Hoài Phong
Văn hóa nghệ thuật là một
thành tố quan trọng cấu thành nên văn hóa. Theo cách hiểu ngày nay, văn hóa
nghệ thuật bao gồm nhiều lĩnh vực, trong đó có cả văn chương. Tuy nhiên, do hình
ảnh ngôi chùa trong văn chương Nam Bộ đã được công bố trong một bài viết cách
đây ít lâu, nên trong phần này, người viết chỉ đề cập tới hình ảnh ngôi chùa
trong một số loại hình nghệ thuật khác như mỹ thuật, điêu khắc, nghệ thuật sân
khấu và nghệ thuật điện ảnh.
Điểm nổi bật đầu
tiên trong việc thể hiện hình ảnh ngôi chùa trong hội họa Nam Bộ là hình ảnh
ngôi chùa gắn liền với cảnh sắc quê hương của
vùng đất mới. Đây là chủ đề mang tính truyền thống mà hội họa Việt Nam nói chung
và Nam Bộ nói riêng thường thể hiện. Có thể thấy mảng chủ đề này qua nhiều tác
phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau như tranh vẽ, tranh thêu, tranh cát, tranh
gốm, tranh sơn mài... Đặc biệt ở Nam Bộ, hình ảnh ngôi chùa còn được thể hiện
qua tranh kiếng - một thể loại đặc trưng của hội họa Nam Bộ. Trong các tác phẩm
thuộc thể loại này, hình ảnh ngôi chùa cũng được phản ảnh như là một bộ phận tạo
nên điểm nhấn quan trọng cho tổng thể một tác phẩm hội họa. Điều đó dễ hiểu, bởi
vì ngôi chùa là cơ sở tôn giáo, là không gian văn hóa, là một biểu tượng tâm
linh gắn với các giá trị văn hóa cộng đồng, do đó, việc phản ánh ngôi chùa vào
trong các tác phẩm hội họa Nam Bộ không chỉ khiến cho cảnh sắc quê hương Nam Bộ
vốn đa sắc màu càng trở nên có hồn hơn mà còn khiến cho tác phẩm phản ánh trọn
vẹn hơn cảm quan của người nghệ sĩ đối với cuộc sống, con người Nam Bộ.
Bên cạnh hình ảnh
những ngôi chùa gắn với cảnh sắc quê hương, một số tác phẩm hội họa Nam Bộ còn
cho thấy hình ảnh ngôi chùa còn gắn với những vùng đất, những nơi hoang vu, tịch tĩnh.
Có thể thấy các tác phẩm này nơi một số các ngôi chùa ở Nam Bộ như: Chùa Viên
Âm, Chùa Bửu Lộc (Đồng Nai), Chùa Long Hoa (Bà Rịa Vũng Tàu)... Đó là những
không gian gắn liền với dốc núi, ngọn đồi, những con sông, khe suối ít người qua
lại. Trong các bức tranh đó, sự ồn ào náo nhiệt của cuộc sống xã hội bên ngoài
hoàn toàn vắng bặt. Chỉ có núi rừng, tiếng chim kêu, tiếng sóng vỗ... và tâm
thức thoát tục của các nhà sư như là một thực tại hiển hiện thông qua lăng kính
tâm hồn người nghệ sĩ.
Ngoài việc gắn với
thiên nhiên, cảnh sắc quê hương, với không gian tịch tĩnh của núi rừng hoang
vắng, hình ảnh ngôi chùa còn gắn với sinh
hoạt của con người, trong đó có cả những sinh hoạt tu học của các nhà sư hay
chú tiểu ở trong chùa như trường hợp bức tranh Vui đạo
của thiền sinh Thiền viện Thường Chiếu. Trong bức tranh này, sự hồn nhiên, vui
tươi của các nhân vật được phản ánh ở một góc nhỏ của ngôi chùa khiến cho người
xem phần nào cảm nhận được đời sống tu học của những hành giả trẻ tuổi này trong
chốn thiền môn yên tĩnh. Sự tương phản một bên là hình ảnh ngôi chùa cũ kỹ,
nghèo nàn và một bên là sự hồn nhiên vui chơi của các chú tiểu trong bức tranh
càng tô đậm hơn chủ đề của tác phẩm, đó là niềm an vui, hỷ lạc của những hành
giả tu tập trong những ngôi chùa ở Nam Bộ.
