hơn, vì nó dường như là một định nghĩa rất hợp
lý – và hấp dẫn nữa – nhưng nó sẽ đưa ta về một hướng lầm lạc.
Tôi quan tâm về chữ "tương quan liên hệ", interconnected, là vì nó gợi lên một hình ảnh về sự liên kết giữa
hai hay nhiều vật với nhau. Nó
thường được sử dụng như một hình dung từ diễn tả cái phẩm chất của một danh từ. Một người, một nơi chốn hay một vật có
liên kết hay nối liền với một người, một nơi chốn hay một vật nào khác.
Và khái niệm đó cũng chính là một nền tảng cơ bản của tư tưởng Tây phương, từ
những biểu tượng, logos, của các triết
gia cổ điển, cho đến Cây Sự Sống của nhà thần học Thiên chúa
giáo, cho đến thuyết từ trường hợp nhất (unified field) của các nhà vật lý hiện
đại. Chỉ trong những lãnh vực này
thôi, cũng đáng cho ta hơi nghi ngờ về những phương tiện được dùng để chuyên chở
tư tưởng của Phật giáo.
Tư tưởng Phật giáo được cắm rễ sâu xa vào một ý niệm về
tiến trình, mà trong đó sự trở thành lúc nào cũng đang tiếp tục xảy ra để
kết hợp hình thành một hiện thực.
Duyên khởi, thật ra là một trạng từ, diễn tả một tiến trình của những sự kiện
xảy ra trong cùng thời gian, hơn là sự diễn tả về một sự vật hay là phẩm chất
của nó.
Những sự kiện đều được uốn nắn bởi nhiều yếu tố và điều kiện khác nhau
vừa khi chúng mới khởi lên, và biểu hiện thành một kinh nghiệm.
Ta cũng có thể thấy rõ được điều này trong thế giới chung quanh, bằng cách quay
trở lại và nhìn vào bên trong chính mình.
Nhưng điều này hoàn toàn khác biệt với khái niệm cho rằng tất cả mọi vật,
mọi việc đều có một sự liên kết mật thiết với nhau.
Nếu như ta quán chiếu sâu sắc, khi nhìn vào sự sinh khởi của một hiện tượng, ta
sẽ thấy rằng nó không hề cấu tạo nên một cái gì liên kết với bất cứ một cái gì
khác. Thiền quán giúp ta tiếp xúc
được với một dòng kinh nghiệm, mà ngay bờ mé ấy, thế giới và con người của ta
đang được khởi sinh.
Đức Phật mời chúng ta đến, để quan sát và thấy rằng, tiến trình ấy đang
được uốn nắn và bị ảnh hưởng bởi những điều kiện khác nhau, có mặt ngay trong
lúc ấy. Ngôn ngữ trong kinh diễn tả
nó như thế này, "vì cái này có nên cái kia có, cái này không
nên cái kia không; cái này sinh nên cái kia sinh, cái này diệt nên cái kia diệt." Trong giáo lý duyên khởi, đức
Phật đã trình bày cho ta một cái nhìn rất sâu sắc và rõ rệt về cái tiến tình
phát triển và trở thành ấy.
Nhưng ngược lại, giáo lý về "tất cả mọi vật đều có tương quan liên kết với nhau"
- all things are interconnected – chỉ là một khái niệm được ta suy diễn
thêm và tạo dựng ra, nó tuy nghe rất hay và đẹp, nhưng cũng chỉ là một khái niệm
mà thôi.
Tôi có thể tưởng tượng ra ngài Huệ Năng, khi nghe câu này, sẽ nhờ người
viết lên tường rằng "Đâu có vật nào là thật có đâu!
Thì nói gì đến chuyện liên kết giữa chúng lại!" Tôi không phải là một học giả về văn
chương Trung hoa, nhưng tôi cũng nghĩ rằng ngay cả cái tỉ dụ rất kỳ diệu về
lưới trời Đế thích (Indra's net) ấy, cũng nên cần chuyển dịch lại thành
mạng trời Đế thích (Indra's network) thì hữu dụng và chính xác hơn.
Tinh yếu của tỉ dụ ấy là đưa lên một hình ảnh về mỗi hạt châu đều có thể phản
ảnh được hết tất cả những hạt châu khác trên mạng, chứ chúng không phải là những
gút giây trói buộc và giữ chặt tất cả những hạt châu trên mạng ấy lại với nhau. Ngày nay, chúng ta có thể dùng hình ảnh
của một mạng vô tuyến (wireless network) để trình bày cho mô hình này, và có lẽ
đã đến lúc chúng ta cũng nên dẹp bỏ đi hình ảnh của một màng lưới đánh cá ấy.