Trong điêu khắc,
hình ảnh ngôi chùa cũng được thể hiện trong một
không gian thiên nhiên đẹp. Tuy không nhiều, không đa dạng nhưng sự hiện
diện của nó cũng góp phần khẳng định vị trí quan trọng của ngôi chùa trong đời
sống tinh thần của cư dân người Việt Nam Bộ. Có thể thấy những bức phù điêu này
ở các ngôi chùa khác nhau như Thiền viện Thường Chiếu (Đồng Nai), Chùa Kiều Đàm
(quận 9)... Trong những bức phù điêu này, hình ảnh ngôi chùa chỉ xuất hiện mang
tính ước lệ, đôi khi chỉ được thể hiện bằng một phần của mái ngói cong vút của
ngôi chùa như trường hợp bức phù điêu Huệ
Khả cầu đạo ở Thiền viện Thường Chiếu, công trình điêu khắc công viên tượng
đài Bồ-tát Thích Quảng Đức...
Ở một số trường hợp
khác, hình ảnh ngôi chùa còn được thể hiện trong hơi hướng của cuộc sống hiện
đại gắn với sinh hoạt đời thường của con
người. Tiêu biểu cho trường hợp này là tác phẩm Ngưỡng thiện ác của họa sĩ Võ Thị Hoàng
Anh. Điểm đặc biệt là, mặc dù được điêu khắc trên nền gỗ nhưng tác phẩm được
phối màu, tạo thành một bức tranh thể hiện nếp sinh hoạt đa dạng của con người
trong một ngôi chùa Phật giáo. Tại đây, dường như cũng có sự tương phản nào đó
giữa một bên là đời sống tôn giáo, tín ngưỡng hướng thượng của hai mẹ con người
phụ nữ và một bên là sự lợi dụng tín tâm của những người đi lễ chùa của một
thành phần xã hội nào đó để trục lợi. Có thể nói bức tranh đã phản ánh một vấn
đề hết sức bức thiết đang diễn ra trong không gian chùa Nam Bộ. Nó khiến cho
người xem suy nghĩ thật nhiều về các giá trị của xã hội, đồng thời mở ra một
chiều sâu tư duy về ranh giới mỏng manh giữa thiện – ác, tốt – xấu trong xã hội
hiện đại này.
Trong khi đó, ở một
số ngôi chùa khác như Vĩnh Nghiêm (thành phố Hồ Chí Minh), Viên Âm (Đồng Nai),
hình ảnh ngôi chùa lại được chạm nổi trên các bàn thờ nơi chánh điện hoặc trên
các bức khảm xà cừ treo tường. Tại đây, ngôi chùa không đặt riêng biệt mà được
đặt cạnh các ngôi chùa khác tiêu biểu cho kiến trúc chùa ở Trung và Bắc Bộ. Điều
đó cho thấy, hình ảnh ngôi chùa trong điêu khắc ở những trường hợp này không chỉ
được xem là một phần của bức tranh thiên nhiên đẹp thường thấy nữa mà hơn hết,
nó biểu hiện cho các giá trị kiến trúc, giá trị
văn hóa đặc trưng của vùng miền. Không phải ngẫu nhiên mà người ta lại chạm
nổi hình ảnh Chùa Một Cột để tượng trưng cho chùa chiền Bắc Bộ và cũng không
phải ngẫu nhiên mà người ta lại chạm nổi hình ngôi chùa Thiên Mụ để tượng trưng
cho chùa chiến xứ Huế, rộng hơn là Trung Bộ. Đó là các ngôi chùa gắn với đời
sống tôn giáo, tín ngưỡng của cộng đồng, là biểu trưng của Phật giáo vùng Trung
Bộ và Bắc Bộ. Trong tương quan đó, ngôi chùa Nam Bộ cũng mang ý nghĩa đại diện
cho các giá trị văn hóa Phật giáo vùng như thế.
Ở Nam Bộ, nghệ thuật
sân khấu có nhiều loại, bao gồm: kịch, hát bội, nói thơ, nói truyện, hát chập,
cải lương... Trong đó, cải lương là loại hình sân khấu có sức hút mãnh liệt đối
với người dân Nam Bộ.
Ra đời vào khoảng
cuối thập niên hai mươi của thế kỷ XX, chỉ trong vòng một thời gian ngắn, loại
hình nghệ thuật này gần như chinh phục một cách trọn vẹn thị hiếu của người dân
ở đây, thậm chí còn lan nhanh qua các vùng khác trong cả nước. Số lượng soạn
giả, các tác phẩm kịch bản, các đoàn hát ra đời ngày một nhiều hơn, nội dung
phản ánh thì vô cùng phong phú với nhiều khuynh hướng nghệ thuật khác nhau như
cải lương kiếm hiệp La Mã, cải lương Phật giáo, cải lương kiếm hiệp kỳ tình, cải
lương lãng mạn... Trong đó, cải lương Phật giáo là một trong ba khuynh hướng nổi
bật nhất của sân khấu cải lương giai đoạn đầu,
với nhiều vở diễn nổi tiếng lúc bấy giờ như
Đức Phật nhập Niết-bàn, Quán Âm Bồ-tát, Tam Tạng thỉnh kinh, Quả báo kỳ duyên...
Là một bộ phận và là
bộ phận đặc biệt của Phật giáo gắn liền với sinh hoạt cộng đồng, ngôi chùa nhanh
chóng trở thành đối tượng phản ánh của sân khấu cải lương trong những năm đầu
tiên và trở thành hình ảnh quen thuộc trong đời sống sinh hoạt của loại hình
nghệ thuật này.
Trước hết là hình
ảnh ngôi chùa như là một không gian tâm linh trong vở diễn nổi tiếng gắn liền với tên tuổi
của các nghệ sĩ tài danh như Út Trà Ôn, Út Bạch Lan: Trăng rụng sau chùa. Nội dung vở cải lương này xoay quanh cuộc tình
ngang trái của hai nhân vật chính là Thiệu Linh và Vân Sương. Đó là một mối tình
đẹp, trong trắng đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ định mệnh giữa Vân Sương và
Hòa thượng Kỳ Sơn – trụ trì ngôi chùa vô danh đã biến cuộc tình ấy
thành một tấn bi kịch đầy nước mắt. Thông qua cuộc gặp gỡ và kỷ vật mang trên
mình, Hòa thượng bất ngờ nhận ra Vân Sương chính là đứa con gái hơn hai mươi năm
xa cách của mình; đồng thời ông cũng cho biết Thiệu Linh – người yêu của Vân
Sương chính là anh ruột của cô.
Không vượt qua được
những khổ đau do sự thật này mang đến, Vân Sương đã nhảy suống giếng chùa tự vẫn
trước sự khổ đau tột độ của mọi người. Tuy nhiên, với trí tuệ sáng suốt của một
người suốt hơn hai mươi năm nương náu chốn thiền môn, bằng một buổi pháp thoại
ngắn về luật nhân quả, Hòa thượng Kỳ Sơn đã tháo gỡ những oan khiên, nghiệp
chướng, giúp cho mọi người vượt qua những khổ đau, hệ lụy và tiếp tục sống một
cuộc đời an vui, hạnh phúc trước sự mất mát đau thương bởi cái chết của Vân
Sương.
Vở cải lương mở đầu
bằng hình ảnh của một ngôi chùa và cũng khép lại trong phối cảnh ngôi chùa ấy.
Đó là nơi chứng kiến mối tình đẹp đẽ của đôi trai gái yêu nhau, mặc dù gia đình
họ không chấp nhận; là nơi che chở, thăng hoa đời sống Hòa thượng Kỳ Sơn trên
hai mươi năm dài; là nơi cha gặp lại con, vợ gặp lại chồng và cuối cùng ngôi
chùa là nơi bộc lộ sự thật về cuộc đời của một gia đình, nơi an ủi những tâm hồn
đang quặn đau trước sự mất mát của người thân yêu.
Tiếp theo đó là hình
ảnh ngôi chùa như là kết tinh của những giá trị văn hóa cộng đồng. Tiêu biểu cho khuynh
hướng này là các vở
Máu nhuộm sân chùa, Đêm lạnh chùa hoang...
Đêm lạnh chùa hoang của tác giả
Yên Lang là một vở cải lương thuộc khuynh hướng kiếm hiệp trữ tình lãng mạn. Nó
lấy bối cảnh của cuộc chiến tranh khốc
liệt giữa hai dân tộc Mông Cổ và Trung Hoa làm nền cho vở diễn. Trong cuộc chiến
khốc liệt này, Tần Lĩnh Sơn – một kẻ giang hồ lang bạt mang trong mình trái tim
nhiệt huyết của tuổi trẻ yêu quê hương đất nước Trung Hoa đã vô tình đem lòng
yêu thương Hồ Bảo Xuyên – một người con gái trực tiếp đem quân sang xâm lược quê
hương xứ sở của mình. Khi hiểu ra sự thật, cả hai bị đặt vào một tình thế hết
sức khó xử: hoặc là vì Tổ quốc thiêng liêng, hoặc vì tình yêu đôi lứa. Trước sự
lựa chọn khắt khe này, Hồ Bảo Xuyên đã gạt qua sứ mệnh thiêng liêng của Tổ quốc
là phải lấy cho được bức mật đồ đem về Mông Cổ để đổi lấy cái chết đẹp đẽ cho
tình yêu.