Tôi nghĩ tôi hiểu ý của người ta khi dùng khái niệm "interconnected" này.
Họ muốn nói rằng, khi mỗi hành động của mình bị pha mầu tham muốn hay ghét bỏ,
nó sẽ tạo dựng và củng cố thêm cho một nhận thức sai lầm về một cái tôi không
thật, qua sự nắm bắt và xua đuổi của mình.
Và nếu cái tôi không thật này là nguyên nhân của khổ đau, thì sự từ bỏ "cái tôi
riêng biệt" ấy chắc chắn sẽ giúp ta mở ra và thấy được một thực tại rộng lớn
hơn.
Điều ấy rất đúng, nhưng khi ta dùng thêm chữ "riêng biệt" ấy thì nó có
thể tạo nên một vấn đề.
Nó có nghĩa là cái mà ta sẽ mở rộng ra là một cái tôi không-riêng-biệt
(non-seperate self). Nhưng theo tôi nghĩ thì có lẽ đức Phật
nguyên thuỷ sẽ cho rằng chúng ta lại chỉ đi trao đổi một vấn đề này cho một vấn
đề khác lớn lao hơn mà thôi.
Sự khó khăn của tình trạng con người ở đây không phải là vì chúng ta liên hệ với
quá ít đối tượng và còn bị giới hạn, và chúng ta cần nên liên kết với nhiều đối
tượng hơn, với một cái gì rộng lớn hơn. Nhưng thật ra chính cái cơ cấu liên kết,
dính mắc ấy, tự nó chính là nguồn gốc và nguyên nhân của khổ đau.
Tất cả bất cứ mọi sự liên kết đều có giới hạn vì tự bản chất của chúng,
và thường thì ta không hề có ý thức, là bị ảnh hưởng bởi sự ham thích của mình. Chúng ta có khuynh hướng muốn liên kết
với lại những gì mình cho là hay, là đẹp, và mang lại thoả mãn cho mình, cho
người chung quanh và cuộc đời hơn.
Ta không sốt sắng lắm với những gì xấu xa, tàn ác và bệnh tật.
Màng lưới chúng ta tự dệt lên phần lớn là một phóng ảnh của tham vọng của chính
mình vào thế giới cuộc sống chung quanh, và thường khi với mục đích là để đánh
bắt được những gì mình mong muốn và ngăn chận những khổ đau.
Và đức Phật cũng không hề khuyên chúng ta nên tách rời và xa cách cuộc sống bằng
một thái độ dửng dưng và ích kỷ. Mà
còn ngược lại như thế!
Nhưng đức Phật chỉ muốn trình bày cho chúng ta thấy rõ được cái bản chất
sâu kín rất tự nhiên của chính mình.
Tôi nghĩ, có lẽ chúng ta nên tìm một chữ mới, ví dụ như là "tương quan không
liên kết" hay "tương quan không dính mắc", internonattachedess.
Chúng ta hãy cùng nhau chia sẻ thế giới này và cuộc sống này với tất cả mọi
người, mọi loài đang có mặt. Nhưng
chúng ta hãy tập hành xử như thế nào để có thể cho phép mọi vật, mọi loài khác
được sống tự nhiên với tự tánh của chính nó hơn. Và chỉ chừng đó ta mới có thể tìm thấy
được một sự gần gũi chân thật.
Thật ra, không có một tự tánh liên kết nào giữa các hiện tượng trong lý duyên
khởi hết. Chúng chỉ cùng khởi lên một lượt với nhau
trong một kinh nghiệm. Câu hỏi được đặt ra là chúng ta phải nên
hành xử như thế nào đây! Chúng ta
càng interconnected bao nhiêu, thì ta lại càng
bị vướng víu và dính mắc vào trong cái mạng lưới của những hiện tượng còn điều
kiện này bấy nhiêu. Tôi nghĩ đức
Phật đã chỉ cho chúng ta một lối thoát ra khỏi tình trạng rối rắm này rồi. Nhưng chắc chắn là không phải bằng cách
liên kết sâu xa thêm hơn nữa. Mà làm sao để ta bớt liên kết hơn, bớt
vướng víu hơn và bớt dính mắc hơn.
Andrew Olendzki
Nguyễn Duy Nhiên dịch