Có một điểm đáng nói là, ở đây, cái chết của quận chúa Bảo Xuyên được
đặt trong bối cảnh của một ngôi chùa hoang sơ, cô quạnh ở đất Trung Hoa – kết
quả tất yếu của cuộc chiến tranh tàn khốc giữa hai dân tộc. Tuy nhiên, từ phương
diện phối cảnh sân khấu cho thấy, ngôi chùa trong vở cải lương Đêm lạnh chùa
hoang lại mang dáng vẻ của một ngôi chùa người Việt, và trong trường hợp này
có thể hiểu đó là ngôi chùa người Việt Nam Bộ. Có hai lý do có thể đi đến kết
luận như thế về hình ảnh ngôi chùa trong vở diễn này. Thứ nhất, vở cải lương này
ra đời và diễn ở Nam Bộ, do đó hình ảnh ngôi chùa phải được phối cảnh phù hợp
với tâm thức, thẩm mỹ của người Nam Bộ. Thứ hai, phản ánh chiến tranh bằng hình
ảnh ngôi chùa hoang sơ, tiêu điều là bút pháp thường xuất hiện qua nghệ thuật
văn chương Nam Bộ.
Một điểm nổi bật khác là hình ảnh ngôi chùa gắn với đời sống tôn
giáo, tín ngưỡng nhưng có phần tiêu cực trong đời sống cộng đồng. Tiêu biểu
cho khuynh hướng này là các vở Đẹp duyên chùa tháp, Quả báo kỳ duyên,
Áo cưới trước cổng chùa...
Không góp phần phản ánh chiến tranh như hình ảnh ngôi chùa trong Đêm
lạnh chùa hoang, hình ảnh ngôi chùa trong vở diễn Áo cước trước cổng chùa
của soạn giả Kiên Giang thực sự là một ngôi chùa tôn nghiêm với rất nhiều sinh
khí của một cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. Tuy nhiên, có một điểm dường như xuất
phát từ định kiến sai lầm của một bộ phận người nào đó trong xã hội khi xem ngôi
chùa ở đây không phải là nơi hun đúc đạo đức, tâm linh mà chỉ là nơi gá thân,
nương nhờ của những người chán đời hay thất bại trong tình yêu đôi lứa. Ý nghĩa
này không chỉ xuất hiện trong vở diễn
Áo cưới trước cổng chùa mà còn có thể tìm thấy ở một số vở diễn khác như
Lan và Điệp, Nửa đời hương phấn….
Gần đây, hình ảnh
ngôi chùa như là chốn trở về của đời sống
tín ngưỡng, tâm linh mới thực sự được định hình với hàng loạt vở diễn như Nỗi niềm hối hận của tác giả Lâm Hữu Tặng
và Xuân Phúc, Khai sáng đạo mầu của tác giả Thích Minh Giới,
Cán cân nhuộm máu
của Lê Quang Nậm... Có lẽ, sự xuất hiện hình ảnh ngôi chùa trong các vở diễn này
xuất phát từ nhu cầu thực tế của khán giả Nam Bộ, nhưng cũng có thể nó xuất phát
từ hoạt động truyền bá Phật pháp của các nhà sư hoặc các tín đồ hữu tâm với nhà
Phật. Cho dù xuất phát từ trường hợp nào, việc đưa hình ảnh ngôi chùa vào trong
nghệ thuật sân khấu cải lương cũng mang thông điệp nào đó nhằm xây dựng cuộc
sống tốt đẹp hơn cho cộng đồng, theo quan điểm nhà Phật. Chính vì vậy, ngôi chùa
trong những trường hợp này không còn bị nhận thức là nơi lánh đời, tiêu cực nữa
mà trở thành không gian tâm linh hướng thượng, giúp con người thanh tẩy ô uế của
trần tục, sống cuộc đời hạnh phúc hoặc ít nhất cũng là nơi hướng con người đến
cái thiện, nơi đào thải cái ác.
Trong lĩnh vực
nghệ thuật điện ảnh, ngôi chùa cũng
góp phần tạo nên một dấu ấn riêng của nó. Đặc biệt, là hình ảnh ngôi chùa với
chức năng văn hóa - xã hội sâu rộng của nó, trong đó có cả việc ngôi chùa là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng. Tiêu biểu là bộ phim
Biệt động Sài Gòn của đạo diễn Vân Long, sản xuất đầu thập niên 90 của thế
kỷ XX. Trong bộ phim này, hình ảnh ngôi chùa chỉ xuất hiện trong một phân đoạn
ngắn nhưng lại phản ánh phong phú các chức năng khác biệt của ngôi chùa, trong
đó, có cả việc nuôi giấu cán bộ cách mạng. Đây là chức năng quan trọng và nổi
bật nhất của ngôi chùa ở Nam Bộ so với ngôi chùa ở các vùng khác trong cả nước.
Thực ra, trước đó, chức năng này của ngôi chùa đã được phản ánh khá nhiều trong
các hồi ký, bút ký của các tác giả Nam Bộ. Tuy nhiên, có thể nói, trong nghệ
thuật điện ảnh, việc để cho Huyền Trang – nữ nhân vật chính của phim giả dạng
một tu sĩ ẩn náu chốn thiền môn để hoạt động cách mạng là một hình ảnh mà trước
đó chưa hề có. Việc làm này, một mặt góp phần làm phong phú hơn về hiện thực đời
sống đấu tranh của dân tộc, mặt khác cũng cho thấy vai trò mới của ngôi chùa
trong tâm thức của người dân Nam Bộ.
Trong các bộ phim
xuất hiện sau này mang chủ đề Phật giáo, hình ảnh ngôi chùa được phản ánh nhiều
và đa diện hơn. Đặc biệt là sự xuất hiện của thể loại phim ký sự Phật giáo mà
tiêu biểu nhất là bộ phim ký sự Hành trình chùa Việt của đạo diễn Điệp Văn. Bộ phim này đã thực sự
mang đến cho khán giả một cái nhìn toàn diện về ngôi chùa Việt Nam, trong đó có
ngôi chùa người Việt Nam Bộ. Ngoài việc giới thiệu lịch sử hình thành, lịch sử
truyền thừa của ngôi chùa, bộ phim còn giới thiệu đến khán giả những nét văn hóa
tiêu biểu của những ngôi chùa ở khắp nơi trên đất nước. Qua đó, khán giả có thể
cảm nhận nét đẹp, nét văn hóa đặc trưng của kiến trúc, điêu khắc cũng như các
yếu tố, hình thức thờ tự trong ngôi chùa.
Ngoài ra, người ta
còn thấy hình ảnh ngôi chùa xuất hiện như là nơi
hun đúc, đào tạo nhân tài cho Phật giáo Nam Bộ trong một số phim tài liệu về
cuộc đời các nhân vật nổi tiếng của Phật giáo như
Bác sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám (Đài truyền hình Việt Nam sản xuất),
Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu – cuộc đời và sự nghiệp (Đạo diễn Diệp
Văn). Ở thể loại phim này, ngôi chùa được xem là cái nôi che chở, hun đúc lý
tưởng sống của của họ trong sự nghiệp hoằng dương Phật pháp, cống hiến cho xã
hội.
Gần đây, nhiều ngôi
chùa còn được các kênh truyền thông chuyên đề giới thiệu như là những danh lam thắng cảnh, những di sản văn hóa của dân tộc. Tiêu biểu
nhất cho khuynh hướng này là tác phẩm Những ngôi chùa cổ Sài Gòn của Phật Âm.
Mặc dù có nhan đề là Những ngôi chùa cổ Sài Gòn, nhưng thực chất tác phẩm giới thiệu
nhiều ngôi chùa khác nhau ở đất Sài Gòn như chùa Giác Lâm, chùa Giác Viên và cả
những ngôi chùa xây dựng vào thế kỷ XX nhưng nổi tiếng ở Sài Gòn như chùa Vĩnh
Nghiêm... Điều đó cho thấy, ngôi chùa ngày càng có khả năng đi vào đời sống của
người dân Nam Bộ một cách sâu rộng hơn.
Như vậy, từ việc gắn
bó với đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân Nam Bộ thông qua dấu ấn để lại
trong các loại hình nghệ thuật, ngôi chùa trở thành yếu tố văn hóa gần gũi, gắn
bó và có khả năng tác động vào toàn bộ đời sống vật chất, tinh thần của người
dân Nam Bộ. Sự gắn bó, gần gũi đó đã góp phần đưa ngôi chùa trở thành biểu tượng
đạo đức, tâm linh, biểu tượng văn hóa của cộng đồng.
chùa vĩnh nghiêm, Tp
hcm